13 tháng 6, 2013

Không mày đố thày dạy ai



Theo số liệu thống kê vừa công bố từ Bộ Giáo dục Đào tạo, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học – cao đẳng năm nay đạt được con số 1.700.983. Trong đó số hồ sơ khối C chỉ có 102.000, đạt tỉ lệ 6%. Cả nước có 419 trường đại học và cao đẳng nằm rải rác ở 63 tỉnh thành, nhưng mùa tuyển sinh năm nay hồ sơ dự tuyển khối C chỉ có vậy.  
Rõ ràng, số lượng sĩ tử muốn theo đuổi ngành khoa học xã hội và nhân văn đã tiếp tục giảm về mức thê thảm. Đã có thời thi vào khối C một thí sinh phải chọi với tỉ lệ 1/30 thậm chí là 1/40, nhưng hiện nay tỉ lệ chọi chỉ còn 1/4 hoặc 1/5. Tỉ lệ chọi thấp thì chất lượng đầu vào thấp và dĩ nhiên đầu ra cũng thấp luôn. 
Đó là một sự rơi theo chiều thẳng đứng.
Trong lúc trên thế giới, ở các nước càng phát triển thì ngành khoa học xã hội cũng theo đó mà phát triển theo. Sinh viên ở các nước phát triển càng cao (chẳng hạn như Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây) càng đua nhau vào học ở những ngành khoa học xã hội, bởi đó là một sự thức thời cao sang trong một xã hội văn minh.  Vậy tại sao nước ta ở thì hiện tại lại đang theo chiều ngược lại với thế giới văn minh. Phải chăng chúng ta, hay nói cụ thể hơn là thế hệ với những người trẻ có học của nước ta không cần đến kiến thức của khoa học xã hội trong tiến trình phát triển của đất nước!
Trả lời câu hỏi này là cả một vấn đề. Nhưng trước hết người ta hay đổ cho người học ở nước ta là họ đang ngày càng trở nên thực dụng hơn. Một ngành học mà người sinh viên tốt nghiệp xong không tìm thấy đầu ra; cầm tấm bằng cử nhân trên tay đi tới đâu cũng chỉ gặp toàn những ánh mắt ghẻ lạnh, thậm chí là dè bỉu của các nhà tuyển dụng; lỡ kiếm được việc làm thì đồng lương không đủ húp cháo qua ngày. Vậy ai dám mạo hiểm đăng kí vào học. Không giảm mới lạ.
Nghe ra cũng có lí.
Nhưng người lớn thật bất công khi lên án con em mình như thế.
Với con mắt nhìn của tư duy biện chứng, phải thấy rằng nguyên nhân chính của thực trạng trên là bắt nguồn từ bối cảnh xã hội và chính từ bản thân các ngành đào tạo của khoa học xã hội nhân văn - một ngành học dễ bị hàn lâm hóa và phi thực tế. Do đó mà không thuyết phục được người học và xã hội. Ngày nay nếu có dịp bước chân vào những giảng đường khoa học xã hội, mọi người sẽ dễ dàng nghe từ các giảng viên rao giảng những tín điều như của người cõi trên. Sinh viên chỉ nghe để mà nghe. Nghe rồi văng ra. Rồi cứ thế, lớp anh trước lớp em sau truyền nhau một bài học nhớ đời là phải lánh càng xa càng tốt các ngành khoa học xã hội nếu không muốn nghe những điều vu vơ ở trường đại học. Hồ sơ dự tuyển khối C mỗi năm một giảm là lẽ đương nhiên.
Cách đây 3 năm người viết bài này đi thỉnh giảng cho khoa văn một trường đại học. Lớp có 100 sinh viên. Năm sau lên lớp cho khóa tiếp theo chỉ còn 60 sinh viên. Khoá gần nhất chỉ còn 30 sinh viên. Khóa năm nay thì chỉ còn 16 sinh viên. Dạy ở lớp đại học năm thứ hai mà lèo tèo như là một lớp chuyên đề sau đại học. Và không chỉ một khoa văn của trường đại học đó, ở khoa văn của hai trường đại học khác mà tôi vẫn thường dạy hàng năm cũng rơi vào tình trạng như vậy.
Thời tôi đi học thuộc nằm lòng câu thành ngữ Không thày đố mày làm nên. Nay thì lũ học trò vừa mang balo lên cầu thang giảng đường vừa ngâm nga câu thành ngữ mới của Sát thủ đầu mưng mủ ngay trước mũi ông thầy dạy chúng nó: Không mày đố thày dạy ai. Ngẫm mà đau.  
Đừng vội trách học trò đã xa lánh các ngành học khoa học xã hội. Hãy trách xã hội và người lớn đã tạo ra hoàn cảnh để cho học trò phải như thế. Bởi cha ông ta đã dạy rằng Tiên trách kỉ hậu trách nhân.


4 nhận xét:

  1. Ngẫm thấy bỏ phiếu tín nhiệm ông bộ trưởng Bộ này xếp cuối bảng cũng đúng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm cái Bộ GDĐT này thì cosd 3 đầu 6 tay cũng bó tay con gà quay thôi bạn ơi.

      Xóa
  2. Nghĩ mà thương cho bọn trẻ khi tình hình kinh tế của VN như thế, khi cha mẹ nuôi con bao nhiêu năm đèn sách mà khi ra trường không kiếm được việc làm, các ngành khác cũng thế thôi, kỹ sư XD cũng đi xe thồ kiếm sống, kế toán đi bán hàng v.v... Trách mấy ông bà lãnh đạo ngồi trên cao chót vót chỉ nói hay, hứa giỏi nhưng càng ngày càng tệ hơn. Chia sẻ cùng anh nỗi băn khoăn về của người thầy tâm huyết với nghề. Chúc anh sức khỏe và hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thời buổi nhố nhăng nên việc học cũng nhố nhăng.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới