29 tháng 8, 2014

Một tiếng người ai gọi cứ ngân nga



Đến với bài thơ hay

                   “MỘT TIẾNG NGƯỜI AI GỌI CỨ NGÂN NGA…”

                                                Chử Anh Đào

                   Dường như chưa có buổi chiều nao
                   Xanh như buổi chiều nay xanh ngút mắt
                   Cây cứ đứng với nền trời khao khát
                   Nâng chiếc mầm lên tận đỉnh cây cao

                   Sao chiều nay ta muốn tốt lên nhiều
                   Thiên nhiên ở với mình cao cả quá
                   Tiếng lá động ân cần như tiếng mẹ
                   Và vòm trời mong ngóng lại như cha

                   Đừng phút giây quên đối mặt quân thù
                   Đừng hờ hững với đời như bọt bể
                   Sắc diệp lục um tùm đang nói thế
                   Sắc trời xanh day dứt chẳng vô tình

                   Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh
                   Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc
                   Mặt trời tỏa như trái tim nồng nhiệt
                   Trong cái chiều nhân nghĩa đến sâu xa

                   Một tiếng người ai gọi cứ ngân nga…
                             ( Thi Hoàng- Ở giữa cây và nền trời)
         
                                               
          Không giống như quan hệ giữa người với người trong đời thường, trong văn chương, người ta có thể “nghiện” từ một phía Chung Tử Kì, kể cả những người đương thời đang sống và cả với những người “muôn năm cũ” nữa. Thi Hoàng là một trong những trường hợp như vậy. Một người nơi “chớp bể”, một kẻ ở chốn “ mưa nguồn”, vậy mà đã không có dưới hai bài thơ của ông đã được giới thiệu trên báo Gia Lai (Ngưỡng mộ hoa sen, Những đứa trẻ chơi trước cửa đền)
          Tôi thích 2 câu trong bài thơ này từ lâu. Thích đến nỗi lấy nó làm đề thi cho sinh viên. Nhưng đó là chuyện sẽ nói ở sau. Bây giờ, đứng trước tác phẩm, ta thấy hiện lên rười rượi một màu xanh. Có bốn từ “xanh” và hai từ gần nghĩa “diệp lục”, “biếc”. Màu xanh thường đem lại cho người ta cảm giác bình yên, thương mến, an ủi, vỗ về. Đó là màu của tình yêu, màu của sự sống. Điều đáng trân quí là tác giả cảm nhận và phát hiện ra màu xanh này trong một hoàn cảnh ngược lại. Hải Phòng những năm đầu thập kỉ 70 của thế kỉ trước, mặt đất đầy chật tiếng bom, nhà cửa cây cối đổ ngổn ngang; lòng biển im lìm những ngư lôi thần chết và bầu trời như bị cào xé rách bươm vì tiếng động cơ máy bay “Thần sấm”, “Con ma” gầm rú, vì đạn nổ bom rơi, bầm đen vì khói bom, khói súng.. Như vậy, có thể có màu xanh bất chợt một khoảnh khắc trong một buổi chiều có thật. Nhưng nếu chỉ dừng lại mức độ phản ánh thì nghệ thuật sẽ rơi xuống cấp minh họa rẻ tiền.Cần phải hiểu màu xanh đây là màu trong tâm tưởng, của ước vọng và khát khao (Như trường hợp Tố Hữu đứng trước chị Trần Thị Lí lúc ở miền Nam mới ra, mình đầy thương tích nhưng nhà thơ vẫn thốt lên: “Em là ai cô gái hay nàng tiên…Mái tóc em đây hay là mây là suối?”) Thi Hoàng đã nhìn thấy, nghe thấy màu xanh của cây của trời “xanh ngút mắt” và sự hiến dâng vĩ đại, bất tử của trời đất như trong buổi khải huyền sáng thế: “Cây cứ đứng với nền trời khao khát/ Nâng chiếc mầm lên tận đỉnh cây cao”. Thiên nhiên được so sánh “như mẹ”, “như cha”; được nhân hóa và mang những phẩm chất Người: “khao khát”, “nâng”, “cao cả”, “ân cần”, “mong ngóng”, “day dứt”, “chẳng vô tình”, “đang nói”, “rút ruột”, “vặn mình”, “trái tim”, “nhân nghĩa”…
          Hai câu thơ hay nhất của bài và có lẽ cũng là một trong những câu hay nhất trong đời thơ Thi Hoàng là:
                   Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh
                   Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc
          Mới đọc lên thì giản dị. Mà đúng là ngôn từ giản dị thật. Ai cũng có thể hiểu. Kiểu của tác giả, như “Hoa sen không định thơm/ Không định thơm thì mới thơm như thế”. Nhưng nếu nói theo thuật ngữ tiếu ngạo giang hồ thì đó là những “ vô chiêu”, cao siêu đến độ tưởng như rất tầm thường. Tác giả đã sử dụng ít nhất là ba biện pháp tu từ trong hai câu này: nhân hóa để “trời” “rút ruột”, để “ cây” “vặn mình”; điệp từ “ cứ”, “mà” để sự khẳng định thêm sức thuyết phục; còn một so sánh tu từ được coi là đắt khi tác giả dùng hai đối tượng thân quen, khác loại nhưng có cùng phẩm chất chung, đem lại nhận thức mới cho người đọc. “Xanh như rút ruột mà xanh”, “biếc như vặn mình mà biếc”. Nhận thức mới ở đây là: các đối tượng trời và cây đã nỗ lưc, cố gắng vượt lên trên hoàn cảnh, thân phận riêng; đã hi sinh, nhận thiệt thòi, thậm chí cả đau đớn nữa về mình mà hiến dâng những gì tốt đẹp nhất cho người khác, cho lẽ sống ở đời! Và “trong cái chiều nhân nghĩa đến sâu xa” ấy, con người- đối tượng “ở giữa cây và nền trời” hiển nhiên có khát vọng rất Người là “muốn tốt lên nhiều”.
          Bài thơ đã khép lại. Tôi chợt ngoái đầu bởi đâu đây có tiếng “ai gọi cứ ngân nga”.                                                          
  C.A.Đ



         

27 tháng 8, 2014

Kỉ niệm về cô giáo lớp một của con tôi


Đó là vào năm 1991 khi tôi còn định cư tại Tp. Quy Nhơn, con gái đầu của tôi vào học lớp một ở trường tiểu học Lê Hồng Phong nằm trên con đường Nguyễn Công Trứ. Một ngôi trường không lớn nhưng đủ tiện nghi và khang trang. Cô giáo chủ nhiệm và dạy lớp một cho con tôi tên là Thuyền (tôi không biết cô họ gì). Cô người nhỏ nhắn, phảng phất đôi chút dáng dấp của một phụ nữ Hàn Quốc thường thấy trên phim truyện TV hồi đó.
Cơ quan tôi làm việc ở gần trường. Buổi chiều đầu tiên đến đón con, tôi hỏi đi học có vui không. Con gái bảo vui ba. Vui sao kể ba nghe. Rồi cháu kể rằng hôm nay có một bạn đang học thì bị xỉu. Con và các bạn sợ lắm. Thế rồi cô giáo con ra ngoài cổng trường mua một hộp sữa và một củ khoai lang đưa cho bạn ấy ăn và uống. Xong đâu đó bạn ấy tỉnh dậy và học bình thường. May quá. Thì ra là bạn bị đói mà xỉu.
Qua tìm hiểu tôi mới biết ngôi trường tiểu học ấy dù nằm giữa trung tâm thành phố nhưng có nhiều con em dân nghèo buôn bán đường phố, dân đánh cá đến học. Có khi cha mẹ bận đi làm việc cả ngày các cháu đi học ít được quan tâm, ngay cả ăn uống cũng có lúc không đủ no. Có một cô giáo thấu hiểu hoàn cảnh và thương học trò như cô Thuyền thật may mắn cho lớp một của con tôi.
Có lẽ vì thế nên con gái tôi dù mới chập chững vào lớp một nhưng cháu thích ứng rất nhanh với việc học tập và sinh hoạt ở lớp. Ngày nào đi học về cháu cũng có một câu chuyện gì đó vui vui để kể cho cả nhà nghe. Điều đó đủ chứng tỏ cháu đang được ở trong một môi trường học tập tốt và thích hợp.
Một hôm về cháu kể: Hôm nay lớp con có bạn đi học mà dắt theo cả em bé đấy, em bé mới chập chững biết đi. Tôi ngạc nhiên: sao lại đi học lớp một mà dắt theo cả em. Vậy rồi cô giáo có cho bạn đó vào lớp không. Còn em bé thì sao. Con gái bảo: có ba. Cô con xếp cho bạn ấy xuống ngồi dãy bàn cuối lớp, cho cả em bé ngồi bên cạnh cùng học luôn. Em bé ngoan lắm.
Là người cũng đã có nhiều năm làm nghề dạy học, tôi hiểu đó là một hoàn cảnh sư phạm mà người giáo viên đầu cấp tiểu học phải biết ứng xử thích hợp. Bố mẹ bận đi làm, đầu năm học chưa kịp gửi em nhỏ cho ai giữ, em học trò lớp một đành phải mang theo em đến lớp. Nếu vụng về cứng nhắc và thiếu tình người, giáo viên có thể cho em học sinh đó nghỉ học, đưa em bé về nhà. Trường tiểu học không phải là cái nhà trẻ tự phát. Câu chuyện nhỏ tưởng như vu vơ ấy khiến tôi nhớ mãi.
Cô giáo Thuyền là một phụ nữ ấm tình người, cô đã thương yêu  các học trò nhỏ trong lớp như con mình.
Lần khác, khi làm việc ở đài truyền hình, tôi được giao phụ trách buổi phát hình tại trung tâm để tiếp sóng chương trình truyền hình trực tiếp một sự kiện thể thao quốc tế lớn, hình như là Đại hội thể thao Châu Á. Chương trình bắt đầu từ 16h và kết thúc lúc 19h. Mãi làm việc tôi quên mất nhiệm vụ vợ giao là phải đón con gái ở trường lúc 17h. Khoảng 17h30 nhân viên bảo vệ vào báo ra cổng có người gặp. Tôi chạy vội ra thì thấy cô giáo Thuyền chở con gái tôi sau xe đạp đứng chờ ở cổng đài phía Lê Hồng Phong. Cô bảo hai cô trò chờ mãi ở trường không thấy ai đến đón, để cháu lại một mình không yên tâm nên chở cháu đến đài cho tôi luôn.
Thật là biết ơn cô giáo Thuyền.
Những câu chuyện như thế về cô trong suốt năm con tôi học lớp một còn nhiều lắm qua những mẩu chuyện chắp vá hàng ngày cháu kể lại sau mỗi buổi học. Nó khiến tôi cảm động và lấy làm kính trọng về một nhà giáo dạy lớp một yêu nghề, yêu học trò.
Bây giờ thì cô giáo Thuyền đã nghỉ hưu mấy năm nay rồi. Cả nhà tôi cũng không còn sống ở Quy Nhơn, nơi ấm áp tình người nữa mà đã chuyển hẳn về Tp. Hồ Chí Minh. Đứa con gái đầu của tôi với khởi nguồn người  thầy đầu tiên là cô giáo Thuyền ngày ấy nay cũng đã thành một cô giáo, cháu dạy ở một trường đại học. Chuyện qua đã hàng chục năm nhưng những kỉ niệm ấm lòng về cô giáo Thuyền thì cả nhà tôi vẫn còn nhớ mãi. Nhân đầu một năm học mới, xin được kể lại.




23 tháng 8, 2014

Có một tấm hình theo tôi đi B



Năm 1971-1972, thời còn là SV, tôi hâm mộ vô cùng người con gái mang tên Võ Thị Thắng với biệt danh Nụ cười chiến thắng và câu nói nổi tiếng trước phiên tòa đại hình của chính quyền Sài Gòn: “Liệu chính quyền các ông có tồn tại được 20 năm để thi hành án tôi…”
Từ hâm mộ, tôi thần tượng Chị. Trong cái bóp mỏng manh của thằng SV năm nhất là tôi khi đó được cất giữ nâng niu một tấm hình đen trắng cắt từ một cuốn họa báo hình ảnh của Chị, người con gái miền Nam với Nụ cười chiến thắng.
Rồi năm 1972 tôi đi lính, vào miền Nam để ra mặt trận, gọi là đi B.
Khi vượt qua vĩ tuyến 17 để đi vào vùng địch, để giữ bí mật, chúng tôi được lệnh phải tiêu hủy tất cả những gì là dấu vết mang từ miền Bắc vào, kể cả ảnh của cha mẹ, người thân… Tôi đã thực hiện gần hết chỉ duy nhất một điều để lại: là vẫn mang theo tấm hình chị Võ Thị Thắng với Nụ cười chiến thắng mê hồn và bất diệt.
Tôi mang theo tấm hình Chị cho đến ngày kết thúc chiến tranh 30-4-1975, mang theo những ngày làm quân quản ở Sài Gòn, và mang theo cả khi tôi trở lại trường đại học. Tôi đã cất giữ tấm hình như một kỉ niệm đẹp, dù sau này tôi thấy chị Thắng có nhiều tấm hình khác đẹp hơn, màu mè hơn. 

                                    
Mỗi lần thấy chị Thắng trên TV với cương vị ủy viên trung ương đảng, đại biểu quốc hội nhiều khóa, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN, tôi cứ thắc mắc, tại sao một con người tuyệt vời như Chị lại không phải là Chủ tịch, chí ít là Phó chủ tịch nước. Không lẽ chị lại thua cái bà phó Đoan nào đó từng nổi tiếng với câu nói ngớ ngẩn: cnxh dân chủ gấp vạn lần cntb.
Đau đớn hơn, tôi còn nghe tin Chị bị dính vào vụ án T6 nào đó với nghi án là gián điệp của CIA. Bọn người xấu không chịu nổi sự rực rỡ của Chị và những con người nổi danh khác đã tìm cách vu vạ để ám hại Chị.
May thay Chị đã vượt qua được và sống cho đến tám giờ mười lăm phút sáng ngày hôm qua, 22 thág 8 năm 2014. Trong lúc VTV không đưa tin, tôi đọc tin Chị ra đi trên mạng mà bàng hoàng. Sao một con người tài sắc vẹn toàn và yêu nước như Chị lại ra đi đột ngột thế, sớm thế. Chị sinh năm 1945, tính cả tuổi mụ là vừa tròn 70 tuổi.
Chị ra đi, thần tượng một thời của tôi đã mãi mãi ra đi. Tôi sửng sốt buồn và lùng sục đọc tất cả những bài viết về Chị trên mạng. Nhiều bài viết nhưng không có gì mới. Duy có một bài rất mới: Võ Thi Thắng – có một nụ cười khác. Bài viết của nhà văn Đào Hiếu. Tôi đọc và càng thấy khâm phục, càng thấy thương Chị:


Võ Thị Thắng: có một nụ cười khác




Ghi chép của Đào Hiếu/ Blog Đào Hiếu


Tám giờ mười lăm phút sáng ngày 22/8/2014 chị Võ Thị Thắng, uỷ viên trung ương đảng CS Việt Nam, nguyên Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã từ trần tại TPHCM sau một thời gian dài bị bệnh nan y.



Với tư cách là “người nhà” của chị, tôi xin ghi lại đôi điều mà tôi từng được nghe chị kể cùng với những kỷ niệm nhỏ giữa tôi và chị như một sự bày tỏ lòng thương tiếc và yêu mến.


*

Trước đây tôi không từng hoạt động chung với chị vì hai người ở hai đơn vị khác nhau nhưng do sự sắp xếp ngẫu nhiên của xã hội mà sau này chúng tôi trở thành người nhà với nhau: chị làm dâu, còn tôi làm rể họ Trần.



Trong chuyến về quê chồng (Bình Định) tảo mộ, gia đình chị và tôi cùng đi trên một chiếc xe mười sáu chỗ của ngành du lịch. Suốt hai ngày đường, chúng tôi nghỉ lại nhiều nơi và đó là dịp mà chị đã kể lại những “biến cố đầy kịch tính” mà chị đã phải trải qua trong suốt thời gian làm Tổng Cục Trưởng. Những biến cố ấy có thể viết thành một cuốn sách dày, li kỳ hấp dẫn như phim hình sự Mỹ. Nhưng chị không dám viết, cũng không dám nhờ tôi viết dù tài liệu thì có rất nhiều. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó những tài liệu ấy sẽ được công bố, hoặc là cuốn sách ấy sẽ được viết ra, nhưng bây giờ thì không.



Bây giờ chỉ có ký họa.



Bây giờ chỉ vài đường nét bằng bút chì, bằng ngón tay nguệch ngoạc trên cát biển Qui Nhơn, bằng hòn than vẽ  trên bức tường cũ… phác thảo bi kịch của một người đàn bà có địa vị ngang hàng với bộ trưởng, một người từng gan lì đuổi theo địch thủ của mình với một khẩu súng rỉ sét, một nữ sinh trường Gia Long đã nghĩ ra được câu tuyên bố để đời. Rồi cuối cùng chiếc ghế Tổng Cục Trưởng mà người ta trao cho chị cũng bị đặt trên bốn trái mìn nổ chậm được làm bằng lòng đố kỵ, bằng thù oán cá nhân, bằng những mưu đồ ma quỷ.



Người con gái “anh hùng” ngày xưa chợt biến thành nhân viên CIA Mỹ với tập hồ sơ dày cộm.



Đó là những ngày cuối năm 1996. Nhiều nhân vật có tình cảm với Võ Thị Thắng trong Bộ Chính Trị đều rất bàng hoàng. Con chạch lại leo lên đẻ trên ngọn đa! Vậy mà người ta vẫn có đầy đủ những tài liệu về một con chạch như vậy!




Và nhiều kế hoạch “ám sát” đã được nghĩ đến: xông thằng vào cuộc họp quốc hội “bắt nóng”? Hay bắn tỉa? Bắn ở đâu?



Năm 1999 Tổng Cục Trưởng Võ Thị Thắng nhận được giấy mời sang Mỹ dự hội nghị về du lịch. OK. Sao không cho người bắn tỉa tại sân bay Los Angeles? Ngay khi đối tượng bước ra cổng phi trường là gởi một viên đạn vào đầu rồi đổ thừa cho CIA giết người diệt khẩu. Thật gọn nhẹ.



Kế hoạch lập tức được triển khai. Một anh chàng James Bond 007 mũi tẹt da vàng được chọn trong đám thân tín tại Mỹ để thực hiện Mission Impossible này. Và Mme Thắng không hề hay biết gì về âm mưu đó.



Mấy hôm sau chị lại nhận được một giấy mời của ngành du lịch Trung Quốc. Và, một cách ngẫu nhiên, chị đã chọn đi Trung Quốc.



Chàng James Bond ngồi ngáp ruồi ở sân bay Los Angeles.



Không giết được tên CIA Võ Thị Thắng ở Los thì sẽ bắt cóc hắn tại sân bay Nội Bài khi hắn ta trở về Việt Nam.



Một phương án mới được triển khai ngay lập tức: khi máy bay đáp xuống, xe con của Tổng Cục Du Lịch đến đón sếp thì sẽ có một xe mười sáu chỗ trờ tới, ép nó sát lề, chặn đầu. Khống chế tài xế, bắt cóc bà Tổng Cục Trưởng chạy ra khỏi phi trường, thẳng về nơi giam giữ.



Và mọi việc đã xảy ra y như kịch bản. Nhưng khi những kẻ bắt cóc mở cửa chiếc xe con của Tổng Cục Du Lịch thì chỉ nhìn thấy “bác tài” đang “há hốc mồm” vì kinh ngạc.



-Bà Thắng đâu?



-Xe khác đã đến đón rồi!



Sự thực chẳng hề có chiếc “xe khác” nào cả. Chỉ có phép lạ của phật bà Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài đã làm cho chiếc va-li của Võ Thị Thắng lạc mất. Mme Thắng xuống máy bay nhưng không tìm thấy hành lý, đứng chờ ở cái vòng xoay cả tiếng đồng hồ. Tài xế chiếc xe con đến đón bấm điện thoại di động gọi nhưng tắt máy, anh ta tưởng sếp đã có người nhà đến đón nên chạy xe không về và bị những kẻ bắt cóc ép vô lề.



Mme Thắng tìm được hành lý thì đã quá trễ. Chị đành gọi một chiếc taxi.
*
VO THI THANG 01 
Kẻ thù giấu mặt ấy là ai? Chị biết, Bộ chính trị cũng biết nhưng không làm gì được.


Và bà Tổng Cục Trưởng đã nghĩ đến cái chết. Nhiều người trong Bộ chính trị không tin những hồ sơ ngụy tạo ấy nhưng cũng không “dám” bác bỏ. Chị gần như đơn độc. Chỉ trừ một người bạn giấu mặt. Một ân nhân của chị mà cho đến giờ này, khi sóng gió đã yên, khi một số tay chân của kẻ thù đã bị Bộ công an bắt, bị tòa án xét xử và khi chị đã nghỉ hưu… chị cũng không hề biết người đó là ai?



Trong những lúc lâm nguy nhất, người đó đã gọi điện cho chị, từ một trạm điện thoại công cộng, và báo cho chị hay rằng đang có một âm mưu như thế, như thế… rằng sự việc sẽ diễn ra như thế, như thế…



Nhưng đó cũng chỉ là những an ủi nhất thời. Tuy nhiều lần người ấy đã cứu chị thoát chết nhưng tại sao chị phải lâm vào tình thế ấy? Tại sao lại phải sợ hãi những kẻ đứng trong bóng tối? Tại sao kẻ trong sạch lại phải sợ bọn tội phạm? Tại sao một cán bộ cao cấp như chị lại phải sợ một thứ quyền lực đen nào đấy?



Và đã có lúc chị cầm một sợi dây thòng lọng. Chị cuộn nó lại, giấu trong túi xách, đến soi mặt mình trong gương. Một đêm mất ngủ. Và khóc. Một đêm ngồi trong góc tối của căn phòng nhìn chồng nhìn con và nhìn bức ảnh nổi tiếng của mình. Bức ảnh chụp chị đứng trước tòa án, giữa hai người quân cảnh đeo kính đen. Chị nhìn cái miệng cười của mình. Nước mắt lặng lẽ lăn xuống gò má. Bởi vì giờ đây chị không “được” đứng trước một tòa án để mà cười. Chị đang đứng trước một thế lực vô hình, chị đang bị rình rập, truy sát.



Ngày xưa chị nhìn thấy kẻ thù ngay trước mặt, chị bắn nó bằng một khẩu súng rỉ sét nhưng chị ở thế chủ động, chị là thợ săn còn kẻ địch là con mồi. Bây giờ thì chị không biết kẻ thù đang đứng chỗ nào, mặt mũi nó ra sao. Bây giờ chị có một khẩu K59 mới tinh nhưng chị sẽ bắn vào đâu? Bắn vào bóng tối? Vào hư vô?



Không ai trả lời những câu hỏi ấy và điều đó làm chị tuyệt vọng.



Sẽ phải treo sợi dây thòng lọng ở đâu? Trên xà nhà? Trước cửa? Hay trên một cành cây?



Không thể chết tầm thường được. Phải biến nó thành một lời cảnh tỉnh, một cáo trạng. Có lẽ chỗ tốt nhất là Hội trường Văn phòng Trung ương Đảng.



Chị quyết định vào đó để chọn một vị trí thích hợp.



Thính phòng im phăng phắc. Sân khấu mờ ảo. Những dãy ghế quen thuộc cũng đang lặng thinh, nín thở, chờ xem người đàn bà quen mặt này sẽ làm gì. Chị bước lên sân khấu, ngước nhìn những phông màn, những giàn đèn và những sợi dây kéo. Chị đi một vòng, chậm rãi, thầm lặng. Rồi chị bước xuống những bậc cấp, tìm đến chiếc ghế mà chị vẫn thường ngồi trong các phiên họp Ban chấp hành Trung ương Đảng.



Chiếc ghế ôm chị vào lòng nó, cũng mềm mại, ấm áp như ngày nào. Chị ngửa cổ, tựa đầu vào lưng ghế. Và khóc.



Dường như chị có thiếp đi được một lúc cho đến khi chuông điện thoại reo. Chị mở túi xách, Chiếc điện thoại màu bordeaux đang sáng lên giữa những cuộn dây thòng lọng.



Đó là cuộc gọi của người vô danh, ân nhân giấu mặt của chị. Chị nhận ra giọng nói quen thuộc. Nó ấm áp và chậm rãi. Những lần trước, chị đã cố nghĩ xem đó là giọng của ai nhưng không biết được. Chị chỉ biết chắc người đó đã gọi cho chị theo lệnh của một đồng chí nào đó trong Bộ Chính Trị. Lần này giọng nói ấy chỉ là một câu đơn giản.



-Bộ công an đã bắt hết chúng rồi. Chúc mừng đồng chí.



Chị lặng người đi. Hội trường như sáng lên. Chị thọc tay vào túi xách, nắm chặt sợi dây thòng lọng.



Chị thấm nước mắt bằng chiếc khăn rằn của du kích Miền Nam mà chị đã chuẩn bị sẵn. Chị nhìn thẳng lên sân khấu và cười. Tiếc thay anh nhà báo người Nhật năm nào đã không có mặt để ghi lại nụ cười ấy. Nó vẫn đẹp. Và nếu được công bố với đầy đủ những tình huống đắng cay thì nụ cười trong buổi sáng cuối năm 2000 ở Hội trường này cũng sẽ trở thành một huyền thoại, và có khi còn nổi tiếng hơn cả nụ cười của mấy mươi năm về trước.



22 tháng 8, 2014

Đồng Hới tuổi thơ tôi


Tôi đi xa không nhớ tháng nhớ năm

Từ thuở tóc xanh nay đà nhuốm bạc

Thấy em dắt cháu đi trên cầu Nhật Lệ

Biết rằng tuổi xanh đã bay xa



Có điều gì chợt nhói trong tim

Như cánh chim lưng trời thấy mỏi

Ngắm chùm hoa bên tượng đài Mẹ Suốt

Gió hàng dừa thổi mát hồn ta



Đồng Hới ơi xin níu chút tuổi thơ
Thành phố rộng những con đường mới mở

Nhớ ngày chạy lon ton bên hàng dừa Nhật Lệ

Nhìn bình minh vẫy gọi những con tàu



Những ảo vọng viễn vông đã để lại phía sau

Gối mỏi chân chồn ta lại về chốn cũ

Con đường xưa đưa ta vào định mệnh

Đoạn cuối cuộc đời rồi lại đi xa



Cứ ngỡ hạnh phúc ở phía chân trời

Nên mắt cũng nhìn xa xăm diệu vợi

Bao trí não nghĩ những điều mông muội

Nào đâu biết hạnh phúc ở rất gần, hạnh phúc ở quanh ta



Những vườn hồng Thành phố vẫn ngát hương…



Ngày họp lớp cấp 3, tháng 7-2014

                                         Đã có báo biếu và nhuận bút