10 tháng 6, 2013

Người đẹp

                    Chử Anh Đào
          
  Trong lịch sử, Arixtot ( thế kỉ VI trước CN) là người đầu tiên tập trung cái nhìn mĩ học vào vẻ đẹp của con người, cả về mặt hình thể và thế giới tâm hồn của nó, coi con người là đối tượng ưu tiên số một của nghệ thuật.
            Mỗi dân tộc, mỗi thời đại lại có những mẫu người đẹp riêng của mình. Tương ứng với điều đó, nghệ thuật mỗi giai đoạn lại có những nguyên tắc thi pháp thể hiện người đẹp khác nhau.( Ví dụ để tả Kiều hay Tây Thi, các tác giả chắc chắn phải sử dụng những khuân mẫu “ chim sa cá lặn”, “ nghiêng nước nghiêng thành”, “ thu thủy xuân sơn”…) Nhưng đến “ Người đẹp” của Lò Ngân Sủn- nhà thơ dân tộc Dáy thì thật độc đáo và đặc biệt:
                        Người đẹp trông như tuyết
                        Chạm vào lại thấy nóng
                        Người đẹp trông như lửa
                        Sờ vào lại thấy mát
                        Người không khát- Nhìn thấy người đẹp cũng khát
                        Người không đói- Nhìn thất người đẹp cũng đói
                        Người muốn chết- gặp người đẹp lại không muốn chết nữa

                        Ơ!
                        Người đẹp là ước mơ
                        Treo trước mắt mọi người!
            Độc đáo và đặc biệt, trước hết, là vì nó khác với thông lệ của chủ nghĩa hiện thực. Người đẹp không được miêu tả với các bộ phận tay chân mặt mũi, lời nói, dáng đi… Người đẹp được so sánh với hai hiện tượng đối lập; “ tuyết” ( lạnh) và “ lửa” ( nóng). Tác giả cảm thụ, chiêm ngưỡng người đẹp bằng mắt và bằng…tay, theo cách riêng của dân tộc mình: “ Ai viết tên em bằng ánh sáng/ Ai vẽ hình em bằng ánh trăng?” ( Dân ca Dáy). Các điệp ngữ “ Người đẹp trông như”, “Chạm ( sờ) vào lại thấy” vừa có tác dụng gây ấn tượng, khắc sâu vừa thông báo những phát hiện mới, thú vị, bất ngờ: điều cứ ngỡ như vậy, tưởng như vậy hóa ra không phải, thậm chí còn ngược lại, tưởng lạnh mà lại nóng; tưởng nóng mà lại mát. Đây là những câu thơ có tầm biện chứng của triết học!
            Vẫn theo cấu tứ đối lập như ngược đời ấy ở các câu thơ tiếp theo, “ Nhìn thấy người đẹp” thì sẽ “ không khát”/ “ cũng khát”; “ không đói”/ “ cũng đói” và đặc biệt là “ muốn chết”/ “ lại không muốn chết nữa”. Cái Đẹp một lần nữa đã  cứu rỗi sự sống, “ cứu chuộc thế giới” ( Fedo Dosxtoevxki)
            Ai nhìn thấy người đẹp? Bốn câu thơ đầu không có chủ ngữ, không có đối tượng thông báo. Ba câu nối tiếp là “ người”. Câu kết chỉ rõ: “ Mọi người”. Tất cả, không trừ một ai. Hướng tới cái Đẹp, sáng tạo và cảm thụ, tận hưởng cái Đẹp là qui luật phổ quát toàn nhân loại. Đối tượng cái Đẹp ở đây ( là người đẹp) cũng mang tính phổ quát như thế!
            Những câu thơ cuối thể hiện sự ngạc nhiên mãi không thôi trước cái Đẹp. Một trong những tiêu chí của cái Đẹp là sự phát triển hài hòa, cao nhất so với sự vật, đối tượng cùng loại. Phải từ hiện thực, đỉnh cao của hiện thực, cái Đẹp mới lung linh tỏa sáng. “ Ơ! Người đẹp là ước mơ”. Ước mơ này có cơ sở từ thực tiễn, không xa xôi huyễn hoặc mà ngay “ trước mắt”, mà nhiều người đã có cơ hội “ chạm vào”, “ sờ vào” nó. Cái Đẹp đang mời gọi hạnh phúc- nói theo ý của nhà văn Pháp Stăngđan. Đó cũng là cảm xúc rất người, thấm đẫm chất nhân văn của Lò Ngân Sủn.

            Có thể nguyên mẫu là những người con gái bản Tung nhọc nhằn, lam lũ mà sạch như nước suối đầu nguồn, thơm như hoa lê, hoa mận lưng chừng dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm mây phủ, xa hút nơi cuối trời Tây Bắc, “ Người đẹp” đã bước vào văn chương, trở thành một trong những hình tượng thơ không phai nhòa cùng năm tháng. “ Người đẹp” ắt trẻ mãi không già!
CAĐ

2 nhận xét:

  1. Người đẹp để mà ngắm
    Người đẹp phải tay sờ
    Lẽ nào lại thờ ơ
    Để mặc người khô héo?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người đẹp làm người ốm nhìn thấy khỏe ra
      Người sắp chết nhìn thấy muốn sống lại
      Hoàng đế nhìn thấy người đẹp cũng muốn bỏ ngai vàng
      Đến ông Pu tin cũng bỏ cả đệ nhất phu nhân
      Người đẹp là tai họa của nhân loại...

      Xóa

Bạn có nhận xét mới