31 tháng 1, 2019

Thái Tử Gà


Tự nhiên hôm nay nhìn đĩa thịt gà luộc trên mâm tôi lại nhớ đến món gà luộc nổi tiếng ở Hải Dương mà tôi ăn cách nay đã tròn 10 năm, món gà Mạnh Hoạch. Cái tên món ăn rất người ấy lại có trong một quán ăn có cái tên cũng rất lạ: Quán ăn Thái Tử Gà tại Hải Dương nằm trên trên con đường 5 quen thuộc Hà Nội – Hải Phòng. Dù chỉ ăn một lần ở quán này mà rất ấn tượng và khiến tôi nhớ mãi.
Tháng 12 năm 2009 tôi có chuyến công tác bảy ngày ở Hải Phòng gọi là đi Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Đoàn đài tôi có năm người từ Quy Nhơn ra Hải Phòng bằng ô tô. Nhưng tôi còn có một công việc phát sinh là phải về huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên để xác minh lí lịch kết nạp đảng cho một cô BTV của phòng Văn Nghệ. Vì thế mà tôi lên đường trước mọi người ba ngày. Do chơi cũng thân thiết và quan hệ công tác với nhau cũng nhiều nên từ Quy Nhơn tôi đã gọi mượn anh Nguyen Duy Kiểm, vị TGĐ hào phóng và lịch lãm của Cty Nghe Nhìn Hà Nội cái ô tô của Cty, người lái là Phan Hải, một tay chơi lão luyện Hà Nội. Xuống Nội Bài đã thấy xe Hải ra đón. Tôi hẹn luôn Hải sáng mai đi Hưng Yên.
Kim Động tiếng là một huyện vùng sâu vùng xa của Hưng Yên nhưng từ Hà Nội về đó cũng chỉ chừng ba tiếng đồng hồ nên hai anh em nhẩn nha cafe ăn sáng xong ở Hà Nội mới lên đường. Trưa thì đến Hải Dương, Phan Hải tạt vào một quán ăn to rộng bên phải đường 5 ăn trưa. Ngước mắt nhìn lên cái bảng hiệu đề Nhà hàng Thái Tử Gà tôi đã vô cùng ngạc nhiên và thích thú, nghĩ tay chủ quán này đúng là chơi ngông, dám phong cả gà lên hàng Thái tử.
Quán ăn rộng có thể chứa được cả 500 người và lúc tôi đến thì khách ăn đã đông nghịt. Quán này chuyên về tất cả các món gà như luộc, gỏi, chiên, kho, nướng, miến, măng, cháo... với chỉ một giống gà có tên rất người là Mạnh Hoạch. Tên gà làm tôi nhớ ngay đến tên một nhân vật trong tiểu thuyết Tam Quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung. Trong pho tiểu thuyết đồ sộ này Mạnh Hoạch là viên tướng thủ lĩnh của một cánh quân khởi nghĩa ở vùng rừng núi biên giới nổi lên chống lại triều đình nhà Thục Hán. Năm đó Lưu Bị cử Gia Cát Khổng Minh đi bắt sống Mạnh Hoạch. Phải bảy lần bắt bảy lần tha Khổng Minh mới thu phục được Mạnh Hoạch. Ông chủ quán Thái Tử Gà tên là Lê Hồng Hoạch, chắc mê truyện Tam Quốc nên tự nhận luôn mình là Mạnh Hoạch. Món gà của quán ông là loại gà đồi chính hiệu được nuôi thả theo kiểu tự nhiên, mỗi con không quá 1kg, thường chỉ 7 đến 8 lạng. Đặc điểm của quán là khách vào gọi món nhân viên mới bắt gà làm vì thế mà tên gọi đầy đủ của món gà này là gà tươi Mạnh Hoạch. Gà Mạnh Hoạch thịt ăn thơm, giòn, không có bã và mỡ nên không gây ngán. Người ăn khỏe có thể ăn hết nguyên con gà luộc. Thái Tử Gà đông khách ăn từ sáng đến tối là vì thế.
Do gà Mạnh Hoạch nức tiếng ở Hải Dương như thế nên sau này ông chủ Mạnh Hoạch đã mở ra cả một hệ thống các quán ăn Thái Tử Gà ở nhiều nơi từ Hải Dương, Hưng Yên lên cả Hà Nội, xuống tận Hải Phòng, sang tận Thái Bình. Gà Mạnh Hoạch từ chỗ là cái quán chuyên về các món ăn chế biến từ thịt gà của ông chủ có tên là Hoạch chỉ sau 20 năm khởi nghiệp đã trở thành một đặc sản của xứ Hải Dương kiểu như tên của một loại gà như là gà Đông Cảo, gà đồi Yên Thế... Nay thì đi đến đâu khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng gặp gà tươi Mạnh Hoạch. Từ một món ăn thông thường với sự khéo tay, tôn trọng khách hàng và sự cần cù, chịu khó sáng tạo trong kinh doanh, ông chủ của hệ thống Nhà hàng Thái Tử Gà đã đưa thương hiệu gà Mạnh Hoạch trở thành một đặc sản không chỉ của Hải Dương. Đó thực sự là niềm tự hào của ông chủ quán Thái Tử Gà, cũng là niềm tự hào của người Hải Dương. Mấy ai đi qua Hải Dương mà không ghé Thái Tử Gà.  
Sau này có dịp ra lại Hà Nội nhiều lần, tôi đã thấy nhiều quán ăn ở Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, cả bên Gia Lâm cũng đều có trưng biển Gà tươi Mạnh Hoạch. Cái tên chỉ nghe thôi đã thấy thèm. 
Là tài xế lâu năm lại là thổ công ở đất Kinh kỳ nên Hải rất rành quán xá và món ăn nơi đây. Hai anh em ăn, Hải kêu hẳn một con gà luộc loại 1 kí, cơm trắng nấu với nước luộc gà, canh rau cũng nấu bằng nước luộc gà. Chỉ cần thế đã đủ ngon nhức nhối. Hai anh em đánh bay mâm cơm dọn ra. No mà không ngán. Ăn xong thì đi tiếp về Kim Động. Chỉ trong buổi chiều đã giải quyết xong công việc. Tối về Hà Nội lại đi nhậu tiếp.
Mấy hôm sau tôi xuống Hải Phòng dự Liên hoan truyền hình diễn ra ở Nhà Văn hóa Việt – Tiệp. Ngay trong khuôn viên Nhà văn hóa này có một quán cơm vừa ngon vừa rẻ, đặc biệt là có luôn món gà tươi Mạnh Hoạch mà tôi đã ăn rất ngon ở Hải Dương. Vì thế suốt cả tuần công tác Hải Phòng đoàn chúng tôi ăn ngày 3 bữa ở quán này. Sáng phở gà Mạnh Hoạch, trưa và chiều hiển nhiên cũng cơm gà Mạnh Hoạch. Gà Mạnh Hoạch ở đây cũng ngon gần bằng gà Mạnh Hoạch ở Thái Tử Gà. Vì thế mà sau chuyến công tác ai cũng mập lên trông thấy, riêng tôi tăng gần 3 kí.
Mười năm đã trôi qua tôi chưa có dịp quay lại Thái Tử Gà để thưởng thức món gà Mạnh Họach chính hiệu. Bởi từ sau khi biết món gà Mạnh Hoạch ở Thái Tử Gà, tôi chưa thấy món gà luộc nào ở đâu ngon như thế.

Ảnh từ Internet

 Quán Thái Tử Gà ở Hưng Yên trong chuỗi hệ thống quán ăn của gà Mạnh Hoạch

Món gà luộc Mạnh Hoạch trứ danh


 Trên đường từ LHTH Hải Phòng về lại Quy Nhơn ghé Hội An thăm nhà văn Trung Tran Ky lại được ông bạn trên vàng đãi món gà mâm Phố Hội. Trái sang Trần Kỳ Trung, HTS, Lê Lợi, Võ Bá Nghị. Ảnh Thin Mai.

18 tháng 1, 2019

Những chuyện không nên kể (Chuyện nhiều hồi)


HTS: Những chuyện này tôi đã tính kể lại trong cuộc họp mặt về nguồn của C20 chúng ta vừa rồi tại Đồng Hới và Hà Tran nhưng do thời gian eo hẹp quá nên không có cơ hội. Đành phải viết ra đây dù là những câu chuyện không nên kể.

Hồi một: MIẾNG THỊT HƠN LIỀU THUỐC BỔ

Tôi và Trần Quang Ánh học cùng khóa 12 văn với nhau nhưng khác lớp. Hắn lớp B tôi lớp A. Gọi là 12A và 12B K2. Tuy là hai lớp nhưng vẫn học chung với nhau, trừ môn ngoại ngữ học riêng. Cùng là dân Quảng Bình nên chúng tôi chơi với nhau ngay từ ngày nhập trường dù tôi không thích khái niệm đồng hương cho lắm.
Ngày nhập ngũ tháng 9/1972 khi huấn luyện ở C12 Đoàn 22A tôi ở cùng một trung đội 3 với Ánh nên càng gần gũi nhau hơn. Cuối năm 1972 về C20 F341, tôi ở A thông tin, Ánh về A hậu cần. Tôi làm chiến sĩ còn hắn làm A trưởng. Thằng này luôn thế, khi nào cũng chỉn chu và cầu toàn, chỉ có phấn đấu và phấn đấu vì thế hắn lên chức cán bộ tiểu đội rất nhanh. Về làm A trưởng A hậu cần lúc đó là một sự tin tưởng vô bờ bến của BCH C20 đối với Ánh. Hắn cùng với Nguyễn Sỹ Mác gọi là Mác phó cối A phó A Thông tin (đã mất), Thu Lê quản lý đại đội là những thằng lính SV đầu tiên của C20 được kết nạp vào đảng.
Năm 1972 đó chúng tôi vừa về đóng quân ở xóm nhỏ Hà Tran thì cái Tết Nguyên đán ập đến. Cái Tết đầu tiên của đời lính buồn heo hút. Đêm giao thừa tôi với Quang Phương, Quang Phát và vài thằng khác trong tiểu đội nằm trùm kín mền trong cái lạnh thấu xương và ngẫm nghĩ về đời trai phiêu bạt. Phút giao thừa năm mới 1973 đến xa xa có tiếng súng trường nổ đì đẹt nghe càng thêm sầu não. Tôi nằm cạnh thằng Phát cũng SV khoa văn mà nước mắt cả hai thằng cứ chực trào ra.
Đang thế thì thấy có ai đập đập khẽ vào chân mình rồi tôi nghe tiếng thằng Trần Quang Ánh thì thào: Mi ra ngoài với tao chút. Biết là có chuyện tôi nhảy phắt khỏi giường đi theo hắn. Ánh chẳng nói chẳng rằng cứ lầm lũi đi ra bến đò ngoài sông Kiến Giang. Tôi cũng lầm lũi bám theo hắn trong bóng đêm trừ tịch tối mịt mù. Hai thằng nhảy lên ngồi trên một cái thuyền của dân đang buộc ở bến sông, gió lạnh thổi ràn rạt càng thêm tê tái. Rồi Ánh đưa cho tôi một cục lá chuối tròn tròn to bằng quả bóng nhựa trẻ con nói: Ăn đi.
Đó là một cục thịt nạc luộc nguyên khối nặng khoảng 3 lạng gói trong lá chuối khô còn nóng hôi hổi. Tôi cắn từng miếng một ngập chân răng, thịt nuốt vào đến đâu người tôi tỉnh ra đến đấy cứ như là đang được tiêm liều thuốc bổ cực mạnh. Tôi đang đói nên ăn ngấu nghiến. Trong lúc đó thì Ánh ngồi nhìn mông lung sang bên kia bờ sông Kiến Giang đang rất tĩnh lặng không có cả một tiếng dế kêu. Bên đó có em người yêu của hắn là người cùng làng Duy Ninh tên V làm y tá trong đội điều trị của Quân y viện 4. Đội điều trị quân y viện này có rất nhiều nữ y tá và dĩ nhiên là nguồn cung cấp vô tận bạn gái và người yêu cho đám lính C20 chúng tôi ngày ấy dù cách nhau một dòng sông Kiến Giang (Trừ tôi ra vì tôi không biết bơi cũng không biết chèo thuyền đi tán gái). Ánh lặng lẽ nhìn mông lung vào đêm đen còn tôi lặng lẽ ăn. Giờ này hẳn là em V cũng đang rất nhớ hắn.
Khoảng 15 phút thì xong vụ ăn và nhìn. Tôi và Ánh bắt tay nhau chúc mừng năm mới rồi chia tay ai về tiểu đội nấy mà hầu như không nói gì với nhau. Vì chúng tôi đã quá hiểu nhau, nói gì lúc ấy cũng bằng thừa.
45 năm đã trôi qua từ cái đêm giao thừa trên bến sông Kiến Giang ấy nhưng tôi vẫn chưa bao giờ quên hương thơm và vị ngon vô cùng của gói thịt heo luộc mà Ánh đã dành cho tôi cũng như chưa bao giờ quên cái tình bạn, tình đồng đội của Ánh.
Sau này trở lại trường, chúng tôi cùng tốt nghiệp một khóa văn 16. Trong lúc tôi về ĐHSP Quy Nhơn thì Ánh vào nhận công tác tại Trường CBQL GD TP. HCM rồi về CĐSP Quảng Ngãi cuối cùng thì chốt hạ ở ĐH Đà Nẵng. Nay thì TS. Trần Quang Ánh đã thành ông giáo nghỉ hưu tại Đà Nẵng. Tính hắn vẫn thế, trầm lặng, ít nói, vẫn cầu toàn và chăm lo phấn đấu. Mới rồi tôi cũng phải nhắn tin, gọi Ánh về họp mặt để hai thằng có cơ hội ra lại bến đò xưa ở Hà Tran và nhớ về kỉ niệm cũ.
(còn tiếp).

Gặp gỡ tại nhà đồng đội Hoàng Tấn Quả. Trần Quang Ánh ngoài cùng bên phải.


7 tháng 1, 2019

Thương tiếc anh Huỳnh Hiến

Hôm qua buổi sáng vừa cùng với Lê Văn Ngọ sang Nhà Bè viếng Thầy Lê Hoài Nam thì đầu giờ chiều nhận được đt từ Quy Nhơn: Anh Huỳnh Hiến đã vừa mất lúc 12h30 trưa nay, 6/1/2019. Hưởng thọ 80t. Anh mới mất trưa nay, 18h tối nay mới thành phục mà 5h sáng mai đã di quan, sao anh sống ở đời thung thăng thế mà khi ra đi lại vội vàng thế. Anh Huỳnh Hiến.
Huỳnh Hiến là đồng nghiệp suốt 21 năm với tôi khi tôi làm việc ở Đài Truyền hình Quy Nhơn, sau này là Đài PTTH Bình Định. Anh là đạo diễn các chương trình sân khấu và các chương trình ca nhạc truyền thống của đài. Nhiều chương trình sân khấu và ca nhạc do anh đạo diễn, dàn dựng từng đạt giải HC vàng và bạc tại các Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Anh tốt nghiệp ĐH Tổng hợp văn, ra trường làm PV Đài TNNV rồi giải phóng về quê làm ở Đài Truyền hình Quy Nhơn. Anh sỗng giữa cuộc đời đầy bon chen mà như đứng ở bên đời không hề màng danh lợi: Không chức tước, không đảng phái, chơi rất kén bạn.
Mỗi lần vào Sài Gòn thăm con, anh thường sang nhà tôi ngủ lại, anh em thức nói chuyện thâu đêm. Mỗi lần tôi có việc về Quy Nhơn đều ngủ lại nhà anh ở 155A Hai Bà Trưng và cũng thức thâu đêm nói chuyện.
Cũng anh Hiến hồi đọc mấy bài tôi viết trên blog sau khi đi họp lớp cấp 3 ở Đồng Hới và đại học ở Vinh về đã nói: Cuộc sống là thế chứ còn gì nữa nhỉ.
Tôi thấy đúng lắm.
Anh mất đi là tôi mất một người anh, người bạn tri âm.
Nhớ anh, tôi nhớ bài thơ rất hay của anh Mùa này trên Vĩnh Sơn đã được Vũ Trung phổ nhạc để thành một ca khúc nổi tiếng ở Bình Định.

Nhà báo - đạo diễn truyền hình Huỳnh Hiến, đầu tiên bên trái, cùng các đồng nghiệp ở đài BTV

