Khi vào đến điạ hạt
làng Lăng Thành, cái cổng làng đồ sộ cổ kính xây bằng gạch nơi mà vào tối ngày 10
tháng 9 năm 72 tôi và Ngọc cùng nhiều bạn bè trong lớp trong khoa đã đi qua lần
cuối cùng để nhập ngũ ấy nay không còn chút vết tích gì. Chỉ còn lại một cây đa
con con mới trồng thế chỗ cho cây đa già một thời rủ bóng mát xuống cổng làng đứng
trơ trọi không để lại ấn tượng gì.
Về đến đây thì anh phó phòng
Giáo dục gọi thêm một hướng dẫn viên nữa là Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Lăng Thành đưa chúng tôi ra thăm ngôi đình làng đang được trùng tu bằng kinh phí
nhà nước. Ngôi đình vẫn giữ nguyên dáng vẻ bề thế ngày xưa ấy bây giờ gần như nằm
hẳn ra rìa làng, nằm hẳn ra ngoài cánh đồng. Có khoảng chục người thợ đang nhẩn
nha xây dựng, lát lại sân đình, xây lại bờ tường… gọi là trùng tu. Vẫn những
hàng cột đình to ôm không xuể, vẫn những vì kèo chạm trổ cách nay
đã hơn 40 năm với mái ngói vẩy như ngày xưa nhưng sao tôi không thấy nó uy nghi và
huyền bí như thời tôi còn sơ tán ở đây nữa, hay là bởi màu ngói trùng tu bây giờ tươi mới quá!
Làng Lăng Thành nhìn qua cánh đồng đang vào mùa gặt hái
Ngôi đình cổ làng Lăng Thành với mái ngói đỏ tươi
Phút ngẫu hứng của Lê Văn Ngọ bên hàng cột đình xưa
Trái sang: Thành (Hiệu trưởng trường THCS Lăng Thành), Nga, Ngọ, Ngọc
Trái sang: Thành, Nga, Ngọ, Ngọc, Sơn
Rời Yên Thành chúng
tôi bon ra quốc lộ 1 để về Quỳnh Lưu. Xe qua thị trấn Cầu Giát tôi cố hình dung
ra cái cửa hàng ăn uống quốc doanh Cầu Giát với món chè hoa cau nổi tiếng mỗi
bát chỉ 3 hào khiến chúng tôi mỗi sáng chủ nhật cuốc bộ 5-6 cây số từ làng Quỳnh
Thạch lên ăn mỗi thằng chỉ đúng một bát mà miệng vẫn thòm thèm đến mức có thể ăn thêm 9 bát nữa vẫn không
chán. Nhưng tất cả chẳng còn vết tích gì. Đường phố rộng hơn, nhà cao tầng hơn.
Kỉ niệm chỉ còn là dĩ vãng.
Phải sau vài ba lần quay
đầu xe thụt lui thụt tới, chúng tôi mới tìm ra đường rẽ từ quốc lộ 1 vô làng Quỳnh
Thạch. Vẫn con đường ven làng nơi 42 năm trước mỗi sớm mỗi chiều chúng tôi rời
nhà trọ đi học và lên nhà ăn của khoa ngày hai bữa nhưng nay đã là đường bê
tông phẳng lì và đủ rộng cho xe chạy thoải mái.
Hỏi thăm mãi tôi mới
tìm ra căn nhà mà tôi và Nguyễn Khắc Chi đã ở trọ hồi mới nhập trường vô năm nhất
tháng 9 năm 71. Hồi đó, thằng SV năm nhất là tôi vô đại học khi mới 17 tuổi, được phân vô ở nhà trọ này, chủ nhà là bác thợ mộc hiền lành khoảng 60 tuổi nuôi một thằng cháu nội tên là cu Dĩnh khoảng 12 tuổi học lớp 5 hay 6 gì đó. Bác chủ nhà chỉ có một yêu cầu với tôi và Chi là hai chú không phải làm gì hết, chỉ mong hai chú hằng ngày chỉ vẻ cho thằng cháu nội tui học bài là tốt rồi. Tưởng gì, việc đó dễ ợt. Nói vậy chứ thỉnh thoảng chúng tôi cũng đi gánh nước từ cái giếng làng ngoài đồng về đổ đầy cái bể nước xi măng nhỏ ngoài sân. Tôi không biết gánh nên đảm nhận việc múc nước còn Chi là dân làng quê Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình nên quảy đôi thùng gánh nước rất thành thạo. Chỉ 3 gánh là đầy.
Bây giờ sau 42 năm đã đi qua, ngồi trong căn nhà trọ xưa cũ, chẳng ai nhớ ra tôi và
tôi cũng chẳng nhận ra ai nữa. Cứ như là chuyện Từ Thức rời chốn động tiên về
thăm làng cũ sau 80 năm trần thế thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều
không như trước nữa, duy có những cảnh núi đồi đồng ruộng
là vẫn không thay đổi sắc
biếc mầu xanh thuở nọ.
Nhưng
mà vậy cũng là thỏa mãn cho tôi lắm rồi, một tên hay sống với hồi ức và ưa hoài
cổ. Tôi cảm ơn Ngọc - Nga lắm, cảm ơn cả Ngọ nữa với chuyến trở về thuở ngày xưa
này.
Rời
Quỳnh Thạch, chúng tôi đi tiếp ra Hoàng Mai thăm một bạn học cùng lớp khóa 12 với
Ngọc, Ngọ và tôi là Nguyễn Xuân Tùng, một người thật việc thật đã mấy lần đi
vào trong những bài viết và truyện ngắn của tôi và Chử Anh Đào. Tại đây, nhờ sự
có mặt của quan đốc học Ngọ nên cả bọn lại được dự thêm một bữa tiệc chiều thịnh
soạn nữa do Trưởng phòng GD và đào tạo cùng phó bí thư thị trấn Hoàng Mai chiêu đãi.
Đường ven làng Quỳnh Thạch
Về
lại đến Vinh đã hơn 8 giờ tối. Do đã có hẹn trước với một người bạn nữa cũng
thân thiết là anh Nguyễn Huỳnh Phán nên dù đã thấm mệt mỏi, tôi vẫn tìm đến nhà
anh chơi bởi sáng mai đã phải trở lại Sài Gòn rồi. Cả hai vợ chồng Phán – Hà đã
đợi sẵn với một chai Mao đài chưa khui và mấy quả bưởi Phúc Trạch ngọt lịm. Chuyện
trò rôm rả đến hơn 11 giờ khuya tôi mới từ biệt Nguyễn Huỳnh Phán ra về với
hộp quà là một bộ bình trà gốm sứ Bát Tràng có in logo và dòng chữ của Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ mới do anh làm Viện
trưởng.
Có
lẽ phải ở hẳn 1 tuần tôi mới có thể gặp gỡ hết những bạn bè cần gặp ở Vinh được.
Nhưng với tôi vậy cũng là mãn nguyện lắm rồi.
Với PGS. Nguyễn Huỳnh Phán
Thị trấn Chợ Dinh-huyện lị Yên Thành ngày nay
Xin chào và hẹn gặp lại (Ảnh: Trung Ngọc)
Với PGS. Nguyễn Huỳnh Phán
Thị trấn Chợ Dinh-huyện lị Yên Thành ngày nay
Xin chào và hẹn gặp lại (Ảnh: Trung Ngọc)
Đúng là ông đi chuyến nay hơn cả trúng số độc đắc đấy, biết thế tôi hành trinh với ông để hưởng chút xái về có cái mà ngẫm lại sự đời . Bất chợt lại nghĩ không trách ông nhớ câu của Khổng Tử dai vậy đúng là : "Hữu bằng viễn xứ..."
Trả lờiXóaHi vọng là còn có dịp khác nữa bọn mình cùng hành quân về lại quá khứ với nhau
XóaVẫn là chuyến chu du đầy ắp kỷ niệm! Chúc mừng nhé!
Trả lờiXóaMột sự kiện nhưng nhiều nội dung nên mình viết cho hết kẻo uổng TT.
XóaVỹ thanh của vỹ thanh! Với GS, hội hè là trường thiên tiểu thuyết! Mà quả thế thật, ai cũng thế cả. Nên tranh thủ đi khi có thể, để ngẫm sự đời, và cả để dối già!
Trả lờiXóaĐơn giản hơn là làm cái gì miễn thấy vui là được. Khẻo không ông bạn.
Xóaông Cao Phú vừa báo tin mừng là cô học trò cũ đã chính thức về "đền đạn" cho ông. Hai người đang hú hý hạnh phúc lắm đấy, chúc mừng ông ấy đi nhé.
Trả lờiXóaOK, để tui gọi đt chúc mừng.
Xóa