6 tháng 7, 2015

Chỗ dựa


                                                                                          Tản văn của Chử Anh Đào

          Bắt đầu là từ cái sự mạnh- yếu. Những người yếu, ngoài khả năng tự lập tự cường thì trong nhiều trường hợp cần tìm một chỗ tin cậy, chắc chắn đặng nương nhờ cả phần xác lẫn phần hồn để sống.
          Tôi đã thấy những trường hợp như thế. Điều bất ngờ là:về hình thức thoáng qua thì tưởng chừng như ngược lại.
          Một cụ ông đã tới tuổi bát tuần, mười hai con cả trai lẫn gái, cháu ngoại đã hơn hai chục đứa. Ngoài miệng, như hầu hết mọi người, "con nào chẳng là con, cháu nào chẳng là cháu". Thậm chí "cháu ngoại là chắc ăn nhất, tin tưởng nhất". Nhưng từ sâu thẳm, tiếng gọi "nội ơi" của đứa cháu trai đích tôn đang ở cõi xa xăm nào vẫn là mũi dùi nung đỏ trong lòng ông bao năm tháng. Bằng chứng là khi cụ ngã bệnh, bị ung thư vòm họng thì cũng là lúc ước mong ấy đã thành hiện thực. Cụ nằm liệt giường. Biết ý cha, cậu con đã để ngay tấm hình thằng cu một tháng tuổi cạnh đầu giường, đúng tầm nhìn của người bệnh. Bức chân dung tỏa ngát thơm mùi thịt da con trẻ, lung linh tỏa sáng. Cụ như được phục sinh. Ăn uống vui vẻ. Da dẻ hồng hào trở lại.Niềm hân hoan thay chỗ cho những cơn đau đớn mòn đêm bởi bệnh tật dày vò. Đứa cháu đã nối dài tuổi thọ cho cụ được gần hai năm. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, người nhà thấy cụ như cố rướn về phía trước, bàn tay người ốm còn cách bức hình gần một gang. Trên đôi môi khô nẻ vương vấn một nụ cười mãn nguyện. Rõ ràng, đứa trẻ là chỗ dựa cho ông cụ!
          Và kìa, một cháu gái khác tóc tết hai đuôi sam có cặp nơ bướm hồng rung rinh chực bay lên theo nhịp bước, váy biếc tím hoa cà đang được bà cụ dắt sang đường hay ngược lại? Họ tay trong tay, nồng ấm và tin tưởng nhau tuyệt đối. Tôi đồ rằng chính đứa cháu gái mới là chỗ dựa, nâng bước bà cụ già trong những ngày tháng cuối cùng trên đường đời gập ghềnh, ngắn ngủi.
          Người thương binh khiếm thị trong căn nhà lượp tượp, tăm tối. Nhưng chính anh là nguồn sáng trong đời cho người vợ đã bao năm tháng mòn mỏi chờ chồng bước tiếp cuộc sống no đói có nhau trong luồng sáng ấy.
          Một cậu con trai bảy tuổi chưa từng biết mặt cha, bị tai nạn cụt cả hai chân. Nhưng đôi nạng gỗ của cậu là chỗ dựa cho cuộc trường chinh ve chai mưa nắng không mệt mỏi và ngơi nghỉ của người mẹ trẻ khó nghèo.
          Một sếp, khi đương chức đương quyền, ít thèm chào ai, chơi thân với ai. Ai chào, mặt cứ vác lên tận mái ngói. Ngẩn ngơ khi trở về... vườn thì chẳng ma nào chào, chẳng ma nào chơi. Đến con vật nuôi trung tín trong nhà, mỗi lần ông chủ nhậu "chui" về, đáng lẽ phải im lặng thì nó lại sủa nhặng xị cả lên. Chỉ có một nhân viên cũ từng bị ông kỉ luật trong cơn hồ đồ nóng giận là thi thoảng đến thăm. Thật là "bởi lòng quân tử khác lòng người ta". Xét thấy cần phải đặt lại tên cho nhân viên trong đám chúng sinh bần hàn và cao thượng này là "Chỗ Dựa"
          Một ông chủ doanh nghiệp, khi đang làm ăn phát tài phát lộc thì dập dìu ngựa ngựa xe xe, dập dìu kẻ đưa người đón, khách sạn nhà hàng ngút trời, "trăm nghìn đổ một trận cười như không". Đến khi sảy chân, thất cơ lỡ vận thì chỉ có một anh bạn học cùng cấp I, giờ là nghệ sĩ nghèo, chân thành săn sóc và chia sẻ. Ông chủ xưa chợt nhận ra rằng: chính anh mới là người bạn, là chỗ dựa tốt nhất của mình trong cơ trời dâu bể...
          Suy rộng ra, trời đất cũng vậy. Một nắm đất, một viên đá nhỏ là chỗ dựa cho dãy Trường Sơn hùng vĩ. Một giọt nước trong khe suối ở làng Sơ Ró, Kơ Roong, Kon BLah xa xôi nào là chỗ dựa cho cả biển Đông sâu thẳm. Vì thử hỏi, nếu không có những thứ nhỏ nhoi ấy thì liệu có được núi cao, biển rộng, sông dài hay không?
                                                                             PK.1/7/15
                                                                                 C.A.Đ
                                                                  

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới