6 tháng 7, 2015

Ám ảnh


                                                                                             Tản văn của A.Đa                       
                                       
          Tôi nhất trí cao rằng trong nhiều trường hợp, không nên so sánh. Bởi sự so sánh trong những hoàn cảnh ấy không mang lại vui vẻ gì, nó chạm vào nỗi đau thậm chí dẫn đến những tình huống không mong đợi. Mỗi thời đại đều có cách cảm, cách nghĩ, có lối sống riêng của mình, có những thước đo giá trị riêng của mình. Ví như so sánh thời này với thời trước, nhà mình với nhà khác, chồng mình với chồng người khác, con mình với con người khác...là những điều tuyệt đối không nên.
          Nhưng vẫn là sự ám ảnh bởi không dễ dàng gì mà người ta không so sánh, liên tưởng.
          Như vừa rồi đây, sinh nhật đứa cháu nội. Bố mẹ nó có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Lại là có đứa con trai đầu. Cả nhà vui mừng khôn xiết. Khỏi phải nói sự hoành tráng đến đâu. (Ngày trước làm gì có tổ chức sinh nhật, có in thiệp mời sinh nhật, tân gia). Bạn bè, khách khứa đông như một đám cưới nhỏ. Đồ ăn, thức uống ngập bàn. Toàn đặc sản, cao lương mĩ vị. Thế mới biết bọn tư bản giàu có mà keo kiệt. Họ chỉ dọn món cho mọi người đủ ăn thôi. Còn ta phải ngập đầu ngập cổ, ngập chân răng, phải no xôi chán chè, phải ói ra rượu, đái ra bia mới đã, mới là hiếu khách. Vấn đề là ở chỗ ấy. Cái tâm lí nghèo khổ, sợ thiếu thốn đã ăn vào máu hàng nghìn đời. Chắc chỉ  trong văn học dân gian và văn học viết nước mình miếng ăn mới có mức độ đậm đặc hàng đầu; miếng ăn mới được đề cập nhiều đến như thế, nhục nhã, khốn nạn và tha hóa đến như thế.
          Trở lại bữa tiệc sinh nhật tiền triệu, mọi thứ thừa hơn một nửa. Thành viên trong gia đình không ai lấy làm tiếc. Tràn đầy gương mặt mọi người là những nụ cười thỏa thuê, mãn nguyện.
 Chỉ có ông nội đứa cháu đích tôn.
 Ông nghĩ, có dịp thuận lợi, ông sẽ kể lại cho con trai chuyện nhỏ sau đây. Rằng con ơi, con còn nhớ...
          Ngày ấy đã xa. Những năm cuối của thế kỉ trước. Chính xác là 1984. Khi ấy con vừa bốn tuổi, ở cùng cha mẹ khu tập thể cơ quan cách thành phố hơn ba ki lô mét. Những lúc rảnh rỗi, bố lại chở con về thăm ngoại trong phố. Bố còn nhớ như in khoảng gần bảy giờ tối hôm đó. Bố dắt xe đạp lên dốc Diệp Kính. Con lẽo đẽo đẩy sau pooc baga. Phố đã lên đèn. Và quan trọng hơn là mùi thơm của thức ăn từ các tiệm Mĩ Tâm và những quán khác bay ra ngào ngạt. Đúng là gần mũi xa mồm. Tới đỉnh dốc, con vượt lên, ngang hàng, ngước nhìn bố và ngập ngừng đề nghị: "Bố ơi, khi nào có tiền bố mua cho con một ổ bánh mì thịt, bố nhé". Bố khựng lại. Chân bỗng nặng như có đá đeo. Một nỗi buồn chua chát dâng ngang cổ. Thì từ trưa đến giờ bố con ta đều chưa có gì trong bụng. Nhưng trẻ con thì khác. Nó không phải người lớn, biết kìm chế, nín nhịn. Đành rồi! Trẻ con có nhu cầu tự nhiên và chính đáng là đói ăn khát uống. Mà thằng bé này đã ngập ngừng vì đói lắm, muốn lắm nhưng thừa biết bố nó không có tiền. Lúc dắt xe khỏi nhà, bố đã nói với nó chỉ sợ trời tối, nhỡ mà xe thủng xăm thì bố con mình chỉ có nước dắt bộ. Con ơi, con có biết chăng, năm ngoái năm kia thôi, bố đi học xa với những mùa đông tơi tả, rách bươm vì đói rét. Đi qua nhà dân, mùi cơm chín bay ngang mũi, bố đã thầm ước đến khi nào sẽ được ăn một bữa cơm trắng. (Vì ngày ấy thường trực là hơn hai phần ba bo bo, sắn lát, khoai lang khô trong bữa). Cũng vừa tháng trước thôi, ông nội già yếu lặn lội hàng ngàn cây số vào thăm con cháu. Bố mua mấy chai bia. Ông nội xua xua tay: "Thích lắm! Nhưng cứ để tôi uống rượu trắng. Mấy ngày anh chị cho uống bia, mai kia về quê, nhỡ nghiện thì chết"...
          Sực tỉnh, bố đã hứa với con: dứt khoát chiều mai con sẽ được ăn bánh mì. Hứa xong đâm hoảng vì chẳng có cơ sở nào đảm bảo cho lời hứa. Nhưng cùng tắc biến, biến tắc thông con ạ. Trưa hôm sau bố đã gom được mớ giấy báo cũ đem ra bán cho mấy bà hàng khô ở chợ Mới. Mặt đỏ bừng xấu hổ vì sĩ diện, lén lút như thằng ăn trộm. Nhưng quan trọng, lời hứa đã được hoàn thành...
          Ông không hình dung nổi, nếu con trai nghe chuyện, sinh nhật đứa cháu năm sau sẽ như thế nào?
                                                                   PK 3/7/15
                                                                       A.Đ
         
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới