9 tháng 10, 2013

Tiến về Hà Nội của Văn Cao

Kỉ niệm ngày giải phóng Thủ đô (10-10):    
            
                                                          Chử Anh Đào

          Văn Cao vừa là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ. Vì vậy nếu tách riêng các ca từ trong ca khúc của Ông thì đó là những bài thơ. “Tiến về Hà Nội” cũng là một trường hợp như vậy:
                   Trùng trùng quân đi như sóng
                   Lớp lớp đoàn quân tiến về
                   Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
                   Cờ ngày nào tung bay trên phố
                   Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
                   Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về
                   Cả cuộc đời tươi vui về đây
                   Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
                   Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng
                                                                             sương sớm long lanh
                   Chúng ta ươm lại hoa sắc hương phai ngày xa
                   Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
                   Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
                   Những xuân đời mỉm cười vui hát lên
                   Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
                   Như mùa xuân xuống cành, đường nghe gió về
                   Hà Nội bừng Tiến quân ca
          Quả vậy, chỉ đọc thôi, ta thấy những lời ca thật hoành tráng, reo vui, tinh khôi mới mẻ, đầy sức sống của đoàn quân chiến thắng, của cả dân tộc trở về thủ đô yêu dấu để dựng xây cuộc đời mới. Các điệp từ “trùng trùng”; các từ chỉ số nhiều “lớp lớp”, “đoàn quân”, “chúng ta”; những tính từ, danh từ, động từ tươi sáng “vinh quang”, “tươi vui”, “ngày mai”, “tương lai”, “mùa xuân”, “mỉm cười”, “vui hát”…đã nói lên điều đó. Ngoài ra tác giả còn sử dụng những so sánh tu từ nghệ thuật rất thành công: “quân đi như sóng”, “như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”, “như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về” gợi cho người đọc, người nghe những nhận thức mới và liên tưởng vang xa.
          Có người thắc mắc, khi vào tiếp quản Thủ đô ngày 9 tháng 9 năm 1954, quân ta với 3 tiểu đoàn chỉ theo ba hướng: ô Cầu Giấy, đường 6 qua cầu Mới, các công sở khu vực Việt Nam học xá, Đồn Thủy mà tác giả lại viết “Năm cửa ô đón mừng…” Ở đây cần hiểu “năm cửa ô” là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội!
          Số phận “Tiến về Hà Nội” cũng ba chìm bảy nổi, vinh quang và cay đắng như chính tác giả của nó. Sinh thời, Văn Cao kể rằng: cuối năm 1948, Ông được điều về Chi hội văn nghệ Việt Nam Liên khu 3. Nhiệm vụ trước mắt của Ông là sáng tác một bài hát về Hà Nội. Ông Lê Quang Đạo tin tưởng nói với tác giả: “Hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé” Hai tuần sau, mùa xuân 1949, Văn Cao đã hoàn thành tác phẩm này, in ở báo Thủ Đô. Mọi người rất thích, nhưng có một lãnh đạo bảo : chỉ được cái lạc quan tếu(!) Thế là “chim sơn ca im tiếng”. Nhưng 5 năm sau, trong ngày tiếp quản, “Tiến về Hà Nội” lại bất ngờ vang lên, Thành phố vỡ òa trong lời ca ngày chiến thắng.
          “Tiến về Hà Nội” cũng là một minh chứng hùng hồn về chức năng dự báo của nghệ thuật xưa nay./.
                                                                   PK 9.10.13

                                                                        C.A.Đ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới