4 tháng 8, 2014

Chương II: Tự Vinh phó Đồng Hới...




Lại nói chuyện sau khi chia tay anh Trần Quốc Tế, tôi về nhà Ngọc Nga ngủ lại một đêm tại Vinh. Căn nhà của Ngọc Nga rất ngẫu nhiên lại được dựng lên trên nền của dãy nhà sau đại học của VU trước đây, nơi tôi đã có 2 năm cư ngụ để tu nghiệp khóa cao học 6. Vì thế mỗi lần được đặt chân đến trường Vinh, đến căn nhà của Ngọc Nga là mỗi lần tôi được sống lại với nhiều kỉ niệm thời trai trẻ. Nói ra có thể mọi người kết cho tôi cái tội sến nhưng đúng là tôi hay mủi lòng về kỉ niệm xưa, cứ như là những mùa thu lá bay qua.

Sáng dậy thong thả điểm tâm với một chầu lươn cháo chánh hiệu Nghệ An cay xé lưỡi, với sự đồng hành khăng khít của Phan Nga, Nguyễn Trung Ngọc cầm lái đưa tôi về với Quảng Bình.

Đúng 12h trưa, xe rẽ vào thị trấn Ba Đồn, nơi có căn nhà mang con số nhà đẹp nhất Ba Đồn (99 Chu Văn An) của Nguyễn Xuân Sùng, tác giả của tập truyện kí Chắp nối Trường Sơn mà tôi đọc rất thích. Một bữa cơm ấm tình bè bạn đã diễn ra tại đây.

Càng ngày tôi càng nghiệm ra rằng, trong các mối quan hệ giữa con người với con người thì mối quan hệ bạn bè là thú vị nhất.

Tình yêu thì như lửa cháy, sẽ đến lúc nguội tắt. Chỉ có bạn bè là mãi mãi. Không vụ lợi, không âm mưu. Chỉ có vô tư và trong sáng. Chỉ có mang lại niềm vui và nụ cười. Quan hệ bạn bè khiến ta trở thành người tốt hơn, thông minh sáng láng hơn và cởi mở hơn trong cuộc sống. Giả sử có một lúc nào đó, các mối quan hệ bạn bè của ta bị đóng lại, khi đó cuộc đời ta sẽ khuyết đi một mảng không gì bù đắp nổi, trống trải vô cùng.
Vì thế mà tôi chẳng những không bao giờ ngại ngần gì sự xa ngái, tốn kém, ngược lại, còn tìm hết mọi cơ hội để được kết nối với bạn bè gần xa. Họp lớp lần này cũng vậy. Tôi không thể không về. Bởi cả tuổi thơ ngu ngơ của tôi nằm ở đó. Chẳng thế mà tôi đã rất lấy làm cảm kích trước sự nhiệt tình của hai bạn học cùng lớp đại học Ngọc Nga. Tôi biết việc nhà của hai bạn đang lúc bận rộn nhưng vẫn vui vẻ bỏ lại phía sau để đưa tôi về quê trên cả một chặng đường dài. Nhờ hai bạn mà tôi dù là dân Quảng Bình, lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất Ba Đồn nổi tiếng, lần đầu tiên được đi qua hầm đường bộ Đèo Ngang, lần đầu tiên đến được tận nhà Nguyễn Xuân Sùng, cũng là một bạn học, một người đồng đội rất hồn nhiên và trong sáng. Được đi trên con đường Ba Trại đẹp như một thung lũng ở Đà Lạt. Được ghé nghĩa trang Liệt sĩ mang tên làng Thọ Lộc, một nghĩa trang đẹp nhất nước, nằm trên đỉnh đồi thông bốn mùa gió reo vi vút, để cùng bạn thắp nén nhang tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ từ khắp cả nước đã ngã xuống trên quê hương tôi những năm chống Mĩ đúng dịp kỉ niệm ngày TBLS 27 tháng 7. 


Vợ chồng Phan Nga và Nguyễn Trung Ngọc tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thọ Lộc chiều 26 tháng 7 năm 2014


  Một nghĩa trang đẹp giữa đỉnh đồi thông bốn mùa vi vút. Về quê thỉnh thoảng tôi vẫn đến đây thắp hương tưởng niệm LS.


Chiều muộn thì về đến nhà ba mạ tôi ở làng Thọ Lộc. Một bữa cơm do mấy cô em gái đang làm việc ở Hoàn Lão được mạ tôi triệu về nấu nướng để tiếp đãi bạn bè của con trai cả đã chờ sẵn.

Về quê lần này thấy ba tôi đã yếu hẳn. Ông cụ đã 95 tuổi và gần như không ăn uống được gì. Còn nhớ buổi chiều trước khi tôi từ biệt ba mạ để về lại Sài Gòn, ba tôi ngồi nghiêm trang ở bộ salon, chỉ chỗ cho tôi và chú em cùng ngồi rồi thong thả nói: Dạo này ba thấy mình yếu lắm rồi. Ba biết là mình không sống được lâu nữa. Các con chuẩn bị mà lo hậu sự cho ba. Tôi chưa kịp nói gì thì chú em trai, làm ăn ở bên Lào cũng về thăm nhà đúng dịp này đã cắt ngang: Ba khỏi lo đi. Bọn con đã chuẩn bị đâu vào đó cả rồi. Nhưng trước mắt ba chưa vội đi đâu hết, cứ sống cho qua Tết năm nay đã rồi tính. Bây giờ không phải là lúc lo những kế hoạch dài hơi mà là phải lo cho qua từng chặng ngắn một. Nghe vậy, ba tôi không nói gì thêm nữa. Và tôi từ biệt Ba để lại ra đi. Cái số tôi nó thế. Suốt đời cứ phải sống xa gia đình, xa quê hương, xa cha mẹ.

Mạ tôi 85 tuổi thì có vẻ vẫn cố gắng để bình thường trong đau yếu. Đến bữa ăn dọn mâm xong cụ bắc ghế nhìn chồng, con, cháu ăn uống và lấy làm mãn nguyện lắm. Tính cụ thế. Con cái mời cùng ngồi ăn thì xua tay: ăn đi ăn đi. Mạ chưa muốn ăn. Đợi con cháu ăn xong mới ngồi xuống thong thả ăn sau. Suốt đời mạ tôi chỉ lo mấy anh em tôi ăn không đủ no.


   Sân nhà ba mạ tôi vẫn những giò phong lan rừng thay nhau nở quanh năm



         Sáng sớm thức dậy ba tôi vẫn múc nước tưới cho mấy chậu cảnh



 Vẫn cây mít bị bão số 10 năm ngoái quật đổ nằm gác ngang trên những cây mít khác trong vườn. Chẳng biết đến bao giờ thì nó mục và tự rụng xuống.



 Vẫn chú mực 4 mắt béo múp míp, khôn ngoan và trung thành trên chỗ nằm canh nhà ưa thích của nó là cái bàn uống trà ở ngoài sân. Chú mực này sướng đến mức thịt gà cũng không buồn ăn.
 

Ăn tối xong thì tôi và Ngọc Nga đi tiếp vào Đồng Hới, nơi đám bạn bè thời học cấp 3 đang í ới gọi. Đến Đồng Hới, tôi đi theo đám bạn cấp 3 hát karaoke, để lại Ngọc Nga đi kiếm khách sạn sau khi tưởng đã yên chỗ ngủ đêm cùng với lớp tôi tại nhà khách Kho bạc tỉnh. Và đó cũng là điều khiến tôi ân hận nhất trong chuyến đi mĩ mãn này: Đã không tự mình lo được cho vợ chồng bạn một chỗ ngủ ngay trên quê hương mình, khiến bạn phải vất vả không đáng có. Tóc đã bạc trắng mái đầu, cứ tưởng mình đủ khôn ngoan lắm rồi mà nhiều lúc cũng đoảng như thế đấy. Viết những dòng này, tôi mong nhận được sự thứ lỗi từ hai bạn.

Sáng ra thì Ngọc Nga trở lại Vinh. Chia tay bạn ở quán café bên bờ Nhật Lệ, chụp với nhau mấy kiểu hình kỉ niệm dưới bóng tháp nhà thờ Tam Tòa, một chứng tích lịch sử khốc liệt của những năm bom rơi đạn nổ thời đánh Mĩ, trong dư âm của ca khúc Nhật Lệ trăng huyền thoại.

Tạm biệt Nguyễn Trung Ngọc và Phan Nga, tôi mong cuối năm nay sẽ có sự kiện 55 năm hội trường VU để được gặp lại  hai bạn. 

 Dưới bóng chứng tích lịch sử nhà thờ Tam Tòa Đồng Hới sáng 27-7-2014. Trái sang: Nguyễn Trung Ngọc, Phan Nga, Lê Khắc Chân Như, HTS và Đỗ Kiến Quốc. Tấm hình này chắc chắn là do Lê Duần chụp, nhìn xiêu xiêu vẹo vẹo.  


Ngọc, Nga và Như bên con tuấn mã của Ngọc đã đưa tôi tự Vinh phó Đồng Hới


Ngọc, Như, Nga và Lê Duần. Chiều nay đang làm việc thì Lê Khắc Chân Như từ Hà Nội gọi vô la oai oái: Sao hôm bữa thấy chụp lia lịa mà ảnh ít thế. Mình bảo cái nào tui chụp thì OK, còn cái nào thằng Duần chánh tòa lao động chụp thì biến hình hết. Chỉ có vậy thôi. Thằng nớ chỉ giỏi ngồi ghế chánh án, còn vụ chụp ảnh thì hơi bị ngu.



      Vẫn Ngọc, Nga và Như. Mình chỉ xuất hiện nhõn trong có một tấm. Thiệt chán.


 Trước căn nhà của Nguyễn Xuân Sùng, 99 Chu Văn An, Ba Đồn. Trái sang: Thư (vợ Sùng), Nga, Lương (vợ Nguyễn Hữu Nhia), HTS, Nhia và Nguyễn Xuân Sùng (Ngọc là người bấm máy nên không có mặt). 
Khoảng 3h chiều thứ 5 tuần trước, trời Quảng Bình nắng như dội lửa, đang đung đưa trên cánh võng nhà ba mạ tôi thì bất ngờ nghe tiếng Nguyễn Xuân Sùng gọi hỏi lối rẽ vào làng Thọ Lộc: Tui đi theo đường Ba Trại, đang đến nhà ông mà quên mất lối rẽ rồi. Cha nội này đến lạ, đến chơi thì cũng phải báo trước chứ, nhỡ tôi nổi hứng đi đâu đó thì sao. Cảm động thế. Sùng đến, hai thằng chỉ kịp ngồi ăn với nhau vài món, uống với nhau vài lon bia rồi hắn lại vội vã ra về. "Về để cùng bà Thư (vợ Sùng) cho thằng cháu nội ăn, thằng cháu này khó cho ăn lắm". Sùng bảo tôi thế. Cũng là một sự lạ.

   

2 nhận xét:

  1. Đi với nhau đã tuyệt, nay ngồi đọc lại càng thấy ấm lòng. Còn ba cái vụ khách sạn-chỗ ngủ đêm 26 ấy sao cứ phải băn khoăn mãi vậy. Chuyện "nhỏ như con thỏ". Mà cũng phải để người ta có ít phút hoàn toàn tự do trong một chuyến đi như vậy chứ. Tớ thích vậy. Đêm ấy mà nằm lại nhà khách kho bạc có mà hết hơi để trả lời tụi bạn cấp 3 Đồng Hới nhà ông à? Khỏi nhắc chuyện ấy nữa. Tất cả đều tuyệt. Vợ chồng tớ rất hài lòng. Kể cả hôm sau về đường Trường Sơn trong một ngày mưa tầm tã, mịt mù đều thấy thú vị và đầy cảm xúc. Yên tâm đi nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là chỗ thân tình bạn nói vậy. Nhưng với tư cách là chủ nhà tớ vẫn chưa yên lòng. Nhưng thôi, cho qua.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới