4 tháng 11, 2012

Nơi ngày xưa thân ái




Phải nói là tôi đã rất cảm động khi cầm trên tay cuốn Ngữ văn – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy(*) được sớm gửi từ Qui Nhơn vào. Việc đầu tiên là tôi lật xem mục lục sách. Thật cảm động làm sao khi gặp lại ở đây những cái tên quen thuộc thân thương với rất nhiều kỉ niệm của Khoa Ngữ văn Đại học Qui Nhơn sau 35 năm đã đi qua.
Sự xúc động khiến tôi đã làm một việc có lẽ khá lẩn thẩn khi đếm được có cả thảy 42 tên người là tác giả của 42 bài viết, 42 cái tên của nhiều thế hệ giảng viên. Có những người xuất hiện và công tác tại Khoa từ 35 năm trước, lại có những người còn rất trẻ chỉ mới vài ba năm. Điều đó đủ nói lên quá trình phát triển liên tục như một dòng chảy bất tận của Khoa Ngữ văn trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
alt

Là một tuyển tập các công trình nghiên cứu của các thế hệ giảng viên được ra đời nhân kỉ niệm 35 năm thành lập Khoa nên những người trong Ban biên soạn đã làm một việc rất có ý nghĩa là phân chia bài viết của các tác  giả theo nhóm các chuyên ngành với 6 bộ môn: Văn học Việt Nam, Ngôn ngữ - Hán Nôm, Văn học nước ngoài, Lí luận văn học và cuối cùng là Lí luận và Phương pháp dạy học ngữ văn; như là một cơ hội để các thế hệ giảng viên trong cùng một tổ cùng ngồi lại với nhau sinh hoạt chuyên môn trên một chiếc chiếu khoa học.

Mỗi bài viết trong sách gắn với một lĩnh vực và bàn về một vấn đề chuyên môn sâu mà tác giả theo đuổi trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy. Nó đã phần nào nói lên chỗ đứng chuyên môn của người viết. Nhưng trên hết, từ mỗi bài viết trong sách này nói lên rằng:  Nghiên cứu khoa học và viết lách là một sở trường, một thú đam mê của những giảng viên khoa văn nói chung và Khoa Ngữ văn Đại học Qui Nhơn nói riêng. Đam mê văn chương, đam mê nghiên cứu và đam mê giảng dạy đã làm nên sự đam mê nghề nghiệp, một trong những tố chất thiết yếu của những nhà giáo là giảng viên ngữ văn ở trường đại học.
Và tôi lấy làm tự hào về điều đó khi nó được thể hiện khá đầy đủ trong Ngữ văn – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy.    
35 năm đã trôi qua với Khoa Ngữ văn Đại học Qui Nhơn cũng là cả một lịch sử với những thăng trầm và biến động. Có rất nhiều những tên tuổi trong sách đã từ biệt mái nhà của Khoa để về với những miền đất khác, với những sự nghiệp khác; nhưng dù ở đâu và làm gì, họ vẫn luôn nhớ về Khoa như nhớ về mái nhà xưa nơi mà họ đã có một thời sống đẹp với rất nhiều kỉ niệm thời trai trẻ. Điều đó được thể hiện ở những bài viết rất chọn lọc để gửi về Khoa vào mỗi dịp kỉ niệm. Như là một sự trở về nơi ngày xưa thân ái.
Và cũng đã thành một nét đẹp truyền thống của Khoa Ngữ văn Đại học Qui Nhơn khi cứ mỗi dịp 5 năm kỉ niệm ngày thành lập 25 năm, 30 năm và nay là 35 năm, Khoa lại cho ra mắt bạn đọc gần xa một hợp tuyển các bài viết của các thế hệ giảng viên như là một sự đánh dấu thiết thực và nhiều ý nghĩa về những chặng đường, những bước tiến trong nghiên cứu khoa học của Khoa và của bản thân mỗi giảng viên.
Có thể với những giảng viên đang công tác tại Khoa thì không thấy rõ lắm, nhưng với những ai đã đi khỏi Khoa, đi khỏi mảnh đất Qui Nhơn để theo đuổi niềm đam mê ở những miền đất khác sẽ rất lấy làm vui mừng và cảm động khi được cầm trên tay cuốn sách dày dặn, nhìn rất giản dị mà không kém phần sang trọng: Ngữ văn – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy.


(*) Nhiều tác giả, Khoa Ngữ văn Đại học Qui Nhơn, Nhà xuất bản Văn học, 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới