12 tháng 1, 2021

Không chỉ là lặt lá

 (Bài đăng trên TC VHSG)

Mùa Xuân đến, trong lúc người miền Bắc tự hào với sắc hồng tươi thắm của hoa đào thì người miền Nam lại vui thú với sắc vàng sang trọng mà ấm áp của hoa mai. Và mỗi nơi đều xem đó là đặc sản mang đậm tính vùng miền do thiên nhiên ban tặng. Riêng trên dải đất Việt Nam này, vùng đất Quảng Bình là nơi mà cả đào và mai cùng chung sống bên nhau và cùng lúc trổ bông đón Tết mà không hề có một sự cạnh tranh sinh tồn nào. Quảng Bình từ lâu được xem là nơi có sự đan xen mãnh liệt nhất về những đặc trưng tự nhiên và cả xã hội giữa hai miền Nam Bắc. Có lẽ cũng vì thế mà từ thế kỉ thứ XVII chúa Nguyễn Hoàng đã lấy cả một vùng đất trải dài từ Đèo Ngang (nam Hà Tĩnh) băng qua cả con sông Gianh hùng vĩ làm ranh giới lãnh thổ phân biệt giữa xứ Đàng Trong với xứ Đàng Ngoài.

Nếu đặt chân đến Quảng Bình, bạn sẽ thấy trước sân của mỗi ngôi nhà ở nơi đây thường có đủ cả đào lẫn mai và vào mỗi dịp Tết đến, cả hai cùng trổ bông khoe sắc thắm làm tôn vinh vẻ đẹp của nhau mà nếu lỡ ra ông Thôi Hộ đời nhà Đường nếu có sống lại đến nơi đây thì chắc chắn sẽ sửa lại một câu trong bài thơ nổi tiếng Đề đô thành nam trang: “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” thành ra “Nhân diện đào mai tương ánh hồng” (Mặt người con gái với sắc thắm của hoa đào hoa mai cùng tương phản vẻ đẹp lên nhau).



Ngôi nhà vườn của ba mạ tôi cũng vậy. Trước sân nhà có cả một cây mai cổ thụ đã trên 40 năm tuổi mà đường kính thân cây to ngang cả gang tay, cao cả chục mét cùng vài cây mai nhỏ hơn cao ngang đầu người lớn với một cây đào sum suê cành lá xanh tốt rậm rạp ngay sát bờ rào.

Cây đào thì Tết đến là tự động nở hoa nhưng mấy cây mai thì phải lặt lá mới trổ bông đúng Tết.

Sinh thời dịp gần tết cữ rằm tháng 10 ba mạ tôi thường nhờ mấy đứa cháu trai trong xóm trèo lên cây mai cao to lặt lá giùm, mấy cây mai nhỏ thì tự tay các cụ lặt. Ba tôi đi xa từ 5 năm trước, năm nay đến lượt mạ tôi đi xa bỏ lại khu vườn với mấy cây mai không người lặt lá.

Tôi về quê giỗ ba vào cuối tháng 11 âm lịch thì đã quá muộn. Nhìn mấy cây mai lá vẫn xanh um rậm rịt che kín những cái nụ mới nhú bằng hạt gạo mà lấy làm xúc động. Thế là tôi bỏ hẳn ra một ngày lặt lá cho mấy cây mai nhỏ, riêng cây mai cổ thụ hơn cả mai rừng thì chỉ biết đứng dưới gốc mà nhìn lên bất lực.

Lặt lá mai là một việc làm không dành cho người nóng tính, vội vàng, cẩu thả mà đó là một công việc vô cùng tỉ mẩn và thận trọng.

Khi lặt lá mai bạn tuyệt đối không được tuốt lá vì sẽ làm gãy, dập hoặc nát nụ hoa đang e ấp trong mắt lá. Một tay nắm chắc cành mai, tay còn lại cầm từng lá mai lật ngược nhẹ về phía sau để nghe một tiếng ắc rất khẽ mà chỉ người tinh tế lắm mới cảm nhận được, cuống lá đứt rời ra từng cái một thật gọn ghẽ. Khi cả cây mai được lặt hết lá, chất dinh dưỡng được tập trung hết cho nụ hoa trổ bông theo ý muốn của người trồng.

Đó là cả một kì công.

Sát bờ rào trước sân có hai cây mai nhỏ. Buổi sáng tôi lặt một cây, chiều lặt nốt cây còn lại. Khoảng 30 phút lại tự cho phép mình giải lao vô bàn nước trong sân làm li trà nóng giữa tiết trời lạnh 16 độ, vươn vai vài cái cho bớt mỏi rồi lại tỉ mẩn lặt tiếp. Tôi dù muốn cho xong việc cũng không được nóng vội. Phải thật vô cùng thong thả và tỉ mỉ.

Ai muốn học chữ nhẫn, hãy lặt lá vài cây mai ắt sẽ thành công.

Vừa lặt lá mai tôi vừa ngẫm nghĩ về cuộc đời, về chủ của những cây mai là ba mạ tôi, cuối cùng thì các cụ cũng bỏ lại tất cả để ra đi mà không mang theo một cái gì. Tiền bạc, của cải, nhà cửa, vườn tược, đam mê, con cháu... tất cả đều bỏ lại. Như những cây mai này khi còn sống ba tôi quý lắm, tết nào cũng nâng niu lặt lá. Cây mai to năm ngoái có người đến mua trả giá 14 triệu nhưng mạ tôi không bán. Vậy mà rồi cụ cũng bỏ lại để ra đi.

Giờ thì tôi đang về thăm quê và cũng lại tỉ mẩn lặt lá mai. Rồi đến lúc tôi cũng sẽ ra đi như ba mạ tôi, mấy cây mai này Tết đến có trổ bông hay không cũng mặc, chẳng cần quan tâm đến việc lặt lá nữa.

Ai đó nói và cuộc đời này dài lắm. Nhưng tôi thấy cuộc đời cũng ngắn ngủi lắm. Nhiều lúc ta cảm thấy mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Danh vọng, địa vị, bạc tiền, tình cảm... cả một cuộc đời ta theo đuổi tìm kiếm không mệt mỏi để rồi cũng bỏ lại tất cả để ra đi như những cái lá mai đang lìa cành.

Nhất là khi ta đang lọt thỏm và cô đơn giữa một khu vườn mùa đông vắng lặng mà chủ nhân thực sự của nó đã bỏ đi rất xa.

Ảnh: Tỉ mẩn lặt từng lá một;

Cây đào và cây mai 40 năm tuổi trước sân nhà

Link XB: https://vanhocsaigon.com/tan-van-ha-tung-son-khong-chi-la-lat-la/ 

 

2 nhận xét:

  1. Lin XB trên VHSG: https://vanhocsaigon.com/tan-van-ha-tung-son-khong-chi-la-lat-la/

    Trả lờiXóa
  2. https://vanhocsaigon.com/tan-van-ha-tung-son-khong-chi-la-lat-la/

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới