Chử Anh Đào
Thủơ ấy, ông ở cùng dãy nhà tập thể “phố nhà binh” với tôi. Cơ quan đặt ở khu Bộ tư
lệnh lữ đoàn Kị binh bay của Mĩ, cách trung tâm Plei Ku chừng 4 km về phía
Đông. Ông thuộc số anh em “ cán bộ khung” của đất thang mộc Thanh- Nghệ tăng
cường. Chúng tôi là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Những người “lính” tăng
cường tuổi trên dưới bốn mươi, hầu hết đã có vợ con ở quê nhà. Và chắc chắn là
nghèo khổ như bất kì gia đình Việt Nam nào khi ấy. Còn chúng tôi, lính “hợp
chủng quốc”: Việt Bắc, Huế, Qui Nhơn, Tây Nguyên…tuổi ngoài đôi mươi. Vì vậy sự
khác biệt trong cách cảm, cách nghĩ, tác phong, lối sống là một sự thật hiển
nhiên.
Nhóm “khung”, “nòng cốt”, “cốt cán” gì đấy, sau
giờ làm việc là đánh trần ra. Chỉ sau vài ba tháng, trước phòng của họ đã kịp
mọc một vườn rau xinh xắn: ớt, dền, cải, mùng tơi…mùa nào thức ấy để cải thiện.
Có ông còn trồng được chuối, khoai lang, su su cân cho bếp ăn tập thể. Rồi còn
nuôi thỏ, nuôi gà, nuôi lợn…Tất nhiên là chẳng phải để ăn chơi, mà để “nhập
kho”. Vì, như khi Nguyễn Du vào làm quan triều Nguyễn ở Huế, chẳng đã để lại
đằng sau mình “thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc” (mười miệng ăn đang kêu đói ở
phía Bắc Hoành Lĩnh) đó thôi.
Cái
tài thứ hai của nhóm này là đi chợ. Chân ướt chân ráo nhưng mỗi người cũng sắm
ngay cho mình một cái xe đạp. Hồi ấy, sau bốn, năm năm giải phóng, những “bơ
thừa sữa cặn”, “tàn dư” của thực dân đế quốc như xe máy, ti vi, tủ lạnh… cũng
đã vợi đi nhiều. Nhóm này bày binh bố trận, trinh sát, lên phương án tác chiến;
trước khi hành quân hay sau khi vào phố về là lại túm năm tụm ba bàn bạc, hội
ý, làm giá hàng , thì thụt như kẻ trộm chia của. Nhìn gian lắm! Họ mua tất tần
tật những gì có thể bán lại mà có lời: quạt, quần áo cũ, phụ tùng xe đạp, xe
máy tã nát…Còn phương thức lưu thông hàng hóa thế nào thì bọn tôi chịu.
Lại
nói cái nhà ông ở cùng dãy với tôi. Trái ngược hoàn toàn với cái tên của mình,
ông nhỏ thó. Nhỏ tới mức không thể tự mình ngồi lên yên xe đạp mà phải vừa dẫn
xe vừa chạy rồi nghiêng người nhảy phóc lên. Ông có tài vặt là sửa ra đi ô,
đồng hồ. Hàng tuần ông vào phố, tăm tia những thứ ấy rồi về xử lí chúng với
niềm say mê và sự tập trung cao độ. Chắc ông nghĩ tới thành quả, nghĩ tới vợ
con lam lũ nơi quê nhà để mà gắng sức? Ông cũng “ không thể nào hiểu nổi” (lời
ông) khi tôi bỏ ra cả buổi sáng chủ nhật để vẽ vời chân dung nghệ sĩ để sau đó
tặng ngay cho người thích nó. Theo ông, đó là công việc ngớ ngẩn và uổng phí
thời gian, tiền bạc.
Còn
bọn trẻ chúng tôi, ngông cuồng và rồ dại. Chỉ có cái đói là hơn cánh kia và sự
chịu đựng cái đói lại thua xa họ. Ông bà ta đã nói: Đói thì đầu gối phải bò;
bần cùng sinh đạo tặc. Chúng tôi “bò” theo kiểu khác. Chúng tôi cũng “tăng gia
sản xuất” nhưng theo một kiểu khác. Chúng tôi chỉ muốn làm con nai ăn sẵn lộc
đồi tranh, làm con heo tìm củ mì trong rẫy người khác. Loại hình lao động trực
tiếp là thu gom bao cát, đục chốt ri, đào hầm rác, dỡ tôn thưng quanh nhà…đem
đổi hoặc bán cho bà Huệ trước cổng cơ quan, lấy tiền uống cà phê, uống rượu.
Rồi nữa, tết, cánh nòng cốt về quê, gửi trứng lại cho quạ. Xe đò vừa nổ máy, chúng
tôi lập tức nuốt lời, phản bội hiệp định kí chưa ráo mực, đem bắt nhốt hết cả
bồ câu, thỏ, vịt, gà, ngan ngỗng của họ vào một “trại Đa vít” là phòng ở của
ông Hùng tổ Văn và lần lượt hành quyết chúng cho những ngày tết thêm mặn nồng,
tử tế. Ra giêng, họ vào, cười trừ với nhau một phát là xong. Nhưng trò đó đã
dạy họ một bài học để họ không thể mắc sai lầm lần thứ hai.
Cho
đến bây giờ, khi cuộc sống ngỡ đã làm mình thành gỗ đá, tôi vẫn giữ nguyên niềm
ân hận và xúc động trước những giọt nước mắt của ông Hùng tổ Văn (cái ông đã
giấu “dũng sĩ diệt giặc đói” (trái mít non) vào trong tủ quần áo mà vẫn bị mất)
Ông khóc vì “họa vô đơn chí”. Chúng ập xuống ông sau một đêm, tỉnh dậy thì đàn
gà con mới nở của ông đã vĩnh viễn mồ côi mẹ và buồng chuối đang đầu xanh tuổi
trẻ nơi gần nhà về sinh cũng đã không cánh mà bay.
Giờ,tất
cả đã qua cơn bĩ cực. Cùng với thời gian, tôi tin người ta sẽ độ lượng và dung
thứ cho những khác biệt của nhau trong đời sống.
Viết bằng một cái máy già nua
PK 26.6.13
C.A.Đ
Đồng hương làm mình nhớ cái thời đi học sơ tán trên Cồn Chùa. Lũ con gái bóp ngắn cắn dài, có gì cha mẹ cho mang lên lán thì dè xẻn chia hần ra đủ ăn đến chiều thứ 7, chúng nó còn đi mò cua bắt ốc trên suối, đi kiếm rau tàu bay...Còn Lũ con trai mang cái gì lên là ăn. Ăn hết thức ăn thì cuối tuần ăn với nước muối. Chả thế cả lũ đói và đi cải thiện. Thằng đi trộm mía, trộm mít, đào trộm khoai sắn...Nhưng có một vụ mà TT cứ ân hận mãi vì mình đã tham gia: Đó là vụ dụ chó thầy Lộc vào rừng và giết thịt. Thầy yêu con chó này lắm...Đến giờ chúng mình cũng chưa dám thú nhận, mặc dù năm nào cũng gặp thầy ở các cuộc Hội Khóa!
Trả lờiXóaCũng là một thời của mùa lá rụng trong vườn.
Xóa