13 tháng 6, 2013

Uyển ngữ và ngoa ngữ

       Chử Anh Đào

            “ Uyển ngữ” (nói giảm, nói tránh) là một trong những biện pháp tu từ từ vựng tiếng Việt. Như tên gọi, biện pháp này giảm hoặc tránh cho đối tượng giao tiếp những tổn thương, thậm chí có phần được an ủi, vỗ về. Chẳng hạn, để nói về sự “chết”, nếu tôn trọng người đã nằm xuống, người ta sẽ dùng các từ “từ trần”, “tạ thế”, “qui tiên”, “ gặp các Cụ Mác- Lênin”…Để tránh đau buồn, người ta sẽ nói  “ đi”,“ về”, “ khuất”, “ khuất núi”…Ví dụ; “ Ôi bóng người xưa đã khuất rồi”:Ông mất năm nao ngày độc lập… Bà về năm đói làng treo lưới” ( Tố Hữu) Ngoài ra người ta còn có thể diễn đạt bằng những từ ngữ khác: “ Những lăm lòng nghĩa lâu dùng/ Đâu biết xác phàm vội bỏ” (Nguyễn Đình Chiểu); “ Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời” (Quang Dũng)
            Tương tự như thế, nếu so sánh hai cách nói: “Cô ấy không còn trẻ nữa”/ “Cô ấy già rồi”; “Chị hát không hay lắm”/ “Chị hát quá dở”: “Trông bà cụ nhà anh không được khỏe lắm”/ “Bà cụ nhà anh yếu quá”;  …thì sẽ thấy ngay sự uyển chuyển, tế nhị cần thiết biết chừng nào!
            Ngược lại với nói giảm, nói tránh là ngoa ngữ (phóng đại, nói quá). Mục đích của biện pháp này là nếu “ trừ hao” đi thì sự vật, hiện tượng vẫn có một cốt lõi sự thật. Ví dụ:
            - Lỗ mũi mười tám gánh lông
       Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho ( Ca dao)
            Cốt lõi sự thật: lỗ mũi rất nhiều lông
            - Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt
            Đảng ta đây xương sắt da đồng
            Đảng ta muôn vạn công nông
            Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin ( Tố Hữu)
            Cốt lõi sự thật: tác giả muốn ca ngợi Đảng cộng sản Việt Nam có đội ngũ đông đảo, có sức mạnh vô song và niềm tin vững chắc.
            Cũng như việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ khác, nếu chân thành, không giả dối, đúng đối tượng, đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ phát huy tác dụng to lớn: thông báo ngắn gọn, chính xác, hấp dẫn người đọc, người nghe. Thực tiễn đáng bàn ở đây là (ngoài một thành tích, ví dụ trồng hai chục gốc chè xanh “ để cải thiện đời sống” mà phòng ban, công đoàn, đoàn thanh niên đều vơ vào mình) người ta đã lạm dụng, đánh tráo khái niệm. Trong các tổng kết của tập thể, cơ quan, khi nói đến thành tích thì người ta dùng ngoa ngữ: “Quán triệt và tin tưởng sâu sắc”, “tuyệt đại bộ phận”, “cực kì to lớn”, “vô cùng vẻ vang”, “nâng lên tầm cao mới”… Còn khi nói đến nhược điểm, yếu kém, người ta lại dùng uyển ngữ : “Có lúc có nơi” (nhan nhản), “ có biểu hiện của mất đoàn kết” ( nội bộ xâu xé, lục đục), “ một bộ phận không nhỏ” (bộ phận lớn)…
            Cách sử dụng ngôn ngữ như thế tạo nên sự phản cảm, hạn chế tác dụng giáo dục và tuyên truyền./.   
                        13/6/13
                         C.A.Đ


                      Tác giả bài viết Chử Anh Đào ngoài cùng bên phải




2 nhận xét:

Bạn có nhận xét mới