3 tháng 8, 2014

Chuyện anh Trần Quốc Tế



Dù các bạn trong Ban liên lạc và Ban tổ chức nói đây là lần họp thứ 4 nhưng tôi linh cảm đây là cuộc họp lớp chính thức cuối cùng của khóa 68-71 chúng tôi. Sau này có chăng chỉ là họp theo nhóm nhỏ lẻ và ăn theo với hội trường. Bởi hết năm 2014 này nữa thì tất cả đều đã từ bỏ sự nghiệp công chức nhà nước để về vườn hết rồi. Những điều kiện thuận lợi, những hăng hái, nhiệt tình cũng theo đó mà mất đi.
Nhưng chưa nói chuyện về Đồng Hới họp lớp cấp 3 vội. Tôi muốn nói chuyện trước họp lớp. Vì với tôi mỗi chuyến đi xa đều là N in 1.
Rời Thành phố sáng sớm mờ sương của ngày 25-7, tôi xuống Vinh lúc 8h. Đã thấy Lê Văn Ngọ đón sẵn. Về đến café 87 Minh Khai, một quán cafe rất rộng và đẹp của đất Vinh thì có cả Nguyễn Đình Anh cùng anh Phúc đều là bạn cùng lớp khóa 12 nhập bọn. Chuyện trò rôm rả đến trưa thì đưa nhau đi ăn ở một quán rất ngon gọi là quán Thương Mại (gọi thế chắc do nằm gần Sở Thương mại). Có chuyện vui vui là khi ăn uống xong, Ngọ đứng dậy thanh toán tiền thì cô thu ngân bảo hồi nãy có mấy anh ngồi bàn bên cạnh ăn xong trước đã trả tiền luôn cho bàn của chúng tôi rồi. Thì ra cái uy của Ngọ, nguyên GĐ Sở GD và ĐT Nghệ An vẫn còn chút dư ba (Ngọ vừa nhận quyết định nghỉ hưu hôm 1-6).
13h chia tay đám bạn học cùng lớp đại học khóa 12, tôi về Bến Thuỷ lấy phòng ở KS Quyết Thành để ngủ một giấc cho đã. Bởi sáng đi chuyến 6h15 nên phải dậy sớm từ 4 giờ. Tính tôi thức khuya mấy cũng được nhưng phải ngủ dậy sớm thì ngang với tra tấn.
15h thức dậy, tắm gội cho thật đã đời rồi gọi cho Nguyễn Trung Ngọc. Ngọc hỏi: Ra sân bay chưa. Tôi nói không phải ra mà là tớ đã xuống từ 8h sáng nay rồi. Ngọc rồi cả Nga nữa cùng ớ lên ngạc nhiên không hiểu thế nào. Thực ra tôi đã đặt vé chuyến 15h40 từ cả tháng trước. Bởi theo kế hoạch là ngày 25 nhà Ngọc có đám giỗ bố Ngọc, một ông cụ mà từ thời còn SV, dù chỉ qua vài lần tiếp xúc gặp gỡ ngắn ngủi, tôi vẫn hằng khâm phục về sự lịch lãm. 17h xuống Vinh, Ngọc xong xuôi công việc ra đón tôi rồi chạy thẳng đến thăm anh Tế là vừa đẹp. Nhưng đúng là người tính không bằng trời tính. Chiều trước ngày đi, bên phòng vé thông báo chuyến 15h40 bị hủy, thay vào đó là chuyến 6h15 sáng. Không sao. Kiểu gì thì tôi cũng chơi được. Đi sớm càng có thêm nhiều sự lựa chọn và thời gian để bù khú với bạn bè. Tuy nhiên tôi đã giấu biến vợ chồng Ngọc Nga vụ thay đổi giờ bay để bạn khỏi phải băn khoăn vì tôi mà tập trung cho đám giỗ. Vì thế mà nghe tôi nói tớ đang ở bên Quyết Thành đây thì rất ngạc nhiên.
Rồi Ngọc lái xe đến ngay và hai thằng đi luôn về xóm 22 xã Nghi Phong, Nghi Lộc, nơi đặt Trung tâm Điều dưỡng thương Binh nặng Nghệ An để thăm người đồng đội cũ cùng C20 Sư đoàn 341 của tôi là anh Trần Quốc Tế. Sau 30 tháng 4, tôi rời sư đoàn trở lại trường đại học thì anh lại tiếp tục cùng sư đoàn sang đánh nhau ở Cam Pu Chia. Ở đó anh lên đến chức tiểu đoàn phó D20 rồi bị thương nặng do một viên đạn bắn thẳng vào xương cụt. Năm 1979 anh về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng này với thương tật mất đến 95% sức khỏe và gắn liền với chiếc xe lăn từ bấy đến giờ. Những người như anh, khi mất đi sẽ được phong ngay là Liệt sĩ.

Tôi và Ngọc lượn đi lượn lại mãi trên đường về Cửa Hội mới tìm ra nơi ở của anh Tế khuất trong làng với một con đường nhỏ. Hôm nay Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng Nghệ An có cuộc mít tinh lớn kỉ niệm ngày TBLS 27 tháng 7. Tất cả thương binh đều tập trung ở Hội trường nghe phát biểu chúc mừng và nhận quà nhưng anh Tế không dự mà ở nhà pha sẵn ấm trà ngon và lăn xe ra hiên nhà ngóng đợi tôi.

Đập vào mắt tôi là hình ảnh người thương binh chỉ còn 5% sức lực, gầy gò, 2 chân teo tóp duỗi dài bất động trên chiếc xe lăn. Nhưng đối lập với hình ảnh bi thương đó là nụ cười rộng mở ấm tình đồng đội và rất lạc quan của anh. 

Tôi ôm lấy anh mà không cầm được nước mắt. 

Anh kể ngắn gọn:
Lần đó trong một trận đánh cấp trung đoàn, anh bị đạn bắn thẳng của quân Pôn Pốt bắn vào đúng xương cụt. Những đốt xương sống vỡ vụn. Từ đó, phần cơ thể từ mông trở xuống mất sạch cảm giác. Hàng năm Trung tâm phải đưa anh ra Quân y viện 108 ở Hà Nội để mổ chống hoại tử.

Từ quân y viện 175 thành phố HCM trở về quê nhà trên chiếc xe lăn với hình hài như thế, Nhà nước đưa anh về nuôi dưỡng suốt đời tại Trung tâm Điều dưỡng. Trong lúc bản thân được Nhà nước nuôi dưỡng, anh lại phải dùng những đồng lương cuả một thương binh rất nặng để nuôi dưỡng hai đứa con ăn học thành người. Nay cậu con trai đã thành bác sĩ, cô con gái cũng tốt nghiệp đại học. Đều đã có vợ có chồng, nhà cửa, con cái đề huề. Anh bảo đời anh thế là mãn nguyện rồi, không mong gì hơn nữa. Anh sống trong khu nhà tập thể, với một căn phòng 20m2. Anh tự nấu lấy ăn, cố gắng tự làm lấy những cái gì còn có thể làm được dù anh có tiêu chuẩn một người phục vụ. Và vẫn thấy yêu đời, yêu cuộc sống vô cùng.  
Nghe anh nói mà tôi cảm thấy mình thật xấu hổ. Anh lớn hơn tôi 5 tuổi. Hồi ở C20, tôi là binh nhất chiến sĩ, anh là thượng sĩ trung đội trưởng. Cũng vào chiến trường tham gia chiến đấu với anh cùng một đơn vị trinh sát cấp sư đoàn, hết chiến tranh chống Mĩ tôi trở về lại trường đại học may mắn không mất một cái lông chân, được nhà nước cấp tiền cho ăn học đàng hoàng, công ăn việc làm ổn định đủ kiểu… Vậy mà không ít lúc tôi vẫn thấy mình thua thiệt,  có lúc còn thấy chán đời, bi quan với thời cuộc. Nhiều lúc còn thấy cuộc đời này sao mà nhiều bất công, sao mà nhiều sự chán chường thế.

Tôi và Ngọc hỏi phải ở trong Trung tâm thế này anh có thấy buồn không. Anh bảo việc gì mà phải buồn em. Anh so với thằng Ngôn (Đỗ Xuân Ngôn, quê Thanh Hóa, cùng học khóa 12, cùng nhập ngũ với tôi và Ngọc. Vào chiến trường ở cùng C20 với tôi và anh Tế, đã thành liệt sĩ trong trận đánh Xuân Lộc chiến dịch HCM tháng 4 năm 1975), thì anh còn may chán.

Gặp nhau chỉ mới hơn 30 phút thì anh có khách. Một đoàn thanh niên tình nguyện là SV Đại học Vinh mang hoa và quà tới thăm anh nhân ngày 27 tháng 7. Bên ngoài sân vẫn còn nhiều đoàn khác đứng chờ.  Ngày hôm ấy, sân của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng Nghệ An có rất nhiều xe ô tô. Là đại biểu của các đơn vị cũ, của đồng đội cũ, của các cơ quan ban ngành tỉnh và trung ương đến thăm các anh.

Tôi và Ngọc lưu luyến chia tay anh với tất cả sự cảm phục và xúc động. Có dịp ra Vinh, tôi sẽ còn đến thăm anh nữa.



                        Những tấm hình do Nguyễn Trung Ngọc chụp



Gắn liền với chiếc xe lăn đã tròn 35 năm nay, anh Tế tự hào là người mà trong máy điện thoại có lưu nhiều số điện thoại của đồng đội thời C20 nhất. Ai cần biết ai đang ở đâu, số đt như thế nào, cứ gọi hỏi anh Tế là có ngay. Và anh cũng là người thường gọi điện hỏi thăm mọi người nhiều nhất. Ngay với tôi, anh cũng hỏi từ Nga Cam Lộ để có được thông tin và gọi cho tôi cuộc điện thoại nối mạng đầu tiên vào trưa 30 tháng 4 mới rồi.  






Dãy nhà tập thể với căn phòng đầu tiên nơi anh Trần Quốc Tế ở. Có một chi tiết khiến tôi và Ngọc nghẹn ngào là trong lúc tôi và anh Tế chuyện trò thì Ngọc đi xem khắp căn phòng của anh Tế rồi hỏi: Phòng ở của anh không có chỗ đi vệ sinh à. Thì anh Tế nói: Không có em à, vì anh không có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh. Anh chỉ cần trong nhà có 1 cái lavabo là đủ.


Bạn học cùng lớp cấp 3. Trái sang: Phan Thanh Hà, Hoàng Sơn (đã qua đời), Phạm Bá Chiểu
 

2 nhận xét:

  1. Cũng có thể đặt tên chương này là "đồng đội của tôi". Đồng đội của chúng ta là anh Tế và chúng ta đã tìm lại người đồng đội ấy vào một chiều tháng 7 thật ý nghĩa. Mình cũng thấy ấm lòng sau cuộc gặp người thương binh ấy. giá như tụi trẻ bây giờ thấy được...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. OK, mình sẽ thêm ý của NTN vào cái title của bài này.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới