(Đọc "Dặm ngàn hương cốm Mẹ" của
Nguyễn Tham Thiện Kế; NXB. Phụ nữ; H.2011)
Chử
Anh Đào
Tôi được tác giả
đưa cho cuốn sách này mà không có chữ kí và lời đề tặng trong một buổi sáng
hanh hao nắng bên sông Hồng mùa nước nổi mênh mang bờ bên phía giáp sông Đà một
đường kẻ chỉ xa mờ và muôn trùng con sóng ộp oạp như vỗ lên những mái ngói mốc
thếch của thành phố Việt Trì. Tôi dẹp ngay một giây phật lòng vừa lóe lên. Kệ!
Miễn là có sách, được đọc mà không mất tiền mua. Lại chợt liên tưởng tới các
nghệ nhân tạc tượng mồ Tây Nguyên. Họ chỉ sung sướng thăng hoa trong quá trình
sáng tạo... Còn cái sự chân tình pha
chút khủng khỉnh của bạn văn trong lần sơ giao cũng chẳng lấy làm lòng.
Chưa đi hết bối
rối thì cái li rượu nhỏ bằng pha lê có chân phía bên kia bàn đã reo lên một
tiếng "keng" với li của tôi. Cái li bên trong những ngón tay búp măng
trắng muốt dài và đẹp như lời một bài hát của Trịnh, như của một nghệ sĩ pianô.
Và cái cách nâng li rượu thật quí phái, sang trọng mà sau khi đọc xong cuốn
sách của Ông tôi mới hiểu phần nào.
Trước hết, tôi hả
hê sung sướng vì ngay từ trang đầu tiên cho đến khi khép lại tác phẩm, tác giả
xưng "Tôi" viết hoa để trần thuật và giải bày cảm xúc. Phá lệ chính
tả để làm một chữ "Tôi" viết hoa giữa thanh thiên bạch nhật. Điều này
như hành động của một anh hùng. Nó là một minh triết. Nói quá vì tư tình ư? Thì
hãy nhìn vào lịch sử nhân loại mà xem. Hành trình mất mươi nghìn năm con người
đi lên cũng bởi những cái Tôi cá nhân xuất sắc không trộn lẫn, dám làm ,dám
chịu và ngạo nghễ khẳng định ta đây giữa đời sống. Mờ mờ nhân ảnh đám đông chỉ
là thói a dua phản động, kéo lùi lịch sử của những chế độ xã hội nhăm nhăm rình
rập thủ tiêu cá nhân không đội trời chung với độc tài, chuyên chế. Xin nhỏ một
giọt nước mắt cho những kiếp người bản thân mình sống hẳn hoi, sờ sờ ra đấy mà
chỉ dám xưng "chúng ta",
"chúng tôi" để dễ bề tỏ ra khách quan tăng uy tín cho mình và đổ lỗi
cho người khác trong tương lai nhãn tiền.
"Dặm ngàn
hương cốm..." là tập tùy bút gồm hai mươi lăm bài viết về những cái đã
qua. Chỉ đọc tên tác phẩm ở mục lục cũng thấy điều đó: "Cọ ngàn
xưa...", "Niệm khúc...", "ngôi nhà cổ đã mất", "hoa
đào năm cũ", "Nhớ dưới mưa xuân", "chút hồi ức về miền thơ
ấu"... Nhưng những cái cũ càng này không phải nằm trong bảo tàng kí ức mà
nó đang đồng hành rực cháy, ám ảnh, thiêu đốt trước hết là tác giả và những
người đọc nó. Nó không già không chết mà mãi tươi non để con người soi mình và
sống tốt đẹp hơn. Một dẫn chứng ngẫu nhiên: "Họ không giúp được gì cho
nhau nữa, nhưng khi sống, họ đã lắng nghe nhau..Sự có mặt của nhau đã làm giàu
có thêm thế giới bình an trong họ nơi trần thế" (tr 293)
Về mặt đề tài,
trừ số ít viết về Hà Nội- thành phố có những liên hệ máu thịt với dòng họ và
bản thân tác giả, còn lại là loạt bài về nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở
vùng đất Tổ vua Hùng Phú Thọ. Với tôi, như bắt gặp những tiếng reo của các địa
danh: Bạch Hạc, Việt Trì, Thanh Sơn, Phù Ninh, Liên Hoa, Trạm Thản, Gia Thanh,
An Thái, Kim Đức ... Những cái tên như ngậm nhạc trong miệng vì đơn giản là có
tuổi thơ tôi. Nơi "Tôi lớn lên quả
trám đã bùi/ Rễ si buông cước lá sòi rưng
rưng/ Tôi chưa với tới trái bàng/
Kiễng chân chóng mặt cầu vồng lên năm" (HT) Nơi có nhà bá Thủ- chị ruột bố tôi lấy chồng ở chợ
Phú Lộc có cây đa tám cội mà mỗi lần tôi hồi bảy, tám tuổi cùng bà nội ngược
chơi lại được bá mua phở lợn mậu dịch
năm hào cho ăn; sau tiếng kẻng nghỉ trưa của Hợp tác lại thì thõm lê la bên
những dộc ruộng chằm bắt trạch về kho trám chua làm bữa.
Có những gì ở
miền quê ấy? Đó là thiên nhiên nhễ nhại một triền đồi sỏi đá Trung du trong cái
nắng xiên khoai với cây cọ lẻ đi rong bên sườn đồi. Đó là những sản vật dân dã
có lẽ cùng tuổi với Hùng vương thứ nhất. Những quả trám, những cọ, những dọc,
những khoai, những sắn, những chè, những dứa, những mít, những sung... dân dã
được gọi tên bằng những từ Việt cổ, bằng phương ngữ: nhậy cọ, ken, cóm, ruộng rộc, hom sắn, bị xổi, bị hẩu, làm hèm, cái néo, thóc cum... gắn bó nghìn đời với
các thế hệ chủ nhân của nó. Nhưng diệu kì thay, dưới ngòi bút tài hoa và cái
nhìn độc đáo của Thiện Kế, những thân thuộc, ta tưởng chừng biết rất kĩ về
chúng, chẳng có gì để nói thêm lại hiện ra tinh khôi với những chiều kích mới.
Thấm thía những câu thơ của M.Evtusenko về tội lỗi dương dương tự đắc của người
đời:"Chúng ta tưởng biết kĩ càng
sâu sắc/ Nhưng thử hỏi thực tình ta đã
biết gì đâu". Ở phương diện này, NTTKế là bậc thầy. Nhờ có Ông mà tôi-
một kẻ phàm phu mới biết ngửi thế nào là hương cốm, rượu cốm nếp cái hoa vàng,
rượu sen, trà ốc, tằm rụt, cách chọn nơi đào giếng...; lại cũng mới biết cá Anh
Vũ- một đặc sản tiến vua, một món ăn quí tộc nếu dưới một kilôgam chưa chính
danh thì phải gọi là con Buột, nhiều người nhầm loài cá này với cá Dầm xanh;
mới biết quả dọc không phải chỉ dùng nấu canh mà còn có thể rửa tay tẩy nhựa
chè. Tầm ngầm lục lại trí nhớ xem "cải sót" là gì? Những món ăn dân
dã, dưới bàn tay chế biến vô cùng tỉ mẩn, công phu theo những tính toán và những
tuân thủ nghiêm ngặt như là một nghi lễ, thành Đạo của mẹ, của bà, của chị và
của những thường dân mà kiếp sống lẫn cùng cây cỏ, vô danh từ buổi được mẹ khai
sinh oa oa tiếng khóc chào đời cho đến khi nằm xuống bỗng trở nên cao lương mĩ
vị, tỏa thơm ngào ngạt khắp không gian và tâm hồn người ẩm thực. Sâu xa hơn,
những phận sắn, phận người... dù phải trải qua thiên ma bách chiết, bị dày vò,
bị băm, bị cắt, bị chặt, bị cho vào lửa, bị nhấn xuống bùn... nhưng sau mỗi lần
như thế lại hiện ra sáng ngời những phẩm chất mới cao đẹp tiềm ẩn trong bản chất
mà sự sống phải biết ơn, cần tới.Tôi thầm nghĩ: những trang viết loại này của
tác giả xứng đáng kiêu hãnh ngẩng cao đầu bên những bậc thầy Vũ Bằng, Thạch Lam
và Nguyễn "lư đồng mắt cua". Tôi tin quan niệm đúng đắn của mình,
rằng nghệ sĩ là người nhặt một cọng cỏ lên và làm cho nó trở thành bất tử.
Trong DNHCM, những nhận xét trực tiếp của người viết hay qua miệng nhân vật
cũng mang lại cho người đọc những suy ngẫm và bài học về cuộc sống và kinh
nghiệm sống. Tỉ dụ: "Dẫu là vua cá thì cũng chẳng thoát khỏi mùi tanh".
"Cỏ cây cũng như con người, chỗ này thì là vàng, ở chỗ kia thì lại là ống
bơ gỉ". "Vạn vật cũng như con người...Chăm gì, bón gì, tưới gì cũng
không bằng thuận lẽ tự nhiên". "...thứ hương của kẻ quân tử thì chỉ
có quân tử mới cảm nhận được". "không chỉ sung sướng mới có sức lưu
giữ một số phận". Cây đã cong, dù to, dùng vào việc thẳng thì trước sau nó
cũng vẹo vọ (ý)...Những suy ngẫm này của những số phận kinh lịch từng trải cay
đắng nhiều hơn ngot ngào thốt ra từ tâm can nên không hề cao đạo, dạy bảo mà
giản dị là tỏ bày nên có sức thuyết phục lớn lao.
Ai đã làm cho
những vật vô tri vô giác như củ khoai củ sắn, quả sung, quả dọc, tàu lá chuối
tươi hơ lửa, cái cối gạo ven suối, cái mõ trâu, những chiếc lá khô, ngọn
khói... trở nên có hồn, có thân phận và cuộc sống như người? Chính là tác giả,
là người Mẹ, người u già, những người
chị, linh mục, sư già...Họ sống với quan niệm nguyên thủy và nhân văn: vạn vật
hữu linh. Chính vì vậy họ sợ vô tình xúc phạm và làm cho chúng đau. Tác giả đã
hơn một lần ngập ngừng không nỡ bước lên thảm hoa xoan trải mùa xuân trước ngõ.
Ông cũng thương nhìn sợi khói như một sinh linh. Hái hoa thiên lí, Mẹ sợ làm
đau những chiếc lá nên phải lựa thế tay.
Mẹ cũng sợ nếu thô bạo sẽ làm đau cái xe đạp cà tàng cà khổ. Ông già Đông Chắt
khấn cây mít già trong vườn trước khi nó bị đốn hạ; đau đớn, sợ hãi trước một
cánh rừng bị tàn sát bằng sự vô cảm... Họ mong muốn chúng trở nên hữu ích và
thành bạn của con người. Đúng như ước nguyện, cỏ cây hoa lá trong tác phẩm tràn
trề nhân tính. Chúng trở thành bằng hữu an ủi vỗ về con người trong một đời
khốn khó. Tất cả đã trở thành tinh hoa trong DNHCM mà một người tử tế như tôi
tự nhận đã quì xuống. Và kết tinh của mọi tinh hoa ấy là tinh hoa Mẹ. Sẽ mãi
không bao giờ quên hình tượng một người mẹ như từ nguyên mẫu trong tác phẩm nổi
tiếng của họa sĩ họ Tô bước thẳng vào cõi trần gian tăm tối. Một người mẹ lẽ ra
đài các kiêu sa, xứng đáng được hưởng hạnh phúc trong nhung lụa do cha ông lao
động cật lực mà có; hào hoa thanh lịch tới từng chi tiết nhỏ nhất trong mỗi
công việc, cứ như đụng vào bất kì thứ gì thì chúng cũng sẽ kết thành hoa thơm
trái ngọt. Mẹ là hiện thân, là tường minh của lời nhắn nhủ ông cha: giấy rách
phải giữ lấy lề. Bất kì hoàn cảnh nào, dù bình địa ba đào, nương dâu bãi bể
cũng không làm Mẹ đổi khác! Người Mẹ nghĩa tình đã bao dung, tha thứ, chịu
đựng, vượt qua mọi gian khổ, hi sinh trong cơn bĩ cực với cứu cánh tối thượng
vì chồng con và những người máu chảy ruột mềm, những người dưng chẳng phải một
giọt máu đào yêu quí. Xúc động biết bao, ngay cả khi bây giờ đứa con đã lên lão
mà vẫn da diết một ước mơ: "...con chỉ có một sở nguyện lớn lao đến vô lý,
rằng giá như bây giờ được trở lại ngày xưa. Để Mẹ lại tất bật sắm sanh lo Tết..."
Hình tượng Mẹ là ánh hào quang tỏa ngời những trang sách.
Đáng lẽ đây phải
là những dòng đầu theo nguyên tắc Thi pháp học để đóng đinh tính dõng dạc của
một khoa học đã và đang bị chính trị cưỡng bức vì những lí do ngu muội, lừa
đảo, rằng trong tác phẩm nghệ thuật, hình thức mang tính nội dung; hình thức
tác phẩm từ bố cục, kết cấu, thời gian, không gian nghệ thuật, giọng điệu, quan
niệm, cái nhìn nghệ thuật của tác giả...chính là nội dung. Cũng như trong đời
sống, ngôn ngữ của một người nào đấy sẽ khiến người ta nghĩ đến tư cách, vốn
sống, vốn văn hóa... của người đó. Nhưng người viết bài này vì đã quá mến yêu,
khâm phục mà "bước qua lời nguyền" để trở về theo lối săm soi các
"tính" truyền thống hơn nửa thế kỉ qua. Như một lời sám hối, vẫn phải
dẫn ra đây một số câu văn mà tác giả đã sáng tạo, đã phục sinh cho lời nói, đầu
thai cho ngôn ngữ nghệ thuật, dạy cho tôi những cách nhìn, cách cảm, cách
nghĩ...về lối thể hiện rưng rưng mà sâu kín trên nguyên tắc tính người với ưu
tiên trước hết là lòng nhân ái "người biết yêu người":
- "Đậu phụ mới xuống
tay, nướng than củi róc nước, thái lát mỏng nêm vào nồi loáng thoáng như tà áo
lụa nhìn xa trong sương mù" (tr 71).
- "Và mùi hương mộc
dịu, nhu mỳ chạm khẽ vào cảm giác khiến ta cay cay sống mũi y như gặp hương sữa
mẹ phai ra từ miệng con trẻ lúc cuối chiều" ( tr 79).
- "Nhìn khói lên mau
hay thưa vào giờ nấu bữa, người ta đoán được ngôi làng trước mặt giàu nghèo.
Khói niềm vui, khói sợ hãi...khói trong veo, thanh bần, san sẻ. Khói của kẻ xa
nhìn về chân trời quê tưởng ra màu khói ấm..." (tr 174).
- "Châu chấu cào cào
dẫn dụ Tôi giấc mơ bời bời mây trắng qua kẽ lá. Dế trũi nhảy, dế chọi cũng gáy
giữa cỏ gà búp trắng báo mưa. Tôi ngủ nơi lòng bà nồng cay hương trầu, vẫn giật
thột lửa vạ đuốc hun ong vàng ngụt cháy lan nửa vườn chè phủ rơm rạ dưỡng mùn.
Tôi hờ gọi ông bà nát tâm can." (tr 276).
- "Tôi có con sông thơ
giữa rừng thường xanh nơi khẩn hoang ngạt ngàn hoa dại trắng dòng trong. Bờ cát
mật viền cỏ, trái trám chua rụng điểm dấu chân nai. Thuyền bẹ hoa chuối rừng
thắm đỏ xuôi đi giấc mơ con trẻ về thủ đô Tháp Rùa, que kem ngũ sắc..." (tr 105).
Có thể dễ dàng
tìm thấy những đoạn văn như thế ở bất kì trang nào trong "Dặm ngàn hương
cốm Mẹ" của Nguyễn Tham Thiện Kế. Nó có sự trang trọng của thơ Đường lại
tíu tít, te tái Hồ Xuân Hương nhưng trước hết nó là Tác giả.
Tác phẩm ra đời
trong hoàn cảnh xã hội về mặt triết học thì đang vận động phát triển nhưng thực
tiễn còn quá nhiều ngổn ngang. Một bộ phận lớn thường xưng là "tinh hoa,
đỉnh cao trí tuệ, đạo đức, văn minh" đang suy thoái và hùng hồn chứng minh
những điều ngược lại. Cơ sở văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc tan rã từng
mảng lớn. Những chuyện đau lòng tày trời cả nghìn xưa không có thì nay hiện hữu
công nhiên làm cho những người tốt phải sợ hãi. Nhưng tôi cứ khăng khăng nghĩ
rằng cùng với những cuốn sách như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo
Ninh, "Chó Bi đời lưu lạc", "Côi cút giữa cảnh đời" của Ma
Văn Kháng... "Dặm ngàn hương cốm Mẹ" là món ăn tinh thần quí giá (hiển
nhiên rồi) và là liều thuốc hiệu quả để xã hội hoàn lương, nhất là ở phương
diện trân trọng sự sống, độ lượng, bao dung, thương mến con người.
Nâng trên tay
cuốn sách, tôi thấy ngát xanh những cánh đồng lúa đã qua thì con gái rờn rợn
đuổi nhau về phía cuối trời. Và tình Mẹ quyện cùng hương cốm ắt còn thơm mãi
với thời gian./.
PLei Ku14.8.15
C.A.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới