17 tháng 11, 2012

Nghề giáo và tiếng chào



Thói thường ở nước ta, hễ nghề nào mà hay được tung hô thì nghề đó chắc chắn là có nhiều thiệt thòi. Bởi đám bề trên thấy rõ là chúng nó khổ quá nên khen mấy câu cho chúng nó sướng. Nghề lính là đầu bảng, nghề giáo là thứ nhì, và nhiều nghề khác nữa…
Thực ra thì bất luận làm nghề gì cũng chỉ vì một mục đích với hai chữ là kiếm sống nếu không nói thẳng ra là kiếm tiền (trừ việc đi lính nghĩa vụ).  Dù là dưới cái vỏ bọc hào quang và giả dối là vì nhân dân phục vụ hay vì học sinh thân yêu gì gì đi nữa thì cũng chỉ để kiếm mấy đồng lương hàng tháng mà thôi.
Vậy thì hà cớ gì phải đề cao.
Nhiều người làm nghề giáo do thấy thiên hạ tung hô nhiều quá, lại nhất là ra đường được đám học trò cúi đầu chào còn phụ huynh thì ngày 20-11 chạy ngược chạy xuôi mua quà biếu (là với học trò phổ thông thôi, thầy đại học thì quên vụ này đi nhé) nên cũng lầm tưởng rằng mình cao quí thiệt.
Đó là một bi kịch của người thầy. Bi kịch mang tên hoang tưởng.
Vì bi kịch này nên không ít người làm nghề dạy học có thói quen xấu là muốn ai cũng phải đội mình lên đầu. Mà trước hết là yêu cầu lũ học trò phải luôn ngả nón kính chào mình. Đứa nào không chào thì coi như là đứa đó hỗn láo, mất đạo đức. Vụ này sặc mùi phong kiến với quan niệm tôn ti trật tự: Quân – sư - phụ (đầu tiên là vua, đến thầy  rồi mới đến cha). Một quan niệm tột bậc của sự ngu xuẩn. Họ, những ông thầy ấy quên mất rằng chính học trò là nguồn sống của họ. Nếu học trò không đi học sẽ không có ai đóng học phí, mà học phí chính là nguồn lương của thầy. Nói theo ngôn ngữ của sát thủ đầu mưng mủ: Không mày đố thày dạy ai.
Thầy chả biết ơn trò thì thôi lại còn bắt trò làm điều ngược lại.
Nhớ hồi ở khoa mình, có ông đồng nghiệp lớn tuổi hâm hâm, hễ thấy có đứa học trò nào nhỡ đi qua hoặc nhìn thấy ổng mà không chào là bị gọi lại bắt bẻ ngay: Tại sao anh không chào tôi.
Nhớ chuyện đã lâu từ thời sinh viên năm thứ tư. Bạn tôi đi thực tập về qua một con phà, trên phà bỗng gặp ông thầy dạy triết, giữa đám người chen chúc đông đúc trên một con phà nhỏ ở miền Trung thời thổ tả rất khó khăn cho sự thể hiện lễ phép nên không chào được ông thầy. Vậy mà khi qua khỏi phà rồi, ông thầy vẫn tìm cách lại gần chỉ để cật vấn một câu:  Tại sao thấy tôi mà anh không chào.
Đúng là cơ khổ.  

Bây giờ tôi cũng chẳng mấy hâm mộ ông Lê nin nữa nhưng ông này có hai câu nói rất hay khiến tôi luôn nhớ từ thời còn đi học. Đó là câu Học, học nữa, học mãi và câu Người làm nghề giáo dục trước hết phải là người được giáo dục. Muốn dạy được thiên hạ thì anh phải được học hành, được giáo dục đầy đủ. Cũng có nghĩa rằng, người làm nghề dạy học phải là một sự gương mẫu về nhiều mặt. Không chỉ là vượt trội về kiến thức mà còn cả về nhân cách và đạo đức làm người.
Đó cũng là một sự khắc nghiệt nữa của người làm nghề giáo.
Ai chịu đựng được và vượt qua được sự khắc nghiệt này sẽ là người Thầy theo đúng nghĩa của nó, sẽ là người mà dù đã tốt nghiệp đi xa mái trường thân yêu lâu rồi, học trò cũng mong được một lần về thăm lại trường cũ,  gặp lại thầy giáo cũ chỉ để được một lần kính cẩn chào Thầy một tiếng, được một lần nắm tay Thầy…
Đời đi học của tôi, may mắn thay, đã gặp được nhiều những người Thầy như thế.

15 tháng 11, 2012

Có một thời như thế ở khoa Văn


 

Những hình ảnh của một thời ở Khoa Ngữ văn, ĐHSP Qui Nhơn. Nhân kỉ niệm 35 năm thành lập ĐHQN và Khoa Ngữ văn:


Tổ văn học nước ngoài khoa Văn QNU năm 1987, từ trái sang: Nguyễn Văn Giai (đã mất), Hà Tùng Sơn, Lê Thị Mĩ Trang, Ngô Quang Hiển, Nguyễn Khắc Hóa


Khoa Văn đời đầu và đời giữa.
Từ trái sang.
Hàng đầu: Phạm Trọng Tân, Nguyễn Thị Mai, Huỳnh Văn Trứ (đã mất) cùng con gái Anh Thư, Nguyễn Xuân Nhân, Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Khánh Nồng (đã mất) ông Trần Danh CT công đoàn trường, cô Thân VHDG.
Hàng thứ 2: Bạch Kim Dung, Nguyễn Khắc Hóa, Trần Thanh Bình, Lê Thị Mĩ Trang, Nguyễn Tuyết Nhung.
Hàng thứ 3: Bùi Lợi (đã mất), Mai Xuân Miên, Đàm Đình Tâm, Ngô Quang Hiển, Nguyễn Quý Thành, Hà Tùng Sơn, Nguyễn Văn Giai (đã mất), Nguyễn Ngọc Quang. 





Liên hoan tốt nghiệp lớp A SV khóa 6 (7-1988), khoa văn QNU. Trái sang: Ngô Quang Hiển, Nguyễn Xuân Nhân, Nguyễn Khánh Nồng (đã mất), Hà Tùng Sơn, Trần Đình Quang (SV khóa VI)






Liên hoan tốt nghiệp khóa VI (1988). Trái sang: Hà Tùng Sơn, Hồng Thoa (SV lớp chủ nhiệm), Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Khánh Nồng (đã mất), Biện Tấn Mân (SV khóa VI).




Trần Thanh Bình và Hà Tùng Sơn




Sau buổi lên lớp này (năm 1988) là đi thẳng ra BTV



Đám cưới thời bao cấp của Hà Tùng Sơn tại ĐHSP Qui Nhơn, 2-9-1984, trái sang: Cháu Thu Trang con cô Kim Nhung dạy ngôn ngữ, vợ chồng Vân-Tám, cô dâu và chú rể, Huỳnh Văn Trứ (đã mất), Nguyễn Văn Giai (đã mất), Võ Vĩnh Hào.

13 tháng 11, 2012

Thầy của Hà Tùng Sơn và tôi


Ngày 20 tháng 11 đến và chúng tôi nhớ  về những người thầy thân yêu và đáng kính trọng của mình. Từ GL, Chử Anh Đào gửi xuống một bài viết về Thầy Nguyễn Cảnh Phức, thầy giáo dạy Hán - Nôm thời cao học của bọn mình. Cảm ơn bạn.
Chử Anh Đào           
        Kính tặng thầy Nguyễn Cảnh Phức
 Đã là xa lắm rồi các gia đình ở phố không còn dùng bếp củi, bếp than, bếp dầu mà dùng bếp điện, bếp ga tiện lợi. Nhưng sáng nay- một buổi sáng dã ngoại đầu mùa khô, khi mà cành lá chúng tôi vun lại để nhóm lửa còn sũng nước của cơn mưa cuối mùa mấy ngày trước lâu chịu bắt lửa, khói mù mịt, cay nồng xộc vào mũi tôi như một kỉ niệm chưa xa. Và tôi nhớ tới thầy.
Thầy quê Nghệ. Dáng người rất phổ thông, bình thường, không gì đáng để ý, người đời dễ quên ngoài cặp mắt tinh anh, xếch và luôn ánh cười. Cái cười bằng miệng bị khóa lại bởi đôi môi mím chặt thì lại toát ra bằng mắt, đa nghĩa gấp nhiều lần. Quanh năm thầy đánh đôi giày cô sơ ghin- một loại giày sĩ quan cao cổ của Nga rất dày và cứng đi cùng năm tháng. Quần áo ka ki màu cỏ úa xoàng xĩnh không là ủi. Chỉ có cái túi quần luôn căng phồng ( sau này chúng tôi mới phát hiện ra thay vì là mu soa thì Người nhét cả cái khăn mặt vào đấy. Đều đặn chiều thứ bảy thầy dắt xe đạp “ Thống Nhất”- cái xe mà “ tất cả mọi thứ đều kêu, trừ cái chuông”, xà cột bên hông, lỉnh kỉnh một ba lô căng phồng sau poocbaga lên đường về quê. Trông thầy giống một ông cán bộ chính sách ở huyện vùng cao, chả có dấu hiệu gì của trí thức hạng nặng, giảng viên một trường có uy tín đứng đầu miền Trung và danh giá trong cả nước.
 Thầy dạy chúng tôi môn Hán- Nôm. Thầy bảo: người ta nói Hán- Nôm là tử ngữ. Nhưng cả một nghìn năm di sản văn hóa ông cha nằm cả đấy. Chói lọi như “ Nam quốc sơn hà”, “ Hịch các tì tướng”, “ Bạch đằng giang phú”, “ Bình Ngô đại cáo”…đều viết bằng chữ Hán. Giờ đây các cụ Bùi Duy Anh, Lê Thước, Bùi Kỉ…đã về cõi. Lại cái đận chiến tranh biên giới 1979, ghét bọn Tàu xâm lược quá, ta giải thể các khoa Trung văn ở các trường đại học. Nhiều thầy giáo phải giải nghệ. May lắm thì về làm bảo vệ kiêm đánh trống ở trường cấp 3…Thành ra môn này bây giờ có một khoảng trống. Các ông là những người bây giờ góp phần lấp đầy khoảng trống ấy. Chúng tôi sợ. Sao lịch sử lại chọn những thằng chân đất mắt toét làm điểm tựa? Lại đè đầu cưỡi cổ mà giao nhiệm vụ nặng như núi Thái Sơn cho chúng tôi? Nhưng nói gì thì nói, môn này thực sự là nỗi kinh hoàng của những người học. Hết thảy mọi người đều toát mồ hôi hột vào mùa đông và run như cầy sấy vào mùa hè bời bời gió Lào dội lửa xuống muôn loài, nóng tới mức “ đực – cái cũng không nghĩ tới nhau” ( Nguyễn Tuân)- mà méo mồm vẽ chữ, y như AQ của Lỗ Tấn khi xưa cố khuyên một vòng tròn thay chữ kí trước khi lên giàn xử giảo. Chúng tôi viết chậm, viết sai, thầy không cáu giận, coi thường mà ân cần chỉ bảo. “ Không sao cả, Thánh cũng có lúc nhầm, lúc sai”- thầy an ủi những Thi, những Hạnh- hai ông “ vua quên” và “ quan quên” của lớp. Thầy đem chuyện Ngu Công dời núi để ngụ ngôn về sự kiên trì. Tất cả những “ Tử viết”, “ Tử Cống vấn viết”, “ Thế thiên hành hóa”, “ Dư thường văn chi”, “ chi, hồ, giả, dã…” rối như canh hẹ, như chông như chà, như ngổn ngang qua trầm kích triết được thầy diễn giảng bằng một thữ ngôn ngữ tiếng Việt cực kì trong sáng và dễ hiểu. Những đầu óc u tối “ mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” của chúng tôi được khai sáng, những con ếch ngồi đáy giếng được mở rộng tầm nhìn, được ngụp lặn tha hồ trong cái mênh mông bể Sở của tri thức cổ văn dân tộc. Thầy thổi hồn vào các con chữ đã có mấy nghìn năm tuổi để chúng tôi thêm hiểu cha ông mình.
Thầy là người rất chăm chỉ nhặt nhạnh. Tất cả những thứ trên đường đi, từ mẩu dây thun, cái đinh, con ốc, bù loong…đều không thoát khỏi con mắt và đôi tay thầy. Thầy dồn nhiều công sức tới mức chúng tôi nghĩ: hễ cứ thấy ai lúi húi bên đường đi thì ắt hẳn là thầy. Có lần bắt gặp thầy đang khom khom xúc rửa mấy cái bì ni lon bên vòi nước công cộng, thầy không lấy làm mắc cỡ, cũng chẳng thanh minh thanh nga mà cảnh báo: “ Các cậu đừng cười tớ. Cười người hôm trước hôm sau người cười. Sẽ có lúc phải cần đến nó.” Mấy hôm sau anh Thi đóng rương cho cô bồ ở lớp đại học đến phòng thầy xin đinh thật! Thầy định nghĩa củi là tất cả những gì cháy được mà không độc. Trung thành với quan niệm này, thế giới trong mắt thầy là thế giới củi. Có lần tôi gặp thầy ở chợ Quyết về, một tay là cái túi xác rắn, một tay là tòng teng một đoạn tre khô, vừa đi vừa ngửa mặt cả cười.  Ngày ra trường, bạn Thân trong lớp cưới vợ, thầy mừng đôi uyên ương một bó củi tiết kiệm tổng hợp. Cảm động biết bao. Bó củi thấm đẫm mồ hôi và nhọc nhằn công sức của bao tháng ngày gom góp không mệt mỏi của thầy.
 Thầy nhìn tất cả các khía cạnh của cuộc sống dưới góc độ của cái hài. Những năm của thập niên 80 của thế kỉ trước là những năm cơ khổ. Con người như đang sống một kiếp nào khác chứ không phải là người. Tháng bốn lần dậy từ một, hai giờ sáng xếp hàng mua lương thực. Ba phần tư là bo bo- cái thứ ăn vào, lúc thải ra còn làm được thức ăn chăn nuôi gà vịt nữa. Thầy chế bo bo thành năm món: luộc, hấp, rang, xào, cháo. “ Cứ như thế rồi hết tuần, hết tháng, hết năm…hết đời!” Một lần thầy trúng quả được phân phối mua một cái áo may ô ba lỗ. (Thời ấy “ bắt phanh trần phải phanh trần, cho may ô mới được phần may ô”. Được phân phối áo là cả cái lộc lớn) Áo, cái nào chẳng giống cái nào mà thầy lật qua lật lại, chọn, lựa, tuyển cả tiếng đồng hồ. Cô bán căng tin sốt ruột: “ Ông này phiền quá”. Thầy bảo: “ Thì mình tên là Phức mà lại.” Lớp có cô Ngọ kiểm tra không làm được bài, năn nỉ: “ Thầy thông cảm. Em còn bận con cái.” Thầy cười cười: “ Cô bận con đực thì có.” Đến chơi nhà ông tổ trưởng, bí thư chi bộ. Vòng vo thế nào lại đi vào chủ đề vĩ mô: sự tiến hóa của loài người qua các thời đại. Đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt…thì đúng rồi. Thầy bổ sung thêm: “ Theo tôi thời đại này là thời đại đồ…đểu” Ông kia mời thầy ra khỏi nhà. Người ra đi đầu còn ngoảnh lại: “ Thấy chưa, tôi nói có đúng không?” Tóm lại lẽ ra đáng khóc thì thầy lại cười. Cái cười thể hiện tư thế chủ động của người đứng cao hơn hoàn cảnh, vượt lên trên hoàn cảnh. Nó đem lại một sức mạnh nào đấy để tự tin mà sống.
Mười lăm năm, đúng bằng một đời Kiều lưu lạc, tôi ra Vinh chuẩn hóa cao học.Vượt qua những vận đổi sao dời, bãi bể nương dâu, thầy tiếp tôi bằng nguyên vẹn nụ cười thủa trước. Vẫn gian nhà tập thể 9 mét vuông. Vẫn bể nước gắn bằng năm viên ngói xi măng bên dãy bếp thấp le te mịt mù những khói phía trước. Thầy nắm chặt tay tôi hồi lâu rồi hai thầy trò cùng đi chợ. Thầy giành trả tiền. Ví của thầy không ốm o còm cõi như trước mà ninh nich những tờ hai chục, năm chục. Mua hết các thứ, còn năm nghìn hành tỏi mà thầy lại đi hai sạp hàng khác nhau. Tới nhà, đã gần 12 giờ trưa, trời chang chang nắng. Ngay cổng sau cũng có bia bán nhưng thầy lại làm một cuộc trường chinh gần một cây số nữa. “ Đó là chỗ quen, rẻ được cả nghìn đồng một chai”- thầy bảo thế.
          Trong xoong còn gần nửa tô hoa chuối xào lòng lợn. Thầy do dự và hỏi: Đ. có dùng được món này không? Tôi thưa: thầy coi em là loại người nào? ( Tôi dứt khoát không như một số người hiện nay khi thăng quan tiến chức lại kiêng món này món nọ, phải dứt khoát không ăn một món nào đấy mới thành nhân cách lớn lao(!)
Lai rai nhậu. Thầy nói chuyện vui rằng mấy năm nay dễ thở hơn vì có việc làm thêm: đi dạy ở các trung tâm, phiên dịch. Nhưng tiền thì bao nhiêu cho vừa, vả lại chưa chắc có tiền đã sướng. Năm ngoái mua lại cái Drem cũ, máy lì lắm, chỉ được cái nổ rất to, không cần còi. Ống pô thì phun ra cả khói và lửa. Về quê như mang cả âm thanh đạn bom hồi chiến tranh phá hoại. Tháng trước tông phải bò nhà ông chú. Bò gãy cẳng, người sái vai. Thôi thì cứ xe đạp vừa túc tắc vừa thể dục cho nó lành… Chuyện vui mà giọng thầy nghe xa vắng, như có trộn cả “ thế tứ giao di” trong đó.
 Khi tôi khoe mình cũng có những ham muốn chưa nguội lạnh, viết được mấy cuốn sách và mấy công trình nghiên cứu, thầy khen giỏi và buông một câu như tiếng thở dài: “ Mình bây giờ lão giả an tri rồi”. Nghe mà thương quá. Mình nói: “ Em vẫn làm theo lời cảnh báo của Lão Tử mà thầy dạy chúng em: họa, không gì lớn bằng không biết đủ”
 Ngẫm ra có những cái tốt đẹp trên cõi đời này tồn tại rất lâu bền. Không có thời gian và lực lượng thù địch nào tàn phá nổi. Thầy tôi là một trường hợp vậy chăng?
 Khói lên, bên phía trời xa kia hình như là bóng thầy tôi đang lặng lẽ tỏa ngời./.
                                               Plei Ku. Viết lại 11-11-2011
                                                                C.A.Đ

11 tháng 11, 2012

Xe chính chủ - thêm trò chọc giận dân


Cái tay thăng đinh la này sao không thăng quách cho rồi. Từ ngày hắn lên nắm giao thông bộ toàn đưa ra những chủ trương quyết định cắc cớ, gây phiền hà cho cuộc sống vốn đã rất ngột ngạt của dân chúng nay càng thêm ngột ngạt. Hết tìm cách đưa ra nhiều loại phí để bòn rút những đồng tiền cắc bạc hẻo lánh trong túi dân, nay hắn lại ban hành chủ trương đi xe ra đường phải xe đứng tên ai người ấy đi, gọi là xe chính chủ.  
Mình thì không sao vì luôn đi xe đứng tên mình dù đã đi đến cái xe máy thứ 6 tính từ cái đầu tiên là Honda đam đời đầu YA sơn màu đỏ chót. Rồi cứ thế lần lượt thay xe đã bán đi 5 cái cho những ai không thể nhớ nổi nữa. Vậy là lo cho mấy người đã mua 5 cái xe cũ bằng tiền của họ mà vẫn dùng giấy tờ đứng tên mình, nay chắc cũng lo ngay ngáy.  Thiệt tội.
Rồi lỡ xe mình có một hôm nào đó trái gió trở trời sớm dậy vội đi làm mà lăn ra đề không nổ hay là cái lốp bị xịt, không lẽ không được mượn cái xe của con gái để đi làm cho kịp giờ, vì như thế sẽ can tội không chính chủ, bị mấy chú CA phạt 1 triệu đồng.
Toàn những trò chọc giận dân. Hay tay này là thế lực thù địch chui sâu leo cao vào hàng ngũ ta để phá nát lòng dân, chọc giận dân, làm cho dân chán ghét chế độ. Nếu vậy thì mấy anh bên an ninh cần vào cuộc xem thực hư thế nào chứ.
Kiểu này thế nào hắn cũng thăng sớm, mà nếu hắn tồn tại thì cái thể chế dung nạp hắn không khéo sẽ bị thăng thay hắn là cái chắc.
Vậy mà cứ xoen xoét cái mồm của dân do dân vì dân. Có là thiểu năng trí tuệ mới đi tin ba cái thứ mị dân xảo trá đó.

Cùng lúc vĩnh biệt hai người bạn




hai người bạn nữ học cùng lớp cấp 3 với mình sống  hai nơi rất cách xa nhau, một ở Đồng Hới, một ở Hungary. Vậy mà không hẹn hò gì nhau lại người ra đi hôm trước, người hôm sau ra đi, chỉ lệch nhau đúng  có  một ngày. Cả hai người cùng bị bệnh hiểm nghèo, cùng sinh năm quý tỵ 1953.
Lạ thế và đau đớn thế.
Nhớ những lần về họp lớp, hội trường năm ngoái và năm kia, cả bọn còn nói cười hồn nhiên như thuở còn là học trò với nhau, còn mi mi tau tau dù đã lên chức ông chức bà, dù đều đã ngấp nghé tuổi lục thập.
Nguyễn Thị Hóa là phó ban tài chính của ban liên lạc khóa 68-71, tất bật như một bà chị cả chăm lo tính toán ăn uống, thu chi cho cả bọn trong lúc những thằng vô lo như mình, như thằng Phạm Bá Chiểu… kể cả thằng Phan Thanh Hà dù đã đeo lon cấp tướng cũng tranh thủ dịp tụ họp bạn bè chỉ có vài ngày mà vui chơi hết mình trong cuộc đời bận rộn ngược xuôi của số phận.
Vậy mà Hóa đã mãi mãi ra đi vào ngày 9 tháng 11 năm 2012.
Bạn Hoàng Sơn thì tốt nghiệp cấp 3 xong đi học đại học tận Hungary, đã có thời quay về Sài Gòn công tác, rồi lại vòng sang lại châu Âu lấy chồng và định cư luôn bên đó. Có lần về Sài Gòn, gặp nhau Sơn cho biết là bạn phụ trách một văn phòng du lịch lữ hành. Công việc rất bận rộn, chỉ mong đến đủ 62 tuổi để nghỉ hưu theo qui định của nước bạn. Lần họp lớp năm 2010, bạn đã bay hơn hai mươi ngàn cây số về dự, lập kỉ lục người về họp lớp từ nơi xa ngái nhất.
Vậy mà rồi, Hoàng Sơn cũng theo Hóa mà từ biệt thế giới này vào ngày 10 tháng 11 năm 2012.
Đám bạn bè lớp mình ở Đồng Hới, Sài Gòn, Hà Nội nhắn tin vòng quanh cho nhau trong buồn đau thương tiếc.
Cách đây chục ngày, Phan Thanh Hà từ Hà Nội còn nhắn cho mình số máy của Hoàng Sơn ở Hungary 0036309202699, nói là mi gọi cho hắn đi, hôm trước tau gọi vẫn còn nghe hắn nói chuyện được nhưng giọng yếu lắm rồi. Mình lúc đó vừa vô bệnh viện 30/4 thăm Lê Nuôi về,  đang đi ngoài đường ở quận 5 liền tấp xe vỉa hè, bấm máy cho Hoàng Sơn đến mấy lần. Chuông vẫn đổ dài nhưng không có ai lên tiếng… Không lẽ là tuyệt vọng.
Nay thì tuyệt vọng thật rồi, mà cùng lúc với cả hai người: Hóa và Sơn.
Những lần họp lớp đến không còn các bạn nữa… Hóa và Sơn ơi!
Vẫn biết lẽ sinh tử là thứ tất nhiên ở cõi đời này nhưng sao các bạn ra đi vội vã quá, Hóa và Sơn ơi!
Chỉ biết cầu mong cho hai bạn được an giấc ngàn thu nơi chín suối. 

Hình ảnh Nguyễn Thị Hóa và Hoàng Sơn trong lần họp lớp tại Đồng Hới 3/2010: 




Thứ 2 từ trái sang: Nguyễn Thị Hóa

 


Từ trái sang: Phan Xuân Vũ, Lê Khắc Chân Như, Phan Thanh Hà, Thủy Nguyễn, Khuyến Trung Nghĩa, Vinh bánh ướt, HOÀNG SƠN,  Lê Nam, Phạm Bá Chiểu, Lê Hòa, Nguyễn Bích Thọ, Hà Tùng Sơn, con gái Thọ, Trần Ngọc Hùng.




9 tháng 11, 2012

Người tốt việc tốt



Từ ngày vô Sg định cư, tôi như trở thành công dân gương mẫu của tổ dân phố và cả của khu phố. Mà lí do cũng không hiểu là từ đâu mà ra nữa. Bằng chứng là tổ dân phố hay khu phố họp bất cứ cuộc gì cũng có mặt tôi. Mà không đi cũng không được vì ông tổ trưởng dân phố thường gởi giấy mời từ trước cả mấy ngày, sát giờ họp lại làm thêm cú điện thoại, không đi có mà mặt mo. Mà cũng lạ, sao dân phố ở đây hay họp thế không biết. Thường là 2 tháng 1 lần. Có khi tháng 1 lần. Cứ mỗi lần thấy tôi mặc áo thun, đeo dép lê loẹt xoẹt đi họp, vợ lại bảo: Ông đúng là công dân số 1 đấy. Làm tôi phải chỉnh lại: gương mẫu thôi, còn số 1 thì cả nước này đã chỉ bầu có 1 người là ông Kụ Minh ru ở ngoài Nghệ rồi. Không đến lượt tui đâu. 
Dài dòng vậy để kể chuyện tối qua đi dự hội nghị đại đoàn kết toàn dân của khu phố 4 phường Tân Sơn Nhì của tôi. Ông trưởng ban mặt trận khu phố đọc báo cáo rất giống với báo cáo của anh Trọng tại hội nghị trung ương 6 (hík, khu phố tôi tầm cỡ vậy đấy), cũng có đủ tình hình trong nước và thế giới, từ học tập tấm gương đạo đức HCM đến phong trào phê và tự phê trong đảng, từ ông Obama bên xứ cờ hoa mới trúng lại tổng thống đến chống ma túy mại dâm đủ cả. Vụ đó nghe nhàm rồi. Cái tôi quan tâm là báo cáo cho biết: cả khu phố có 650 hộ sinh sống, trong đó có hơn 450 hộ là có hộ khẩu Tp, còn lại là dân tạm trú. Nghĩa là cứ 3 nhà thì có một nhà không có hộ khẩu. Mà không có hộ khẩu thì chuyện học hành của đám trẻ con vô cùng trở ngại. Sao cái hộ khẩu Tp mà lại như hàng xa xỉ thế không biết.
Đến màn tuyên dương khen thưởng thì ông trưởng khu phố lên đọc quyết định công nhận các hộ gia đình sau đây đạt gia đình văn hóa: Có tổng cộng hơn 450 hộ. Nghĩa là tất cả những hộ nào có hộ khẩu thì đều là gia đình văn hóa tất. 100%. Chưa ở đâu cái khái niệm Văn hóa lại bèo bọt, rẻ rúng như thế.  Thảo nào mà hẻm hốc nào của Tp cũng đều có một cái cổng chào khu phố văn hóa. Bên trên là một lá cờ bạc phếch phất phơ bay. 
Tiếp đó là công bố quyết định của chủ tịch phường biểu dương danh hiệu người tốt việc tốt. Có đến 25 tấm gương loại này kèm theo một tấm bằng to như cái giấy khen được ép giấy bóng kiếng đàng hoàng. Trong đó có tên tôi. Ôi trời, thiệt là xúc động và tự hào.  Thú thiệt là tôi sống ở Bình Định hơn 30 năm, chính xác là 31 năm mà cho đến ngày xắn quần ra đi trong lưng không lận được một mảnh giấy khen nào. Vậy mà chỉ mới chân ướt chân ráo vô Sg 2 năm đã thành công dân mẫu mực, thành người tốt việc tốt có bằng danh dự hẳn hoi.
Về nhà trưng mảnh bằng ra khoe, mụ vợ thắc mắc: tại sao ông lại thành người tốt việc tốt của phường nhỉ. Nghĩ mãi thì cũng ra lí do: tham gia họp hành dân phố đầy đủ; có nộp ngay các khoản tiền khi tổ dân phố đi thu tận nhà mà không gợn chút thắc mắc (có đâu khoảng 15 loại thu từ tiền rác đến tiền điện thoại, kể cả vụ góp đá cho Trường Sa hay thu tiền ủng hộ đồng bào miền Trung thân yêu bị thiên tai bão lũ năm nào cũng có);
Vậy thì người tốt việc tốt là đúng quá rồi. Còn lăn tăn gì nữa.

Lặng lẽ họ Trương


0
 
      TẢN VĂN CỦA CHỬ ANH ĐÀO                     
 ( Chân dung nhà giáo- viết nhân ngày nhà giáo Việt Nam ) 
                                               
                                      Dẫu anh sống chỉ một đời lặng lẽ
                                      Quen với cái lặng thinh không tô vẽ cho mình
                                      Thì lại chính cái lặng thinh nhường ấy
                                      Biến anh thành đáng nhớ với xung quanh
                             ( N. Eptusenko- Không một ai tẻ nhạt trên đời)
          Thường thì sau tám giờ sáng, khi đã làm xong một số công việc tạp vụ, tôi lặng lẽ ngồi bên máy tính. Một lát sau thì một Lặng Lẽ khác bước vào. Chúng tôi đi ăn sáng. Thường là phở Nguyệt 15 nghìn đồng sau cơ quan cho tiện. Hôm nào rảnh rỗi hơn thì ra phở Nam Định, xuống khô gà Ngọc Sơn. Người ta bảo “… đồng khí tương cầu”,  “ ngưu tầm ngưu…”có lẽ đúng. Chúng tôi tự nhận là loại trâu ngựa tìm nhau! Hồi ấy mới trên dưới ba mươi mà chúng tôi đã như bậc “ tứ nhi bất hoặc”, già trước tuổi và hình như rất khó tính. Cái thời cả tin, ai cũng tốt cả qua rồi…Thành ra bạn bè ít lắm. Nhất là bạn rượu. Chúng tôi giống nhau ở nhiều sở trường, ý thích và cả những thói quen cá nhân nữa. Trương Hải là người rất kiệm lời, ngay cả trong những cuộc nhậu bạn bè. Vui lắm anh cũng chỉ cười cười- một nụ cười nửa miệng rất đa nghĩa: dè sẻn sinh lực; chịu đựng; giác ngộ hay độ lượng tha thứ? Thỉnh thoảng Lão Bạch kể chuyện tiếu lâm. Khổ nỗi vì miệng méo, lại thêm cái chất giọng trọ trẹ, lại vô duyên vừa nói vừa cười. Khi Lão dừng lại, Trương Hải hỏi xong chưa? Kể hết chưa? Rồi Hải tự cù vào nách mình một cái mà vẫn không cười. Lão Bạch quê một cục nhưng những lần sau lại đâu vào đấy. Về mặt phát ngôn, Trương Hải làm tôi thấm thía câu nói của Khổng Tử: “ Tri bất ngôn, ngôn bất tri” ( những người biết thì không nói, còn kẻ nói nhiều ắt là không biết gì) Quá đúng! Thì chả là vừa rồi người nhận giải Noben văn học có bút danh là Mạc Ngôn ( không nói) đó sao.
          Khoảng năm sáu năm nay, cứ chiều chiều, hết giờ làm việc, bộ tứ chúng tôi lại tới gốc nhãn cô Hoa làm vài ba chai bia đỏ Sài Gòn. Đột xuất 12 giờ trưa mà gọi nhau thì cũng chỉ dăm ba phút là tất cả thành viên có mặt. Không ít vị khách chung của cả nhóm đã ngạc nhiên về điều này. Chúng tôi ngồi nhiều lần đến mức chỗ đó đã trở thành “ điểm hẹn văn hóa”. Nhiều lần đến mức vợ tôi bảo: “ Sau giờ chiều, ra khỏi cổng trường, ông thử rẽ phải( lối về nhà) một lần xem có chết ai không nào?” Nhiều tới mức người ta bảo muốn tìm ông Hải, ông Đào, ông Ngọc, ông Muôn thì cứ đến gốc nhãn đường Thống Nhất. Lạ thật, rượu bia nhà ai cũng có. Đâu phải khát thèm? Thì ra là cái nhu cầu gặp nhau. Có khi ngồi cả tiếng, Trương Hải không nói câu nào mà chúng tôi vẫn vui, mà tôi hình dung  ngập tràn không gian nơi này là rộn rã âm thanh của tri âm, tri kỉ.
          Chúng tôi có cung niềm vui nữa là mua sắm áo quần giày dép( điều chỉ thường thấy ở chị em) Thỉnh thoảng tôi và Hải lại ra Bà Cừ đường Cách Mạng tìm mua quần tây, áo thun để mặc, để tặng nhau và tặng vài người khác nữa. Không cùng học môn mĩ học nhưng phải nói thị hiếu thẩm mĩ hay là cái “gu” của chúng tôi rất giống nhau. Chúng tôi ưa những chất liệu phổ thông; màu sắc nền nã, nhã nhặn bởi cùng tâm niệm một điều: y phục xứng kì đức, áo quần góp phần thể hiện tính cách người ta…Chúng tôi cùng thích nhạc cổ điển, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh. Có lần Trương Hải ôm đàn lên nhà khách của trường, cùng Lê Viết Dũng- ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng hát Trịnh Công Sơn thâu đêm suốt sáng. Về khoản thơ văn, có lần Hải nói với tôi: “ Anh sống không đến nỗi nào mà văn chương anh viết cay nghiệt quá.” Đúng là tôi phải xem lại mình.
          Trong cuộc sống, Hải là người “ tri túc” ( biết đủ), không bon chen, không màng danh lợi ( Đã có mấy người cũng nói với tôi như thế) Hải là nhóm người nếu muốn cũng không thể tiến lên vị trí cao hơn do “ lịch sử để lại”(!) Anh hoàn toàn dửng dưng khi nghe tin được bổ nhiệm lại chức chủ nhiệm khoa; dửng dưng khi Lí- vợ Anh có quyết định đề bạt phó chủ nhiệm khoa Xã hội. Thời gian sau, “ người duy nhất không chúc mừng em là Lão Hải”- Lí nói với tôi như thế. Lại nữa, nhiều người như bật ngửa khi Trương Hải thay mặt khoa Anh văn phát biểu trong buổi họp bổ nhiệm lại: “ Ông Đ làm cũng tốt. Nhưng theo tôi thì nên thôi, về dạy không cho khỏe.” Họ “ bật ngửa” vì tôi và Hải thân nhau. Và quan trọng là tôi và Hải nghĩ khác họ.
          Hải là người giàu năng lực và tự trọng. Từ năm 2004 tôi đã cùng Hải và một vài anh em khác nữa miệt mài biên soạn các loại giáo trình, hướng dẫn giảng dạy, từ điển Jrai, Bah Nar các loại. Anh hoàn thành phần việc của mình rất đúng tiến độ với chất lượng cao và chưa bao giờ mảy may thắc mắc hay nghi ngờ về các  khoản thù lao chẳng nhiều nhặn gì. Không ba hoa một tấc đến giời đã đành; cũng không bao giờ tò mò chuyện người khác; không bao giờ “ trình bày hoàn cảnh” của mình để kêu gọi lòng thương hại của thiên hạ. Khi đổ bệnh không làm việc được, Anh cũng không muốn ai tới thăm. Cho đến cả anh em, con cái ruột thịt. Vào Sài Gòn , Hải giấu biệt hai con đang làm việc và học tập trong ấy vì sợ ảnh hưởng tới công việc của chúng mà đâu ngờ rằng đã không cho chúng cơ hội cuối cùng để nhìn mặt người cha thân yêu khi đang còn sống. Chỉ đến khi Hải mất trên đường đi cấp cứu, gia đình ngoài Đà Nẵng mới biết tin. Anh hai Thu của Hải bảo: “ Nghe con Lí nức nở trong điện thoại, tôi cứ tưởng thằng Hải bị tai nạn giao thông.”
          Trong dòng người vào viếng Trương Hải, có một phụ nữ mà chỉ tôi, Lão Bạch và anh Muôn biết. Người này không phải là bà con, không phải hàng xóm, không phải là bạn, cũng không phải là học trò cũ. Ấy là cô Hoa gốc nhãn- nơi chúng tôi thường ngồi. Viếng xong trở ra, cô nói khẽ vào tai tôi: “ Anh Hải là người tử tế nhất trong số bốn anh mà sao Trời nỡ gọi đi sớm nhất? Ba anh cứ liệu hồn.” Tôi biết có một phần đùa trong câu nói ấy nhưng đó hẳn là sâu nặng một tấm lòng tiếc thương của một người lương thiện bình thường trong cuộc sống dành cho bạn Trương Hải của mình./.
                                                                   Plei Ku 8.11.2012
                                                                            C.A.Đ

8 tháng 11, 2012

Dân Mỹ dốt



Dốt quá đi chứ, có mỗi chuyện ai làm tổng thống mà cũng không biết, sát giờ cũng không biết. Không ai biết, kể cả hai vị đang ứng cử, kể cả ủy ban bầu cử (tui tạm gọi vậy chứ không biết Mỹ nó gọi cái đám tổ chức bầu cử là gì).
Vào lúc 9h07′ giờ Hà Nội ngày hôm qua, 7/11, nước Mĩ cùng cả thế giới đã phải dài cổ nín thở xem ông nào làm tổng thống Mỹ. Lúc thì ông Rôm lây dẫn trước, lúc thì ông Ba ma lấy lại lợi thế. Ông nào cũng hy vọng nhưng không dám khẳng định mình trúng cử. Đảm bảo cả thế giới không có ai dám khẳng định, kể cả các nhà tiên tri. Nếu có vị nào đoán đúng cũng chỉ là chó ngáp phải ruồi mà thôi, vì xác suất đoán trúng cao tới 50%.

Việc gì mà họ cứ phải hồi hộp thế nhỉ. Muốn biết kết quả nhanh và sớm á, chả việc gì phải khổ sở như vậy. Cứ mang hai ông ấy sang bên ni dân choa bầu giúp cho, có mà biết kết quả ngay từ khi ứng cử ý chứ.

7 tháng 11, 2012

Trần Kỳ Trung





Lâu lắm mới gặp lại Trần Kỳ Trung nhà văn nổi danh xứ Quảng. Sáng đầu tuần đang cặm cụi công việc thì Trung a lô: Tôi vô Sg hai ngày, mai về lại Hội An nhưng chỉ có trưa nay để gặp ông thôi đấy bởi chiều nay phải đánh đu với mấy ông bạn văn Sg rồi. OK, vậy là tranh thủ buổi trưa gặp nhau để ăn thì ít mà bù khú với nhau thì nhiều.
Tôi và Trung cùng về QNU một năm. Trung dạy bên khoa sử nhưng cùng ở chung với tôi một tầng lầu của khu tập thể CBGD độc thân. Được chục năm thì cả hai cùng bùng. Trung về nhà XB Đà Nẵng, tôi ra BTV. Về nxb chắc là do hàng ngày phải đọc và biên tập sách văn học của bao nhiêu là các loại nhà nên Trung nóng máu, biên tập thì ít mà viết văn thì nhiều.  Anh viết đủ các thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa đến tiểu thuyết; từ thơ đến tản văn, từ kịch bản văn học đến truyện cho thiếu nhi… chỉ vài năm đã chểm chệ thành hội viên Hội nhà văn Vn. Văn chương Trung dù ở thể loại nào cũng được viết một cách hồn nhiên trong sáng mà không hề nắn nót chút nào, viết mà như không, văn chương mà cứ nhi nhiên như cuộc đời, lại thêm chút u mua, hài hước, châm biếm nên đọc rất khoái.   
Trung có riêng một website văn chương trankytrung.com là nơi hàng ngày anh tung tẩy gõ bàn phím sáng tác và luận bàn đủ chuyện đông tây kim cổ. Có dịp đi qua Hội An, dù bận đến mấy chỉ cần nghe a lô tôi ghé ông chút nhé là Trung đã chỉ đạo ghé ngay 
ghé ngay.  

 Gặp gỡ trên sông Hoài ở Hội An, từ trái sang: Trần Kỳ Trung, HTS, Lê Văn Lợi, Võ Bá Nghị.  Ảnh: Mai Thìn, 1-2010

Trưa nay vừa gặp nhau là hai thằng liền tấp vô quán dê BaNga đầu Nguyễn Đình Chiểu quận 1. Lại chuyện và chuyện. Lại rất thú vị với những câu chuyện và lời bình của Trần Kỳ Trung về cuộc đời, văn chương và thế sự. Anh kể tôi nghe hai mẩu thật ấn tượng: Mẩu 1: Tớ có hai đứa con gái đều đang học đại học ở Mĩ. Con chị sang trước rồi kéo theo con em. Hồi chúng nó còn học đại học ở Sài Gòn, vợ chồng tớ cứ lo ngay ngáy, ngày nào cũng vài cuộc điện thoại dặn dò. Mụ vợ thương con lại hay lo cứ nghĩ đến con xa là thắt cả ruột. Vậy mà từ khi hai đứa kéo nhau sang Mĩ học thì bao nhiêu cái lo biến đâu hết. Chỉ thấy an tâm và an tâm. Qua lời kể của chúng nó, Mĩ thực sự là một xã hội nhân bản, tất cả đều vì con người, mỗi người trong xã hội dù ở cương vị nào cũng tự do và bình đẳng như nhau,hiến pháp ghi sao thì ngoài đời cứ thế mà thực thi. Tết mới rồi cả hai đứa về Hội An ăn Tết, nhìn phong cách chúng nó khác hẳn, tự tin và chững chạc đến không ngờ, nhất là trong suy nghĩ. Tớ hỏi con chị là sang Mĩ con thấy xã hội bên đó khác xã hội Vn ở chỗ nào. Nó nói khó so sánh lắm ba à, một bên là biển cả bao la với một bên là cái vũng bùn ngưng đọng, không thể so sánh được. Để minh họa con gái anh kể lại một chuyện ở lớp nó: Tổng thống Obama vừa có một bài phát biểu trước quốc hội được TV phát nhiều lần và đưa lên mạng internet. Ông thầy dạy triết ra đề bài cho cả lớp: Hãy viết bài phê phán diễn văn của ngài Tổng thống. Yêu cầu là chỉ được chê không được khen. Bài viết đạt điểm cao nhất nghĩa là chê Tổng thống nhiều nhất sau đó được thầy giáo gửi cho ông chủ Nhà trắng. Không lâu sau thì có thư của đích danh Tổng thống gửi về cho bạn sinh viên đó với lời cảm ơn những điểm mà người sv đã chỉ trích bài diễn văn của ngài và ông hứa là sẽ nghiêm túc tiếp thu.          
Rồi anh nói nếu ở ta vậy là cả thầy và trò đều bị xếp vào thế lực thù địch phản động rồi; đất nước và giáo dục như thế chả trách mà ở bên đó lũ trẻ trưởng thành nhanh đến thế.
Mẩu 2: Cu Ba tuy thế nhưng chắc rồi sẽ đi nhanh hơn Vn mình. Trước hết nó dù sao cũng thuộc phương Tây, cao thượng và dứt khoát hơn, không có kiểu ruột phong kiến vỏ tạp pí lù như mình. Nó từ trước đến nay xác định bạn thù rất rõ ràng. Chẳng hạn Mĩ là kẻ thù thì từ hồi nào tới giờ vẫn là kẻ thù. Không như ta nay bạn mai thù chẳng biết đâu mà lần. Có mỗi thằng Trung cộng mà khi thì là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm nhất ghi hẳn vô hiến pháp, khi lại là đồng chí hữu hảo 16 chữ vàng 4 tốt. Miệng nam mô bụng bồ dao găm. Nhất là Cuba lại không ở kề cạnh Trung quốc như mình nên TQ có muốn chơi xấu nó cũng không được. Chắc chắn lịch sử Cu ba sẽ sang trang trước Vn ta.    

5 tháng 11, 2012

Mẹ tôi đi Tây

Truyện ngắn của Trần Kỳ Trung. Truyện này lần đầu tiên mình đọc được là ở trong bệnh viện Thống Nhất, đăng trên tạp chí VTC.

Trước đây tôi có viết một truyện ngắn : “ Mẹ tôi đi tây” ( Mời các bạn đọc phần sau). Thực tế truyện ngắn này tôi bịa hoàn toàn. “ Nghe hơi nồi chõ” của mấy thằng đi tây về, rồi phóng tác. Tất nhiên, trong truyện ngắn đó có nhiều điều không có thật, vì lúc đó suy nghĩ như vậy và thiếu thông tin. Mong bạn đọc thể tất.
Còn những điều tôi viết dưới đây, gần như nguyên vẹn lời Mẹ tôi kể lại.
... Mẹ tôi có hơn năm mươi tuổi Đảng. Với Đảng, với Cụ Hồ, Mẹ tôi nguyện một lòng trung thành .Cho dẫu thời buổi gần như nhiễu nhương, trong lòng, trước khi đi tây, Mẹ vẫn nói với chúng tôi: “ Không có Đảng, không có Cụ Hồ không có ngày nay đâu các con ạ!”. Với các nước tư bản, cho dù trong nhà tôi, toàn bộ đồ đang sử dụng, từ miếng chùi chân cho đến máy điều hòa, thậm chí cả lon sữa bột mà Mẹ vẫn uống hàng ngày, đều là đồ tư bản, nhưng cứ sau mỗi buổi đi nghe thời sự hay học nghị quyết về, Mẹ đều giảng giải cho chúng tôi nghe: “ Bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn là thối nát, bóc lột, phản động không thay đổi...”.
Thằng em thứ hai của tôi, đi xuất khẩu lao động ở một nước XHCN Đông Âu trước đây, sau năm 1990, nước này chuyển sang thành nước tư bản, nó ở lại định cư, làm ăn được. Vừa rồi, nó mời mẹ tôi sang chơi.
Tôi nói đùa với Mẹ: “ Mẹ sang nước tư bản, nó đang giãy chết. Mẹ đừng đứng dưới chân của nó, nó giãy mạnh, không khéo nó không chết mà mình lại chết trước...”. Mẹ lấy tay cốc vào đầu tôi, làm như tôi còn bé lắm:“...Cái thằng, chỉ được cái nói bậy như đồ phản động..”.
Mẹ tôi đi sang đó hơn hai tháng. Lúc về, Mẹ bảo với tôi đóng hết các cửa lại, rồi Mẹ kể về nước tư bản...
-... Mẹ xuống sân bay, con biết không? Em con, nó đến muộn mất độ mười lăm phút. Mẹ sợ quá, hành lý cồng kềnh, tiếng nước họ, mình không biết. Mà chắc chắn họ cũng không biết tiếng nước mình. Đang ngơ ngác, sợ hãi không biết hỏi ai thì có hai ông cảnh sát tiến đến giơ tay chào Mẹ. Một trong hai ông ấy mời mẹ lên chiếc xe lăn, còn ông kia đỡ cho Mẹ hai chiếc va ly lên chiếc xe đẩy. Họ đưa mẹ vào một nhà nghỉ trong ga sân bay rất đẹp, lấy nước lạnh mời mẹ uống rồi ra dấu đề nghị Mẹ đưa tay để họ đo huyết áp, khám sức khỏe. Sau đó họ ra hiệu cho Mẹ đưa địa chỉ, điện thoại của em con để họ liên lạc... Mẹ định đưa thì em con đến. Họ bàn giao toàn bộ va ly, giấy tờ cũng như hiện trạng sức khỏe của Mẹ. Họ yêu cầu em con ký vào tờ giấy. Xong thủ tục, họ lại đứng nghiêm chào Mẹ, rồi mới đi ra, thái độ rất lịch sự, nhã nhặn, đàng hoàng...Mẹ định bảo em con, giống như bên mình, bồi dưỡng cho họ ít tiền cũng là sự biết ơn. Không có hai người cảnh sát này Mẹ không biết xử lý như thế nào giữa nhà ga sân bay rộng mênh mông. Em con lắc đầu, nói ngay: “ Bên này không có chuyện đó đâu Mẹ ơi! Đó là nhiệm vụ phải làm của cảnh sát sân bay. Thấy Mẹ là người già, họ có trách nhiệm giúp đỡ. Họ không làm việc này, bị kỷ luật ngay. Bên này nghiêm lắm...”. Mẹ ngạc nhiên thực sự nói với em : “ Cảnh sát tư bản sao mà tốt thế, bên mình mà có mấy người cảnh sát như thế này, mẹ nhất định đề nghị chi bộ kết nạp vào Đảng.”
Em con đưa Mẹ ra xe. Trên đường về nhà, Mẹ, con nói đủ thứ chuyện. Mải nói chuyện, xe của em con chuyển làn đường mà không tăng tốc, không ra hiệu. Đi được một lúc ,nghe tiếng còi xe đằng sau, em con giật mình mới biết mình đi sai luật. Em con nói với Mẹ: “ Mình bị phạt rồi!”. Mẹ nói với nó: “ Mẹ có thấy công an đâu! Nếu có , con để mẹ nói một câu, chắc họ cũng thông cảm hoặc bồi dưỡng ít tiền để họ bỏ qua...”. Thằng em con cười: “ Bên này làm gì có chuyện xin xỏ, hối lộ. Ai vi phạm là phạt, bất kể dân thường hay thủ tướng, tổng thống... không có công an, nhưng camera ghi lại hết...”. Độ một tuần sau, em con nhận được biên lai trừ tiền phạt từ trong tài khoản và hình ảnh ghi lại chiếc ô tô của em con chuyển làn không đúng quy định. Mẹ phục lắm.Thế này thì làm sao mà tham ô với hối lộ như công an bên mình mà ti vi vẫn đưa... tài thật!
Em con đưa Mẹ tham quan mấy nước lân cận bằng xe buýt hai tầng. Mẹ là người già nhất trong những khách đi xe hôm ấy và vì thế luôn được ưu tiên. Đi ô tô Mẹ được nằm chỗ tốt nhất, gần người lái xe. Đến chỗ nghỉ, bao giờ ông lái xe cũng yêu cầu mọi người nhường cho Mẹ xuống trước.Ông còn nói với em của con, Mẹ cần gì? Có yêu cầu như thế nào? Ông đều đáp ứng. Ông cười rất thân thiện với Mẹ, cho dù bất đồng ngôn ngữ mà cứ cảm giác ông ấy là người nhà. Mẹ cứ nghĩ mãi. Sao tư bản có người tốt thế! Ở Việt Nam mà lái xe tốt như thế này, thế nào cũng được bầu làm lao động tiên tiến, rồi ưu tiên  vào lăng viếng Bác Hồ.
Rồi Mẹ lại kể cho chúng tôi nghe về chuyện đường sá bên đó đẹp như thế nào? Xe cộ đi lại trật tự ra sao? Các siêu thị, công viên lớn, nhà cao, hiện đại... cái gì cũng hơn Việt Nam cả. Mẹ kết luận “ Đẹp, lớn, hiện đại... Việt Nam mình còn lâu mới theo kịp.. Nhất là con người, họ văn minh, có văn hóa lắm, không như bên mình, đến Đảng Viên như mấy ông cán bộ lớn cũng còn thua...”.
Hết buổi nói chuyện, Mẹ thì thầm giọng quan trọng:“... Mẹ nói vậy, các con nghe rồi để bụng, đừng kể cho ai. Nếu không, mấy ông lãnh đạo biết , sẽ bảo là Mẹ đi tuyên truyền cho chủ nghĩa tư bản, dính vào luận điệu của bọn phản động bêu xấu Chủ Nghĩa Xã Hội, chống Đảng là chết ”.
Nghe Mẹ nói thế, chúng tôi thương quá!
-----------------------

MẸ TÔI ĐI TÂY – Truyện ngắn

Thằng em tôi đi Tây, nó muốn tạo ra "dòng giống Âu Lạc" bên trời Tây nên lấy vợ Tây và ở luôn... bên đó. Nhân tết Tây, vợ chồng nó viết thư về, có nhã ý mời mẹ tôi sang Tây tham quan cho biết. Vé máy bay đi, về vợ chồng thằng em tôi lo đủ.
Nhận được thư của vợ chồng thằng em bên trời Tây gửi với ý định như vậy, cả nhà tôi bàng hoàng. Mọi suy nghĩ không phải của tất cả thành viên trong gia đình, về thằng em không chịu lấy vợ thôn ta mà sang Tây lấy vợ" tóc quăn, mũi lõ" tự nhiên bay biến. Rõ ràng thằng em tôi cũng còn có hiếu, chưa đến độ cho cha mẹ vào " viện dưỡng lão gần đài hoá thân hoàn vũ", kể cả đứa em dâu người Tây nữa, cũng thể hiện "công, dung, ngôn, hạnh" gần bằng phụ nữ Việt Nam. Tên nó là gì nhỉ ? Tôi chẳng bao giờ đọc được đầy đủ tên, họ của nó. Tên, họ gì mà dài dằng dặc còn hơn " sán dây ": Ma - ri - ơ - đét - Xcai - A - Pha - Li - Hi - đi - A- Cra - Ep - xít - Bắc - Tư - Nhét - Xo. Đọc xong tên họ của cô em vợ người Tây, miệng của tôi mỏi như không nhai được cơm. Thôi, cứ gọi như cách mẹ tôi lại hoá tiện. Mẹ tôi nghe tên con dâu người Tây dài nhằng nhẵng như vậy, bà ngán ngẩm lắc đầu, lấy tay vỗ vào mông đánh "bẹt" một cái, rồi buông một câu :"...Tên với chẳng họ, đọc lên tao chẳng nhớ gì cả. Để dễ nhớ, tao cứ lấy chữ đầu và chữ cuối tên nhà nó ghép lại mà gọi: Ma Xó "." Ma Xó ", gọi như thế lại hóa hay, dễ nhớ !
Ngày mẹ tôi sắp đi Tây, cả nhà tôi chuẩn bị cho mẹ thật tấp nập. Mọi việc không liên quan đều gác sang một bên. Làm sao cho mẹ sang Tây không bỡ ngỡ? Đời mẹ chúng tôi quá cực khổ, làm sao để mẹ ở bên ấy thật lâu để tận hưởng hết những ngày sung sướng? Mẹ tôi chưa bao giờ rời xa cái làng này " nửa bước", làm sao cho mẹ quen dần với phong thổ, tập quán bên ấy? ...Nghĩa là anh em chúng tôi phải lo cho chuyến đi của mẹ sang Tây thật suông sẻ, cố tránh được nhiều cái " làm sao ". Ấy là chuyện gia đình, còn trong làng, việc một bà già gần bảy mươi tuổi được đi Tây cũng là một đề tài để cho mọi nguời bàn tán:" Bà Cả Mĩm sướng nhất làng mình. Có khi đi qua đấy thấy sướng quá rồi bà ấy xin ở luôn cũng nên"." Đi như bà Cả Mĩm được kẻ đón, người đưa, khi về có chết cũng đã ". " Khổ tận, cam lai trong làng mình chẳng ai đựơc như bà Cả Mĩm."
Con cái lo lắng, chu tất, bà con trong xóm nhìn ước ao, điều đó làm cho mẹ tôi cảm động. Ngồi đâu bà cứ lấy gấu quần chấm chấm nước mắt liên tục, thốt klhông ra lời để cảm ơn mọi người. Kể ra động tác " lấy gấu quần chấm chấm nước mắt " ở nước ta thì được, sang bên Tây phải" nhập gia tuỳ tục "vợ chồng thằng em tôi để mẹ mặc váy , mà mẹ vẫn quen động tác đó thì ... Vợ tôi góp ý với mẹ:" Mẹ sang đó đừng có lau nước mắt hay nước mũi bằng gấu quần. Ở bên Tây không chùi theo kiểu đó "." Thế chùi ở đâu ? Chẳng lẽ lại chùi vào tường như tao đang đun cám lợn ở bếp à?". Mẹ tôi hỏi lại.Vợ tôi cười, đưa cho mẹ chiếc khăn tay trắng tinh, êm ái, rồi giải thích :" Mẹ đã sang Tây phải sinh hoạt như người Tây, nghĩa là tất tần tật cái gì ở mũi, ở mắt mẹ cho vào chiếc khăn tay này !". Vợ tôi cẩn thận làm giả mấy động tác để mẹ bắt chước. Tưởng như thế mẹ sẽ nhớ, ấy vậy khi ngồi ở phòng chờ trong ga máy bay mẹ tôi vẫn không bỏ được thói quen đó. Nhổ nước trầu hay nước bọt, mẹ cứ " toẹt " ngay ra sàn nhà ga mà người ta vừa lau bóng loáng làm cho mâý ông Tây ngồi cạnh cứ trố mắt nhìn. Chúng tôi có nhắc, mẹ cười vô tư, lấy gấu quần lau miệng: " Tao quên ".
Rồi cũng đến giờ mẹ tôi ra máy bay sang trời Tây. Chúng tôi giao ước với mẹ, sang đó mẹ phải nhắc thằng em điện ngay về nhà để biết tin. Nếu khó qua thì cũng phải viết thư về, cho gia đình đỡ mong. Phút chia tay giữa chúng tôi với mẹ thật sự bịn rịn, đầy lưu luyến tất nhiên có cả nước mắt. Chúng tôi chỉ sợ mẹ sang đấy sướng quá rồi ở lại luôn. Mẹ đi vắng, tự nhiên căn nhà thấy trống trải. Tất cả những hình ảnh của mẹ, chiều nào khi ăn cơm vợ chồng tôi và các con đều nhắc. Lúc mẹ nhai trầu, lúc mẹ hút thuốc, lúc mẹ chăm cháu, lúc mẹ cho lợn ăn, dáng lụi cụi... Ơn sâu, nghĩa nặng mẹ đã dành cho anh em chúng tôi, không biết đến bao giờ chúng tôi mới báo đáp nổi ? Cũng may, thằng em tôi cùng con Ma Xó, vợ của nó mời mẹ sang bên Tây chơi, đã giúp vợ chồng chúng tôi báo đáp một phần công lao của mẹ. Vợ chồng tôi biết ơn vợ chồng thằng em bên trời Tây vô cùng.
...Ngày mẹ lên đường đến này đã gần một tháng mà chẳng thấy thằng em điện hay viết thư về như đã hẹn. Điều đó làm cho vợ chồng tôi cùng mọi người trong nhà thắc thỏm lo âu đâm ra suy diễn đủ thứ :" Hay là mẹ sang đó lạ nước, lạ cái, khác múi giờ bị ốm ?"." Bậy ! làm gì có chuyện đó, bên ấy có điều hoà nhiệt độ còn tốt hơn ở Hà Nội. Muốn có khí hậu ôn đới, nhiệt đới... họ đều có thể làm được cả. Làm gì có chuỵên lạ nước, lạ cái."." Hay là... lần đầu tiên mẹ mới gặp con Ma Xó, vui quá rồi mẹ quên đánh điện?"." Bậy ! Mẹ là người sống rất tình cảm, gọi điện hay viết thư đối với mẹ là việc không khó ."." Hay là mẹ đi máy bay...bị lạc?"." Bậy, nếu đúng như thế thằng em mình bên ấy đã điện về nhà ?"... Cả nhà đưa ra đủ mọi giả thuyết, rồi lại chứng minh ngược lại một cách thuyết phục để bác bỏ. Dẫu thế hoài nghi vẫn hoàn hoài nghi, thấp thỏm vẫn hoàn thấp thỏm...
Cho đến sáng hôm ấy, gia đình tôi nhận đựơc bức điện khẩn:" Mẹ về bằng chuyến bay.. .Giờ... ngày... tháng.. .ra đón mẹ tại sân bay...".Bức điện của thằng em gửi về làm cho cả nhà sửng sốt. Tại sao mẹ lại về sớm như thế ? Thằng em tôi nói sẽ cho mẹ ở ba tháng cơ mà!Tại sao bức điện đánh về nội dung có vẻ gấp gáp, vội vàng đến thế ? Kiểu này là có chuyện rồi. Cả nhà kéo nhau ra sân bay đón mẹ, lòng dạ ai nấy đều như có lửa đốt.
Khi thấy mẹ xuất hiện ở cửa phòng đón khách tất cả chúng tôi như không tin ở mắt mình. Ánh mắt mẹ gặp chúng tôi thì mừng nhưng không dấu nổi sự sợ hãi, thỉnh thoảng mẹ lại liếc vội về phía sau như xem có ai đuổi theo mình không ? Dáng mẹ gầy quắt lại, bước nghiêng ngả cứ như người bị bỏ đói năm ngày vừa thoát khỏi trận lụt thế kỷ. Nước da mẹ lại tai tái chứ không còn vẻ hồng hào như hồi ở nhà.
Sao Mẹ lại đến độ như thế nhỉ? Chúng tôi không hiểu, chẳng lẽ ăn và ở bên Tây lại khổ hơn bên nhà ?!!
Về đến nhà, thật bình tâm, mẹ kể hết mọi chuyện , chúng tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều.
Đúng như lời thằng em dặn trong thư, đón mẹ ở sân bay bên Tây là thằng em và con Ma Xó. Gặp được mẹ , thằng em tôi cũng mừng, nó xa mẹ và gia đình cũng hơn mười năm rồi. Nhưng đến lúc con Ma Xó định ôm hôn mẹ, tục lệ bên Tây mà lại. Mẹ tươi cười, định ôm hôn lại đứa con dâu người Tây thì con Ma Xó tự nhiên lăn đùng ra... ngất lịm, phải hô hấp một hồi nó mới tỉnh. Mấy người Việt Nam, bạn của thằng em tôi, ra đón mẹ, đứng cạnh đó không hiểu điều gì đã xảy ra? Té ra khi mẹ cười, con Ma Xó thấy hàm răng đen vì nhai trầu của mẹ , nó vội liên tưởng đến hàm răng của mấy bộ tộc ăn thịt người bên châu Phi. Khi tỉnh dậy con Ma Xó lắc đầu quầy quậy không cho mẹ tới gần. Thằng em tôi thấy vậy, tưởng nó bênh mẹ, có ai ngờ... nó có vẻ xấu hổ, lại trách:" Ở bên mình, trước khi sang đây lẽ ra mẹ phải cạo răng đi cho nó trắng . Nhìn hàm răng đen thế kia, đến con cũng chết khiếp chứ đừng nói đến vợ con.". Từ đó, thằng em tôi yêu cầu mẹ khi gặp bạn của nó, nhất là mấy thằng Tây là mẹ không được cười, nếu có nói phải lấy tay che miệng. Mẹ nói " Bên ấy khách Việt thì ít, khách Tây thì đông. Gặp khách Tây, một là ngồi im, còn nói phải lấy tay che miệng, mẹ hỏi các con, thế có phải là cực hình không ? Giời đày cũng không khổ như thế.". Vì thế, mẹ kể tiếp, đang ở trong nhà mà nghe ngoài cửa có tiếng xì xồ, là mẹ được thằng em tôi cho ngay vào buồng, cứ y như con tù đi " trốn trại". Ở với thằng em trong nhà thui thủi một mình, độ một tuần mẹ thấy chán. Mẹ tôi nói với thằng em :" Mày bảo con Ma Xó để con ở nhà, tao giữ cháu dăm hôm, chứ cứ như thế này tao buồn chết mất .".Thằng em tôi chiều theo ý mẹ , thuyết phục con Ma Xó mãi, nó mới đồng ý với điều kiện: " Anh nói với mẹ không được hôn cháu để đề phòng bệnh truyền nhiễm ". " Con Ma Xó nói thẳng với chồng nó như thế, em mày dịch lại cho tao nghe - Mẹ tường thuật lại y lời của con em dâu người Tây - Tao rất bực mà không biết nói với nó thế nào? Tao không biết tiếng nước nó, còn nó lại không biết nói chuyện với tao. Chán mớ đời!". Thằng bé, con của vợ chồng thằng em tôi mới gần năm tuổi, nhưng do " bơm " sữa với "đắp " thịt nên thằng bé to như ông hộ pháp trông đình. Sức thằng bé " lôi " mẹ đi chứ đừng nói mẹ bế nó. Mới ở với nó có một ngày, mẹ đã toát hết mồ hôi. Đấy là một chuyện, ở buổi sáng không sao, buổi chiều có chuyện. Trong nhà chỉ có hai bà cháu, cửa đóng kín mít chẳng biết nhờ vả ai, ngôn ngữ lại bất đồng.Thằng bé khóc, đòi đi " xia ", bà lại tưởng cháu đòi đi ngủ, chuẩn bị đệm, gối, kéo cháu lên trên đó.Thằng bé chịu không được ," tương " một bãi đầy đệm, đầy sàn nhà. Khốn nạn, nếu "của tống ra " của thằng bé vón cục còn dễ dọn, đằng này thằng bé ăn toàn thức béo, mùi đã "nặng " lại còn " sền sệt" hơn đất bùn chuẩn bị gieo mạ. Mẹ phải cọ rửa suốt một buổi vẫn không hết mùi .Con Ma Xó đi làm về khịt khịt mũi, khó chịu gắt ầm lên. Nó xịt nước hoa đầy phòng, bế con đi biến đến ba ngày mới về. Thằng em tôi nhìn cảnh đó, nó lắc đầu:" Mẹ chỉ trông được trẻ An Nam thôi. Ở ta chúng ăn ít, lại toàn rau nên lâu tiêu, ba ngày mới " xia " một lần .Chứ ở bên này chúng ăn toàn thức bổ, ngày phải " xia " hai lần. Cũng còn may cho mẹ, con của con mới "xia " có một lần ..."." Ở bên này có khi nào chúng mày ăn nói tệ bạc với mẹ như vậy đâu, mà em của mày lại nói với tao như thế !". Nói xong câu nói đó, mẹ lấy gấu quần thấm thấm nước mắt. Khổ nhất là mẹ tôi thèm thuốc rê. Hôm mới sang, mẹ cứ tưởng như ở nhà, lấy trong bịch ra một ít để cuốn hút.Con Ma Xó từ phòng trong đi ra, hít phải khói thuốc liền ho sặc sụa rồi nó xả ra một tràng tiếng tây như đại liên bắn ở đồn Cây Vồ hồi kháng chiến. Thằng em tôi dịch lại cho mẹ nghe :" Vợ con nói, mẹ hút thuốc đó phả ra khói độc như vậy sẽ thủng tầng Ôdôn." ." Nào ! mẹ có biết tầng Ôdôn, ô diếc gì đâu, nhưng nghe thằng em con giải thích mẹ thấy hãi. Thằng em con nói, tầng Ô Dôn đã gần thủng rồi, mẹ mà hút chút nữa, khói ra là nó thủng thật. Mà tầng Ôdôn thủng là cả nhân loại, trong đó có họ hàng nhà ta phải ra... nghĩa địa". Nghe vậy mẹ không dám hút thuốc rê nữa. Vậy là cả ký thuốc rê vợ chồng tôi chuẩn bị cho mẹ sang đấy, cho đến lúc về vẫn y nguyên, chỉ có khác là nó mốc meo. Mẹ nghiện thuốc đã khổ, còn khổ hơn là có thuốc đấy mà không được hút.
Nhưng tất cả những điều đã kể, mẹ nói: " Chẳng bằng đêm giao thừa tết Tây .".
Đêm giao thừa tết Tây, thằng em tôi và con Ma Xó mời các bạn, chủ yếu là người Tây đến nhà nó chơi. Chúng mở nhạc to hết cỡ, mẹ chỉ ngồi nghe một lúc mà lỗ tai đã bùng nhùng không biết đấy là tiếng trống hay tiếng bom. Mẹ nhận xét : " Hồi máy bay Mỹ thả bom có nổ to cũng chỉ đến mức độ đó thôi." Ấy thế mà cả đám bạn của thằng em tôi thích thú, từ con trai đến con gái ăn mặc dị hợm, dậm dật nhảy nhót theo tiếng nhạc cứ như tất thảy chúng nó bị động kinh ở trại điên. Mẹ phải lánh vào trong bếp. Mẹ ngồi dúm dó vào góc bếp tưởng như thế là yên, có ai ngờ! Có một thằng Tây cao to như vượn, mặt mày đỏ gay đi ngật ngưỡng vào trong bếp định lôi mẹ ra ngoài. Đúng là lũ chúng nó, lúc say rượu " trẻ không tha, già không thương ". Mới đầu mẹ sợ. Chợt nghĩ đến " vũ khí lợi hại ", mẹ vội há miệng, phơi hết cả hai hàm răng đen cùng với cái lợi đỏ lòm. Thằng Tây say rượu, nhìn thế hoảng quá vội quay đầu định chạy, đầu nó va mạnh vào cạnh tường, lăn đùng ra ngất.
Mẹ thấy vậy cũng hoảng, ra khỏi bếp chạy vào buồng ngủ. Vừa mở cửa định bước vào thì mẹ thấy ở trên giường có hai đôi, chúng chẳng mặc quần áo, đang " vật " nhau, thở phì phò. Thế này còn ra cái thể thống gì nữa, mẹ lăn ra ngất lịm.
Khi mẹ tỉnh dậy, biết mình đang nằm trong bệnh viện.Thằng em tôi đến, nhất mực mẹ đòi về lại Việt Nam ngay. Mẹ nói với nó : " Nếu con còn thương mẹ, để mẹ sống lâu, con cho mẹ về Việt Nam gấp trong ngày hôm nay." .
Thực ra, ý thằng em tôi cũng thương mẹ, nhưng sinh hoạt bên Tây mẹ ở không hợp. Bên ấy chỉ có tuổi thanh niên, còn mẹ là người già...
- Chẳng đâu bằng quê hương, các con ạ ! Mẹ ở quen rồi.
Kể xong câu chuyện đi Tây, mẹ tôi kết luận như thế.


Lương tâm cắn rứt


Viết ngắn (tiếp theo) của Chử Anh Đào 
   
                         
             Tôi có một ông bạn làm nghề godautre nhưng ở bậc đại học. Ông này có hành tung, chiến tích oách ra phết. Gần 40 năm, đào tạo hàng vạn học trò ( nhiều người bây giờ đã làm vương làm tướng); liên tục là giáo viên giỏi các cấp; bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xếp cả đống; gần chục đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Tỉnh đã nghiệm thu từ loại khá trở lên…Nhưng lạ thay, ông mãi là phó thường dân. Hỏi tại sao? Ông cười: Tưởng làm phó thường dân dễ lắm à. Rồi viện thêm câu thơ được giải thưởng: “ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân.” Gần đây có phong trào bình bàu phong tặng danh hiệu “ ưu tú”, “ nhân dân”các loại, ông vẫn bình chân như vại. Hỏi. Lại mỉm cười khó hiểu.
          Đùng cái, ông bất đắc kì tử vì tai biến mạch máu não. Ngành giáo dục như sực nhớ và tỏ lòng tri ân ông bằng cách đề nghị truy tặng danh hiệu “ Nhà giáo ưu tú”
          Lại có ông bạn khác có nghề ngỗng lương thiện hẳn hoi nhưng lại muốn thành thi sĩ- một đội quân đã thừa mứa ở đất nước luôn thiên tai giặc giã này.Tài bút ông, công bằng mà nói, cũng có tiếng ở tỉnh lẻ nơi ông sống. Nhưng với thiên hạ thì chưa nhằm nhò gì. Xách dép cho ông “ Phong nhũ phì đồn” e còn không đáng. Nhưng điều đáng quí của bạn tôi là thái độ lao động thành khẩn với công việc viết lách mà tôi đồ rằng rất nhọc nhằn. Sắp tới thời kì mãn dục nam, ông đã kịp đẻ được bảy “ đứa con tinh thần” cho dù trong số đó có “ thằng” tiên thiên bất túc.
          Hội VHNT, nơi ông tham gia hoạt động; nơi tập trung những đỉnh cao chói lọi, tài năng nghệ thuật; nơi những tưởng người ta chỉ cần sống bằng đời sống tinh thần, bằng cảm hứng sáng tạo, tình yêu nồng cháy các loại, té ra lại là nơi đố kị và ganh ghét, nơi để ý tới tiền bạc nhiều nhất. Trong những lần xét tiền hỗ trợ sáng tác, xuất bản, không hiểu vì lí do gì, người ta đã quên ông.( Nói cho công bằng thì ông cũng làm thủ tục một lần nhưng không được; lần sau không biết vì tự ái hay tự trọng, ông dí cái con truyền giống vào chỗ ấy).
          Lại đùng một cái, ông nằm xuống vì tai nạn giao thông. Các loại vòng hoa chất ngất như làm cho nỗi buồn mất mát thăng hoa. Chủ tịch hội VHNT vừa nức nở vừa đọc bài điếu văn đẫm nước mắt chia sẻ tổn thất lớn lao, đau thương vô hạn vì gia đình, cơ quan, bạn bè, kẻ thù …mất đi một…ưu tú, tài năng! Người ta đề nghị cho góa phụ được truy lĩnh tiền hỗ trợ sáng tác của ông.
          Nhàn đàm:
 - Khi sống thì ngầm rủa mong cho chết nhưng khi đã “ ngồi lên trên ấy ngắm gà khỏa thân” thì ai cũng tốt cả.( Điều này xưa như Diễm)
 - Nếu có thể làm được điều gì tử tế cho nhau thì hãy làm khi người ta còn sống.

QUÀ MỌN, LÒNG THÀNH
         
          Lại sắp đến ngày 20 tháng 11. Đã viết bao nhiêu bài về những người thầy, cô đáng kính, mãi là những vết son tươi rói trong tâm khảm kẻ học trò nhỏ; bao nhiêu bài về những dở hay tốt xấu của cái Nghiệp đã đội tới bạc đầu này. Năm ngoái là những lời chúc muộn mằn, sau khi mình trách, ông học trò cũ bảo: em còn nhớ tới thầy là may lắm rồi đấy(!), là áo sơ mi Việt Tiến và thịt chó Ba Trị…Năm nay không biết có gì mới hơn, trân trọng chép lại “ bài thơ” của Kpa Blin- sinh viên năm thứ nhất người dân tộc Jrai- Trương CĐSP Gia Lai:
                
             THẦY
      
       Thầy ơi! Thầy là vị cha già
       Giọng nói oang oang lại ấm áp
       Dáng người như một hòn núi
       Tóc quăn, da đen, mắt sáng
       Người thầy hiền lành như đất

       Qua thời gian tóc thầy đã bạc
       Một màu bạc của sự gian khổ
       Mỗi sáng thầy bước vào lớp em
       Tất cả mọi người ai cũng đứng nghiêm
       Thầy mời các em ngồi xuống

       Em ngồi, em nhìn thầy thật trong sáng
       Thầy đứng cạnh, em thấy ấm áp
       Lòng em kìm nén lại và nghĩ về…
       Ước gì thầy là người cha thứ hai
       Để em cất lên một tiếng gọi
       Cha!

       Con thấy nao lòng mỗi lần thầy xuất hiện
       Thầy đã gánh chữ vào lớp
       Mỗi bước đi là một gánh nặng
       Mà sao bay bổng thơ văn

       Thầy ơi! Em xin cúi đầu cảm ơn.
          Nhàn đàm:
 - Phải nói ngay rằng đó chưa phải là thơ( như nhiều người ngộ nhận, cứ xuống hàng, cứ có vần điệu một tí là thành…thơ). Nó như nước, như lửa, như tượng mồ Jrai, như người Việt thuở khai sinh bập bẹ nói tiếng Việt “ còn thô sơ như mảnh đá thay rìu”. Nhưng đằng sau sự vụng về về câu chữ là hồn hậu một tấm lòng chân thật của học trò cảm, nghĩ về thầy giáo của mình. Nếu so sánh năng lực thường có của các em sinh viên dân tộc về văn nghệ, thể dục thể thao và các môn khoa học tự nhiên thì đây quả là một cố gắng vượt bậc trong lĩnh vực văn học.
 - Trong những ngày này, mọi người có dành chút thời gian trong ngả nghiêng, bận rộn của cơ chế thị trường để nghĩ về thầy cô giáo của mình không?

( Mới nghĩ được chừng ấy thôi. Còn tiếp)