18 tháng 1, 2019

Những chuyện không nên kể (Chuyện nhiều hồi)


HTS: Những chuyện này tôi đã tính kể lại trong cuộc họp mặt về nguồn của C20 chúng ta vừa rồi tại Đồng Hới và Hà Tran nhưng do thời gian eo hẹp quá nên không có cơ hội. Đành phải viết ra đây dù là những câu chuyện không nên kể.

Hồi một: MIẾNG THỊT HƠN LIỀU THUỐC BỔ

Tôi và Trần Quang Ánh học cùng khóa 12 văn với nhau nhưng khác lớp. Hắn lớp B tôi lớp A. Gọi là 12A và 12B K2. Tuy là hai lớp nhưng vẫn học chung với nhau, trừ môn ngoại ngữ học riêng. Cùng là dân Quảng Bình nên chúng tôi chơi với nhau ngay từ ngày nhập trường dù tôi không thích khái niệm đồng hương cho lắm.
Ngày nhập ngũ tháng 9/1972 khi huấn luyện ở C12 Đoàn 22A tôi ở cùng một trung đội 3 với Ánh nên càng gần gũi nhau hơn. Cuối năm 1972 về C20 F341, tôi ở A thông tin, Ánh về A hậu cần. Tôi làm chiến sĩ còn hắn làm A trưởng. Thằng này luôn thế, khi nào cũng chỉn chu và cầu toàn, chỉ có phấn đấu và phấn đấu vì thế hắn lên chức cán bộ tiểu đội rất nhanh. Về làm A trưởng A hậu cần lúc đó là một sự tin tưởng vô bờ bến của BCH C20 đối với Ánh. Hắn cùng với Nguyễn Sỹ Mác gọi là Mác phó cối A phó A Thông tin (đã mất), Thu Lê quản lý đại đội là những thằng lính SV đầu tiên của C20 được kết nạp vào đảng.
Năm 1972 đó chúng tôi vừa về đóng quân ở xóm nhỏ Hà Tran thì cái Tết Nguyên đán ập đến. Cái Tết đầu tiên của đời lính buồn heo hút. Đêm giao thừa tôi với Quang Phương, Quang Phát và vài thằng khác trong tiểu đội nằm trùm kín mền trong cái lạnh thấu xương và ngẫm nghĩ về đời trai phiêu bạt. Phút giao thừa năm mới 1973 đến xa xa có tiếng súng trường nổ đì đẹt nghe càng thêm sầu não. Tôi nằm cạnh thằng Phát cũng SV khoa văn mà nước mắt cả hai thằng cứ chực trào ra.
Đang thế thì thấy có ai đập đập khẽ vào chân mình rồi tôi nghe tiếng thằng Trần Quang Ánh thì thào: Mi ra ngoài với tao chút. Biết là có chuyện tôi nhảy phắt khỏi giường đi theo hắn. Ánh chẳng nói chẳng rằng cứ lầm lũi đi ra bến đò ngoài sông Kiến Giang. Tôi cũng lầm lũi bám theo hắn trong bóng đêm trừ tịch tối mịt mù. Hai thằng nhảy lên ngồi trên một cái thuyền của dân đang buộc ở bến sông, gió lạnh thổi ràn rạt càng thêm tê tái. Rồi Ánh đưa cho tôi một cục lá chuối tròn tròn to bằng quả bóng nhựa trẻ con nói: Ăn đi.
Đó là một cục thịt nạc luộc nguyên khối nặng khoảng 3 lạng gói trong lá chuối khô còn nóng hôi hổi. Tôi cắn từng miếng một ngập chân răng, thịt nuốt vào đến đâu người tôi tỉnh ra đến đấy cứ như là đang được tiêm liều thuốc bổ cực mạnh. Tôi đang đói nên ăn ngấu nghiến. Trong lúc đó thì Ánh ngồi nhìn mông lung sang bên kia bờ sông Kiến Giang đang rất tĩnh lặng không có cả một tiếng dế kêu. Bên đó có em người yêu của hắn là người cùng làng Duy Ninh tên V làm y tá trong đội điều trị của Quân y viện 4. Đội điều trị quân y viện này có rất nhiều nữ y tá và dĩ nhiên là nguồn cung cấp vô tận bạn gái và người yêu cho đám lính C20 chúng tôi ngày ấy dù cách nhau một dòng sông Kiến Giang (Trừ tôi ra vì tôi không biết bơi cũng không biết chèo thuyền đi tán gái). Ánh lặng lẽ nhìn mông lung vào đêm đen còn tôi lặng lẽ ăn. Giờ này hẳn là em V cũng đang rất nhớ hắn.
Khoảng 15 phút thì xong vụ ăn và nhìn. Tôi và Ánh bắt tay nhau chúc mừng năm mới rồi chia tay ai về tiểu đội nấy mà hầu như không nói gì với nhau. Vì chúng tôi đã quá hiểu nhau, nói gì lúc ấy cũng bằng thừa.
45 năm đã trôi qua từ cái đêm giao thừa trên bến sông Kiến Giang ấy nhưng tôi vẫn chưa bao giờ quên hương thơm và vị ngon vô cùng của gói thịt heo luộc mà Ánh đã dành cho tôi cũng như chưa bao giờ quên cái tình bạn, tình đồng đội của Ánh.
Sau này trở lại trường, chúng tôi cùng tốt nghiệp một khóa văn 16. Trong lúc tôi về ĐHSP Quy Nhơn thì Ánh vào nhận công tác tại Trường CBQL GD TP. HCM rồi về CĐSP Quảng Ngãi cuối cùng thì chốt hạ ở ĐH Đà Nẵng. Nay thì TS. Trần Quang Ánh đã thành ông giáo nghỉ hưu tại Đà Nẵng. Tính hắn vẫn thế, trầm lặng, ít nói, vẫn cầu toàn và chăm lo phấn đấu. Mới rồi tôi cũng phải nhắn tin, gọi Ánh về họp mặt để hai thằng có cơ hội ra lại bến đò xưa ở Hà Tran và nhớ về kỉ niệm cũ.
(còn tiếp).

Gặp gỡ tại nhà đồng đội Hoàng Tấn Quả. Trần Quang Ánh ngoài cùng bên phải.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới