3 tháng 1, 2019

Ngày vui vui đến tận cùng (Tiếp theo và hết)


24/12/2018. 
Đặt chân đến con đường rẽ vào xóm Mới nay là xóm 3 xã Nghĩa Thuận Nghĩa Đàn, trước tiên chúng tôi xác định lại đâu là vị trí của xóm ngày xưa, đâu là con đường từ xóm vô trong rừng. Cái hồ chứa nước ngày xưa nhỏ hơn bây giờ, con đập nay cũng cao hơn to hơn con đập ngày xưa.
Đứng ngay trên con đập, chúng tôi xác định khá chính xác các vị trí của C12 ngày trước cách đây đã 46 năm.
Từ con đập, chúng tôi đi thẳng vào rừng theo con đường mòn mà 46 năm trước ngày nào chúng tôi cũng đi. Trong đó có lán của B1 và B4, có bãi đất trống khá bằng phẳng để tập trung toàn đại đội nghe CTV Vịnh giảng về ba dòng thác cách mạng; nghe CTV tiểu đoàn giảng về lí tưởng của ta và cả của địch, đại khái lí tưởng của bọn Mĩ ngụy là ô tô nhà lầu vợ đẹp con khôn; lí tưởng của chúng ta là độc lập tự do và CNXH. Nếu vậy thì lính C12 bây giờ phần lớn đều đang đi hết theo lí tưởng của Mĩ ngụy với những ô tô nhà lầu với những vợ đẹp con khôn. Đáng bắn bỏ hết.
Tôi và Ngọc Nga dừng lại chỗ cây cổ thụ, nơi ngày trước mỗi buổi chiều những anh nào lười tắm ở bẩn bị hắc lào đều bị y tá đại đội bắt tập trung thành một hàng ngang, cởi hết quần ra, gọi là cởi truồng, chổng mông lên để tay y tá dùng cái panh kẹp nhúm bông to nhúng vô lọ cồn i ốt rồi bôi lên khắp bẹn và d... của mỗi thằng. Rát không chịu được, nhiều thằng kêu lên như bò rống. Có lẽ đó là cách chữa hắc lào dã man nhất mà tôi từng thấy.
Trong lúc đó thì Quang Phương và Quang Ngọc đi rất sâu vào rừng tìm lại vết tích nơi dựng lán của B1 và B4. Đứng ngay tại cái nền lán B1 trước đây mà nay cây cối mọc um tùm, mắt Phuong le Quang ầng ậng nước và nhà sinh vật học kiêm nhà trường ca học, nhà thi pháp học này đã cất giọng khàn khàn đọc mấy câu thơ cảm khái khiến tôi cũng ngậm ngùi:
Rừng xưa nay đã khép rồi
Rừng nay đang khóc những lời nước non
Tìm chi những cánh tay son
Nhớ chi những gót chân mòn lối xưa
Chiến binh chợt nhớ rừng già
Cùng nhau quay lại mà xa xót hờn.

Tôi nhớ đợt nhập ngũ đó có nhiều thầy giáo, trong đó có ông thầy dạy Ngữ âm học của bọn tôi là Đoàn Mạnh Tiến. Do là CBGD, thầy Tiến được cử làm A phó. Thầy rất khảng khái. Là đơn vị huấn luyện, hầu như đêm nào giữa trời rét như cắt của núi rừng Nghĩa Thuận, cứ khoảng 1 – 2 giờ sáng khi chúng tôi đang ngủ say là trực ban nổi còi báo động, sau 10 phút toàn đại đội gồm 180 cán bộ và chiến sĩ phải tập hợp đầy đủ ở bìa rừng với đầy đủ ba lô súng đạn trên vai. Sau đó chạy lúp xúp quanh làng và quanh rừng mấy vòng rồi mới được về ngủ tiếp. Chịu không thấu cái khổ nhục ấy, có bữa sinh hoạt đại đội, thầy Tiến đứng dậy phát biểu yêu cầu BCH đại đội phải chứng minh việc báo động thường xuyên ấy là thực hiện theo mệnh lệnh của ai. Ông dõng dạc: Đâu. Chữ kí của Đại tướng Tổng Tư lệnh đâu. Ai cho phép các anh phá giấc ngủ của anh em binh sĩ hàng đêm như thế. Các anh có còn coi trọng sức khỏe của binh sĩ chúng tôi không. Cả BCH đại đội và những cán bộ khung C12 há hốc mồm ngạc nhiên. Trần đời họ chưa bao giờ chứng kiến một tân binh lại có yêu cầu to gan như vậy.
Sau phát biểu của thầy Đoàn Mạnh Tiến, báo động hàng đêm chẳng những không giảm mà còn tăng lên, có hôm báo động xong, mọi người vừa về chui vô màn lại có còi báo động tiếp. Lại ba lô lên lưng, súng lên vai và lại chạy quanh rừng. Còn thầy Tiến bị cách ngay chức A phó để xuống làm chiến sĩ cho xứng với cái lon binh nhì trên ve áo.
Tôi cũng như nhiều đồng đội trong tiểu đội hồi đó rất sợ báo động. Đến mức đêm ngủ tôi bỏ luôn cả khẩu súng trường K44 dài ngoẵng vào trong chăn ôm sát vô người để hễ có còi nổi lên là vác chạy cho kịp. Thiệt rất đúng với câu súng là vợ đạn là con.
Tuy nhiên những cuộc báo động ngoài kế hoạch huấn luyện mới đáng sợ. Đó là khi mấy nàng bạn gái hay người yêu của mấy thằng yêu sớm từ trường ĐHSP Vinh khi đó đang sơ tán ở Yên Thành vượt núi băng rừng lên thăm người yêu.
Tôi thì rất vô tư vì đến lúc đó, dù đã học hết năm nhất khoa văn vẫn chưa biết bàn tay người con gái là mềm hay cứng. Nghĩa là ngày đi bộ đội tôi vẫn chưa được nắm bàn tay một người con gái theo đúng nghĩa của yêu đương chứ đừng nói là ôm với hôn hít. Có lẽ con người tôi hồi đó quá ngu ngơ, có đứa con gái cùng lớp còn nói thẳng với tôi rằng tau thấy cái mặt mi ngu ngu thế nào ấy, chưa thành người lớn được. Điều đó có thể đúng. Nhưng cái quan trong là trong đầu tôi hồi đó, và mãi cả nhiều năm sau này hình như không có vùng cho sự yêu đương trai gái. Thiệt thòi hết chỗ nói. Giá mà được làm lại từ đầu nhỉ.
Nhưng có khoảng vài chục thằng khác trong đại đội thì không thế, chúng yêu đương đậm đà đến mức các nàng SV nhớ không chịu nổi nên hầu như tuần nào cũng băng rừng lội suối lên thăm chúng nó. Cái tai hại là cứ mỗi lần có một nàng SV xuất hiện là cả đại đội lại được một trận báo động và tập trung đột xuất cho đến khi nào các nàng chia tay người yêu ra về mới thôi. Quả là vừa thương vừa giận. Thương vì tội cho mối tình thời chiến tranh trắc trở của bạn bè đồng đội, giận vì chúng nó xuất hiện yêu iếc linh tinh nên mình khổ lây.
Tôi nhớ hồi đó ngay trên thân con đập chỗ chúng tôi đứng chụp hình là một cái nhà kho chứa gỗ khai thác từ trong rừng ra. Và cái nhà tạm chứa đầy những súc gỗ to ấy được C12 dùng làm nơi gặp gỡ của các cặp đôi như là một ngôi nhà hạnh phúc. Tôi không biết là bên trong căn nhà trống tuềnh toàng ấy, họ đã làm những gì trong thời gian eo hẹp được gặp nhau. Nắm tay hay ôm hôn, hay làm gì nữa có trời mà biết. Nhưng tôi biết chắc là xa xa bên ngoài căn nhà ấy luôn có một cán bộ tiểu đội canh chừng để các cặp đôi biết mà không đi quá giới hạn. Cái giới hạn đó là gì thì đến nay, sau 46 năm tôi vẫn nghĩ không ra.
Những thằng bạn của tôi ngày nay hẳn không thể nào quên những giờ phút thuộc về tình yêu ấy. Tôi nhớ Phạm Thanh Tùng ngày đó cũng có một cô nàng mang tên một loại vỏ cây dược liệu có mùi thơm hăng hắc học cùng lớp rất siêng lên thăm, hầu như nàng lên thăm hắn hàng tuần. Cô nàng này yêu Tùng như điếu đổ. Mà cũng phải thôi vì thằng Tùng ngày đó rất đẹp trai, da hắn trắng hơn da con gái, môi đỏ như môi con gái tô son, tóc hắn lại loăn xoăn như tóc Xuân Diệu, đám con gái không say hắn mới lạ. Cũng vì thế mà BCH đại đội rất cảnh giác với hắn. Đã mấy lần tôi cùng cả đại đội phải mang súng đạn ba lô chạy trối chết vì em Q của hắn lên và hắn trốn ra khỏi rừng gặp gỡ mà không báo cáo qua BCH đại đội. Rút kinh nghiệm từ lần đó, sau này mỗi lần em Q lên, hắn lại bấm tôi ra kho gỗ canh chừng cho hắn tự do gặp gỡ nàng. Tôi giúp hắn vô tư không vụ lợi với tất cả tình bè bạn cùng dân khoa văn với nhau, đến một điếu thuốc bọ cũng không có.
Ấy thế mà sau này hắn lại vu vạ tôi là mỗi lần người yêu hắn lên thăm, tôi vì cô đơn không có người yêu nên thường xin hắn ra gặp ké để cùng chia sẻ chút tình cảm trai gái. Tính tôi thà chết chứ có đâu mà nhục nhã thế. Có lần vào đầu năm học mới, Q lên thăm hắn, đưa cho tôi một lá thư viết tay không có phong bì. Đó là lá thư của một cô bạn tên là PT học cùng trường cấp 3 Đồng Hới với tôi nhưng học sau một khóa. Tôi khóa 12, PT vào sau học khóa 13. Hồi học cấp 3 chúng tôi có biết sơ về nhau nên khi nhập học làm SV khoa văn, PT đã hỏi thăm tôi như một người bạn đồng hương, đồng môn; khi biết tôi đã nhập ngũ và đang huấn luyện ở Đoàn 22A nàng đã viết lá thư thăm hỏi rất bình thường.
Nhận thư PT tôi rất cảm động, đó là lần đầu tiên trong đời tôi được một người con gái viết thư tay gửi cho. Sau này cũng có một số cô gái nữa viết thư cho tôi nhưng không có ai làm tôi ấn tượng và cảm động như PT. Nhưng tôi đã không viết thư hồi âm cho PT, vì tôi vốn rất nhát phụ nữ, nếu viết sẽ không biết nói gì; và cũng nghĩ rằng sau 3 tháng huấn luyện ở đây đằng nào chúng tôi cũng đi B, trước mắt là cái chết, chả bịn rịn làm chi cho phức tạp. Sự thật chỉ có thế, nhưng thằng Tùng lại vu vạ cho tôi là dám cả gan chủ động hỏi thăm và viết thư tỏ tình cho PT gửi về khoa qua em Q của hắn. Giá mà tôi được một chút dũng cảm như thế cũng đáng trai khoa văn, nhưng đằng nay tôi bị nó vu vạ. Tức chết đi được. Nhân đây tôi viết mấy dòng như sách trắng này công bố cho cả thiên hạ C12 và C20 cùng biết. Tùng còn vu vạ tôi nhiều chuyện nữa, những chuyện mà hắn đã đem in thành sách nhưng tôi không chấp. Biết đâu có ngày tôi sẽ thu thập bằng chứng kiện hắn lên tòa án quân đoàn, cho hắn một cái án tù treo cho sướng.
Kết thúc một ngày sống với những hoài niệm ở Nghĩa Thuận, nơi xứng đáng để xem là cội nguồn của những thằng lính sinh viên ĐHSP Vinh nhập ngũ đợt tháng 9/1972 bởi từ đây, sau 100 ngày huấn luyện ở C12, đến cuối tháng 12/1972, thầy trò chúng tôi được phân bổ đi nhiều đơn vị khác, kẻ vô Nam người sang Lào, kẻ đi học người đi chiến đấu, trong đó có 60 lính Sv được về làm lính trinh sát C20 F341. Và nhờ đó mà danh tiếng còn mãi đến ngày nay.
Chiều muộn trở lại Vinh, bốn chúng tôi gồm Quang Phương, Quang Ngọc, Trung Ngọc và tôi cùng Viết Khái đến nhà Tư Rèn Nguyễn Tư Quý ăn tối. Đến nhà Tư Rèn mới thấy số hắn thật may mắn khi lấy được cô vợ dễ thương lại đảm đang và cũng vô cùng hiếu khách, tiếp đãi bạn bè đồng đội của chồng bằng một mâm cỗ thịnh soạn, đến mức nếu thêm 10 người nữa ăn cũng chưa chắc đã hết. Cái thằng thật thà như đếm và hiền lành như bụt Tư Rèn ấy lại tốt số thế.
Sáng hôm sau, 25/12, vợ chồng Trung Ngọc Phan Nga đến KS Duy Tân chia tay chúng tôi. Quang Ngọc sẽ quay vô làng Tùng Ảnh ở Hà Tĩnh lấy tư liệu cho một bài báo Tết mà hắn đang mắc nợ viết chưa xong và rất có thể đến Tết năm sau hắn viết cũng chưa xong; Quang Phương về lại phủ Tây Hồ với vườn bưởi Luận Văn nhìn đẹp mã nhưng ăn thì chua hơn chanh của hắn; còn tôi về lại Hoàn Lão trên cái xe Công Nhật nội thất rách rưới như thổ tả nhưng chạy êm như ru và giá thì rất rẻ.
Ngồi trên xe, nhớ về những cuộc gặp gỡ kể từ khi tôi với Quang Ngọc lên chuyến bay Sài Gòn – Huế ngày 18/12 đến 25/12, vừa tròn một tuần chúng tôi lang bạt kì hồ từ Huế, Quảng Trị, Đông Hà, Cửa Việt, Đồng Hới, Hà Tran, Bố Trạch, Quảng Trung, Quảng Trạch, Ba Đồn, Vinh, Nghĩa Đàn... tôi lại nhớ về những câu thơ giàu cảm xúc và như một bài học về triết lí nhân sinh của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương:
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu một chút tình thương mến
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.
Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.
Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng nhau hết mọi người....
(Còn gặp nhau)











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới