30 tháng 10, 2013

Khai giảng


16h chiều nay, cho SV năm nhất.

Lễ khai giảng năm học mới dành cho SV khóa 16 năm học 2013-2014. Cách đây 34 năm tôi cũng là SV khóa 16.



                                           Ngộ nghĩnh và hồn nhiên tân sinh viên K16



25 tháng 10, 2013

Ăn bữa giỗ lỗ bữa cày

Tối qua có bữa tiệc chiêu đãi nhân một sự kiện. Chức sắc từ cấp trưởng phó phòng ban khoa trở lên đều tham dự với khoảng trên 40 người. 18h đã tề tựu đông đủ ở nhà hàng khu cư xá Bắc Hải Q.10.
Món ăn thì bình thường theo kiểu truyền thống nhưng đồ uống thì khá sang với tuyền một thứ vang trắng Pháp thượng hạng và khá nặng đô.
Trong không khí thân tình và vui vẻ nên mọi người liên tục chúc tụng nhau. Sự hưng phấn bốc lên mau chóng.  Tôi thuộc loại chưa uống đã say, thậm chí chỉ nhìn người khác uống đã say, vậy mà li này vừa cạn chưa kịp đặt xuống nghỉ  lấy hơi bồi bàn đã rót đầy li khác bởi luôn luôn có người từ bàn khác đến yêu cầu nâng li với đủ thứ lí do, mà lí do nào cũng rất chính đáng. Trong đó có cả lí do rất cảm động như “xin được cụng li với người đồng hương của Đại tướng, cầu mong cho Đại tướng được an giấc ngàn thu nơi đất mẹ QB”. Vậy thử hỏi làm sao lại có thể khước từ! Có dăm bảy li đã đi qua như thế.
Đến khoảng 21 giờ khi món lẩu nấm thơm lừng dọn ra cũng là lúc cuộc nhậu đã lên đến cao trào. Rót liên tục và cạn cũng liên tục.  Những cái li to cao có chân dài lấp loáng trước mặt khiến tôi lo sợ và hoang mang vô cùng. Tình hình này liệu có còn đường về nhà nữa không đây.
Thấy mình cũng chẳng thuộc nhân vật chính gì trong sự kiện này, tôi rút điện thoại giả bộ nghe cuộc gọi đến nên làm bộ như vừa nghe vừa ra vẻ gật gù với ai đó rồi bước luôn ra cửa và… thoát.
Đến nhà mới hơn 21h30, bà vợ vui vẻ hỏi sao bữa này về sớm thế.
Có thế chứ. Lâu lâu cũng phải ghi điểm với vợ.
Chuyện tưởng dừng ở đó. Nhưng không phải thế. Cái hay là sáng nay lên nhiệm sở với những thông tin dồn dập bay tới, tạm thời thống kê như sau:
-Cuộc chiêu đãi kết thúc lúc 23h với số lượng vỏ chai 65ml để lại do nhân viên nhà hàng kiểm là 45 (trung bình mỗi người hơn 1 chai).
-Ông TP khảo thí chạy xe vô đường 1 chiều trong tình trạng độ cồn đã hấp thu cao quá cỡ thợ mộc nên bị 2 chú cảnh sát thổi còi thu giữ xe 1 tuần kèm biên lai phạt nhẹ nhàng chỉ 2,6 triệu đồng. 600.000 lỗi đi vào đường cấm;  2 triệu chẵn cho lỗi lượng cồn cao quá mức cho phép nhiều lần.
-Ông PP ĐT thì nhà ở Hóc Môn không về lại nhằm hướng ngược lại là quận 1 mà chạy. Khi tỉnh ra thì thấy đang ở giữa một khu đô thị sang trọng là Phú Mĩ Hưng tít bên quận 7. Báo hại phải chạy ngược lại mấy chục cây số.
-Ông phó BTS nhậu xong ra cửa rút điện thoại gọi xe bị 2 thằng đạo chích phục sẵn giật mất. Sáng ra ông giơ 2 tay lên trời bảo từ nay tôi mất liên lạc với thế giới rồi.  
-Ông TCS Điện Biên về chưa đến nhà đã ói ra tận mật xanh mật vàng. Cho ra đường một hỗn hợp bầy hầy với một cái mùi mà chó ngửi thấy cũng phải cong đuôi bỏ chạy. Vậy mà ổng còn kêu là may, chứ nếu về đến nhà mới ói thì con vợ nó càm ràm một tuần chưa hết. Ông này khai ra chứ tôi nghĩ loại nằm ở cấp độ ói này thì phổ biến lắm, không thể thống kê hết.
-May mà có một bộ phận không nhỏ quí ông khôn ngoan hơn đã chọn giải pháp an toàn là gửi xe lại nhà hàng rồi gọi taxi về, sáng mai đi xe ôm đến lấy về. Nếu không có giải pháp này không biết sẽ còn xảy ra những sự cố gì nữa.
-Cuộc họp cuối tuần sáng nay HT phải tuyên hủy vì giảm mất 1/3 quân số.

Nói ăn bữa giỗ lỗ bữa cày là vậy.



13 tháng 10, 2013

Chúng bắn từ sau lưng

                                            Nhị Hồng

Có những tên mang danh đồng chí đã bắn Bác từ sau lưng.
Nhưng trượt.
Nhiều người cho rằng
Bác có lúc nhu nhược.
Cháu không nghĩ thế bao giờ.
Ở vị trí nào Bác cũng là Đại Tướng.
Khi chúng bắt Bác đi đặt vòng tránh thai.
Bác không ngại, vẫn hiên ngang như người lính chiến.
Những kẻ bắn Bác từ sau lưng đã lần lượt ra đi.
Không ai rơi nước mắt.
Bây giờ Bác mất.
Hàng triệu con tim ứa máu khóc thương.
Đấy là sự khác nhau giữa người anh hùng
và những tên đê tiện.

Nhưng Bác ơi,
Trên trần gian vẫn đang còn hiển hiện
những tên ngấm ngầm nhả đạn từ sau lưng
vào đồng chí, đồng bào.
Rồi chúng cũng sẽ ra đi
nhưng không ai rơi nước mắt.

12.10.2013

12 tháng 10, 2013

Đi viếng Đại tướng

Sáng nay tôi dậy từ 6 giờ, nhanh chóng làm mọi thủ tục xong và đúng 7 giờ thì hướng thẳng Dinh Độc Lập mà chạy tới để viếng Đại tướng. May là quốc tang trúng thứ 7 được nghỉ việc nên đi thoải mái..
Trước khi rời nhà, tôi đã cẩn thận gắn lên ngực áo tấm kỉ niệm chương Chiến dịch Hồ Chí Minh được trao sau ngày giải phóng do đã tham gia chiến đấu trong chiến dịch này, chỉ để chứng tỏ rằng tôi cũng từng là lính của Đại tướng. Khi đó tôi có cấp bậc là hạ sĩ, còn Ông là Đại tướng Tổng tư lệnh. Một khoảng cách xa vời vợi. Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng tấm kỉ niệm chương này sau 38 năm được trao tặng kể từ 1975. Nếu không đi viếng Đại tướng hôm nay, nó vẫn nằm yên trong hộp cùng với những tấm huy chương chiến sĩ vẻ vang, huy chương KCCM... cũng chưa một lần gắn lên ngực áo.
Chạy dọc Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến trước Dinh Độc Lập thấy người xe đã đông như kiến. Nhìn mặt ai cũng thấy rõ sự nghiêm trang trầm mặc. Nhiều người ngực treo đầy huân huy chương lấp lánh, nhiều người cầm theo hoa, nhiều người dắt theo con cháu. Xe được gửi miễn phí ngay ở quảng trường Thống nhất.
Trời Sài Gòn sáng nay thật đẹp, râm mát lạ lùng. 
Đúng 7h30 tôi và mấy đồng nghiệp ở trường đã đặt chân vào dòng người đông đúc nhưng vô cùng trật tự và im lặng để vào dinh viếng Ông.
Mấy thầy trò VHU chúng tôi đi tự do với tư cách cá nhân, không theo đoàn toán nào. Lúc đầu thì tôi đứng trong hàng của đoàn chức sắc đạo Cao đài, chắc từ Tây ninh lên; một lúc sau nữa thì lạc vô đội hình của mấy bác cựu chiến binh quân phục mũ mão với sao vạch sáng choang. Cuối cùng khi vô đến phòng viếng trong hội trường có ban thờ Đại tướng thì tôi thấy mình đang ở trong đội hình khoảng 20 người của đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng do ông bí thư tỉnh ủy làm trưởng đoàn. 
Một phút mặc niệm của đoàn Sóc Trăng (và của tôi) để tưởng nhớ Đại tướng với bản nhạc Hồn tử sĩ cất lên trầm hùng và bi tráng. Tôi cùng mọi người cúi đầu tưởng niệm trước di ảnh người anh hùng dân tộc.  
Xúc động và tự hào vô cùng.  


                                 Người và xe kín mít trước cổng Dinh Độc Lập


                    Mới đầu giờ viếng nhưng dòng người đã nối dài từ Dinh ra tận ngoài cổng


Tôi đi nối và nhập vào đoàn của các chức sắc đạo Cao Đài, được một lúc sau thì lạc sang đoàn cựu chiến binh TP.


                             Mặt tiền dinh Độc Lập ngày quốc tang Đại tướng



Ngay tiền sảnh là một màn hình lớn chiếu những tư liệu về Đại tướng. Những dòng người lặng lẽ nối nhau vào viếng một con người vĩ đại.   


Mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng trong phòng viếng. Có hẳn một thiếu tướng đứng  túc trực bên ban thờ Đại tướng.


                                    Viếng Đại tướng xong ra trước dinh chụp hình kỉ niệm 



                                        HTS và Ngô Văn Đạo 


                         Có một anh nhà báo mặc áo lính đang rất vội



                                  Đoàn của Thành đoàn

                        Nhà sư áo cà sa vàng và nhà giáo áo trắng cùng viếng Đại tướng

                       Chợt thấy một người quen đang trả lời phỏng vấn







Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sự bình dị lớn lao...



                                                                   Uông Ngọc Dậu (VOV)
Thế thôi, chỉ một danh xưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải kê thêm những chức tước dài dòng. ..
              Vị Đại tướng-Người Lính Già Võ Nguyên Giáp đã ra đi, đã rời cõi người ta, về cõi bên kia…Đó là cách nói tuân theo quy luật sinh tử muôn đời. Nhưng, thực sự những gì đang diễn ra thì sự ra đi của Vị Đại tướng-Người Lính Già Võ Nguyên Giáp đang không tuân theo quy luật ấy...

Sự bình dị lớn lao đã càng làm Ông bất tử!


Trong cuộc họp lần thứ hai của ban tổ chức tang lễ diễn ra ở hội trường Bộ Quốc phòng, chiều thứ 6 (10/10),  anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng có đề xuất với Ban tổ chức tang lễ, rằng xin các vòng hoa viếng Ba anh chỉ ghi một dòng chữ Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Võ Hồng Nam cũng đề nghị Ban tổ chức, các cơ quan báo chí truyền thông kính thông báo với đồng bào khi đến viếng Ba anh, không mang theo lễ vật phúng viếng.


           Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người vĩ đại cuối cùng

Thế thôi, chỉ một danh xưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không phải kê thêm những chức tước dài dòng. Vị Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội từng giữ nhiều chức vụ, nhiều trọng trách, nhưng hầu như trong đời vẫn bộ quân phục thân thuộc, nghiêm ngắn, bình dị. Bữa cơm hàng ngày của vị khai quốc công thần vẫn đạm bạc quả trứng kho, đĩa rau luộc…chẳng khác bữa cơm hàng ngày của mọi thường dân. Quả là “Cơm ăn chẳng quản dưa muối/Áo mặc nài chi gấm thêu”(Nguyễn Trãi).

Cũng hôm diễn ra cuộc họp quan trọng này, phía Bộ Quốc phòng chiếu lên màn hình 3 mẫu bia đá để chọn 1 đặt trước phần mộ Đại tướng. Ba mẫu bia màu sắc, hình khối, chất liệu và nội dung như nhau, chỉ có hoa văn viền quanh bia là khác nhau. Mẫu bia thứ nhất hoa văn họa tiết cách điệu có phần bay bướm, phóng khoáng. Mẫu bia thứ hai hoa văn đường kỷ hà, viền quanh ngay ngắn, gãy gọn….Còn mẫu bia thứ ba không có hoa văn viền quanh. Gia đình và Bộ Quốc phòng chọn mẫu bia thứ hai. Nếu tôi được phép chọn, tôi cũng chọn mẫu bia thứ hai này, bởi nó phù hợp với tính cách giản dị và ngay ngắn của con người Đại tướng.

Câu chuyện quyết định chọn nơi an táng Đại tướng cũng rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Cuộc họp lần một (8/10), tại Ban Tổ chức trung ương do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, anh Võ Hồng Nam cũng giãi bày chuyện tối hệ trọng này. Anh nói, việc chọn nơi an táng của Ba anh đã được gia đình và Đại tướng chuẩn bị từ khi Đại tướng qua tuổi 90. Cũng đã đến đôi ba nơi, Ba Vì, Thái Nguyên, rồi về quê, nơi ông nội, bà nội anh an nghỉ, nhưng vì lý do này lý do khác mà Ba anh không đồng ý. Rồi đến khi qua Đèo Ngang, tức dải Hoành Sơn, phía Quảng Bình, nơi hình hài Tổ quốc thắt lại, nhận ra vùng đất Vũng Chùa-Đảo Yến sơn hải giao hòa, đất trời quần tụ, lại quay hướng Biển Đông, thế là quyết định chọn. Anh Võ Hồng Nam nói, gia đình vẽ sơ đồ rồi xin ý kiến Ba anh. Khi ký vào bản sơ đồ này Đại tướng có dặn các con: Đây mới là ý nguyện của Ba và gia đình. Khi Ba qua đời, phải xin ý kiến của tổ chức. Tổ chức đồng ý mới thực hiện. Anh Võ Hồng Nam cũng nói, cha anh còn dặn, không được làm phiền tổ chức, phải chấp hành tổ chức!

Cả một đời Đại tướng đã chấp hành tổ chức. Có việc gì tổ chức giao mà Ông không hoàn thành? Là thế hệ lập quốc, bậc khai quốc công thần, lại đức độ hơn người, võ công hiển hách vang vọng năm châu, nhưng Người một mực “dĩ công vi thượng”, lại tổ chức cũng tối thượng!

Có nhà báo đã bình luận, sự ra đi của Đại tướng là một kỳ tích, kỳ tích thu phục nhân tâm, hội tụ lòng dân. Trong vòng 5 ngày, trước  ngày diễn ra lễ viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ  quốc gia, đã có hơn một triệu lượt đồng bào trong nước và bạn bè nước ngoài đến nhà riêng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội nghiêng mình trước vị Đại tướng của Nhân dân! Có người lại bình luận, ngay cả khi ra đi, Đại tướng vẫn làm nên trận thắng lớn, không thua kém trận Điện Biên Phủ dưới đất, trận Điện Biên phủ trên không. Đó là trận thắng lòng dân. Một sự ra đi mà nhân lên sức mạnh lòng dân, sức mạnh dân tộc!

Có nhà văn sinh ra ở vùng đất Nam Bộ gọi Đại tướng là Ông Già-Ông Già rực rỡ. Tôi hiểu ẩn ý nhà văn. Nhà văn muốn gợi hình ảnh Đại tướng mái tóc bạc trắng, lúc nào cũng tư thế ngẩng đầu, cái cười hiền hậu, không chút vướng bận phàm tục. Phải vậy chăng?



Vị Đại tướng lừng danh trận mạc đã có bao nhiêu đêm thức trắng suy ngẫm việc quân, tính toán bày binh bố trận?  Cũng vị tướng lừng danh ấy có bao nhiêu chiều, bao nhiêu sáng độc thoại với cây đàn? Lại cũng vị tướng lừng danh ấy có bao nhiêu tháng ngày trong cõi người ta mà nhìn vào hư vô, lặng lẽ thiền định, cân bằng bản ngã để vượt lên chính mình, để trở về là mình? Có người nói, Ông là người cộng sản chân chính, là học trò xuất sắc, đồng chí thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người nói, Ông đã tu trọn kiếp tu, đã đắc đạo ngay ở cõi trần.
 

Trong cõi người ta xưa nay không hiếm trường hợp ông nọ bà kia mũ cao áo dài, xe xe ngựa ngựa nhưng khi họ đang sống sờ sờ mà nhân dân đã đưa tang, mai táng họ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sống đã trong lòng dân, mãi mãi trong lòng dân, cả khi ông đã rời cõi người ta…
UND 


9 tháng 10, 2013

Tiến về Hà Nội của Văn Cao

Kỉ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10-10):    
            
                                                          Chử Anh Đào

          Văn Cao vừa là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ. Vì vậy nếu tách riêng các ca từ trong ca khúc của Ông thì đó là những bài thơ. “Tiến về Hà Nội” cũng là một trường hợp như vậy:
                   Trùng trùng quân đi như sóng
                   Lớp lớp đoàn quân tiến về
                   Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
                   Cờ ngày nào tung bay trên phố
                   Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
                   Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về
                   Cả cuộc đời tươi vui về đây
                   Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
                   Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng
                                                                             sương sớm long lanh
                   Chúng ta ươm lại hoa sắc hương phai ngày xa
                   Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
                   Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
                   Những xuân đời mỉm cười vui hát lên
                   Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
                   Như mùa xuân xuống cành, đường nghe gió về
                   Hà Nội bừng Tiến quân ca
          Quả vậy, chỉ đọc thôi, ta thấy những lời ca thật hoành tráng, reo vui, tinh khôi mới mẻ, đầy sức sống của đoàn quân chiến thắng, của cả dân tộc trở về thủ đô yêu dấu để dựng xây cuộc đời mới. Các điệp từ “trùng trùng”; các từ chỉ số nhiều “lớp lớp”, “đoàn quân”, “chúng ta”; những tính từ, danh từ, động từ tươi sáng “vinh quang”, “tươi vui”, “ngày mai”, “tương lai”, “mùa xuân”, “mỉm cười”, “vui hát”…đã nói lên điều đó. Ngoài ra tác giả còn sử dụng những so sánh tu từ nghệ thuật rất thành công: “quân đi như sóng”, “như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”, “như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về” gợi cho người đọc, người nghe những nhận thức mới và liên tưởng vang xa.
          Có người thắc mắc, khi vào tiếp quản Thủ đô ngày 9 tháng 9 năm 1954, quân ta với 3 tiểu đoàn chỉ theo ba hướng: ô Cầu Giấy, đường 6 qua cầu Mới, các công sở khu vực Việt Nam học xá, Đồn Thủy mà tác giả lại viết “Năm cửa ô đón mừng…” Ở đây cần hiểu “năm cửa ô” là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội!
          Số phận “Tiến về Hà Nội” cũng ba chìm bảy nổi, vinh quang và cay đắng như chính tác giả của nó. Sinh thời, Văn Cao kể rằng: cuối năm 1948, Ông được điều về Chi hội văn nghệ Việt Nam Liên khu 3. Nhiệm vụ trước mắt của Ông là sáng tác một bài hát về Hà Nội. Ông Lê Quang Đạo tin tưởng nói với tác giả: “Hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé” Hai tuần sau, mùa xuân 1949, Văn Cao đã hoàn thành tác phẩm này, in ở báo Thủ Đô. Mọi người rất thích, nhưng có một lãnh đạo bảo : chỉ được cái lạc quan tếu(!) Thế là “chim sơn ca im tiếng”. Nhưng 5 năm sau, trong ngày tiếp quản, “Tiến về Hà Nội” lại bất ngờ vang lên, Thành phố vỡ òa trong lời ca ngày chiến thắng.
          “Tiến về Hà Nội” cũng là một minh chứng hùng hồn về chức năng dự báo của nghệ thuật xưa nay./.
                                                                   PK 9.10.13

                                                                        C.A.Đ



8 tháng 10, 2013

Vị tướng già

                                                                  Chử Anh Đào

          Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã và sẽ còn là nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca, nghệ thuật như là một thiên tài quân sự kiệt xuất và một nhân cách Việt Nam viết hoa. Trong số tác phẩm nghệ thuật ấy, phải kể đến bài thơ “ Vị tướng già” của nhà thơ Anh Ngọc, tác giả của những “Thị Mầu”, “Người hát rong của thế kỉ 20”, “Mô tuyp Thúy Vân”…viết năm 1994 khi tác giả cùng nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa hầu chuyện Đại tướng.

                   Những đối thủ của Ông đã chết từ lâu
                   Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa
                   Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
                   Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình

                   Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
                   Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
                   Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
                   Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù

                   Trong góc vườn mùa thu
                   Cây lá cũng như Ông lặng lẽ
                   Tám mươi tuổi Ông lại như đứa trẻ
                   Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây

                   Ông ra đi và Ông đã về đây
                   Đời là cuộc hành trình khép kín
                   Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
                   Là một trời nhớ nhớ với quên quên

                    Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
                   Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
                   Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
                   Đi về miền cát bụi phía trời xa

                   Ru giấc mơ của vị tướng già
                   Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
                   Một chân Ông đã đặt vào lịch sử
                   Một chân còn vương vấn với mùa thu.

anh-ngoc1-4520-1381133420.jpg
Nhà thơ Anh Ngọc (áo trắng) - trong buổi gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1994. Ảnh tư liệu.

          Sáng tạo nghệ thuật với nguyên mẫu có thật trong đời sống, dù tư tưởng là ngợi ca đi, là công việc cực kì khó khăn, càng khó khăn hơn khi nguyên mẫu ấy là một nhân vật lịch sử  đã và đang “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” trong tâm tưởng của ức triệu con người, cả phai phía “đối thủ” và “bạn chiến đấu”. “Vị tướng già” được sáng tác trong khoảnh khắc cảm xúc thăng hoa của nhà thơ (ất nhiên hiểu biết, suy ngẫm về nhân vật là cả một quá trình). Anh Ngọc không có tham vọng dựng lại chân dung đầy đủ, trọn vẹn về Đại tường, mà như tên bài thơ, chỉ là nét phác thảo con người ở một thời gian nhất định. Già thì ai cũng phải ra đi. Trước cái chết mọi linh hồn đều bình đẳng, không còn phân cao- thấp, tội - công, bên này- bên nọ…Tất cả đã và sẽ “đi về miền cát bụi phía trời xa” trong một “cuộc hành trình khép kín/ giữa hai đầu điểm đi và điểm đến”
          Đại tướng về già cũng giống như những người cao tuổi khác. Tác giả tế nhị thay thế từ “già” bằng những từ ngữ chỉ ra những đặc điểm tuổi ấy: “Hoàng hôn”, “lần theo dấu gậy”, “đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy”, “lại như đứa trẻ/ nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây”, “chân chồn gối mỏi”, “nhớ nhớ với quên quên”…
          Lại nữa, câu thơ “Trong góc vườn mùa thu/ Cây lá cũng như Ông lặng lẽ” là một quan sát tinh tế, thể hiện đây là một con người nhiều khi cô đơn. (Lưu ý là dù đầy đủ, sum vầy đến đâu thì thiên tài và nghệ sĩ thường là những người cô đơn) Nỗi niềm Đại tướng lúc này chỉ có thể sẻ chia được với cây lá trong vườn. Chúng là tri âm, tri kỉ với Ông. Lại chợt nhớ tới câu thơ của Lí Bạch: “Tương khán lưỡng bất yếm/ Duy hữu Kính Đình sơn” (Nhìn nhau mà không biết chán/ Chỉ có ta và núi Kính Đình). Câu thơ của Nguyễn Du: “An ủi cả đời người chỉ có vầng trăng sáng”. Những tâm hồn lớn gặp nhau là ở điểm ấy!
          Nhưng con người khi về già tưởng như nhỏ nhoi cô đơn ấy còn mang trong mình một khối năng lượng khổng lồ, như “núi lửa trong tuyết lạnh”. Ông “đi qua hai cuộc chiến tranh” và “đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù”. Tác giả hình dung nếu “ru giấc mơ của vị tướng già” thì sẽ có cả “tiếng khóc xen tiếng cười nức nở”.
          Con người vĩ đại này đã một chân “đặt vào lịch sử” cũng lại là một con người nặng lòng với đời sống, trần thế và nhân văn. Câu thơ “Một chân còn vương vấn với mùa thu” nói lên điều này.
          Và tôi tin những lời lẽ trên đây cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi “Vị tướng già”
                                                               PK 8.10.13

                                                                   C.A.Đ


7 tháng 10, 2013

Vì sao anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

                                                                    Uông Ngọc Dậu (VOV)

Những ngày này, nhân dân, chiến sỹ cả nước, kiều bào và bạn bè quốc tế thêm một lần ngưỡng mộ và tỏ lòng tiếc thương vị tướng tài danh, trọn đời vì nước vì dân, trọn đạo làm tướng với vẹn toàn tài đức Nhân, Dũng, Trí, Tín, Liêm, Trung,người góp phần xây nên thời đại Hồ Chí Minh, người làm sáng danh dân tộc Việt Nam… Thắp nén hương trước anh linh Đại tướng, chúng ta lại suy ngẫm: Vì sao…vì sao  Anh Văn-Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Vì sao từ một giáo sư sử học, một nhà báo, tức” quan văn”, chưa qua trường lớp quân sự, lại trở thành vị tướng cầm quân tài ba, kiệt xuất, đánh thắng nhiều đội quân xâm lược, đánh bại 10 đại tướng đối phương, trở thành danh tướng của mọi thời đại?
Vì sao cái tên Võ Nguyên Giáp lại trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam, biểu tượng của chiến thắng và nhân nghĩa, hoà bình? Ở thế kỷ hai mươi, với các quốc gia thuộc địa, dân tộc bị áp bức, với thế giới yêu chuộng hòa bình, cái tên Võ Nguyên Giáp luôn được cất lên cùng với Việt Nam, Hồ Chí Minh?
Vì sao một vị tướng cầm quân đánh giặc không chỉ được quân đội và nhân dân đất nước mình tin yêu, kính trọng, mà kể cả đối phương-kẻ thù cũng nể phục, ngưỡng mộ?
Vì sao một vị tướng trải qua bao trận mạc, thi gan đấu trí, bố trận bày binh, điều quân khiển tướng, chiến thắng lẫy lừng, oai phong hào sảng, mà giữa những biến thiên thế sự, vẫn điềm tĩnh, khiêm nhường, vẫn hồn hậu, thư thái và nỗi niềm yêu nước thương dân vẫn “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”? Vì sao một con người khi đang sống, được mọi tầng lớp nhân dân, tướng lĩnh, binh sỹ một mực kính quý, tôn thờ? Một con người bằng xương bằng thịt, khi chưa mất đã hiển thánh trong lòng dân?
Từ tình thế dân tộc, từ tình thế  cuộc cách mạng trong tương lai, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ không ai khác, nhìn ra tư chất bẩm sinh con nhà Tướng trong cái gốc Văn của Võ Nguyên Giáp, và tuyệt đối tin tưởng trao sứ mệnh chỉ huy đội quân vũ trang cách mạng cho con người vóc dáng thư sinh nho nhã này…
Nhưng sâu xa hơn, lịch sử dân tộc Việt Nam trong quá khứ và vận nước lúc bấy giờ đã cùng chọn Võ Nguyên Giáp làm người cầm quân bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để làm nên những điều kỳ diệu cho dân tộc, và vượt ra ngoài khuôn khổ dân tộc! Tinh hoa, cốt cách tư tưởng quân sự Việt Nam, triết lý quân sự Việt Nam và đạo đức người làm tướng được kết tinh trong các bậc hiền tài tiền bối, được đúc kết qua hàng ngàn năm chống xâm lược, đã “nhập”vào con người Võ Nguyên Giáp.
Trên thế giới, bậc danh tướng của mọi thời đại võ công hiển hách, được tôn vinh, không hiếm. Nhưng bậc danh tướng văn võ song toàn, lại là nhà văn hóa lớn, như Võ Nguyên Giáp, phải nói là hiếm có.
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc có nhiều bậc tướng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…,mỗi người mỗi vẻ, đều là bậc tướng mưu lược, kỳ tài. Lịch sử dân tộc còn có con người văn võ song toàn, tài đức vẹn nguyên như Ức Trai Nguyễn Trãi…
Trong cách cầm quân chống giặc, tổ chức lực lượng, bố trận bày binh của Võ Nguyên Giáp, thấy rõ hồn cốt, tư tưởng triết lý quân sự của các bậc tiền bối, mà rõ nhất là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong cách an quân khích tướng, đối nhân xử thế, ứng xử với đối phương của Võ Nguyên Giáp, thấy lấp lánh tâm hồn cao thượng của bậc đại trượng phu, khai quốc công thần Ức Trai Nguyễn Trãi. Tinh thần của Hịch tướng sỹ, của Cáo bình Ngô  là thứ tâm pháp vô song. Tư tưởng ”lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”,”tâm công”,”an dân”…qua con người thông tuệ, ưu thời mẫn thế, yêu nước thương dân Võ Nguyên Giáp, thành thứ  binh pháp hiệu nghiệm, bách chiến bách thắng.
Có những bậc hiền tài khi về cõi vĩnh hằng, để lại cả một khoảng trống không thể bù đắp nổi. Nhưng, với CON NGƯỜI kiệt xuất- Anh Văn-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì không! Giá trị Võ Nguyên Giáp từ lâu đã thấm đẫm trong từng người dân nước Việt, trong đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Giá trị Võ Nguyên Giáp đã hòa vào giá trị Việt Nam, là giá trị, bản lĩnh Việt Nam.  Giá trị Võ Nguyên Giáp đã, đang và mãi mãi lan tỏa, hội tụ, nhân lên sức mạnh nhân nghĩa, nhân văn, sức mạnh lòng dân, sức mạnh Việt Nam, làm giàu thêm giá trị nhân loại.
Khi còn sống, Ông tâm niệm: Tôi sống ngày nào cũng vì nhân dân, vì đất nước. Giờ đây, ra đi, Ông vẫn không nguôi phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Cánh chim bằng Võ Nguyên Giáp không phải bay về nơi chín tầng trời. Cách chim không biết mệt mỏi ấy vẫn chao liệng đâu đó trên trên đại ngàn Trường Sơn, trên cánh rừng, đỉnh núi Việt Bắc, Tây Bắc, trên Biển Đông rộng lớn, trên dãy Hoành Sơn quê Ông…