Mùa này trên Vĩnh Sơn

                                                         Thân tặng anh Huỳnh Hiến

Cách đây 26 năm, vào tháng 12 năm 1984, người dân Bình Định được sống trong không khí náo nức của ngày khởi công công trình thủy điện Vĩnh Sơn, một công trình lớn mở đầu cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước trên quê hương Bình Định nói chung và của huyện miền núi giàu truyền thống cách mạng Vĩnh Thạnh nói riêng.
      Trong sự náo nức và hân hoan chào đón công trình thủy điện lớn của tỉnh nhà, trong âm vang tiếng mìn phá đá mở đường, trong ì ầm tiếng những đoàn xe đi giữa những con đường rừng mới mở, các văn nghệ sĩ  Bình Định đã có nhiều tác phẩm ngợi ca công trình mới.  Trong số đó nổi bật lên bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn của tác giả Huỳnh Hiến. Một bài thơ giàu nhạc tính và từ ngữ biến tấu rất lãng mạn.
     Theo lời kể của nhà báo Huỳnh Hiến, vào ngày khởi công Thủy điện Vĩnh Sơn, trong vai trò là đạo diễn, anh cùng nhóm phóng viên văn nghệ Đài Truyền hình Quy Nhơn lúc bấy giờ trực thuộc Bộ văn hóa Thông tin lên Vĩnh Sơn thực hiện một chương trình ca nhạc với khung cảnh và lời ca tiếng hát của chính những người cán bộ, công nhân trên công trường. Từ không khí hào hùng của công trình lớn cùng với niềm tự hào về sự đổi thay của quê hương, tứ thơ của Mùa này trên Vĩnh Sơn ra đời. Nhà báo Huỳnh Hiến với những ngày sống trong lán trại công trường, trong tâm trạng của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn rời quê biển Quy Nhơn lên sống giữa núi rùng Vĩnh Thạnh, nhớ biển, nhớ người yêu, khiến cho những câu thơ đầu tiên xuất hiện như một lẽ tự nhiên:
                               Xa em anh thấy nhớ
                               Một ngày ta bên nhau
                               Một ngày nghe biển hát
                               Gió ngọt ngào qua mau
      Rồi mạch thơ cứ thế tuôn trào. Những lời thơ sáng đẹp của Huỳnh Hiến đã làm nên những câu thơ đẹp để có được cả một bài thơ đẹp.  Đến bây giờ, sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua, những câu thơ hồn hậu, ấm áp tình người vẫn để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc. Và mỗi lần đọc lại, tôi vẫn như thấy được sự xuất thần của Huỳnh Hiến khi anh viết những câu thơ trong trẻo mà giàu hình tượng: ...Hoa vàng nở sáng rừng; Nắng như sương ướt lá ... Hoặc: Mưa tràn trắng mặt đường; Sáng như gương lấp lánh... Những câu thơ mà chỉ cần đọc to lên đã thấy nhịp điệu ngân nga như một bản tình ca. Và hình ảnh công trình Thủy điện Vĩnh Sơn cũng hiện ra rất rõ:
                                  Em ơi em có nhớ
                                  Lên cùng anh Vĩnh Sơn
                                  Xem dòng Lơ Pin đổ
                                  Hiểu lòng hồ Đak Phan
     Cứ da diết mãi như thế, cả  bài thơ là lời bày tỏ tình cảm của anh công nhân Thủy điện Vĩnh Sơn với người yêu ở thành phố biển. Đó là hình ảnh của một anh công nhân vừa giàu tình cảm, vừa rất có trách nhiệm với công trình lớn của quê hương: 
                                Em ơi em có nhớ
                                Lên cùng anh ta xây
                                Một công trình rạng rỡ
                                Một mặt trời nơi đây
                                Thương em nhiều -  chưa nói
                                Nhờ dòng sông Kôn xanh                           
                                Đóa lan rừng anh gửi
                                Tỏ lòng hoa thay anh. 

       Huỳnh Hiến làm thơ không nhiều. Thơ anh thường thiên về tính triết lí,  suy luận, mang đậm chất suy tư về cuộc sống. Nhưng riêng ở Mùa này trên Vĩnh Sơn, Huỳnh Hiến đã sáng tác nên một bài thơ đậm chất trữ tình.
     Do sự thành công của Mùa này trên Vĩnh Sơn mà bài thơ sau này đã xuất hiện ở nhiều ấn phẩm trong và ngoài tỉnh. Trong đó đáng kể nhất là ở tập thơ Người áo vải do NXB Văn hóa Dân tộc xuất bản năm 2000.  
      Cũng theo lời của nhà báo Huỳnh Hiến, bài thơ Mùa này trên Vĩnh Sơn ban đầu chỉ có bảy khổ với mỗi khổ có bốn câu. Nhưng trong một lần gặp gỡ với nhạc sỹ Vũ Trung, ngay khi vừa tiếp xúc với bài thơ,  những giai điệu của một bản tình ca đã ngân nga ở nơi người nhạc sỹ tài hoa này. Với nhịp hai - bốn, Vũ Trung gần như đã phổ nhạc ngay cho bài thơ cất cánh.  Và để cho ca khúc được hoàn chỉnh, tác giả phần nhạc là Vũ Trung đã đề nghị với tác giả phần lời là Huỳnh Hiến sáng tác thêm cho sáu khổ thơ nữa để bài hát có đủ cả lời một lẫn lời hai.  Rồi cứ như thế, Vũ Trung đã đưa nguyên toàn bộ  phần lời của bài thơ vào trong ca khúc của mình, không hề thêm bớt một lời nào, để từ đó, quê hương Bình Định có được một bài hát hay và nhanh chóng đi vào các chương trình ca nhạc trên sân khấu, trên làn sóng phát thanh, truyền hình cũng như trong các hội diễn văn nghệ. Năm 1985, Mùa này trên Vĩnh Sơn đạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về công trình Thủy điện Vĩnh Sơn do Sở văn hóa Thông tin Nghĩa Bình tổ chức.  Cũng trong năm 1985, bài hát cũng đã được in trong tập ca khúc Bài ca Vĩnh Sơn do Nhà Văn hóa Trung tâm Nghĩa Bình và Ban Quản lí Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn xuất bản..
      Mới đây, trong những ngày đầu năm 2010 này, nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã chi tiền tác quyền cho các tác giả để một lần nữa dàn dựng và đưa ca khúc Mùa này trên Vĩnh Sơn đi tham gia hội diễn văn nghệ của ngành điện lực. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định sự thành công cũng như sức sống mãnh liệt của bài thơ và bài hát Mùa này trên Vĩnh Sơn sau hơn một phần tư thế kỉ đã đi qua.   

     MÙA NÀY TRÊN VĨNH SƠN
              I
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta bên nhau
Một ngày nghe biển hát
Gió ngọt ngào qua mau
Mùa này trên Vĩnh Sơn
Hoa vàng nở sáng rừng
Nắng như sương ướt lá
Thác đổ rền vang xa

Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa tràn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát dịu trời quê hương

Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Xem dòng Lơ Pin đổ
Hiểu lòng  hồ Đak Phan

Em ơi em có nhớ
Lên cùng ta anh xây
Một công trình rạng rỡ
Một mặt trời nơi đây

Thương em nhiều - chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa anh thay
              II
Xa em anh thấy nhớ
Một ngày ta quen nhau
Một ngày nghe biển hát
Thúc giục lòng anh sao

Mùa này trên Vĩnh Sơn
Mưa ngàn trắng mặt đường
Sáng như gương lấp lánh
Mát cả trời quê hương

Tiếng chim reo ríu rít
Hương rừng treo trên cây
Mở đường lên chót vót
Ngang tầm tay mây bay

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh Vĩnh Sơn
Em là con sông nhỏ
Chảy về hồ Đak Phan

Em ơi em có nhớ
Lên cùng anh ta xây
Một con đường rộng mở
Cuộc đời đẹp nơi đây

Thương em nhiều chưa nói
Nhờ dòng sông Kôn xanh
Đóa lan rừng anh gửi
Tỏ lòng hoa thay anh.

Quy Nhơn, tháng 3 năm 2010
HTS
     Huỳnh Hiến trước mộ Hàn Mạc Tử ở Tp. Quy Nhơn, tháng 6 năm 2010


5 tháng 1, 2019

Vĩnh biệt thầy Lê Hoài Nam


KỈ NIỆM VỀ THẦY LÊ HOÀI NAM
                                                                                     
HTS: NGND. PGS. Lê Hoài Nam sinh năm 1930, quê ở xã Nghĩa Hòa huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Đại biểu Quốc Hội khóa VII, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh (nay là Trường Đại học Vinh), Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn) đã qua đời tại nhà riêng ở Làng Đại học Quốc Gia, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh lúc 5h55’ sáng ngày 5 tháng 1 năm 2019. Hưởng thọ 89 tuổi.

     Tôi trở thành sinh viên khoa Văn khoá 12 của Trường ĐHSP Vinh từ tháng 9 năm 1971. Do hoàn cảnh chiến tranh, trường sơ tán ở nhiều nơi nên sinh viên khoa nào chỉ biết khoa đó, không biết hiệu trưởng, hiệu phó của trường là như thế nào dù những cái tên của các thầy hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào, hiệu phó Lê Hoài Nam chúng tôi vẫn nghe các thầy trong ban chủ nhiệm khoa nhắc tới thường xuyên và có trong chữ kí giấy gọi nhập trường của mình.
    Mãi đến ngày 10 tháng 9 năm 1972, cái ngày mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời mình vì đó là ngày tôi rời Trường ĐHSP Vinh lên đường nhập ngũ để sau đó đi B vào miền Nam làm anh lính giải phóng, tôi mới được thấy mặt hai vị giáo sư đáng kính của trường mình. Đó là buổi chiều tà trên một khu đất trống ở xã Mã Thành huyện yên Thành tỉnh Nghệ An, nơi sơ tán của Trường ĐHSP Vinh, 160 cán bộ giảng dạy và sinh viên của trường tập hợp nghiêm trang trong một buổi lễ tiễn đưa giản dị để lên đường nhập ngũ. Sau bài phát biểu rất ngắn, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thúc Hào cùng thầy Hiệu phó Bí thư Đảng uỷ Lê Hoài Nam đi bắt tay khắp lượt tiễn đưa những học trò của mình lên đường ra trận. Ấn tượng trong tôi là cả hai người thầy có cương vị cao nhất trường đều có dáng hình thấp nhỏ, đi đứng chậm rãi và giọng nói  rất nhỏ nhẹ. Tôi lúc đó vừa tròn 18 tuổi, mới học xong năm thứ nhất, người tròn tròn như củ khoai lang nên được các bạn cho đứng ở đầu hàng quân, vì thế mà tôi vinh dự được cả hai thầy bắt tay và dặn dò. Đến bây giờ, sau 46 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ mãi lời thầy Lê Hoài Nam: “Các em đi đánh giặc cho nhanh rồi lại về với trường nhé!”. Nói thực là lúc đó tôi đã thấy cay cay nơi sống mũi. Giữa lúc chiến tranh, bom rơi đạn nổ đầy trời, rời trường đại học đi bộ đội mà cha mẹ ở quê cũng không hề hay biết, tôi thấy các thầy đúng là hình ảnh của những người cha đang tiễn con ra trận. Và hình ảnh đó đã mãi theo tôi  trong suốt dọc cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc.
    Cuối năm 1975, khi đất nước đã thống nhất, sau khi tham gia giải phóng Sài Gòn, tiếp quản và làm công tác quân quản trong đội hình của Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 tại thành phố này, tôi được xuất ngũ trở về trường cũ và vào học tiếp ở khoá 16. Lúc này thầy Nguyễn Thúc Hào đã chuyển ra công tác ở Hà Nội, thầy Lê Hoài Nam trở thành Hiệu trưởng Nhà trường. Tôi lại được tiếp tục những ngày đèn sách của đời sinh viên. Năm 1979, tốt nghiệp, tôi được phân công về giảng dạy ở khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Qui Nhơn. Và sau đó không lâu thì thầy Lê Hoài Nam cũng rời Trường ĐHSP Vinh chuyển về làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Qui Nhơn. Vậy là tôi lại được ở dưới trướng thầy. Có chuyện vui vui mà tôi vẫn nhớ mãi là do công tác ở trường Vinh quá lâu nên dù đã công tác ở trường Qui Nhơn, mỗi khi lên phát biểu trước cán bộ và sinh viên hoặc trong các cuộc họp cán bộ, thỉnh thoàng thầy vẫn nói nhầm “Trường ĐHSP Qui Nhơn chúng ta” thành “Trường ĐHSP Vinh chúng ta”. Những lúc như vậy, mọi người ngồi dưới lại cười lên thú vị. Cũng may mà lúc đó, tại Trường ĐHSP Qui Nhơn, số cán bộ và sinh viên tốt nghiệp của trường Vinh được chuyển về công tác tại ĐHSP Qui Nhơn khá đông nên mọi người đều thông cảm cho thói quen của thầy Hiệu trưởng.
     Là giáo sư văn học Việt Nam, nên dù bận rộn với công việc hiệu trưởng nhà trường, thầy Lê Hoài Nam vẫn thu xếp để hàng năm vẫn có giờ giảng cho sinh viên khoa văn. Những buổi được đi dự giờ giảng về Chinh phụ ngâm, về Truyện Kiều của thầy, tôi lại được nghe cách giảng bài nhỏ nhẹ mà sâu lắng và truyền cảm, khiến sinh viên không thể không chú ý. Mỗi dịp như thế tôi đã học được rất nhiều từ thầy về kiến thức và phương pháp giảng dạy.
    Là một nhà giáo hầu như sinh ra chỉ để làm công tác quản lí nên thầy Lê Hoài Nam là một người rất nghiêm cẩn và chuẩn mực. Tôi có cảm nhận như ở con người thầy không có cử chỉ thừa, không có lời nói thừa. Tất cả ở thầy đều toát lên sự mực thước, mô phạm.
    Tuy nhiên, có dịp tiếp xúc nhiều, tôi thấy thầy Lê Hoài Nam ẩn sau sự nghiêm trang và mực thước còn là một người rất hóm hỉnh và vui tính. Dịp Trường Đại học Qui Nhơn kỉ niệm 30 năm ngày thành lập vào năm 2008, thầy Lê Hoài Nam lúc này đã nghỉ hưu tại Tp Hồ Chí Minh, khi về dự lễ kỉ niệm và lên phát biểu với khoa Văn, thầy đã kết thúc bằng một bài thơ do thầy sáng tác. Trước khi đọc thơ thầy nói: “Tôi thường không hay làm thơ, mà đã làm thơ thì thường không hay. Nhưng hôm nay kỉ niệm 30 năm của khoa Văn ta vui quá nên tôi đã làm thơ và xin phép đọc, có chỗ nào không hay mong các anh chị bỏ qua cho”.
     Nghe vị giáo sư đáng kính nói, cả hội trường cùng cười ồ lên vui vẻ về cách chơi chữ khéo léo và sự khiêm tốn, giản dị của ông.
HTS

Thầy Lê Hoài Nam (bên phải) và học trò cũ (12/2018)

P/S: Bài đã đăng trên báo Thanh niên số ra ngày 5/1/2019:
 https://thanhnien.vn/giao-duc/ky-niem-ve-thay-le-hoai-nam-1040448.html


3 tháng 1, 2019

Về trong kí ức

Lê Quang Phương

HTS: Đọc nghe cứ như là Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị

Chương I

Em là cô Thanh Niên Xung Phong
Mờ trong nhung nhớ bên dòng Kiến Giang
(Còn nữa)

Ới nhau về lại Hà Tran
Nào ai viên mãn ai miên man sầu
Người xưa cảnh cũ nơi đâu
Nghó nghiêng chỉ thấy một mầu ngẩn ngơ
Con thuyền vui bến đò xưa
Xa rồi để lại hoang sơ mịt mờ
Cỏ hoang mọc xéo nơi bờ
Mái chèo nỏ thấy giọng hò vãng vong
Đôi chùm mây trắng sang sông
Nhạt nhòa kí ức bóng hồng bên kia
Kiến Giang lạnh lẽo ơ kìa
Cảnh hiu hiu hắt người thì nơi nao
Ơi em tóc rụng người hao
Da xanh xanh sốt ám màu Trường Sơn
Hôm nào gửi gạo thổi cơm
Nhìn nhau mà cảm mà thương mà rầu
Em quê đâu em đi đâu
Có về Trường Thủy gặp nhau thì về
Chiến tranh đi đã qua đi
Cái thời xuân sắc một thì cũng qua
Vùi đi da phấn mặt hoa
Soi gương lệ nhỏ biết là tại ai...
Kiến Giang sông lặng mây bay
Người ơi còn biết đất này chờ mong
LQP

Anh đi tìm em... chứ em ở nơi mô


Ngày vui vui đến tận cùng (Tiếp theo và hết)


24/12/2018. 
Đặt chân đến con đường rẽ vào xóm Mới nay là xóm 3 xã Nghĩa Thuận Nghĩa Đàn, trước tiên chúng tôi xác định lại đâu là vị trí của xóm ngày xưa, đâu là con đường từ xóm vô trong rừng. Cái hồ chứa nước ngày xưa nhỏ hơn bây giờ, con đập nay cũng cao hơn to hơn con đập ngày xưa.
Đứng ngay trên con đập, chúng tôi xác định khá chính xác các vị trí của C12 ngày trước cách đây đã 46 năm.
Từ con đập, chúng tôi đi thẳng vào rừng theo con đường mòn mà 46 năm trước ngày nào chúng tôi cũng đi. Trong đó có lán của B1 và B4, có bãi đất trống khá bằng phẳng để tập trung toàn đại đội nghe CTV Vịnh giảng về ba dòng thác cách mạng; nghe CTV tiểu đoàn giảng về lí tưởng của ta và cả của địch, đại khái lí tưởng của bọn Mĩ ngụy là ô tô nhà lầu vợ đẹp con khôn; lí tưởng của chúng ta là độc lập tự do và CNXH. Nếu vậy thì lính C12 bây giờ phần lớn đều đang đi hết theo lí tưởng của Mĩ ngụy với những ô tô nhà lầu với những vợ đẹp con khôn. Đáng bắn bỏ hết.
Tôi và Ngọc Nga dừng lại chỗ cây cổ thụ, nơi ngày trước mỗi buổi chiều những anh nào lười tắm ở bẩn bị hắc lào đều bị y tá đại đội bắt tập trung thành một hàng ngang, cởi hết quần ra, gọi là cởi truồng, chổng mông lên để tay y tá dùng cái panh kẹp nhúm bông to nhúng vô lọ cồn i ốt rồi bôi lên khắp bẹn và d... của mỗi thằng. Rát không chịu được, nhiều thằng kêu lên như bò rống. Có lẽ đó là cách chữa hắc lào dã man nhất mà tôi từng thấy.
Trong lúc đó thì Quang Phương và Quang Ngọc đi rất sâu vào rừng tìm lại vết tích nơi dựng lán của B1 và B4. Đứng ngay tại cái nền lán B1 trước đây mà nay cây cối mọc um tùm, mắt Phuong le Quang ầng ậng nước và nhà sinh vật học kiêm nhà trường ca học, nhà thi pháp học này đã cất giọng khàn khàn đọc mấy câu thơ cảm khái khiến tôi cũng ngậm ngùi:
Rừng xưa nay đã khép rồi
Rừng nay đang khóc những lời nước non
Tìm chi những cánh tay son
Nhớ chi những gót chân mòn lối xưa
Chiến binh chợt nhớ rừng già
Cùng nhau quay lại mà xa xót hờn.

Tôi nhớ đợt nhập ngũ đó có nhiều thầy giáo, trong đó có ông thầy dạy Ngữ âm học của bọn tôi là Đoàn Mạnh Tiến. Do là CBGD, thầy Tiến được cử làm A phó. Thầy rất khảng khái. Là đơn vị huấn luyện, hầu như đêm nào giữa trời rét như cắt của núi rừng Nghĩa Thuận, cứ khoảng 1 – 2 giờ sáng khi chúng tôi đang ngủ say là trực ban nổi còi báo động, sau 10 phút toàn đại đội gồm 180 cán bộ và chiến sĩ phải tập hợp đầy đủ ở bìa rừng với đầy đủ ba lô súng đạn trên vai. Sau đó chạy lúp xúp quanh làng và quanh rừng mấy vòng rồi mới được về ngủ tiếp. Chịu không thấu cái khổ nhục ấy, có bữa sinh hoạt đại đội, thầy Tiến đứng dậy phát biểu yêu cầu BCH đại đội phải chứng minh việc báo động thường xuyên ấy là thực hiện theo mệnh lệnh của ai. Ông dõng dạc: Đâu. Chữ kí của Đại tướng Tổng Tư lệnh đâu. Ai cho phép các anh phá giấc ngủ của anh em binh sĩ hàng đêm như thế. Các anh có còn coi trọng sức khỏe của binh sĩ chúng tôi không. Cả BCH đại đội và những cán bộ khung C12 há hốc mồm ngạc nhiên. Trần đời họ chưa bao giờ chứng kiến một tân binh lại có yêu cầu to gan như vậy.
Sau phát biểu của thầy Đoàn Mạnh Tiến, báo động hàng đêm chẳng những không giảm mà còn tăng lên, có hôm báo động xong, mọi người vừa về chui vô màn lại có còi báo động tiếp. Lại ba lô lên lưng, súng lên vai và lại chạy quanh rừng. Còn thầy Tiến bị cách ngay chức A phó để xuống làm chiến sĩ cho xứng với cái lon binh nhì trên ve áo.
Tôi cũng như nhiều đồng đội trong tiểu đội hồi đó rất sợ báo động. Đến mức đêm ngủ tôi bỏ luôn cả khẩu súng trường K44 dài ngoẵng vào trong chăn ôm sát vô người để hễ có còi nổi lên là vác chạy cho kịp. Thiệt rất đúng với câu súng là vợ đạn là con.
Tuy nhiên những cuộc báo động ngoài kế hoạch huấn luyện mới đáng sợ. Đó là khi mấy nàng bạn gái hay người yêu của mấy thằng yêu sớm từ trường ĐHSP Vinh khi đó đang sơ tán ở Yên Thành vượt núi băng rừng lên thăm người yêu.
Tôi thì rất vô tư vì đến lúc đó, dù đã học hết năm nhất khoa văn vẫn chưa biết bàn tay người con gái là mềm hay cứng. Nghĩa là ngày đi bộ đội tôi vẫn chưa được nắm bàn tay một người con gái theo đúng nghĩa của yêu đương chứ đừng nói là ôm với hôn hít. Có lẽ con người tôi hồi đó quá ngu ngơ, có đứa con gái cùng lớp còn nói thẳng với tôi rằng tau thấy cái mặt mi ngu ngu thế nào ấy, chưa thành người lớn được. Điều đó có thể đúng. Nhưng cái quan trong là trong đầu tôi hồi đó, và mãi cả nhiều năm sau này hình như không có vùng cho sự yêu đương trai gái. Thiệt thòi hết chỗ nói. Giá mà được làm lại từ đầu nhỉ.
Nhưng có khoảng vài chục thằng khác trong đại đội thì không thế, chúng yêu đương đậm đà đến mức các nàng SV nhớ không chịu nổi nên hầu như tuần nào cũng băng rừng lội suối lên thăm chúng nó. Cái tai hại là cứ mỗi lần có một nàng SV xuất hiện là cả đại đội lại được một trận báo động và tập trung đột xuất cho đến khi nào các nàng chia tay người yêu ra về mới thôi. Quả là vừa thương vừa giận. Thương vì tội cho mối tình thời chiến tranh trắc trở của bạn bè đồng đội, giận vì chúng nó xuất hiện yêu iếc linh tinh nên mình khổ lây.
Tôi nhớ hồi đó ngay trên thân con đập chỗ chúng tôi đứng chụp hình là một cái nhà kho chứa gỗ khai thác từ trong rừng ra. Và cái nhà tạm chứa đầy những súc gỗ to ấy được C12 dùng làm nơi gặp gỡ của các cặp đôi như là một ngôi nhà hạnh phúc. Tôi không biết là bên trong căn nhà trống tuềnh toàng ấy, họ đã làm những gì trong thời gian eo hẹp được gặp nhau. Nắm tay hay ôm hôn, hay làm gì nữa có trời mà biết. Nhưng tôi biết chắc là xa xa bên ngoài căn nhà ấy luôn có một cán bộ tiểu đội canh chừng để các cặp đôi biết mà không đi quá giới hạn. Cái giới hạn đó là gì thì đến nay, sau 46 năm tôi vẫn nghĩ không ra.
Những thằng bạn của tôi ngày nay hẳn không thể nào quên những giờ phút thuộc về tình yêu ấy. Tôi nhớ Phạm Thanh Tùng ngày đó cũng có một cô nàng mang tên một loại vỏ cây dược liệu có mùi thơm hăng hắc học cùng lớp rất siêng lên thăm, hầu như nàng lên thăm hắn hàng tuần. Cô nàng này yêu Tùng như điếu đổ. Mà cũng phải thôi vì thằng Tùng ngày đó rất đẹp trai, da hắn trắng hơn da con gái, môi đỏ như môi con gái tô son, tóc hắn lại loăn xoăn như tóc Xuân Diệu, đám con gái không say hắn mới lạ. Cũng vì thế mà BCH đại đội rất cảnh giác với hắn. Đã mấy lần tôi cùng cả đại đội phải mang súng đạn ba lô chạy trối chết vì em Q của hắn lên và hắn trốn ra khỏi rừng gặp gỡ mà không báo cáo qua BCH đại đội. Rút kinh nghiệm từ lần đó, sau này mỗi lần em Q lên, hắn lại bấm tôi ra kho gỗ canh chừng cho hắn tự do gặp gỡ nàng. Tôi giúp hắn vô tư không vụ lợi với tất cả tình bè bạn cùng dân khoa văn với nhau, đến một điếu thuốc bọ cũng không có.
Ấy thế mà sau này hắn lại vu vạ tôi là mỗi lần người yêu hắn lên thăm, tôi vì cô đơn không có người yêu nên thường xin hắn ra gặp ké để cùng chia sẻ chút tình cảm trai gái. Tính tôi thà chết chứ có đâu mà nhục nhã thế. Có lần vào đầu năm học mới, Q lên thăm hắn, đưa cho tôi một lá thư viết tay không có phong bì. Đó là lá thư của một cô bạn tên là PT học cùng trường cấp 3 Đồng Hới với tôi nhưng học sau một khóa. Tôi khóa 12, PT vào sau học khóa 13. Hồi học cấp 3 chúng tôi có biết sơ về nhau nên khi nhập học làm SV khoa văn, PT đã hỏi thăm tôi như một người bạn đồng hương, đồng môn; khi biết tôi đã nhập ngũ và đang huấn luyện ở Đoàn 22A nàng đã viết lá thư thăm hỏi rất bình thường.
Nhận thư PT tôi rất cảm động, đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một người con gái viết thư tay gửi cho. Sau này cũng có một số cô gái nữa viết thư cho tôi nhưng không có ai làm tôi ấn tượng và cảm động như PT. Nhưng tôi đã không viết thư hồi âm cho PT, vì tôi vốn rất nhát phụ nữ, nếu viết sẽ không biết nói gì; và cũng nghĩ rằng sau 3 tháng huấn luyện ở đây đằng nào chúng tôi cũng đi B, trước mắt là cái chết, chả bịn rịn làm chi cho phức tạp. Sự thật chỉ có thế, nhưng thằng Tùng lại vu vạ cho tôi là dám cả gan chủ động hỏi thăm và viết thư tỏ tình cho PT gửi về khoa qua em Q của hắn. Giá mà tôi được một chút dũng cảm như thế cũng đáng trai khoa văn, nhưng đằng nay tôi bị nó vu vạ. Tức chết đi được. Nhân đây tôi viết mấy dòng như sách trắng này công bố cho cả thiên hạ C12 và C20 cùng biết. Tùng còn vu vạ tôi nhiều chuyện nữa, những chuyện mà hắn đã đem in thành sách nhưng tôi không chấp. Biết đâu có ngày tôi sẽ thu thập bằng chứng kiện hắn lên tòa án quân đoàn, cho hắn một cái án tù treo cho sướng.
Kết thúc một ngày sống với những hoài niệm ở Nghĩa Thuận, nơi xứng đáng để xem là cội nguồn của những thằng lính sinh viên ĐHSP Vinh nhập ngũ đợt tháng 9/1972 bởi từ đây, sau 100 ngày huấn luyện ở C12, đến cuối tháng 12/1972, thầy trò chúng tôi được phân bổ đi nhiều đơn vị khác, kẻ vô Nam người sang Lào, kẻ đi học người đi chiến đấu, trong đó có 60 lính Sv được về làm lính trinh sát C20 F341. Và nhờ đó mà danh tiếng còn mãi đến ngày nay.
Chiều muộn trở lại Vinh, bốn chúng tôi gồm Quang Phương, Quang Ngọc, Trung Ngọc và tôi cùng Viết Khái đến nhà Tư Rèn Nguyễn Tư Quý ăn tối. Đến nhà Tư Rèn mới thấy số hắn thật may mắn khi lấy được cô vợ dễ thương lại đảm đang và cũng vô cùng hiếu khách, tiếp đãi bạn bè đồng đội của chồng bằng một mâm cỗ thịnh soạn, đến mức nếu thêm 10 người nữa ăn cũng chưa chắc đã hết. Cái thằng thật thà như đếm và hiền lành như bụt Tư Rèn ấy lại tốt số thế.
Sáng hôm sau, 25/12, vợ chồng Trung Ngọc Phan Nga đến KS Duy Tân chia tay chúng tôi. Quang Ngọc sẽ quay vô làng Tùng Ảnh ở Hà Tĩnh lấy tư liệu cho một bài báo Tết mà hắn đang mắc nợ viết chưa xong và rất có thể đến Tết năm sau hắn viết cũng chưa xong; Quang Phương về lại phủ Tây Hồ với vườn bưởi Luận Văn nhìn đẹp mã nhưng ăn thì chua hơn chanh của hắn; còn tôi về lại Hoàn Lão trên cái xe Công Nhật nội thất rách rưới như thổ tả nhưng chạy êm như ru và giá thì rất rẻ.
Ngồi trên xe, nhớ về những cuộc gặp gỡ kể từ khi tôi với Quang Ngọc lên chuyến bay Sài Gòn – Huế ngày 18/12 đến 25/12, vừa tròn một tuần chúng tôi lang bạt kì hồ từ Huế, Quảng Trị, Đông Hà, Cửa Việt, Đồng Hới, Hà Tran, Bố Trạch, Quảng Trung, Quảng Trạch, Ba Đồn, Vinh, Nghĩa Đàn... tôi lại nhớ về những câu thơ giàu cảm xúc và như một bài học về triết lí nhân sinh của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu một chút tình thương mến
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.
Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.
Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng nhau hết mọi người....
(Còn gặp nhau)