17 tháng 11, 2012

Nghề giáo và tiếng chào



Thói thường ở nước ta, hễ nghề nào mà hay được tung hô thì nghề đó chắc chắn là có nhiều thiệt thòi. Bởi đám bề trên thấy rõ là chúng nó khổ quá nên khen mấy câu cho chúng nó sướng. Nghề lính là đầu bảng, nghề giáo là thứ nhì, và nhiều nghề khác nữa…
Thực ra thì bất luận làm nghề gì cũng chỉ vì một mục đích với hai chữ là kiếm sống nếu không nói thẳng ra là kiếm tiền (trừ việc đi lính nghĩa vụ).  Dù là dưới cái vỏ bọc hào quang và giả dối là vì nhân dân phục vụ hay vì học sinh thân yêu gì gì đi nữa thì cũng chỉ để kiếm mấy đồng lương hàng tháng mà thôi.
Vậy thì hà cớ gì phải đề cao.
Nhiều người làm nghề giáo do thấy thiên hạ tung hô nhiều quá, lại nhất là ra đường được đám học trò cúi đầu chào còn phụ huynh thì ngày 20-11 chạy ngược chạy xuôi mua quà biếu (là với học trò phổ thông thôi, thầy đại học thì quên vụ này đi nhé) nên cũng lầm tưởng rằng mình cao quí thiệt.
Đó là một bi kịch của người thầy. Bi kịch mang tên hoang tưởng.
Vì bi kịch này nên không ít người làm nghề dạy học có thói quen xấu là muốn ai cũng phải đội mình lên đầu. Mà trước hết là yêu cầu lũ học trò phải luôn ngả nón kính chào mình. Đứa nào không chào thì coi như là đứa đó hỗn láo, mất đạo đức. Vụ này sặc mùi phong kiến với quan niệm tôn ti trật tự: Quân – sư - phụ (đầu tiên là vua, đến thầy  rồi mới đến cha). Một quan niệm tột bậc của sự ngu xuẩn. Họ, những ông thầy ấy quên mất rằng chính học trò là nguồn sống của họ. Nếu học trò không đi học sẽ không có ai đóng học phí, mà học phí chính là nguồn lương của thầy. Nói theo ngôn ngữ của sát thủ đầu mưng mủ: Không mày đố thày dạy ai.
Thầy chả biết ơn trò thì thôi lại còn bắt trò làm điều ngược lại.
Nhớ hồi ở khoa mình, có ông đồng nghiệp lớn tuổi hâm hâm, hễ thấy có đứa học trò nào nhỡ đi qua hoặc nhìn thấy ổng mà không chào là bị gọi lại bắt bẻ ngay: Tại sao anh không chào tôi.
Nhớ chuyện đã lâu từ thời sinh viên năm thứ tư. Bạn tôi đi thực tập về qua một con phà, trên phà bỗng gặp ông thầy dạy triết, giữa đám người chen chúc đông đúc trên một con phà nhỏ ở miền Trung thời thổ tả rất khó khăn cho sự thể hiện lễ phép nên không chào được ông thầy. Vậy mà khi qua khỏi phà rồi, ông thầy vẫn tìm cách lại gần chỉ để cật vấn một câu:  Tại sao thấy tôi mà anh không chào.
Đúng là cơ khổ.  

Bây giờ tôi cũng chẳng mấy hâm mộ ông Lê nin nữa nhưng ông này có hai câu nói rất hay khiến tôi luôn nhớ từ thời còn đi học. Đó là câu Học, học nữa, học mãi và câu Người làm nghề giáo dục trước hết phải là người được giáo dục. Muốn dạy được thiên hạ thì anh phải được học hành, được giáo dục đầy đủ. Cũng có nghĩa rằng, người làm nghề dạy học phải là một sự gương mẫu về nhiều mặt. Không chỉ là vượt trội về kiến thức mà còn cả về nhân cách và đạo đức làm người.
Đó cũng là một sự khắc nghiệt nữa của người làm nghề giáo.
Ai chịu đựng được và vượt qua được sự khắc nghiệt này sẽ là người Thầy theo đúng nghĩa của nó, sẽ là người mà dù đã tốt nghiệp đi xa mái trường thân yêu lâu rồi, học trò cũng mong được một lần về thăm lại trường cũ,  gặp lại thầy giáo cũ chỉ để được một lần kính cẩn chào Thầy một tiếng, được một lần nắm tay Thầy…
Đời đi học của tôi, may mắn thay, đã gặp được nhiều những người Thầy như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới