27 tháng 8, 2014

Kỉ niệm về cô giáo lớp một của con tôi


Đó là vào năm 1991 khi tôi còn định cư tại Tp. Quy Nhơn, con gái đầu của tôi vào học lớp một ở trường tiểu học Lê Hồng Phong nằm trên con đường Nguyễn Công Trứ. Một ngôi trường không lớn nhưng đủ tiện nghi và khang trang. Cô giáo chủ nhiệm và dạy lớp một cho con tôi tên là Thuyền (tôi không biết cô họ gì). Cô người nhỏ nhắn, phảng phất đôi chút dáng dấp của một phụ nữ Hàn Quốc thường thấy trên phim truyện TV hồi đó.
Cơ quan tôi làm việc ở gần trường. Buổi chiều đầu tiên đến đón con, tôi hỏi đi học có vui không. Con gái bảo vui ba. Vui sao kể ba nghe. Rồi cháu kể rằng hôm nay có một bạn đang học thì bị xỉu. Con và các bạn sợ lắm. Thế rồi cô giáo con ra ngoài cổng trường mua một hộp sữa và một củ khoai lang đưa cho bạn ấy ăn và uống. Xong đâu đó bạn ấy tỉnh dậy và học bình thường. May quá. Thì ra là bạn bị đói mà xỉu.
Qua tìm hiểu tôi mới biết ngôi trường tiểu học ấy dù nằm giữa trung tâm thành phố nhưng có nhiều con em dân nghèo buôn bán đường phố, dân đánh cá đến học. Có khi cha mẹ bận đi làm việc cả ngày các cháu đi học ít được quan tâm, ngay cả ăn uống cũng có lúc không đủ no. Có một cô giáo thấu hiểu hoàn cảnh và thương học trò như cô Thuyền thật may mắn cho lớp một của con tôi.
Có lẽ vì thế nên con gái tôi dù mới chập chững vào lớp một nhưng cháu thích ứng rất nhanh với việc học tập và sinh hoạt ở lớp. Ngày nào đi học về cháu cũng có một câu chuyện gì đó vui vui để kể cho cả nhà nghe. Điều đó đủ chứng tỏ cháu đang được ở trong một môi trường học tập tốt và thích hợp.
Một hôm về cháu kể: Hôm nay lớp con có bạn đi học mà dắt theo cả em bé đấy, em bé mới chập chững biết đi. Tôi ngạc nhiên: sao lại đi học lớp một mà dắt theo cả em. Vậy rồi cô giáo có cho bạn đó vào lớp không. Còn em bé thì sao. Con gái bảo: có ba. Cô con xếp cho bạn ấy xuống ngồi dãy bàn cuối lớp, cho cả em bé ngồi bên cạnh cùng học luôn. Em bé ngoan lắm.
Là người cũng đã có nhiều năm làm nghề dạy học, tôi hiểu đó là một hoàn cảnh sư phạm mà người giáo viên đầu cấp tiểu học phải biết ứng xử thích hợp. Bố mẹ bận đi làm, đầu năm học chưa kịp gửi em nhỏ cho ai giữ, em học trò lớp một đành phải mang theo em đến lớp. Nếu vụng về cứng nhắc và thiếu tình người, giáo viên có thể cho em học sinh đó nghỉ học, đưa em bé về nhà. Trường tiểu học không phải là cái nhà trẻ tự phát. Câu chuyện nhỏ tưởng như vu vơ ấy khiến tôi nhớ mãi.
Cô giáo Thuyền là một phụ nữ ấm tình người, cô đã thương yêu  các học trò nhỏ trong lớp như con mình.
Lần khác, khi làm việc ở đài truyền hình, tôi được giao phụ trách buổi phát hình tại trung tâm để tiếp sóng chương trình truyền hình trực tiếp một sự kiện thể thao quốc tế lớn, hình như là Đại hội thể thao Châu Á. Chương trình bắt đầu từ 16h và kết thúc lúc 19h. Mãi làm việc tôi quên mất nhiệm vụ vợ giao là phải đón con gái ở trường lúc 17h. Khoảng 17h30 nhân viên bảo vệ vào báo ra cổng có người gặp. Tôi chạy vội ra thì thấy cô giáo Thuyền chở con gái tôi sau xe đạp đứng chờ ở cổng đài phía Lê Hồng Phong. Cô bảo hai cô trò chờ mãi ở trường không thấy ai đến đón, để cháu lại một mình không yên tâm nên chở cháu đến đài cho tôi luôn.
Thật là biết ơn cô giáo Thuyền.
Những câu chuyện như thế về cô trong suốt năm con tôi học lớp một còn nhiều lắm qua những mẩu chuyện chắp vá hàng ngày cháu kể lại sau mỗi buổi học. Nó khiến tôi cảm động và lấy làm kính trọng về một nhà giáo dạy lớp một yêu nghề, yêu học trò.
Bây giờ thì cô giáo Thuyền đã nghỉ hưu mấy năm nay rồi. Cả nhà tôi cũng không còn sống ở Quy Nhơn, nơi ấm áp tình người nữa mà đã chuyển hẳn về Tp. Hồ Chí Minh. Đứa con gái đầu của tôi với khởi nguồn người  thầy đầu tiên là cô giáo Thuyền ngày ấy nay cũng đã thành một cô giáo, cháu dạy ở một trường đại học. Chuyện qua đã hàng chục năm nhưng những kỉ niệm ấm lòng về cô giáo Thuyền thì cả nhà tôi vẫn còn nhớ mãi. Nhân đầu một năm học mới, xin được kể lại.




5 nhận xét:

  1. Cô giáo như mẹ hiền, nhưng không phải mẹ hiền nào cũng như cô giáo (vì thiếu nghiệp vụ), bạn nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có khi ngay cả mẹ hiền làm nghề dạy học (có nghiệp vụ) hẳn hoi cũng chưa chắc đã làm cô giáo cho con mình được. Dao sắc không gọt được chuôi. Như mình đây làm thầy dạy văn mà con mình cũng phải đi học thêm môn văn với thầy cô giáo khác đấy.
      Vì thế mà khó có thể nói mẹ hiền như cô giáo.

      Xóa
    2. Chà, lâu rồi không gặp bác? Còn nhớ chú em dạy LHP (TpHCM) không?

      Xóa
    3. Nặc danh Có phải là người anh em với Cao Ngọc Năm ở Thanh Hóa không.

      Xóa
  2. Có phải là người anh em với Cao Ngọc Năm ở Thanh Hóa không.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới