26 tháng 8, 2015

Cội rễ


                                                                           Chử Anh Đào

            Thời thơ ấu của người ta, trừ số ít trường hợp, phần lớn là sống với cha mẹ ông bà nơi quê nhà với những thương yêu, giáo dục, dạy dỗ và những phong tục lề thói hàng nghìn năm. Đây là khoảng thời gian hình thành nhân cách, tư cách, cá tính, thói quen bền vững nhất. Lớn lên, đi học, làm ăn, công tác, người Hà Giang lấy vợ tận Cà Mau, kết hôn sinh sống xứ người Úc, Pháp, Mĩ, Hà Lan... mấy nghìn vạn dăm; thành đạt, làm quan chức không thiếu thứ gì nhưng những thói quen, sở thích buổi bình minh nơi chôn nhau cắt rốn thì dù tự giác hay tự phát cũng khó lòng mà bỏ được.
            Tập kí sự lịch sử "Hoàng- Lê nhất thống chí" của nhóm Ngô gia văn phái ghi lại: Bắc bình vương Nguyễn Huệ ra Bắc hà phò Lê phạt Trịnh với tướng mạo oai phong lẫm liệt, không ai dám nhìn thẳng vào mặt. Nhưng vị tướng trăm trận trăm thắng lẫy lừng này khi được vua Lê Hiển Tông mời vào điện Hiển Thọ đã để lộ một cử chỉ quê mùa: Vua ân cần mời mãi, Bình (Nguyễn Huệ) mới khép nép ngồi xuống góc sập, hai chân buông thõng xuống đất. Khi nhà vua có ý định gả công chúa Ngọc Hân cho, Bình cười to và nói ngay: Ta vâng mệnh đại huynh (Nguyễn Nhạc) ra đây dẹp giặc, giờ lại cưới vợ, về trong ấy bọn trẻ nó cười cho. Tuy nhiên ta mới biết con gái Nam hà, lần này thử một chuyến xem con gái Bắc hà có tốt không? Đây là khẩu khí của một anh nông dân, không thể dùng vào ngoại giao. (Những người làm sử viết ra nhằm mục đích coi thường: Bắc bình vương Nguyễn Huệ chẳng qua chỉ là một anh nông dân . Nhưng tính khách quan của hình tượng mang lại sự ngợi ca theo quan điểm nhân dân: Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải.)
           Trong đời thường, có thể dẫn ra nhiều trường hợp như thế.
          N.Đ, ông giáo viên làm thơ. Còn nhớ có lần đi mua hàng, ông ta lựa chọn rất kĩ, săm soi lật, lựa, chọn tới mức người bán hàng sốt ruột. Không những thế, chán chê, ông thản nhiên sang hàng bên cạnh mua thứ mà bên này cũng có. Tôi ngạc nhiên. Ông ghé vào tai tôi: "Cái ấy ở bên này rẻ hơn một giá. Ông thông cảm. Tôi là dân Nghệ mà lại."
            Một ông đường đường là chủ nhiệm khoa một trường bậc đại học. Nhà cao cửa rộng, phương tiện sinh hoạt tối tân, hiện đại, trang bị cá nhân toàn hàng hiệu. Nhưng ra đường hễ thấy sợi dây thun, cái đinh ốc, bù loong, mảnh xốp, túi nilon...là lượm ngay, quyết không cho chúng nó thoát. Vì theo ông: Sẽ có lúc cần đến chúng. Đúng là cái đuôi của nghìn năm khốn khó, đói nghèo trong rơm rạ.
            Một bà cụ già gốc Nam bộ nhưng ra PLei Ku từ những năm năm mươi thế kỉ trước. Con đàn cháu đống nhưng đi làm ăn và sinh sống ở xa. Đứa Đà Nẵng, đứa Sài Gòn, Hà Nội, đứa Phần Lan...Chúng xây nhà cho Cụ ở PLei Ku với nội thất hiện đại. Toalet có bình nóng lạnh, bể tắm, bồn cầu Ý. Mặc! Quanh năm, bất kể mưa nắng đêm ngày, Cụ vẫn thủy chung với cái nhà cầu cuối vườn- cái nhà cầu miệt vườn miền Tây không mái che, thưng sơ sài xung quanh bằng miếng tôn cao khoảng hai gang tay trơ gan cùng tuế nguyệt dọc các dòng kinh xáng hay hầm cá mỗi nhà.
            Một ông sếp cỡ bự, thường xuyên tiếp khách ở những nhà hàng sang trọng. Nhưng không có ngoại lệ, cao lương mĩ vị, của ngon vật lạ gì cũng mặc. Dứt khoát phải một chén ớt trái (ớt hiểm càng tốt), một chén mắm ruốc và một đĩa vả, sung mặc định. May mà các nhà hàng quen đã biết ý ông nên hễ nhìn thấy ông là y chang các thức ấy được đưa lên trước tiên. Tôi còn chứng kiến hai lần ông để nguyên comple trèo lên cây vả quả sai trĩu trịt ở nhà hàng T.Đ.X và T.T.
            Một ông vào PK năm hai mươi tuổi. Giờ đã ngấp nghé lục tuần. Con cháu đã đặc giọng phố núi. Còn ông, ngoài "hương âm vô cải", dứt khoát không pha trộn, đổi thay mà còn một say mê khác. Ông lập một góc bếp riêng gồm đủ thứ: tương, cà ghém, trám, măng nứa, mẻ, riềng, mắm tôm, măng ngâm ớt, mơ, sấu, tai chua, cá thính...Bữa ăn nhà ông là dân ca ba miền, đủ các thang âm điệu thức: chua, cay, mặn, ngọt, đắng, bùi...Một lần con ông thắc mắc: Có gì ngon lành trong miếng cà ghém mặn tới mức muối phải gọi bằng cụ mà bố háo hức thế? Ông bảo: Hồn vía cố hương đấy con ạ. Rồi ngâm ngợi: Đành rằng canh cải nấu gừng/ Không ăn thì chớ xin đừng mỉa mai...
                                                                                                            C.A.Đ

                                                                                                       PK26.8.15


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới