Nhân 40 năm ngày 30-4, nhóm 3 thằng bạn
thân cũng là 3 thằng cựu chiến binh C20 Sư đoàn 341 chúng tôi gồm Lê Đình Nguyên,
Nguyễn Quang Ngọc và tôi hẹn nhau chiều nay lên nhà Ngọc ở chung cư gần chợ Tân Sơn Nhất làm cuộc hội quân nho nhỏ, trước
hết là thăm căn chung cư mới mua của Ngọc, sau nữa là họp mặt ăn uống và tán
tào lao nhân 40 năm ngày cả 3 chúng tôi thoát chết trở về.
Như một mặc định, những người lính
chiến một thời chúng tôi từng cầm súng cùng cả sư đoàn vào Sài Gòn từ ngày 30
tháng 4 của 40 năm trước đều nhất loạt không ai còn gọi đó là ngày giải phóng
SG. Thậm chí chúng tôi còn gọi đó là ngày Sài Gòn giải phóng mình. Nhờ có ngày
đó mà chúng tôi sống sót trở về, được thấy phố phường Sài Gòn lộng lẫy nguy nga
hơn cả cảnh các thành phố nước ngoài từng được xem trên phim ảnh; thấy được cái
ti vi để trong nhà mà xem được phim như ngoài rạp, thấy cái tủ lạnh, cái xe máy Honda vô cùng tiện
lợi… Những thứ mà khi còn sống ở miền Bắc thiên đường xhcn chúng tôi, dù là
thành phần con cán bộ, đã học đến đại học vẫn chưa được nghe nói tới.
Ai đã giải phóng cho ai. Có lẽ cũng đến
lúc lịch sử sẽ phán xét lại.
Căn hộ tít trên lầu 8 khang trang của
Ngọc chỉ có mỗi hắn đang nằm khểnh một mình, vợ con đi chơi hết. Ba thằng cựu
chiến binh chúng tôi tự nấu nướng lấy vài món ngồi uống bia với nhau. Ăn uống
là chuyện bây giờ đã không thành vấn đề. Như tôi đến đâu mà được cho một đĩa rau, thậm chí chỉ một tô canh rau nấu với tôm là đã đủ thích.
Có 3 món tôm, mực tươi và bông lí.
Nguyên chịu trách nhiệm luộc mực và tôm. Hắn nói từ ngày vợ mất (đã 3 năm, xem ở đây: http://hatungson.blogspot.com/2012/08/vay-la-b-vo-thang-nguyen-ra-i-may-tuan.html) thường tự nấu lấy ăn nên cũng có ít kinh nghiệm bếp núc. Nguyên cho một nồi nước sôi sùng sục lên rồi
thả hết cả vào. Những con tôm còn sống
nhảy lung tung trước khi được xếp ra đĩa. Hai món đó tưởng khó mà dễ.
Tôi chịu trách nhiệm món bông lí xào
tỏi. Xào sao cho bông lí chín tươi mà vẫn giữ màu
xanh mới khó, lại phải thơm nức mùi tỏi nữa. May là tôi làm cũng gần được như vậy. Món này tưởng dễ mà khó.
Chủ nhà Ngọc thì cặm cụi pha chế nước
chấm. Nước chấm mực gồm nước mắm, gừng, chanh và nhất thiết phải có một muỗng đường. Là chủ nhà nhưng hắn không biết hũ đường nằm ở đâu, đành lấy chai mật ong
cho vào một muỗng. Hắn bảo mật ong thì cũng là đường. Chẳng ra sao.
Nhưng cả 3 chúng tôi ăn uống vẫn no
say và ngon hơn đi nhà hàng. Vừa ăn chúng tôi vừa kể lại những kỉ niệm thời đi
lính, thời làm quân quản ở SG cho đến ngày trở lại trường đại học. Ba thằng
chúng tôi mỗi đứa học một khoa. Nguyên khoa hóa, Ngọc khoa sinh, tôi học văn. Cùng nhập ngũ một ngày, cùng chiến đấu trong một đơn vị và trở về cũng cùng một ngày. Cả 3 thằng cùng là đảng viên 40 năm tuổi đảng, tốt nghiệp đại học cùng trở lại miền Nam dạy ở các trường đại học và cao đẳng sư phạm, tôi và Ngọc còn giống nhau là chuyển sang làm nhà báo đến vài chục năm trước khi nghỉ hưu.
Tôi kể cho hai bạn nghe về chuyến ra Bắc mới rồi, mở máy tính cho xem ảnh chụp với các đồng đội, bạn bè ở Thanh Hóa. Cả hai
thằng đều khen tôi là giỏi thế, đã đi được đến nơi mình cần đi dù xa xôi và trở
ngại, nhất là về thời gian. Khen tôi có mà khen cả ngày!!!
Ăn xong ngồi uống trà. Ngọc bấm VTV1.
Trên màn hình là một chương trình ca nhạc trực tiếp hình như là từ Dinh Độc Lập.
Một tiết mục múa hát có tên Lửa căm thù
với khói lửa ngút trời và lời dẫn của MC Quỳnh Trâm: “40 năm trước cả miền Nam
dưới sự giày xéo của kẻ thù Mĩ ngụy máu lửa ngút trời…” Cả 3 thằng tôi nhìn
nhau. Nó nói thế mà nói được nhỉ. 40 năm trước, khi tiến vào Sài Gòn chúng tôi
chỉ thấy một thành phố giàu có, phồn hoa và văn minh. Có thấy ai giày xéo ai
đâu có thấy máu lửa ngút trời nào đâu. Mà
sao đã 40 năm trôi qua rồi mà cứ tìm cách gieo rắc mãi vào lòng dân và cả xã hội
sự căm thù vô biên nào thế nhỉ. Ai căm thù ai bây giờ. Sao lại cứ căm thù mãi
thế. Sao không hát về hòa bình, hát về tình yêu thương nhân loại.
May mà Ngọc kịp chuyển sang kênh hoạt
hình CN của Mĩ thì chúng tôi mới đỡ bị stress. Chứ không thì cuộc họp mặt mi ni
của chúng tôi sẽ mất vui.
Ngấy tận cổ mất rồi.
Nguyễn Quang Ngọc (trái) và Lê Đình Nguyên trong chuyến nhóm chúng tôi tham quan di tích chiến thắng Bàu Bàng năm 2012 (Ảnh: HTS)
Nguyễn Quang Ngọc (trái) và Lê Đình Nguyên trong chuyến nhóm chúng tôi tham quan di tích chiến thắng Bàu Bàng năm 2012 (Ảnh: HTS)