1 tháng 9, 2013

Từ tư duy nhiệm kỳ đến dấu ấn vượt thời gian

                                                    Uông Ngọc Dậu/VOV1

Trong lịch sử ngàn năm dựng và giữ nước, nhiều triều đại đã để lại dấu ấn bảo vệ bờ cõi, chống ngoại xâm và canh tân đất nước.

68 năm đã qua, kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 68 năm, ánh hào quang của cuộc Cách mạng tháng Tám luôn soi rọi, cổ vũ dân tộc ta, dẫn dắt dân tộc ta làm nên những dấu son lịch sử.
Thành tựu 68 năm qua là to lớn, nhưng so với khát vọng, hoài bão của cả dân tộc từng đem xương máu dành và giữ nền độc lập để “bước đến đài vinh quang”, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, thì thành tựu ấy, sau 68 năm nhìn lại, thật chưa tương xứng.


          Tác giả Uông Ngọc Dậu trong một chuyến công tác ra Trường Sa

68 năm, so với lịch sử ngàn năm là ngắn, nhưng so với nhịp đi thời hiện đại, lại là khoảng thời gian vật chất đáng kể, đủ cho một quốc gia, một dân tộc tạo nên dấu ấn đột khởi, làm nên những đổi thay thần kỳ.
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực, nhìn rộng ra các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia cùng điểm xuất phát, từng trải qua các cuộc thiên tai địch họa nghiêm trọng, tàn khốc, chúng ta không khó để nhận ra rằng, họ đã tiến xa hơn chúng ta nhiều lần. Đất nước ta, so với họ, còn một khoảng cách rất xa để có thể so vai, sánh bước, bằng chị bằng em.
Rõ ràng sau 68 năm, cơ sở vật chất đất nước ta vẫn nhiều phần nghèo nàn, lạc hậu, thua kém bạn bè; đời sống một bộ phận người dân còn nhiều bề khốn khó; miền xuôi- miền ngược, đô thị- nông thôn, kẻ giàu- người nghèo là một khoảng cách khá xa về mức sống; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn ở bước đầu ngổn ngang của thời kỳ quá độ…
Bây giờ là lúc chúng ta phải biết mình đang ở đâu giữa thế giới bao la và năng động này! Chính là lúc mỗi người, từ dân thường đến vị công bộc ở vị trí lãnh đạo quốc gia, hãy ngày ngày tự vấn, biết tự hào và biết xấu hổ! Đã đến lúc chấm dứt điệp khúc “ăn mày dĩ vãng”, bòn mót quá khứ để khỏa lấp sự yếu kém của mình trong hiện tại. Không thể cứ đổ lỗi mãi cho sự nghèo đói, tụt hậu bằng nguyên nhân chiến tranh, thiên tai, bão lụt.
Tinh thần Cách mạng tháng Tám cổ vũ chúng ta hãy nhìn rõ, nói chính xác nguyên nhân của mọi nguyên nhân là CON NGƯỜI. Mọi sự thành bại đều ở con người, do con người. Con người trí lự, đức trọng, tài cao, yêu nước thương dân, dù ở vị trí, lĩnh vực nào cũng thể hiện bản lĩnh không chịu để dân tộc mình thua kém, yếu hèn.

Nước nổi, thuyền lên. Nước mạnh, dân giàu, gia đình, bản thân cũng được hưởng lộc nước phúc dân, một đời yên ấm. Trái lại, con người tham lam, ích kỷ, coi trọng lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, chăm chăm thu vén để vinh thân phì gia, thì không chỉ làm đất nước suy yếu về kinh tế, mà còn khiến đạo đức băng hoại, quốc thể ô danh, làm sao nhân dân coi trọng!
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhiều triều đại, với nhiều bậc lương đống, hiền tài để lại dấu ấn sáng chói trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi, chống ngoại xâm và canh tân đất nước, được lịch sử khắc ghi, được nhân dân tôn thờ. Cũng không ít triều đại như cái bóng mờ trong lịch sử, công đức mỏng manh, muôn đời bị nhân dân khinh rẻ.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, còn đó không ít những vị công bộc hiền tài, chung tay chèo lái con thuyền đất nước vượt qua bao đận thác ghềnh gian khó; còn đó bao vị tướng lĩnh lập chiến công hiển hách, nhân dân ngợi khen, kẻ thù nể phục; còn đó những nhân sỹ, trí thức ghi dấu ấn qua từng kế sách, tác phẩm sáng tạo vượt qua không gian, thời gian…
Mỗi con người trong cuộc đời cần để lại một dấu ấn tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng, làng xã. Mỗi công bộc của dân trong một nhiệm kỳ càng cần tạo nên một sự đổi thay, một dấu ấn sâu sắc, hơn hẳn, làm đổi thay tích cực lĩnh vực công việc của mình.

Trăm sông đổ vào biển. Cả triệu công bộc ý thức và hành động như thế, làm sao đất nước có thể thua chị kém em!
Cán bộ nào, phong trào ấy! Thành quả của đất nước, của từng ngành, từng địa phương hôm nay ghi dấu ấn của mỗi cá nhân và tập thể cán bộ của ngành ấy, địa phương ấy.
Từ tư duy nhiệm kỳ hẹp hòi chăm chăm vì mục tiêu yên vị, giữ ghế và thu lợi, hãy tự vấn và chuyển hóa thành hành động tạo nên mốc son, dấu ấn tích cực, tạo động lực phát triển lâu bền cho đất nước. Đấy chính là hành động tích cực tiếp thêm nguồn năng lượng cho ánh hào quang tinh thần Cách mạng tháng Tám: Tinh thần của khát vọng độc lập, khát vọng đổi thay, khát vọng sánh vai cùng bạn bè năm châu bốn biển!./.

10 nhận xét:

  1. Đúng là vô tội vạ, viết Zdậy mà không phải zdây đâu.Cố lên em à,...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mệnh đề này rất đươc, vì nó thật:
      "Mỗi con người trong cuộc đời cần để lại một dấu ấn tốt đẹp cho gia đình, cộng đồng, làng xã. Mỗi công bộc của dân trong một nhiệm kỳ càng cần tạo nên một sự đổi thay, một dấu ấn sâu sắc, hơn hẳn, làm đổi thay tích cực lĩnh vực công việc của mình.

      Trăm sông đổ vào biển. Cả triệu công bộc ý thức và hành động như thế, làm sao đất nước có thể thua chị kém em!"

      Xóa
    2. Chiến ơi, hồi sáng anh Cao Phú nhờ đứa cháu mở được blog, đọc được bài viết của ông, xem được nhiều ảnh, ảnh sướng lắm gọi điện vô nói chuyện với mình thật dài nhé.

      Xóa
  2. Đọc bài Dậu mình thấy được chân dung một trí thức chân chính đang "ẩn giữa triều đình"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái đó gọi là gặp thời thế thế thời phải thế.

      Xóa
  3. Ổng có gọi cho tôi bảo ông đọc hết mấy bài của các ông mà "sướng" không cầm được nước mắt,hẹn năm sau gặp lại sẽ có nhiều chuyện vui hơn, hy vọng thế.
    Nói chuyện với Dậu biết là nó đi nhiều biết lắm và biết "né tránh để tồn tại" trong cái thế giới hổ mang ấy. Báí phục tuổi trẻ "tài cao đức dày" mấy ông nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vụ họp lớp mới rồi anh Cao Phú là đã nhất.
      Ông đang ở Hà Nội à.

      Xóa
  4. toi ra Hn co ty viec rieng,muon giai cho xong moi chuyen o a.

    Trả lờiXóa
  5. MỘT BÀI BÌNH LUẬN ĐÀNG HOÀNG TRÊN VOV.
    CU VINH TUESDAY, SEPTEMBER 3, 2013


    Trích" Rõ ràng sau 68 năm, cơ sở vật chất đất nước ta vẫn nhiều phần nghèo nàn, lạc hậu, thua kém bạn bè; đời sống một bộ phận người dân còn nhiều bề khốn khó; miền xuôi- miền ngược, đô thị- nông thôn, kẻ giàu- người nghèo là một khoảng cách khá xa về mức sống; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn ở bước đầu ngổn ngang của thời kỳ quá độ…

    Bây giờ là lúc chúng ta phải biết mình đang ở đâu giữa thế giới bao la và năng động này! Chính là lúc mỗi người, từ dân thường đến vị công bộc ở vị trí lãnh đạo quốc gia, hãy ngày ngày tự vấn, biết tự hào và biết xấu hổ! Đã đến lúc chấm dứt điệp khúc “ăn mày dĩ vãng”, bòn mót quá khứ để khỏa lấp sự yếu kém của mình trong hiện tại. Không thể cứ đổ lỗi mãi cho sự nghèo đói, tụt hậu bằng nguyên nhân chiến tranh, thiên tai, bão lụt. ..."
    Nguồn: http://vov.vn/Binh-luan/Tu-tu-duy-nhiem-ky-den-dau-an-vuot-thoi-gian/278440.vov

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới