5 tháng 11, 2014

Khách ở quê vô

                                                                                                             Chử Anh Đào

 HTS: Đọc bài viết của Chử Anh Đào nhớ câu thơ Tố Hữu "Không nỗi đau nào riêng của ai".
        

    Dân ta nói chung có truyền thống hiếu khách. Có khách, phải cư xử làm sao từ lời ăn tiếng nói tới bữa ăn, chỗ nghỉ ngơi…để vừa lòng khách, để khỏi mang tiếng xấu khi khách dời khỏi nhà,. Thú thật gia đình nào đó quanh năm không có khách thì phải coi đấy là mối nhục nhã lớn lao. Vì thiên hạ sẽ đặt câu hỏi nhà đó ăn ở như thế nào mà không ma nào thèm bén mảng tới? (Đây không kể tới các loại “khứa” bất đắc dĩ, loại “ thích khách”, rượu vào lời ra, đánh đuổi cả chủ nhà, loại ăn nằm ở dề “ở lâu quên bẵng mình là khách”…)
          Thời bao cấp, mười nhà có khách là chín nhà tái mặt. Bây giờ thì khác, chỉ mong có thời gian rảnh để được gặp nhau. Nhà cao cửa rộng đấy nhưng dắt nhau ra nhà hàng, giản dị thì cơm, hứng thêm một chút là nhà hàng đặc sản. Bù khú với nhau xong, alê, khách sạn! Vì tế nhị thôi, gia đình nào cũng thế, có nề nếp sinh hoạt riêng, những thỏa thuận, qui ước riêng giữa các thành viên. Thêm một “vật thể lạ” vào là “choãi” ngay. Vậy nên khách sạn là tiện lợi nhất, khỏi làm phiền nhau. Khách có ở lại vài ba ngày thì cũng “y án” cứ rứa mà mần.
          Nhưng nhà ông thì khác. Nói xa hơn một tí, ông bà đưa gia đình vào PK đã gần hai chục năm. Ấm chỗ rồi thì bắt đầu lo cho con cháu, họ hàng, như mục đích dời đô của đức vua Lí Công Uẩn xưa. Lại thêm tính cố kết mạnh mẽ của một vùng quê nghèo miền Trung (Ông thú thật, hồi mới vào, ở quán ăn hay cà phê, hễ thấy người nói giọng quê là lân la bắt chuyện làm quen ngay). Trở lại, ông bà đã dìu dắt cho cả chục đứa cháu được ăn học, giờ có công ăn việc làm cả. Tết đến, người ta nô nức làm lịch các hội đồng hương cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí cấp xã. Gia đình ông còn hơn cả thế, có thể in lịch gia đình, dòng họ. Mà phải hai gia đình chung một tờ nhân với mười hai tờ mới đủ…Lần này ông bà cưới cháu nội người em gái. Nó cũng có các chú các cậu ở đây nhưng mãi dưới huyện. Người em gái sau bao tháng năm mê mải làm ăn mà quên cả anh chị giờ bỗng nhớ tới thiêng liêng tình ruột thịt. Nhà ông sẽ là chỗ ăn ở, làm lễ rước dâu đám cưới. Năm người làm cà phê từ Đăk Nông sang, tám người mới gieo trồng vụ đông ở Phủ Diễn vào. Hơn biên chế một tiểu đội cả nam phụ lão ấu. Nhà ông có ba phòng ngủ và một gác xép. Chỉ thừa gác xép và nền nhà! Kệ! Ăn uống tốn nhiều chứ ngủ thì sao mà chả được. Vậy là năm giờ chiều, mười ba vị khách hùng dũng tự tin bước vào nhà ông. Người dép tông Lào, kẻ dép lê nhựa Sà Goong, quần ống thấp ống cao, bết đầy bụi đỏ, nhoe nhoét trên nền gạch bông xanh trắng như một bức tranh trừu tượng mà các tác giả sử dụng gam màu đối lập. Lỉnh kỉnh những túi, những bao và cả xô nhựa nữa. Toàn đặc sản quê “nhà trồng được”: cá trích, cá chỉ vàng hấp; lạc khô đã lột vỏ; nước mắm nhĩ; lươn, chuột đồng…Và tất nhiên là một can rượu “Nước mắt quê hương” ba mươi lít… Tíu tít chào hỏi, ôm lắc vồ vập. Ơi ới gọi nhau râm ran chè xanh. Rồi tò mò xăm xoi nghiêng ngó các vật dụng. Rồi chống nạnh vác mắt lên tường nhà- nơi đặc kín các loại giấy khen của gia chủ. Rồi lần lượt mở hết các tủ sách, tủ quần áo, tủ lạnh. Rồi ra vườn nhặt cành vơ lá đun nước vò trốc…(Ra vườn thì đi chân đất còn vô trong nhà lại…mang dép) Rồi. Rồi…Không khí tưng bừng náo nhiệt như phong trào cách mạng gần thế kỉ trước ở quê hương, tới mức dăm ba người đi đường phải tò mò dừng lại không biết nhà này đang có chuyện gì?
          Tới bữa ăn, không khí càng náo nhiệt. Tiếng cụng li.Tiếng bát va chạm. Tiếng hò hét “zô, zô. Một trăm phần trăm” (cái dịch hò hét này lây lan nhanh thế) Tiếng húp canh sì sụp. Tiếng nhai xương rau ráu. Tiếng trẻ con khóc dỗi. Oang oang tiếng người kể các chuyện trên trời dưới đất không đầu không cuối, từ miền đông Ucraina tới miền bắc Thái Lan, từ nghị viện họp tới bà xã tao tháng này chậm mấy ngày… Thức ăn cùng nước bọt bắn tung tóe ra ngoài…Những đôi đũa thi nhau gắp mồi mời mọc làm thành một vũ điệu đom đóm nhảy nhót trên mâm cơm… Chừng vài canh giờ, đã có người cởi phăng áo ra, vén quần lên tận bẹn… cho nó mát. Người hai tay vỗ vỗ vào cái bụng đã căng phồng. Người cầm dọc đôi đũa quẹt ngang miệng như làm công việc vệ sinh sau chót. Người chống tay uể oải đứng lên. “Nào, mời cả nhà lên uống nước”- chủ nhà dõng dạc ra lệnh.
          Những chiếc ghế mây thanh nhã kiểu cách run lên bần bật hoặc oằn xuống quá sức chịu đựng vì những thân hình đồ sộ. Có người còn gác chân, người ngồi xổm cả lên mặt ghế. Giá bà chủ mà là vợ Điền trong “ Trăng sáng” thì các vị khách này tiêu đời rồi. Họ súc miệng ồng ọc rồi nhổ toẹt  như Nghị Quế. Chắc họ nghĩ sàn gạch bông được lau chùi kĩ lưỡng vì nhà có con trẻ cũng giống như nền nhà đất hoặc bờ ruộng, bờ ao ở ngoải. Không chỉ súc miệng mà họ còn khạc nhổ. Nhiều người quê ra thành phố làm việc, định cư ở đó hàng mấy chục năm mà vẫn không bỏ được thói quen khạc nhổ như ngan. Nền nhà bỗng chốc biến thành ngổn ngang và nhầy nhụa bãi chiến trường bởi nước miếng, đất đỏ, tàn thuốc lá, thuốc lào, tăm, đóm, mẩu thuốc, giấy vụn… Và dù đã mở hết cửa sổ mà không gian vẫn đặc quánh lại, sền sệt bởi mùi mồ hôi, mùi bia rượu và khói thuốc. Chỉ tội nghiệp đứa cháu nội viêm họng mạn tính cong người, rụt cổ kéo từng tràng ho rũ rượi.
          Rồi còn cơ man là chuyện dở khóc dở cười. Tỉ như chạy theo quạt điện, tưởng mát hóa ra lại nóng thêm; chuyện mở nhầm vòi nước nóng, bỏng hết cả mặt; chuyện lấy dầu tắm đánh răng vì thấy in hình cô gái đẹp, rộp hết cả miệng; chuyện chê bia khai như nác đái bò…
          Năm ngày sau, gặp tôi, ông bảo: “Họ về rồi ông ạ. Họ còn lệnh cho vợ chồng tôi sang năm sẽ gửi ba đứa cháu vào học. Mọi việc ăn ở khoán cho cô chú. Hễ có dịp chúng tôi lại vô chơi. Đúng là “bão qua nhà”. Mình cũng từ nông dân mà ra nhưng lâu quá rồi, gặp lại những cung cách ấy thật là…May được cái bà nhà tôi tốt bụng, tốt nhịn chứ không thì không biết sự thể sẽ ra sao…”
          Giọng ông ngùi ngùi, xa vắng. Đầu cúi thấp. Mấy sợi tóc bạc bơ phờ trước trán. Bờ vai rũ xuống. Ông ốm mới ra viện, lại gặp ngay đận này. Nghĩ mà thương.
                                                                
                                                                   PK 5/11/14

                                                                       C.A.Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới