7 tháng 4, 2015

Vì sao tôi bỏ ăn thịt chó

Nếu thuốc lá phải đến năm 18 tuổi tôi mới tập tọng hút thì với món thịt chó tôi biết ăn từ khi biết…ăn thịt. Nghĩa là tôi bao nhiêu tuổi thì ẩm thực thịt chó cũng đồng hành với tôi bấy nhiêu năm. Đó là món ăn khoái khẩu nhất mà tôi hằng biết. Cứ có dịp là tôi rủ rê bạn bè đi ăn. Cứ bạn bè rủ rê đi là tôi vui vẻ nhận lời chỉ sau chưa đầy…một nốt nhạc. Lúc nào và ở đâu xung quanh tôi cũng có một nhóm bạn thịt chó, chúng tôi vẫn gọi đùa là Câu lạc bộ thịt chó hoặc Nhóm G chó (không phải G7).
Cứ vào mỗi buổi chiều cuối tuần, nhóm chúng tôi lại nhận được tin nhắn của nhau, hẹn ra chỗ cũ nhé. Chỗ cũ đây là một quán thịt chó uy tín có khi rất xa nhiệm sở, một quán cờ tây 9 món trong đó có món cầy quay ăn nhức nhối cả chân răng.
Trần đời tôi chưa thấy ở đâu có sự giản dị, thân mật và chan hòa như đám khách ăn trong các quán thịt chó. Những bộ bàn ghế cũ kĩ cáu bẩn, thậm chí nhớp nhúa; những thực khách như một xã hội đường phố thu nhỏ với đủ từ xích lô ba gác cho đến giáo sư tiến sĩ; từ đại tá, thiếu tướng, từ nhà báo, nhà giáo đến nhà thơ nhà văn, nghệ sĩ… Tất tần tật các loại nhà, các loại học hàm học vị, các cấp bậc hàm sĩ quan một khi đã đặt chân vào quán thịt chó luôn thơm lừng một mùi mắm tôm thì đều dân dã và bình đẳng như nhau. Ở đó không có chỗ cho sự phân biệt đẳng cấp sang với hèn, quí tộc với bình dân.
Thịt chó từ lâu đã đi vào thơ ca Việt Nam như một hình tượng văn học, một nguồn hiện thực phong phú của trần gian:
Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Xuống dưới âm phủ biết có hay không
Có lần ra công tác Hà Nội, bạn bè đưa tôi vào một quán thịt chó ở miệt Hà Đông (ở Hà Nội phải quí nhau lắm mới mời nhau đi ăn thịt chó). Trên tường tôi đọc được câu thơ: 
Mặc ai tìm lá diêu bông
Tôi đây chỉ lá mơ lông tối ngày
Cái lúc đang đói, chỉ nhìn đĩa thịt chó với những miếng dồi vàng hươm, miếng thịt luộc dày dặn bên chén mắm tôm vắt chanh sủi bọt là nước miếng  đã tứa đẫm chân răng, chỉ muốn gắp ngay một miếng cho vào mồm nhai cho sướng.
Nhớ hồi còn theo học lớp tại chức CCLL của Học viện Chính trị quốc gia HCM, tôi gia nhập nhóm bạn gọi là Gặp nhau cuối tuần gồm 6 tên trong đó có một đại tá phó CA tỉnh (nay thì đồng chí thành viên đó đã là trung tướng tổng cục phó của một bộ ở Hà Nội). Cứ vào những buổi học cuối tuần, nhóm chúng tôi lại nháy nhau đến quán Nhật Tân xịn để bù khú món thịt cầy ưa thích. Mỗi lần vào quán, tay đại tá cứ gắp đúp 2 miếng thịt luộc một lúc ăn cho đã.
Thịt chó là món ăn dân dã rẻ tiền mà chứa rất nhiều dinh dưỡng, ăn vào thấy người khỏe ra ngay cứ như là vừa được tiêm một liều thuốc bổ vào cơ thể. Sau một chầu thịt chó trong người hưng phấn như vừa được nạp thêm một nguồn năng lượng đáng kể. Đúng là hàng Việt Nam chất lượng cao. 
Có thể nói tôi có hơn 60 năm cuộc đời thì cũng có ngần ấy năm gắn liền với món thịt chó từng được nâng thành món quốc hồn quốc túy.
Ấy vậy mà cách đây chừng 3 tháng, một sự kiện lớn trong đời xảy ra đã khiến tôi thành tâm từ bỏ hẳn thú ẩm thực thịt chó. Từ bỏ không chút thương tiếc, không một chút ngậm ngùi và là một sự từ bỏ không tuyên bố (vì sợ làm bạn bè trong hội thịt chó băn khoăn).
Đó là vào cái ngày ba tôi qua đời, ngày …..
Trước hết phải kể qua chuyện này một chút. Đã chục năm nay nhà ba mạ tôi ở quê có nuôi một con mực vừa đẹp vừa khôn. Vì được ăn uống đầy đủ kể cả uống sữa nên chú mực to và mập ú ụ như một con gấu, bốn cái chân nó cũng mập như tay gấu. Lông đen mướt láng mượt. Chú mực sướng đến mức thịt gà cũng không thèm ăn, xương gà cũng không buồn gặm. Đến bữa ăn xong mạ tôi dành riêng cho nó một tô cơm chan nước thịt. Thấy chủ ra hiệu nó mới đủng đỉnh bước lại ăn. Đã đẹp mã mực lại còn qúa khôn. Tôi ở xa năm về chỉ một vài lần nhưng nó không bao giờ quên. Mỗi lần tôi về đã thấy nó cứ như biết trước đứng chờ vẫy đuôi từ ngoài cổng. Ngay cả xe ô tô của mấy đứa em tôi khi vừa rẽ vào đường làng cách xa cả trăm mét nó đã hực lên một tiếng rồi chạy vào nhà vẫy đuôi báo tin vui, cái đầu cứ hất hất về hướng đường cái quan. Con cái đi hết, ba mạ tôi ở nhà chỉ có mỗi mực làm bạn nên cưng chiều nó như con. Có một bộ bàn trà bằng xi măng để ở góc sân thỉnh thoảng ngồi uống trà với khách nhưng thấy mực thích nhảy lên đó nằm canh nhà, ba tôi cũng dành luôn chỗ ưa thích đó cho nó.


                      Chú mực của ba mạ tôi nằm canh nhà trên bộ bàn trà quen thuộc

Ngày ba tôi mất, vào lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 11 tháng 1 năm 2015, cả nhà tôi dồn hết tâm trí lo đám tang cho cụ. Vào buổi chiều tối, mọi người bỗng nghe như có tiếng người khóc ở sau vườn nhà. Tôi ra xem thì thấy mực đang ngồi nhìn lên ngọn cây cao và tru lên như tiếng người khóc. Tôi lại gần xoa đầu thì thấy nước mắt nó đang chảy thành dòng. Nhìn con chó khóc thương ba tôi, tôi cảm động không cầm được nước mắt. Ngước nhìn lên ngọn cây mà chú mực đang hướng về để khóc, tôi chợt thấy đó là một trong những cây mít cao nhất vườn đang vừa rụng lá chết khô từ trên xuống.



Một trong những cây mít cao nhất vườn trút hết lá rồi chết khô ngày ba tôi đi xa

Rồi suốt mấy ngày đám tang cho đến ngày anh em tôi làm lễ cúng mở cửa mả cho ba tôi, mực vẫn nằm nguyên sau vườn nhà, không ăn không uống. Người nó gầy xọp đi. Kêu cách gì cũng không vào ăn. Đứa cháu phải mang sữa ra cho nó uống.
Ngày vợ chồng tôi và mấy cô em vào lại Sài Gòn, nhìn ra sau góc vườn vẫn thấy chú mực nằm nguyên chỗ đó, buồn bã, nước mắt vẫn ứa ra. Tôi phải ra tận chỗ nó nằm xoa đầu an ủi chú chó trung thành. Có lẽ nó là con vật đã đau buồn thương tiếc ba tôi một cách âm thầm lặng lẽ nhất.


                     Hình ảnh quen thuộc của ba tôi lúc sinh thời (Ảnh chụp năm 2013)

Vào Sài Gòn dù bị cuốn lại vào công việc, hình ảnh chú mực với tiếng tru như người khóc và dòng nước mắt lặng lẽ khóc ba tôi của nó cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi tự hỏi vì sao với một giống vật nuôi khôn ngoan, trung thành và tình cảm với con người mà trước hết là với ba tôi như thế, mình lại nỡ lòng ăn thịt nó, thậm chí còn xem ăn thịt nó như một thú vui của cuộc đời. Chả lẽ mình không bằng con chó, mình là giống người dã man à.
Thế rồi tôi tự hứa với lòng mình, từ nay bỏ hẳn món thịt chó đã gắn bó với mình suốt 60 năm qua. Bỏ ăn thịt chó để trước hết bày tỏ lòng biết ơn chú mực của ba mạ tôi đã thương xót ba tôi hơn cả một con người ngày ông đi xa. Chỉ thế thôi.
Hàng ngày trên con phố gần nhà tôi có mấy quán thịt chó rất bắt mắt. Nhưng mỗi chiều đi làm về qua dãy phố đó, tôi không còn thấy mùi thơm của riềng sả, của mùi mắm tôm đang dậy bọt; không còn thấy sự hấp dẫn của những đùi thịt chó vàng ươm treo trong tủ kính; cũng không màng gì tới những đĩa lòng dồi từng hấp dẫn tôi trong suốt 60 năm cuộc đời đã qua. Tất cả chỉ bắt nguồn từ sự kính trọng của tôi về lòng trung thành và tình cảm của một con chó đối với chủ là chú mực của ba mạ tôi.
Tôi đã từ bỏ món thịt chó như thế đấy.
Nếu với thuốc lá tôi đã mất gần 30 năm để từ bỏ nó thì với món thịt chó tôi đã mất gấp đôi quãng thời gian đó để từ bỏ.
Nếu với thuốc lá tôi đã từ bỏ nó vì lo cho sức khỏe của mình thì với món thịt chó tôi đã từ bỏ chỉ thuần túy vì tình cảm và sự kính trọng đối với một giống vật nuôi khôn ngoan và trung thành với chủ.
Nếu với thuốc lá phải sau 15 năm từ bỏ (từ năm 2000) tôi mới đưa ra lời tuyên bố (bởi biết đâu có lúc vì thích thú mà hút trở lại) thì với món thịt chó chỉ chưa đầy 90 ngày tôi đã đủ lòng tin để khẳng định là không bao giờ đụng đũa vào nữa.
Và cả hai sự từ bỏ tôi đều âm thầm không hề nói ra cho bạn bè biết. Với thuốc lá thì sợ họ phá không cho mình bỏ. Với thịt chó thì sợ bạn bè băn khoăn trước một thú vui ẩm thực của bạn mà mình vì lí do riêng không nỡ tham gia.
Bây giờ thì tôi mới hiểu vì sao người phương Tây, người Âu, người Mỹ (giống người văn minh của nhân loại) đã từ bao đời nay coi con chó là bạn bè thân thiết nhất và không hề có khái niệm ăn thịt bạn bè.
Cũng từ nay, tôi sẽ không đọc thơ Tố Hữu nữa vì ông ta đã có một câu thơ rất bậy bạ trong bài thơ Bà má Hậu Giang: Má thét lớn tui bay đồ chó… Đó là một sự xúc phạm lớn của cái gọi là thơ Tố Hữu với một giống vật cao qúy - con chó.




2 nhận xét:

  1. Đọc bài của thầy thật cảm động, hoàn toàn đồng tình với thầy. Thật ra tình cảm của con người dành cho những con chó trung thành không phải hiếm, và ngược lại. Như những con cún của cụ Phan Bội Châu . (Tham khảo https://www.google.com.vn/search?newwindow=1&site=&source=hp&q=con+ki+c%E1%BB%A7a+phan+b%E1%BB%99i+ch%C3%A2u&oq=con+ki+c%E1%BB%A7a+phan+b%E1%BB%99i+ch%C3%A2u&gs_l=hp.3...6291.17525.0.18849.37.31.4.0.0.1.596.5486.0j14j7j2j0j1.24.0.msedr...0...1c.1.64.hp..20.17.3455.0.c6p8yajLcnM)
    Nhưng tình cảm của con mực với ông cụ thật cảm động. Cái lí do, mình là người chẳng lẽ không bằng những con chó tình cảm kia sao, nên bỏ ăn thịt chó của thầy dễ được sẻ chia.
    Em không ăn được thịt chó, không phải vì kiêng, mà vì hồi học xong cáp 3, đi làm, mấy chú cùng chỗ làm bày tiệc thịt cầy, em ăn vào, chắc do mát quá, nên không tiêu, cứ nghèn nghenj ở cổ họng, phải mấy ngày sau mới trôi. Hoảng quá, nên không dám ăn thịt chó nữa.
    Sự từ bỏ một sở thích và thú vui sau 60 năm của thày phải nói là ... dũng cảm! Lại một lần nữa ủng hộ thày!
    Nhưng cuối bài vẫn cứ thấy "tiếc" vì thơ Tố Hữu là "tiếng nói dồng ý, đồng chí, đồng tình" thế mà vì một lí do liên quan đến con chó mà thầy thôi không đọc nữa, than ôi, tiếc hậm tiếc hụi thầy ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là mình cũng có thêm một "tiếng nói đồng ý, đồng chí, đồng tình" từ vụ bỏ thịt chó đến bỏ luôn cả thơ Tố Hữu của nhà giáo Trần Xuân Toàn rôi.
      Đây cũng vẫn nằm trong phạm trù từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình. Một quá trình dài suốt 60 năm. Toàn nhỉ.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới