30 tháng 9, 2013

Ở trong vùng bão lớn

Tôi về Đồng Hới ăn cưới con gái của chú em từ thứ 7 tuần trước. Hôm qua chủ nhật làm lễ bên nhà đằng gái, tức ở nhà chú em tôi rất suôn sẻ. Sáng nay đưa dâu xong  thì mưa to gió lớn của cơn bão số 10 ập đến. Thật là may mắn và hú vía. Chỉ cám cảnh cho họ nhà trai đang đứng dưới phông màn sặc sỡ nhìn mưa mịt mù và gió bão ngày càng mạnh lên. Mâm cỗ thì đã bày sẵn sàng, chỉ thiếu mỗi khách. Chuyến này chắc bên đó lỗ to. Mọi người lo chằng chéo nhà cửa chống bão, ai tâm trí đâu mà đi ăn cưới nữa.
Xong vụ cưới, tôi theo xe cô em gái định về làng Thọ Lộc tham gia chống bão với mạ tôi nhưng ra đến Hoàn Lão thì mưđã tối trời và gió quật quá mạnh, đành tấp lại nhà cô em gái là giáo viên ở thị trấn này tránh bão.
                                 Gió quất ràn rạt trong vườn nhà cô em gái ở Hoàn Lão


                                          Chú em rể đang chống bão 


 Chú em rể đang lo cây xoài to trước cửa sẽ đổ lên bờ tường hàng rào. Tôi bàn với chú là chặt ngay mấy cành cây to đi nhưng giờ thì không kịp nữa rồi.

Lâu ngày mới được ở trong vùng ảnh hưởng của một cơn bão lớn, nghe nói là sẽ mạnh ngang cơn bão Sansen số 6 năm nào từng làm chết hơn 300 người. Cơn  bão này sẽ quét từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, tâm bão nằm ở vùng vĩ tuyến 17. Vậy là Quảng Bình quê tôi sẽ ở trong vùng ảnh hưởng của cơn bão lớn đó. Tôi đang gõ những dòng này trong gió bão ràn rạt và mở to TV để cập nhật tình hình bão số 10. Chú em rể có kinh nghiệm chống bão dặn tôi: sắp cắt điện đấy, anh tranh thủ sạc điện thoại kẻo hết pin mất liên lạc với thế giới.  
Theo kế hoạch sáng mai tôi sẽ di chuyển vào Huế để bay chuyến chiều từ Huế vô lại Sài Gòn. (Ngày mai là thứ 3, sân bay Đồng Hới không có chuyến bay nào. Một sân bay mà 1 tuần chỉ có 3 ngày hoạt động, không lỗ mới lạ. Chỉ có ở xứ ta mới lãng phí như thế). Nhưng tình hình này không biết có thực hiện được kế  hoạch đó không. Vé khứ hồi thì đã sẵn trong túi rồi, giờ chỉ mong trời quang mây tạnh, mong cho cơn bão số 10 sớm đi qua.
Thiệt đúng là người tính không bằng trời tính. Nóng cả ruột.


24 tháng 9, 2013

Một khía cạnh nhỏ về tục ngữ Jrai

                                                                            Ths. Chử Anh Đào

  Trong khoảng mười năm trở lại đây, công việc sưu tầm văn nghệ dân gian Jrai, Bah nar nói chung và văn học dân gian của hai tộc người này nói riêng của các tác giả trong và ngoài tỉnh đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Các tuyển tập sử thi, truyện cổ, câu đố, phần lời dân ca…lần lượt được xuất bản. Riêng mảng tục ngữ, thành ngữ, theo chỗ chúng tôi biết, mới chỉ xuất hiện rải rác trong những công trình có những đối tượng nghiên cứu rộng lớn hơn hoăc trong các tài liệu giáo khoa song ngữ, chưa thành những chuyên khảo riêng biệt.
          Ai cũng biết sưu tầm, nghiên cứu folclore của một tộc người đòi hỏi nhiều công sức, phẩm chất: phải có tâm huyết, lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng, sự hi sinh…và một phương pháp làm việc khoa học, trung thực, nghiêm túc. Nhưng khi tiếp xúc với các tài liệu tục ngữ Jrai(*) thì tình hình không hoàn toàn như vậy. Đành rằng folclore của tộc người vừa mang bản sắc của dân tộc mình vừa mang tính phổ quát toàn nhân loại.Ví dụ về bài học đoàn kết, người Việt nói: Một cây làm chẳng nên non… người Jrai nói: Vỗ tay cần nhiều ngón; người Lào nói:  Một thanh củi nhóm bếp không cháy… Nhưng khi đọc tục ngữ Jrai, tôi có cảm giác như các tác giả dịch từ tục ngữ của người Việt sang chữ Jrai. Ví dụ ( đã dịch ra tiếng Việt):  Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ, Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa, Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì, ăn vóc học hay, học hay cày(?) giỏi, Tốt gỗ hơn tốt nước sơn(?)…Vậy yếu tố nào đã làm nên cái độc đáo, cái bản sắc không trộn lẫn giưa tục ngữ của dân tộc này với tục ngữ của dân tộc khác? Theo chúng tôi, đó chính là ở hệ thống hình  tượng riêng biệt, lối so sánh ví von và các biện pháp tu từ ngữ nghĩa khác( ẩn dụ, nhân hóa, tượng trưng…) gần gũi với đời sống hàng nghìn năm của dân tộc mình. Ví dụ, sau đây là những câu tục ngữ của người Jrai tôi sưu tầm được qua điền dã và đã học tập, vận dụng chúng vào trong các tác phẩm của mình hơn ba chục năm qua. Chủ quan mà nói, chúng có tinh “bản địa” hơn những câu trong tài liệu đã dẫn:
                   - Nhổ nước miếng chưa khỏi bếp.
                   - Muốn nhổ nước miếng phải nhìn chỗ
                   - Mắt còn giăng đầy mạng nhện
                   - Nghèo xơ như bã quả chanh
                   - Nghèo dính như bã quả sung
                   - ( Của cải) con gà trống ăn không đủ một bọc diều
                   - Đầu đen máu đỏ
                   - Dẻo như con rắn trong hang
                   - Ngực mới nhú như trái Ktang
                   - Nắng vỡ ống tre Mơ ô
                   - Núi đá thở ra khói
                   - Bụng cồn cào như thác xoáy
                   - Vui như có con chim cúc cù đang hót ( chim út út)
                   - Mắt xoay chong chóng
                   - Một tai thỏ, một tai chó
                   - Một mắt nhìn phía Đông, một mắt nhìn phía Tây
                   - Đẹp ( ngọt) như nước trong bầu
                   - Nguồn đục, nước dòng không trong
                   - Lòng dài như sông
                   - Bụng rộng như núi
                   - Gà ngủ, chồn không ngủ
                   - Chiêng treo bếp lửa ( tình thế nguy ngập)
                   - Vang như chiêng Lào ( chiêng tốt, quí)
                   - Im như tượng mồ
                   - Buồn như khu nhà mồ đã bỏ
                   - Rối như bó sợi gai trước gió
                   - Héo như tàu thuốc lá ngoài nắng
                   - Tua khố như tàu thuốc lá héo ( rách nát)
                   - Muốn làm con nai ăn sẵn lộc đồi tranh
                   - Rượu sếp vành tai lại( rượu mạnh)
                   - Ngọt như bắp sữa ngậm cờ
                   - Một con mắt đau, con kia nhấp nháy
                   - Như thanh gỗ mục không lát nổi sàn ngoài
                   - Như rựa chém xuống đá
                   - Như sấm gọi núi đá
                   - Như con dúi chuyên đi đào lỗ
                   - Như con chuột thối chí trong hang
                   - Như bị tát nước ớt vào mặt, bị đổ nước cà vào mũi
                   - Như gốc cây đã mục, đã khô
                   - Rỗng như cái gùi thủng
                   - Vỗ tay cần nhiều ngón
                   - Nhiều như con vắt trên rừng
                   - Buồn như con vượn ốm lạc đàn
                   - Buồn như con nai con sập bẫy
                   - Như vừa uống xong một chum rượu
                   - Con mang giật mình vì phân nó ( rơi trúng gót chân- hèn nhát)
                   - Rễ người dài
                   - Được thỏ đừng quên chó
                   - Hổ ra khỏi rừng gặp chó cũng phải chào
                   …  …
          Trong giao tiếp và sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, người ta rất cần vận dụng  tục ngữ, thành ngữ. Vận dụng nhuần nhuyễn sẽ làm cho nội dung thông báo thêm hàm súc, sức thuyết phục và giá trị thẩm mĩ.
                                                                   C.A.Đ

  (*) “Tơ lơi Duai Jrai”; Dự án UNICEF; Sở GD&ĐT Gia Lai; Plei Ku, 8-2013 (Bản thảo đã nghiệm thu).




23 tháng 9, 2013

Tiếng Việt

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ 
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn 
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá 
Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình...

Người ta cứ nói nhiều về kịch Lưu Quang Vũ nhưng tôi lại sửng sốt khi đọc bài thơ Tiếng Việt của anh. Đọc xong tôi cứ nghĩ mãi: Lưu Quang Vũ thực sự là một nghệ sĩ tài hoa và yêu nước. Bài thơ này nếu có mặt ở trong chương trình văn cấp 3 thì thật xứng đáng. Sao những người có trách nhiệm không đưa nó vào chương trình văn cấp 3 nhỉ.  Khổ nào cũng hay, câu nào cũng hay, từ ngữ nào cũng hay. Mỗi câu thơ là một hạt ngọc lấp lánh. Cả bài thơ là một chuỗi ngọc lung linh. Nếu đọc to bài thơ ta sẽ nghe như đang hát bởi bài thơ quá giàu nhạc tính và âm điệu thì quá đỗi du dương. Nếu đặt kho tàng kịch đồ sộ và những bài thơ cũng rất hay khác của Lưu Quang Vũ sang một bên, anh vẫn đủ để xứng đáng là một thiên tài thơ, xứng đáng là một nhà yêu nước chỉ với một bài thơ Tiếng Việt.

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm 
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về 
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm 
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre. 

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng 
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya 
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng 
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê. 

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa 
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi 
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ 
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời. 

"Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt..." 
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương 
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót 
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng. 

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói 
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ 
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa 
Óng tre ngà và mềm mại như tơ. 

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát 
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh 
Như gió nước không thể nào nắm bắt 
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh. 

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy 
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn 
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối 
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường. 

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng 
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta 
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất 
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già. 

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng 
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi 
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán 
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời. 

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng 
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi 
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người 
Như tiếng sáo, như dây đàn máu nhỏ. 

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ 
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay 
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay 
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt. 

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết 
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi 
Như vị muối chung lòng biển mặn 
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời. 

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất 
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu 
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt 
Ai người sau nói tiếp những lời yêu ? 

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển 
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya ? 
Ai ở phía bên kia cầm súng khác 
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về. 

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ 
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn 
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá 
Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình...

            Lưu Quang Vũ







17 tháng 9, 2013

Không ai sợ ai

Trong một cuộc gặp gỡ thân tình, một nhà giáo lão thành đã có một nhận xét về mối quan hệ giữa người dân và chính quyền mà càng ngẫm tôi càng thấy thú vị: Trên thế giới này có một nơi mà người dân sợ chính phủ nhất, đó là Trung Quốc, bởi với lịch sử 4 ngàn năm phong kiến Trung Hoa thì chính phủ dù là nhân danh cộng sản cũng chẳng khác gì  triều đình vua quan Tần Thủy hoàng ngày trước, dân ngóc đầu lên chống đối thì chúng sẵn sàng dùng xích xe tăng nghiền nát hết, không sợ mới lạ. Ngược lại, ở Thái Lan là nơi mà chính phủ lại sợ dân nhất. Gì chứ dân Thái mà đã mặc áo đỏ áo vàng và xuống đường với hàng vạn người thì chính phủ chỉ có nước chết, không sụp đổ mới lạ. Trong lúc đó thì có một nơi mà chẳng ai sợ ai cả, đó là Việt Nam – dân không sợ chính phủ, chính phủ cũng chẳng ngán gì dân. Cũng là một sự lạ của thế giới. 
Mấy bữa nay xem đi xem lại hình ảnh được phát nhiều lần trên VTV cảnh ngày 4/9 mới rồi, hàng ngàn giáo dân giáo xứ Mỹ Yên kéo lên trụ sở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An mang theo băng rôn, khẩu hiệu với nội dung phản đối chính quyền bắt giữ người trái pháp luật, đồng thời dùng số đông ném  gạch đá gây sức ép với chính quyền và bao vây, hành hung khống chế 6 cán bộ chính quyền huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương ngay tại phòng làm việc trong trụ sở xã, khung cảnh hừng hực nhìn cứ như là lại có một phong trào xô viết Nghệ Tĩnh mới,  tôi càng thấy nhận xét của nhà giáo trên là vô cùng đúng.
Vấn đề đặt ra là do đâu trên đất nước ta lại có tình trạng quân hồi vô phèng như vậy. 



                                       Ảnh từ vov.vn

Còn tiếp……



11 tháng 9, 2013

Một sẻ chia từ thế giới mạng

Đây là một mẩu chuyện thật:
Bạn tôi mở ngăn tủ của vợ mình
                                           và lấy ra một gói nhỏ…
Gói kỹ càng trong lớp giấy lụa
Anh bảo: Đây không phải là gói đồ bình thường,
đây là một chiếc áo lót thật đẹp
Anh vứt lớp giấy bọc
                                 và lấy ra chiếc áo lót mịn màng
Tôi mua chiếc áo này tặng cô ấy, lần đầu tiên
 chúng tôi sang New York, cách đây 8 - 9 năm rồi,
 nhưng cô ấy chưa bao giờ mặc!
Cô ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt.
Vậy thì hôm nay, tôi nghĩ là dịp đặc biệt nhất rồi
Anh đến cạnh giường
                     và đặt gói áo ấy cạnh những món đồ
mà tí nữa sẽ được bỏ vào áo quan mà liệm
Vợ anh vừa mới qua đời. 
Quay sang tôi, anh bảo: Đừng bao giờ giữ lại
một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả.
Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi!
Tôi suy đi nghĩ lại câu nói này,
Và nó đã thay đổi cuộc đời tôi.
Hiện nay tôi đọc sách nhiều hơn trước
và bớt dọn dẹp nhà cửa.
Tôi ngồi trước mái hiên mà ngắm cảnh
chứ không buồn để ý đến cỏ dại mọc trong vườn.
Tôi dành nhiều thì giờ cho
gia đình và bạn hữu hơn là cho công việc.
Tôi hiểu rằng cuộc đời là những cảm nghiệm
mình cần phải nếm.
Từ ngày ấy, tôi không còn cất giữ một cái gì nữa. 
Tôi đem bộ ly pha lê ra sử dụng mỗi ngày;
tôi mặc áo mới để đi siêu thị,
nếu mình bỗng thấy thích.
Tôi không cần dành nước hoa hảo hạng
cho những ngày đại lễ,
tôi xức nước hoa khi nào mình thấy thích.
Những cụm từ như “một ngày gần đây” và
“hôm  nào” đang bị loại khỏi vốn từ vựng của tôi
Điều gì đáng bỏ công, thì tôi muốn xem,
muốn nghe, muốn làm ngay bây giờ.
Tôi không biết chắc là vợ của bạn tôi hẳn sẽ làm gì
nếu cô ấy biết trước rằng mai đây mình không còn
 sống nữa.
  (một ngày mai mà tất cả chúng ta xem thường)
Tôi nghĩ rằng cô ấy hẳn sẽ mời mọi người trong
gia đình, mời bạn bè thân thích  đến.
Có thể cô sẽ điện cho vài người bạn cũ và làm hòa
hay xin lỗi về một chuyện bất hòa trước đây. 
Tôi đoán rằng cô ấy sẽ đi ăn các món Tàu
(vì cô rất  thích ăn đồ Tàu!)  
Chính những chuyện vặt vãnh mà tôi chưa làm
khiến cho tôi áy náy,
nếu tôi biết rằng thì giờ tôi còn rất có hạn.
Tôi sẽ rất áy náy vì không đi thăm một vài người
bạn mình cần phải gặp mà cứ hẹn lần hồi.
Áy náy vì không nói thường hơn với những người
thân của mình rằng mình yêu thương họ.
Áy náy vì chưa viết những lá thư
mà mình dự định ‘hôm nào’ sẽ viết.
Giờ đây, tôi không chần chờ gì nữa,
tôi không hẹn lại và không cất giữ điều gì có thể
đem lại niềm vui và nụ cười cho cuộc sống chúng tôi.
Tôi tự nhủ rằng mỗi ngày là một ngày đặc biệt.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều đặc biệt cả.
Nếu bạn nhận được thư này,
ấy là vì có một ai muốn điều hay cho bạn,
và vì bạn cũng có quanh mình
những người bạn quý yêu.
Nếu bạn quá bận đến độ không thể dành ra vài phút
gửi đến cho ai khác và tự nhủ:
mai mốt tôi sẽ gửi thì mai mốt đó có thể là một
ngày thật xa hoặc là bạn không bao giờ gửi được.
Tôi chép lại câu chuyện với các hình ảnh sưu tầm được
Chúc bạn một ngày vui

Sưu tầm và gửi đến: Đỗ Thị Kim Liên


9 tháng 9, 2013

Khúc vĩ thanh viết nốt

Phải nói rằng chuyến trở lại Lăng Thành và Quỳnh Thạch của tôi nhân cuộc họp lớp mới rồi là chuyến trở về với những kỉ niệm của tuổi xanh gian nan mà mơ mộng.
Khi vào đến điạ hạt làng Lăng Thành, cái cổng làng đồ sộ cổ kính xây bằng gạch nơi mà vào tối ngày 10 tháng 9 năm 72 tôi và Ngọc cùng nhiều bạn bè trong lớp trong khoa đã đi qua lần cuối cùng để nhập ngũ ấy nay không còn chút vết tích gì. Chỉ còn lại một cây đa con con mới trồng thế chỗ cho cây đa già một thời rủ bóng mát xuống cổng làng đứng trơ trọi không để lại ấn tượng gì.
Về đến đây thì anh phó phòng Giáo dục gọi thêm một hướng dẫn viên nữa là Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Lăng Thành đưa chúng tôi ra thăm ngôi đình làng đang được trùng tu bằng kinh phí nhà nước. Ngôi đình vẫn giữ nguyên dáng vẻ bề thế ngày xưa ấy bây giờ gần như nằm hẳn ra rìa làng, nằm hẳn ra ngoài cánh đồng. Có khoảng chục người thợ đang nhẩn nha xây dựng, lát lại sân đình, xây lại bờ tường… gọi là trùng tu. Vẫn những hàng cột đình to ôm không xuể, vẫn những vì kèo chạm trổ cách nay đã hơn 40 năm với mái ngói vẩy như ngày xưa nhưng sao tôi không thấy nó uy nghi và huyền bí như thời tôi còn sơ tán ở đây nữa, hay là bởi màu ngói trùng tu bây giờ tươi mới quá! 

 Con đường nối từ bờ đê vào thẳng làng Lăng Thành. Nơi tối 10-9-1972 bạn bè tiễn chúng tôi nhập ngũ


Làng Lăng Thành nhìn qua cánh đồng đang vào mùa gặt hái


       Ngôi đình cổ làng Lăng Thành với mái ngói đỏ tươi


           Phút ngẫu hứng của Lê Văn Ngọ bên hàng cột đình xưa 


Trái sang: Thành (Hiệu trưởng trường THCS Lăng Thành), Nga, Ngọ, Ngọc


                       Trái sang: Thành, Nga, Ngọ, Ngọc, Sơn

Rời Yên Thành chúng tôi bon ra quốc lộ 1 để về Quỳnh Lưu. Xe qua thị trấn Cầu Giát tôi cố hình dung ra cái cửa hàng ăn uống quốc doanh Cầu Giát với món chè hoa cau nổi tiếng mỗi bát chỉ 3 hào khiến chúng tôi mỗi sáng chủ nhật cuốc bộ 5-6 cây số từ làng Quỳnh Thạch lên ăn mỗi thằng chỉ đúng một bát mà miệng vẫn thòm thèm đến mức có thể ăn thêm 9 bát nữa vẫn không chán. Nhưng tất cả chẳng còn vết tích gì. Đường phố rộng hơn, nhà cao tầng hơn. Kỉ niệm chỉ còn là dĩ vãng.
Phải sau vài ba lần quay đầu xe thụt lui thụt tới, chúng tôi mới tìm ra đường rẽ từ quốc lộ 1 vô làng Quỳnh Thạch. Vẫn con đường ven làng nơi 42 năm trước mỗi sớm mỗi chiều chúng tôi rời nhà trọ đi học và lên nhà ăn của khoa ngày hai bữa nhưng nay đã là đường bê tông phẳng lì và đủ rộng cho xe chạy thoải mái.
Hỏi thăm mãi tôi mới tìm ra căn nhà mà tôi và Nguyễn Khắc Chi đã ở trọ hồi mới nhập trường vô năm nhất tháng 9 năm 71. Hồi đó, thằng SV năm nhất là tôi vô đại học khi mới 17 tuổi, được phân vô ở nhà trọ này, chủ nhà là bác thợ mộc hiền lành khoảng 60 tuổi nuôi một thằng cháu nội tên là cu Dĩnh khoảng 12 tuổi học lớp 5 hay 6 gì đó. Bác chủ nhà chỉ có một yêu cầu với tôi và Chi là hai chú không phải làm gì hết, chỉ mong hai chú hằng ngày chỉ vẻ cho thằng cháu nội tui học bài là tốt rồi. Tưởng gì, việc đó dễ ợt. Nói vậy chứ thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi gánh nước từ cái giếng làng ngoài đồng về đổ đầy cái bể nước xi măng nhỏ ngoài sân. Tôi không biết gánh nên đảm nhận việc múc nước còn Chi là dân làng quê Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình nên quảy đôi thùng gánh nước rất thành thạo. Chỉ 3 gánh là đầy. 
Bây giờ sau 42 năm đã đi qua, ngồi trong căn nhà trọ xưa cũ, chẳng ai nhớ ra tôi và tôi cũng chẳng nhận ra ai nữa. Cứ như là chuyện Từ Thức rời chốn động tiên về thăm làng cũ sau 80 năm trần thế thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi đồi đồng ruộng là vẫn không thay đổi sắc biếc mầu xanh thuở nọ.
Nhưng mà vậy cũng là thỏa mãn cho tôi lắm rồi, một tên hay sống với hồi ức và ưa hoài cổ. Tôi cảm ơn Ngọc - Nga lắm, cảm ơn cả Ngọ nữa với chuyến trở về thuở ngày xưa này.
Rời Quỳnh Thạch, chúng tôi đi tiếp ra Hoàng Mai thăm một bạn học cùng lớp khóa 12 với Ngọc, Ngọ và tôi là Nguyễn Xuân Tùng, một người thật việc thật đã mấy lần đi vào trong những bài viết và truyện ngắn của tôi và Chử Anh Đào. Tại đây, nhờ sự có mặt của quan đốc học Ngọ nên cả bọn lại được dự thêm một bữa tiệc chiều thịnh soạn nữa do Trưởng phòng GD và đào tạo cùng phó bí thư thị trấn Hoàng Mai chiêu đãi. 

Làng Quỳnh Thạch nhìn từ QL 1 qua cánh đồng. Xe Ngọc-Nga đang chạy trên đường làng còn tôi và Ngọ thì xuống xe đi bộ vào. 


                               Đường ven làng Quỳnh Thạch

Về lại đến Vinh đã hơn 8 giờ tối. Do đã có hẹn trước với một người bạn nữa cũng thân thiết là anh Nguyễn Huỳnh Phán nên dù đã thấm mệt mỏi, tôi vẫn tìm đến nhà anh chơi bởi sáng mai đã phải trở lại Sài Gòn rồi. Cả hai vợ chồng Phán – Hà đã đợi sẵn với một chai Mao đài chưa khui và mấy quả bưởi Phúc Trạch ngọt lịm. Chuyện trò rôm rả đến hơn 11 giờ khuya tôi mới từ biệt Nguyễn Huỳnh Phán ra về với hộp quà là một bộ bình trà gốm sứ Bát Tràng có in logo và dòng chữ của Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ mới do anh làm Viện trưởng.
Có lẽ phải ở hẳn 1 tuần tôi mới có thể gặp gỡ hết những bạn bè cần gặp ở Vinh được. Nhưng với tôi vậy cũng là mãn nguyện lắm rồi.  

                                     Với PGS. Nguyễn Huỳnh Phán



                 Thị trấn Chợ Dinh-huyện lị Yên Thành ngày nay


                  Xin chào và hẹn gặp lại (Ảnh: Trung Ngọc)

        

4 tháng 9, 2013

Sau hội đố bạn

                                          Trưởng BTC Nguyễn Trung Ngọc
     
Tổng kết Hội lớp tôi nhận ra một người đạt kỉ lục của kỉ lục, thật là hiếm có, cả thời kì 2 giỏi (chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) chưa chắc đã có ai theo kịp. Đố bạn biết người đó nằm ở dòng thứ mấy trong bài "Điểm danh" của Trần Anh Hào.
     Người này đã dành luôn 16 kỉ lục trong chuyến Hội lớp vừa qua (ai phát hiện thêm xin bổ sung cho):                                                        
1/ Người đến Hội sớm nhất  
2/ Người rời Hội muộn nhất                                                                        
3/ Người đi Hội (tham gia Hội) dài nhất (Kể ra 2 cái trên dĩ nhiên đẻ ra cái thứ 3 này nhưng cứ tính theo kiểu Việt Nam quảng cáo Hạ Long cho giàu kỉ lục thêm)                                          
4/ Người xa vợ trong dịp Hội nhiều ngày nhất (chả là vợ anh ta về quê trước đó cả chục ngày và mãi tận 7/9 mới về; nghĩa là trai giới rất sạch sẽ để đi Hội)                                                
5/ Người qua Hội gặp nhiều bạn nhất (Cả K12 nữa mà)                           
6/ Người được đưa đón bằng xe mới nhất (xe chạy rôđa chưa hết, UVBCT chắc cũng khó được thế)                                                      
7/ Thăm thú được nhiều nơi nhất (đi cả Yên Thành, Quỳnh Lưu mà)       
8/ Vượt chặng đường xa nhất (Sài Gòn - Vinh)                                         
9/ Xuất hiện trong ống kính nhiều nhất (Kể cả camera, nhiều bạn chưa thấy đâu)                                                                                  
10/ Cười nhiều trong ảnh nhất                                                                  
11/ Ngồi tiệc nhiều nhất (cả vụ Yên Thành và Quỳnh Lưu nữa; mục này thì vợ chồng Ngọc - Nga cũng sánh tày nhưng nhường luôn cho đoàn kết)          
12/ Đi Hội bằng phương tiện sang nhất (máy bay)                                    
13/ Phát biểu dài nhất                                                                                 
14/ Tóc bạc nhất (Điều này thì anh Cao Phú cũng không thua nhưng ảnh bảo nhường luôn)                                                                  
15/ Dùng quà lễ hội sớm nhất (bằng chứng là trong bức ảnh ra sân bay Vinh thấy mang cái túi Mĩ AIA)                                                       
Và 1 kỉ lục nữa nhiều người khó nhận ra, cả vợ con ông chắc cũng bất ngờ, Thưa các bạn, kỉ lục đó là...                                        


16/ Nhắc...đến...vợ...nhiều nhất (lợi dụng được giới thiệu phát biểu, nhân vật của chúng ta đã say sưa kể về vụ chị Liên, chị Hải đã tác thành cho đôi lứa họ như thế nào và NTN thì hét lên: cả tôi nữa chứ! Lần ấy chính tôi đã bảo ông hãy đi đi; chao ôi là vui).
 Xin BTC đặt giải thưởng cho ai phát hiện thêm