6 tháng 6, 2013

Phản biện

Tên đề tài KLTNNhững người đàn bà tắm – hành trình tự hủy diệt và tự cứu vớt của người phụ nữ
Ngành: Ngữ văn  
SV thực hiện: NĐGT
GV hướng dẫn: TS. PTV
GV phản biện: HTS                                     
1.   Tính cấp thiết và ý nghĩa của đề tài: 
Vào những năm cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI, nữ văn sĩ Thiết Ngưng trở thành một tác giả sáng giá trong nền văn học đương đại Trung Quốc. Cùng với các thể loại truyện ngắn, truyện vừa, tạp văn và bút kí… thì các cuốn tiểu thuyết của Thiết Ngưng như Cửa hoa hồng, Thành phố không mưa và Những người đàn bà tắm đã đưa bà thành một trong những cây bút hàng đầu của Trung Quốc thời hiện tại. Đó cũng là một trong những nguyên do để Thiết Ngưng trở thành Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc từ năm 2006 đến nay – điều được xem là một hiện tượng không bình thường của lịch sử văn giới Trung Quốc.
     Vì thế nghiên cứu tiểu thuyết Những người đàn bà tắm của Thiết Ngưng với tư cách là một tác phẩm tiêu biểu của một tác gia tiêu biểu là một sự cần thiết về nền văn học của một quốc gia láng giềng đã và đang có tác động mạnh mẽ đối với xã hội nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Nó có ý nghĩa như là một sự tiếp nối cho dòng chảy của việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Trung Quốc từ thời cổ đại cho đến đương đại trong hệ thống trường học Việt Nam, nhất là ở bậc đại học.
   Với nhận thức ấy, tôi đánh giá cao đề tài của bản khóa luận này.
2.Về mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài
    Trong phần Lí do chọn đề tài của bản khóa luận ở trang 2 có đoạn viết: “Người viết khóa luận chọn đề tài Những người đàn bà tắm – hành trình tự hủy diệt và tự cứu vớt của người phụ nữ nhằm mục đích làm rõ những nội dung mà những đề tài nghiên cứu trước đây chưa thực hiện được. Với đề tài này, người viết hi vọng sẽ đóng góp một công trình khoa học trong việc nghiên cứu về Thiết Ngưng, giúp sinh viên – học sinh có thêm tài liệu để tham khảo (…) Góp phần giúp cho thế hệ trẻ tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
   Đọc đến đoạn này tôi đã nghĩ rằng có lẽ người viết đã không ý thức được sự nghiêm trọng về những điều mình đã viết. Bởi đó là một tham vọng qúa ư to tát mà người viết đã đặt ra ở cấp độ của một khóa luận tốt nghiệp đại học. Viết và đặt ra như thế chẳng khác nào tự mình mua dây để trói mình hay nói cách khác là tự mình làm khó mình. Nếu căn cứ vào mục đích trên thì bản khóa luận đã không đạt và không thể nào thực hiện được.
   Nên chăng chỉ dừng lại ở chỗ như sinh viên thực hiện đã viết sau đây thì thiết thực và vừa tầm hơn: “Nghiên cứu đề tài này giúp chúng tôi bổ sung thêm kiến thức về văn học Trung Quốc và đất nước Trung Quốc. Hơn thế, việc nghiên cứu đề tài cũng giúp cho người viết khóa luận nâng cao kĩ năng nghiên cứu khoa học của mình”.
   Tôi mạn phép đọc phản biện và chấm điểm cho bản khóa luận chỉ khoanh vùng lại ở chỗ mục đích thiết thực và vừa tầm ấy mà bỏ qua những điều to tát ở trên.
   Và nếu xét ở múc đích vừa tầm đó thì từ đầu đến cuối khóa luận, người viết đã thể hiện những gì cần thiết về tác giả Thiết Ngưng trên một tác phẩm tiêu biểu là Những người đàn bà tắm trong cái sự học làm nghiên cứu khoa học của mình.       
3. Các phương pháp nghiên cứu của bản khóa luận là hợp lí. Từ phương pháp phân tích, phương pháp so sánh,  đối chiếu, phương pháp tiếp cận xã hội, lịch sử đến phương pháp tổng hợp đã được thực hiện tốt. Nhiều trang viết thể hiện được sự phân tích, cảm thụ tác phẩm sâu sắc và có hồn. Có cảm nhận người viết rất yêu thích tác phẩm và hâm mộ tác giả vì thế mà lí giải vấn đề ở nhiều chỗ khá chắc chắn. Đó là một điểm đáng khen của bản khóa luận.   
   Về cơ sở tài liệu thực hiện đề tài: Thực ra mà nói thì Thiết Ngưng dù nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng ở Việt Nam vẫn không phải là một tác giả quen thuộc lắm, nhất là trong thời buổi mà văn hóa đọc đang ngày càng bị văn hóa nghe nhìn lấn át và làm cho mờ nhạt như hiện nay. Vì thế mà tư liệu tham khảo về Thiết Ngưng không nhiều. Đó là một sự rủi nhưng cũng chính là điều may cho người viết khóa luận vì không bị lệ thuộc vào những trang viết của các học giả bậc thầy để từ đó có thể đưa ra những suy nghĩ độc lập và hồn nhiên của riêng mình.     Tôi đã lấy làm thích thú ở một số trang viết của khóa luận với những đánh giá, phân tích và tổng hợp mang tính chủ quan như thế.   
4. Nội dung chính của các chương và các kết quả đã đạt được: Với tên đề tài được đặt ra, nội dung chính của bản khóa luận gồm hai luận điểm rõ rệt: hành trình tự hủy diệt và hành trình tự cứu vớt của các nhân vật nữ trong Những người đàn bà tắm.
   Đọc kĩ tác phẩm với con mắt của một người nghiên cứu thì sẽ thấy cách gọi tên cho luận điểm đầu “hành trình tự hủy diệt” là không rõ ràng lắm. Họ, những nhân vật nữ như Chương Vũ, Tiểu Khiêu, Tiểu Phàm, Đường Phi… nếu có gì xấu xa, đồi trụy trong nhân cách và lối sống thì cũng không đến mức là một sự hủy diệt dù có người đã bị chết trẻ vì sống hoang đàng như Đường Phi. Thực tế họ chỉ là nạn nhân của một xã hội hỗn loạn và không giống ai như xã hội Trung Quốc thời cách mạng văn hóa (1966-1976) và cả thời cải cách mở cửa sau này nữa. Những người phụ nữ đó ngay cả khi họ làm điều xấu như ngoại tình, sẵn sàng lên giường với bất cứ ai, giành giật bạn tình của nhau, kể cả cố ý làm chết người… thì cuối cùng họ vẫn là những con người tốt. Ngay cả Đường Phi, dù có lăn lóc trong sự nhơ nhớp, trụy lạc từ tuổi vị thành niên thì người đọc vẫn thấy đó là một cô gái xinh đẹp và thanh sạch. Có chăng chỉ nên xem họ là những phụ nữ bị buộc phải tha hóa để tồn tại,  để được sống theo ý mình hay nói cách khác là họ đã tìm cách để tự giải phóng mình dù những cách đó không hay ho gì.  
   Vì thế cách giải quyết vấn đề của cái gọi là hành trình tự hủy diệt trong khóa luận nhiều chỗ sa vào khiên cưỡng, gượng ép.
   Tuy nhiên, ở cách giải quyết vấn đề hành trình tự cứu vớt của khóa luận lại rất đáng khen. Những phân tích vừa chi tiết vừa rạch ròi về số phận các nhân vật nữ chứng tỏ người viết đã đọc kĩ và nắm bắt nội dung ý nghĩa của tác phẩm rất tốt. Mặt khác đó cũng là những trang viết của một người vừa có cảm xúc chân thành vừa có cảm hứng trong học tập và nghiên cứu văn học. Có lẽ đó mới là điều đáng quí nhất của sinh viên thực hiện khóa luận. Nếu nguồn cảm hứng này được duy trì và nuôi dưỡng, sự học của sinh viên thực hiện còn đi xa hơn nữa.
5. Cấu trúc và hình thức trình bày của khóa luận  hợp lí và có tính chỉnh thể cao. Tuy nhiên ở phần Lịch sử vấn đề đã có chỗ thừa khi người viết đưa nguyên xi một phần tên các tài liệu tham khảo vào mà không có những phân tích, lí giải cần thiết liên quan đến vấn đề mình nghiên cứu.
   Hành văn chặt chẽ, mạch lạc ít lỗi ngữ pháp. Nhưng lỗi dùng từ đôi chỗ sai trầm trọng. Ví dụ: viết là “chủ nghĩa tôn sùng danh nhân” (tr 26, tr 83) trong lúc đáng ra phải viết là tôn sùng cá nhân; trong diễn đạt cũng có những chỗ vụng, ví dụ: “chúng tôi đã đi đào sâu vào việc phân tích các nhân vật…”(tr 95) v.v.   
6. Kết luận và đánh giá:
   Trong phần Đóng góp của khóa luận, ở trang 10, sinh viên thực hiện đã tự nhận xét rằng: “Khóa luận là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc…có những đóng góp cụ thể” và “Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần cung cấp tư liệu tham khảo cho sinh viên hệ đại học, cao đẳng chuyên ngành ngữ văn trong việc học tập bộ môn Văn học đương đại Trung Quốc”.  Đó là một sự thiếu khiêm tốn và tự mãn dù vô tình hay cố ý.  Lại thêm một lần nữa người thực hiện khóa luận không ý thức được ý nghĩa của câu chữ mà mình đã viết ra. Ông cha ta đã dạy bút sa thì gà chết. Bản khóa luận có thể chết vì những câu chữ như vậy. 
   Tuy nhiên, người phản biện khóa luận này không viết lời đánh giá như thế mà chỉ và vẫn kết luận rằng, bản khóa luận tốt nghiệp đã được hoàn thành ở mức độ tốt, đề nghị xếp loại giỏi.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 6 năm 2013

  

Sau nước mắt là nụ cười

                                         
Xem thêm: http://www.sachhay.org/sach/ChiTiet/6821/nhung-nguoi-dan-ba-tam
     

13 nhận xét:

  1. Đời sinh viên, nghiên cứu sinh...sợ nhất là người phản biện. Bạn có 'hắc xì dầu' lắm không? hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khỏi lo đi TT. Mình phản biện thì xì dầu cũng có hắc nhưng cho điểm thì mềm mại lắm.

      Xóa
  2. Chào Thầy(Tác giả: PHẢN BIỆN)!
    Tôi đã hết tuổi sinh viên(Tương đối) lâu lắm rồi và cũng không theo học ngành ngữ văn.
    Tôi chưa được đọc khóa luận mà Thày phản biện.
    Mới đọc bài viết PHẢN BIỆN của thày tôi đã thấy cái tâm, cái đức của thày đối với nghề, đối với sinh viên và nó lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh giáo dục hiện nay.
    Rất cám ơn thày.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn Hai Thang Hoang đã quan tâm và quá khen. Hành nghề dạy học, tôi luôn xem học trò - SV như con em của mình để có cách ứng xử cho nhân ái.

      Xóa
  3. Thầy ơi, em đang làm khóa luận về tác phẩm này, thầy có cuốn sách này không thầy?

    Trả lờiXóa
  4. Thầy ơi, em đang làm khóa luận về tác phẩm này, thầy có cuốn sách này không thầy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy hiện gờ em đã có cuốn NNĐBT chưa

      Xóa
    2. dạ thầy ơi, bản luận văn trên e có thể mượn được không thầy?

      Xóa
    3. dạ thầy ơi, bản luận văn trên e có thể mượn được không thầy?

      Xóa

Bạn có nhận xét mới