1 tháng 1, 2019

Phát biểu chào mừng tại cuộc gặp gỡ Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập của CCB C20 F341


Đồng Hới, ngày 21 tháng 12 năm 2018

Thưa các đồng đội, thưa các bạn, thưa các vị khách quý.
46 năm trước, vào ngày 23 tháng 11 năm 1972, cùng với sự ra đời của Sư đoàn Bộ binh 341, đại đội trinh sát 20 của sư đoàn (gọi tắt là C20 F341) cũng được thành lập trên đất Nghệ An bên bờ bắc Sông Lam (Vì thế mà Sư 341 còn có mật danh là Đoàn Sông Lam). Sau đó không lâu, vào những ngày đầu năm 1973, C20 cùng cả sư đoàn 341 di chuyển theo đường giao liên từ Nghệ An vào đóng quân huấn luyện suốt gần hai năm trên quê hương Quảng Bình.  
Trong gần hai năm dài huấn luyện trên đất Quảng Bình, C20 F341 may mắn được đóng quân ở xóm Hà Tran, một xóm kinh tế mới chưa đầy 20 nóc nhà nằm giữa xã Mỹ Thủy và xã Trường Thủy bên bờ hữu ngạn sông Kiến Giang. Hà Tran lúc bấy giờ là đơn vị hành chính thuộc làng Uẩn Áo, xã Liên Thủy huyện Lệ Thủy. Vào cuối năm 1974 khi cái Tết Nguyên đán đã cận kề, từ xóm nhỏ mang tên Hà Tran, toàn thể cán bộ chiến sĩ C20 F341 đã vượt sông Kiến Giang hành quân thần tốc vào chiến đấu tại mặt trận B2 – Miền Đông Nam Bộ trong đội hình của Quân đoàn 4, đánh trận Xuân Lộc lịch sử, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, chiếm Dinh Độc Lập – Phủ Tổng thống của chính quyền VNCH, làm nên Đại thắng mùa xuân 30 tháng 4 năm 1975.
Từ bấy đến nay, 45 năm đã trôi qua với bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, với bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử, với bao nhiêu cuộc đời mỗi con người từng trải biến đổi cùng đất nước như bãi bể nương dâu, những CCB C20 vẫn mong mỏi có một ngày được hội ngộ trên đất Quảng Bình và đặc biệt là thăm lại xóm nhỏ Hà Tran thân yêu.

Sau một thời gian ngắn với sáng kiến của đồng đội Phạm Thanh Tùng đưa ra từ tháng 8 năm 2018 và nhanh chóng có được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo các đồng đội cựu chiến binh C20, niềm mong ước cháy bỏng và chính đáng ấy hôm nay đã thành hiện thực.
Cuộc gặp gỡ này nhằm mục đích Kỉ niệm 46 năm ngày thành lập C20 F341, Kỉ niệm 45 năm ngày C20 đặt chân đến đóng quân và huấn luyện trên xóm nhỏ Hà Tran – Quảng Bình, Kỉ niệm 74 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam. Nhưng trên hết, mục đích chính của cuộc gặp này là để thấy lại nhau, xem sau gần nửa thế kỉ qua, kể từ những cuộc chia tay sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, chúng ta ai còn ai mất, ai đang sống ở đâu, ai đang làm việc gì, mọi người đã và đang sống như thế nào,...
Đó là lí do của cuộc gặp gỡ mang tên TỪ DÒNG KIẾN GIANG ĐẾN DINH ĐỘC LẬP hôm nay.

Thưa các đồng đội, thưa các bạn
Về dự cuộc gặp gỡ hôm nay, chúng tôi vui mừng và hân hạnh giới thiệu sự có mặt của các vị khách quý:
-      Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
-      Chị Cao Thu Hiền, Đại diện Tcty CP Trường Sơn, Nhà tài trợ chương trình;
-      Anh Nguyễn Xuân Sùng, Đại diện Hội VHNT Quảng Bình  
- Xin giới thiệu sự có mặt của những người vợ, người con, người bạn, người em thân yêu của các đồng đội C20 cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ hôm nay
-  Cùng các phóng viên, BTV của Báo Quảng Bình, Đài PTTH Quảng Bình, Truyền hình QĐND, Ban Tuyến huấn Tỉnh đội Quảng Bình… đến dự và đưa tin cho sự kiện.
Về phía chủ nhà là những CCB C20, chúng tôi vui mừng giới thiệu sự có mặt của 50 đồng đội đã một thời cùng nhau đứng trong đội hình sư đoàn 341, sư đoàn từng được hai lần Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, sư đoàn từng cầm súng chiến đấu trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam năm 1975, giải phóng luôn cả thủ đô nước bạn Phnom Penh vào năm 1979.
Đặc biệt trân trọng giới thiệu sự có mặt của các anh trong Ban chỉ huy cũ của đại đội, họ từng một thời là những chỉ huy tài ba của C20:
Anh Lê Trần Quý, nguyên C trưởng C20
Anh Lê Hồng Mão, nguyên C phó C20

Thưa các đồng đội, thưa các bạn
45 năm trước, khi đóng quân và huấn luyện tại xóm nhỏ Hà Tran, chúng ta còn là những chàng trai 19 – 20 tuổi trẻ như măng, trẻ đến mức nhiều người gặp các o thôn nữ chiều chiều ra sông gánh nước còn thẹn thùng không dám nhìn dù trong lòng rất yêu thích. Bây giờ thì những chàng trai ấy đều đã đi quá nửa đời người, trở thành những ông lão U65, U70; trở thành những ông nội và ông ngoại. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn là những thương binh tàn nhưng không phế, những ông già nhưng nhìn còn mạnh khỏe; phong độ có khi cũng tạm được. Bởi chúng ta là CCB của Đại đội Trinh sát 20 Sư đoàn 341.
Để đến được với cuộc gặp gỡ - hội ngộ tràn ngập tình thương mến thương hôm nay, nhiều đồng đội của chúng ta ngồi đây đã phải vượt qua không ít những rào cản tất yếu của cuộc đời như tuổi cao sức yếu, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, công việc, khoảng cách địa lí xa xôi. Chúng ta đến với nhau hôm nay từ những miền đất trải dài trên khắp cả nước, nơi có mặt những CCB C20 đang sinh sống. Từ Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, miền Đông và miền Tây Nam Bộ...
45 năm trước, khi đóng quân huấn luyện ở Hà Tran, C20 có trên 100 cán bộ và chiến sĩ trong đó có 60 lính là sinh viên nhập ngũ từ Trường ĐHSP Vinh. Hôm nay, tại khán phòng sang trọng và ấm áp này của khách sạn Sài Gòn – Đồng Hới, chúng ta về hội tụ cùng với rất nhiều người thân và bạn bè.
Điều đó thật đáng để lấy làm cảm động. 
Xin nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của tất cả chúng ta.

Tuy nhiên, cũng vì những rào cản đã nêu trên, nhiều đồng đội của chúng ta đã không thể đến tham dự cuộc gặp gỡ nhiều cảm xúc và ý nghĩa này, như anh Nguyễn Lê Hợi nguyên Chính trị viên trưởng đang ở TP. Hồ Chí Minh vì bịnh tật; anh Lê Minh Hiếu nguyên C trưởng ở Đà Nẵng dù đã mua vé tàu để đi dự họp mặt nhưng ốm đột xuất đành hoãn chuyến đi lại; anh Hồ Văn Thoan nguyên chính trị viên phó ở Đà Lạt do phải chăm sóc người vợ cũng là một CCB đã từng 5 lần bị tai biến; đó còn là anh Ninh nguyên CTV trưởng, anh Long nguyên C phó; hay như anh Trần Quốc Tế nguyên B trưởng là một thương binh xếp loại thương tật nặng nhất, hạng 1/4, mất trên 85% sức khỏe, gắn liền với chiếc xe lăn kể từ cuộc chiến tranh trên đất bạn Campuchia từ năm 1979 đến nay, hiện anh đang sống và điều trị suốt đời tại Trung tâm Điều trị thương binh nặng Nghệ An; anh Lê Đình Nguyên, SV khóa Hóa, nguyên Chiến sĩ B1 hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh và anh Nguyễn Hữu Nhơn, SV khoa Toán, chiến sĩ B1 hiện sống ở Quảng Ninh, Quảng Bình đều bị tai biến sức khỏe chưa hồi phục.v.v.
Chúng tôi cũng đã đến tận nhà của Cố Sư đoàn trưởng Thiếu tướng Trần Văn Trân nằm trên đường Cộng Hòa quận Tân Bình TP. HCM để thăm hỏi và mời cô Võ Bích Hà, phu nhân của Sư trưởng Trân cùng gia đình tham dự cuộc gặp nhưng do tuổi cao sức yếu, cô Hà không thể tham dự được. 
Dù không đến được nhưng qua các phương tiện liên lạc như điện thoại, email, facebook... mọi người đã nhiệt tình gửi lời thăm hỏi đến các đồng đội CCB C20 và chúc cho cuộc gặp gỡ của chúng ta thành công.
Xin vỗ tay để gửi lời chào thăm hỏi từ cuộc gặp gỡ này đến những đồng chí, đồng đội thân yêu của chúng ta.

Thưa các đồng đội, thưa các vị khách quý.
Trải qua hai cuộc chiến đấu tại mặt trận B2 - miền Đông Nam Bộ và trên chiến trường Campuchia, có nhiều cán bộ chiến sĩ C20 của chúng ta đã dũng cảm chiến đấu và hi sinh. Có những đồng đội đã ngã xuống ngay tại cửa ngõ Sài Gòn trước khi Chiến dịch HCM toàn thắng. Nói như Hạ sĩ Lê Quang Phương, SV khoa Sinh, chiến sĩ A Thông tin trong bài thơ Quê anh ở làng Dừa:
...Ba ngày nữa hết chiến tranh/ Miền Nam giải phóng/ Sao Anh không về...
 Đó là các đồng đội đã trở thành Liệt sĩ và hiện đang cư trú tại các NTLS nổi tiếng ở miền Nam như NTLS Xuân Lộc, NTLS Trảng Bom, NTLS Long Khánh, NTLS Biên Hòa, NTLS Tây Ninh... như anh Đỗ Xuân Ngôn SV khoa Văn chiến sĩ B2; anh Hoàng Huy Tụng quê Thọ Xuân Thanh Hóa, anh Ngân SV khoa Sinh chiến sĩ B3; anh Tiến SV khoa Hóa, chiến sĩ A Thông tin, anh Mạnh Trọng Lộc SV khoa Lịch sử, chiến sĩ A Thông tin; anh Lê Văn Thành B trưởng quê xã Thanh Thủy, Lệ Thủy Quảng Bình, anh Chiến C phó..v.v..
Nhiều đồng đội may mắn sống sót trở về sau chiến tranh nhưng vì vết thương tái phát trở nặng, vì bệnh tật, vì tai nạn cũng đã qua đời như anh Mơ nguyên CTV trưởng; anh Nguyễn Sỹ Mác SV khoa văn, A phó A Thông tin; anh Mạnh Trọng Hội SV khoa văn, chiến sĩ B1; anh Thân SV khoa Sinh, chiến sĩ liên lạc đại đội; , anh Nguyễn Hộ quê Hà Tĩnh, chiến sĩ A Thông tin.v.v...
Các đồng đội ấy đã mất đi trên cõi đời này nhưng hình bóng, tinh thần và tình cảm của các anh vẫn sống mãi trong lòng những CCB - C20 F341.
Xin tất cả hãy đứng dậy dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ về những người đồng đội thân yêu của chúng ta đã qua đời.
Nghiêm - Một phút mặc niệm – Bắt đầu....
Xin cảm ơn.

Thưa các đồng đội, thưa các bạn.
Để có được cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa mang tên TỪ DÒNG KIẾN GIANG ĐẾN DINH ĐỘC LẬP hôm nay là một sự cố gắng lớn của tất cả các đồng đội CCB C20 F341. Đây là một cuộc gặp gỡ mang tính tự phát do một nhóm các CCB đề xuất và thực hiện (do chúng ta chưa có một ban liên lạc chính thức của CCB - C20 F341); trong đó phải kể đến những tên tuổi đã tự mình đứng ra gánh vác hết mọi công việc cho cuộc gặp với tư cách một Ban tổ chức tự phong như Trung sĩ Phạm Thanh Tùng, trưởng ban kiêm chủ biên cuốn sách TỪ DÒNG KIẾN GIANG ĐẾN DINH ĐỘC LẬP, Trung sĩ Lê Tự Hiểu, phụ trách công tác tổ chức và tài chính; Trung sĩ Hoàng Tấn Quả, phụ trách công tác hậu cần và Lễ tân cùng nhiều đồng đội khác; Ngoài ra, dù không trực tiếp tham gia nhưng các anh trong BCH cũ cũng thường xuyên thăm hỏi, góp ý cho công tác tổ chức cuộc gặp.
Xin mọi người hãy vỗ tay để cảm ơn và động viên sự cố gắng không mệt mỏi của các đồng đội của chúng ta.
Xin cảm ơn.
Và bây giờ, đã đến lúc tôi phải nhường lời cho Trưởng ban tổ chức Trung sĩ Phạm Thanh Tùng lên phát biểu và công bố nội dung chương trình của sự kiện TỪ DÒNG KIẾN GIANG ĐẾN DINH ĐỘC LẬP – ĐỒNG HỚI – HÀ TRAN 2018.
HTS










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới