4 tháng 8, 2015

Bàng quan hay sợ hãi

Khác với những vùng miền khác, nhất là với Hà Nội hay các tỉnh miền Trung,  người  Sài gòn có một thói quen là không bao giờ nói chuyện chính trị dù trong các cuộc nhậu nhẹt hay trà dư tửu hậu, ngay cả trong các cuộc họp chi bộ là nơi những người được gọi là đồng chí với nhau rất xứng đáng để nới chuyện chính trị, họ cũng lãng tránh.
Điều này thật khác với dân Bắc, nơi mà ngay cả một ông xe ôm cũng có thể nói chuyện say sưa và đầy hiểu biết với bạn về nhân sự cấp trung ương từ tổng bí thư đến thủ tướng thậm chí cả ghế các bộ trưởng cứ như là họ vừa rời cuộc họp bộ chính trị ra vậy. Có lần ra Vinh, tôi đi nhậu với mấy ông bạn học thì chủ đề của cuộc nhậu dài suốt buổi là chuyện nhân sự từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, cấp trường. Thậm chí nói chuyện nhân sự trường Vinh chán còn mở rộng ra đến cả nhân sự trường ĐH Hà Tĩnh. Chuyện chính trị, chuyện nhân sự cần với người Bắc và người Trung như là máu thịt để sống, như là khí trời để hít thở của họ.
Nhưng ở Sài Gòn, trong mọi cuộc gặp gỡ dù rất thân tình với những con người thân thiết, bạn có thể nghe được đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện làm ăn đến chuyện chơi bời trai gái; nhưng bạn không bao giờ có thể nghe được từ họ những câu chuyện về chính trị hoặc về nhân sự.
Nếu bạn hỏi một người Sài Gòn về tên ông bí thư, tên ông chủ tịch thành phố là gì thì chắc chắn là họ sẽ không kể ra được.
Điều này như là một mặc định với người Sài Gòn.
Vì sao vậy.
Có nhiều lời giải thích khá giống nhau là người Sài Gòn chỉ lo làm ăn và hưởng thụ cuộc sống. Họ không có thói quen và thời gian để bàn ba chuyện chính trị khiến họ bị nhức đầu và vô bổ. Ai làm bí thư. Ai làm chủ tịch Thành phố. Ai tổng bí thư. Ai chủ tịch, thủ tướng của đất nước thì cuộc sống của họ cũng vẫn vậy, chẳng vì ông này hay ông kia làm mà họ có thêm được sự thay đổi gì. Hơi sức đâu quan hoài cho mệt.
Đó là một sự bàng quan thú vị. Nó như một sự bơ đời.
Nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa của sự bàng quan đó là nỗi sợ hãi cố hữu của người Sài Gòn, một nỗi sợ hãi xuất hiện từ 40 năm trước kể từ ngày 30 tháng tư năm 1975. Khi mà những người cs vào nắm chính quyền và thực thi một chính sách cai trị xã hội với nhiều chuyên chế và khắc nghiệt về chính trị. Trong xã hội cs, ai nói trái, thậm chí là chỉ nói khác với chính quyền đồng nghĩa với chống đối lại chính quyền. Huống chi cái gốc gác đầy mặc cảm khi mình bị chính quyền cai trị mới xem là ngụy – ngụy quân, ngụy quyền vẫn ăn sâu trong tâm khảm họ. Chỉ cần bạn nhỡ mồm đã bị ghi tên vô sổ đen, thậm chí kiếm cớ cho bạn vào tù ra khám. Vậy thì họ không dám dây vào ba chuyện chính trị đầy dẫy nguy hiểm là vì nỗi sợ hãi. Khi nào họ cũng thấy mình đang sống trong sợ hãi nên tự thấy cần lãng tránh xa chuyện chính trị. Dính vào nó không sớm thì muộn cũng mang vạ vào thân.

Bàng quan hay sợ hãi. Cả hai hay chỉ là một vế của vấn đề. Như với tôi là ở vế sau – nỗi sợ hãi và hèn nhát dù tôi và cả nhà tôi chẳng ai dính đến từ ngụy. 

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới