19 tháng 6, 2013

Lí lịch

Nhàn đàm của Chử Anh Đào                                       
                                                      
            Ai cũng có một lí lịch. Lí lịch phải trung thực. Những trường hợp khai man sẽ bị luật xử lí. Vì vậy trong các bản nộp cơ quan, chính quyền, không dễ gì một người có đến hai ông bố, lúc làm nghề này, khi lại ở một vị trí khác.
            Nhưng ngoài đời sống xã hội thì có đấy! Trong các cuộc bia rượu, thậm chí chỉ là quanh các bàn trà, cà phê giải khát…
            Tôi có một ông bạn, kẻ Bắc người Nam, quen nhau từ hồi sau 1975. Hối ấy, không biết vì nguyên cớ gì mà đang lịch sự sang trọng, người ta nhất loạt cất veston, áo dài… vào tủ, mua quần áo bảo hộ lao động, hoặc ít ra là các loại vải thô màu xanh, đen, mặc vào (cho giống giai cấp công- nông(!) Ở Hà Nội, theo nhà văn Trần Dần, sau 1954 cũng có tình hình ấy)
            Trở lại với ông bạn của mình. Xu người có chiều cao khiêm tốn. Trán dô, ngắn; tai chuột; tóc rễ tre; cằm nhọn; mắt trắng dã dưới đôi lông mày chổi sể; hay liếc xéo; giọng nói nhiều thổ âm, nặng và rất khó nghe. Xu bảo:  Hoàn cảnh gia đình cơ cực lắm. Bốn đời bần cố nông, chăn trâu bứt cỏ, ở đợ. Nhiều thành viên tha phương cầu thực. Ông nội chết phải bó chiếu đem chôn…Nếu không có cách mạng thì…Tôi nhìn kĩ Xu và thực lòng tin như vậy. Cả bốn năm năm đại học mà tóc rễ tre vẫn chưa phai màu nắng gió nơi quê có núi liền với biển “chỉ gió bão là mọc nhanh như cỏ”, nó hung hung tựa râu bắp và có mùi khen khét. Đến bàn chân. Tuy nhỏ con nhưng Xu mang giày cỡ 42. Ngón cái bất trị cứ toãi ra như kiên quyết không muốn vào “ Hợp tác xã”, nhìn kĩ còn thấy màu bùn đất. Xu nghiện thuốc lá nặng. Loại thuốc mà Xu hút là thuốc rê mang ở quê vào, từng liếp còn nguyên lá, “Lao động”, “Vàm Cỏ” phải gọi bằng cụ. Vậy mà cứ hút được chừng nửa điếu Xu lại dụi đi, giắt phần còn lại lên tai. Tôi ngẫm ra con người là ích kỉ nhất, chỉ chịu được mùi của mình!
            Bẵng đi hai chục năm, tôi mới lại có dịp quay về phố núi “chiến trường xưa”. Xu giờ đã khác, làm sếp to ở một cơ quan tỉnh. Duy chỉ có dáng người và ánh mắt là vẫn như xưa, còn lại đã đổi khác: Tất cả cứ như bóng lộn lên, sáng như gương, bệ vệ, béo tốt, mọi thỏa mãn tràn cả ra ngoài. Trong bữa tiệc tiếp đón nồng nàn, có nhiều quan khách liên hệ công tác ở địa phương khác. Bia rượu vào, Xu oang oang oang nói vừa chém gió (tôi biết tính Xu thế. Trong bữa rượu mà chỉ mình Xu nói thì thôi. Chứ nói qua nói lại là Xu gồng mình lên, “vô lim” hết cỡ)  về danh gia vọng tộc của mình. Ông cố là cử nhân khoa thi chữ Hán cuối cùng nhé. Ông nội làm “chánh tổng kháng chiến” nhé. Ruộng đất thẳng cánh cò bay nhé (Không tin hỏi cò thì biết nhé) Kẻ ăn người ở tính đến có vài chục nhé. Bố theo Việt minh, làm chính trị viên đại đội thuộc tiểu đoàn F, trung đoàn K, sư 328(!) nhé. Bà dì lên thành phố, buôn bán  thành tư sản dân tộc, tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho chiến khu R nhé. Sau giải phóng có ông trung tướng đến thăm và tặng quà, chụp ảnh lưu niệm nhé. Thằng em trai đang làm phó chủ tịch huyện nhé…ÔI chao! Đúng là một bản lí lịch vẻ vang, thơm tho của dòng dõi Tiên Rồng. Ai bảo là chó nhảy bàn độc? Ai bảo như lũ lụt miền Trung, có nhà thơ đã viết : “Một phen ếch nhái nhảy lên bàn thờ”?
            Tuy là khập khiễng nhưng chợt nhớ tới chuyện một sếp nọ ở phòng văn hóa thông tin, đi đâu cũng ba hoa rằng ông nội trước giữ chức “Lềnh”của Tổng Thạch Vĩ mà không biết “lềnh” là một tên gọi khác của “mõ”. Sếp khác khoe trong kháng chiến chống Pháp, gia đình ông bà nội ngoại cũng “dinh tê” nhé. (Chắc ông ta tưởng  “dinh tê” là một cơ ngơi tòa ngang phủ dọc quyền quí) Lại chợt nhớ tới nhân vật Chu Văn Quyềnh trong phim “Đất và người”. Là phận tôi tớ bưng bê, lo xôi thịt cho ủy ban nhân dân xã đánh chén mà đi đâu cũng bô bô làm lao động gián tiếp ăn công điểm, không hề biết mắc cỡ mà trái lại, “ta tự hào đi lên” như lời một bài hát. Đến khi  xã cho lão trông coi cái máy xay xát gạo, lão thửa ngay bộ bludong xanh và vỗ ngực phèn phẹt: Đây đã trở thành giai cấp công nhân rồi nhé!
            Những chuyện trên đây xảy ra trong lúc hoàn toàn trời đã yên, biển đã lặng. Nhưng “Vinh” đâu không biết, chỉ thấy “Nhục” lắm thay!        

                                                  PK 18.6.13

                                                   C.A.Đ

2 nhận xét:

  1. Gia đình TT là một nạn nhân của chủ nghĩa Lý lịch. Ông anh TT chắc bạn biết là một trong những kỳ sư đầu tiên của nước VNDCCH, tốt nghiệp ra trường được về làm trợ giảng rồi giảng viên một trường Đại học, thấy có thành tích lại cố gắng phấn đấu nên ưu ái cho đi thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng. Nhưng mỗi lần đi thẩm tra lý lịch là một lần ông anh TT phải đổi nơi làm việc, đơn giản là "lý lịch không rõ ràng" được Đảng ủy xã phê. Số là ba của TT trước đây có hoạt động cho Việt minh. Để che mắt ngụy quyền ông nhận làm Ủy viên khánh triết của chính quyền thuộc Pháp vài 3 tháng. Thế là một lý lịch "bẩn". Ông anh đã khổ sở chuyển cơ quan đến 6-7 lượt. Cả nhà Th điêu đứng vì vụ này, ông già Th uất lắm...Cúng may nhờ ông anh gặp lại được ông cán bộ VM ngày xưa trong đương dây của ông già mà ngày nay anh em TT cũng được ngửa mặt nhìn đời....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sự đời oái oăm thế đấy TT. Cha ông chúng ta và cả thyế hệ chúng ta là nạn nhân của chủ nghĩa lí lịch.
      Còn loại người như tay Xu trong bài viết trên là con đẻ của chủ nghĩa lí lịch.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới