24 tháng 9, 2013

Một khía cạnh nhỏ về tục ngữ Jrai

                                                                            Ths. Chử Anh Đào

  Trong khoảng mười năm trở lại đây, công việc sưu tầm văn nghệ dân gian Jrai, Bah nar nói chung và văn học dân gian của hai tộc người này nói riêng của các tác giả trong và ngoài tỉnh đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Các tuyển tập sử thi, truyện cổ, câu đố, phần lời dân ca…lần lượt được xuất bản. Riêng mảng tục ngữ, thành ngữ, theo chỗ chúng tôi biết, mới chỉ xuất hiện rải rác trong những công trình có những đối tượng nghiên cứu rộng lớn hơn hoăc trong các tài liệu giáo khoa song ngữ, chưa thành những chuyên khảo riêng biệt.
          Ai cũng biết sưu tầm, nghiên cứu folclore của một tộc người đòi hỏi nhiều công sức, phẩm chất: phải có tâm huyết, lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng, sự hi sinh…và một phương pháp làm việc khoa học, trung thực, nghiêm túc. Nhưng khi tiếp xúc với các tài liệu tục ngữ Jrai(*) thì tình hình không hoàn toàn như vậy. Đành rằng folclore của tộc người vừa mang bản sắc của dân tộc mình vừa mang tính phổ quát toàn nhân loại.Ví dụ về bài học đoàn kết, người Việt nói: Một cây làm chẳng nên non… người Jrai nói: Vỗ tay cần nhiều ngón; người Lào nói:  Một thanh củi nhóm bếp không cháy… Nhưng khi đọc tục ngữ Jrai, tôi có cảm giác như các tác giả dịch từ tục ngữ của người Việt sang chữ Jrai. Ví dụ ( đã dịch ra tiếng Việt):  Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ, Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa, Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì, ăn vóc học hay, học hay cày(?) giỏi, Tốt gỗ hơn tốt nước sơn(?)…Vậy yếu tố nào đã làm nên cái độc đáo, cái bản sắc không trộn lẫn giưa tục ngữ của dân tộc này với tục ngữ của dân tộc khác? Theo chúng tôi, đó chính là ở hệ thống hình  tượng riêng biệt, lối so sánh ví von và các biện pháp tu từ ngữ nghĩa khác( ẩn dụ, nhân hóa, tượng trưng…) gần gũi với đời sống hàng nghìn năm của dân tộc mình. Ví dụ, sau đây là những câu tục ngữ của người Jrai tôi sưu tầm được qua điền dã và đã học tập, vận dụng chúng vào trong các tác phẩm của mình hơn ba chục năm qua. Chủ quan mà nói, chúng có tinh “bản địa” hơn những câu trong tài liệu đã dẫn:
                   - Nhổ nước miếng chưa khỏi bếp.
                   - Muốn nhổ nước miếng phải nhìn chỗ
                   - Mắt còn giăng đầy mạng nhện
                   - Nghèo xơ như bã quả chanh
                   - Nghèo dính như bã quả sung
                   - ( Của cải) con gà trống ăn không đủ một bọc diều
                   - Đầu đen máu đỏ
                   - Dẻo như con rắn trong hang
                   - Ngực mới nhú như trái Ktang
                   - Nắng vỡ ống tre Mơ ô
                   - Núi đá thở ra khói
                   - Bụng cồn cào như thác xoáy
                   - Vui như có con chim cúc cù đang hót ( chim út út)
                   - Mắt xoay chong chóng
                   - Một tai thỏ, một tai chó
                   - Một mắt nhìn phía Đông, một mắt nhìn phía Tây
                   - Đẹp ( ngọt) như nước trong bầu
                   - Nguồn đục, nước dòng không trong
                   - Lòng dài như sông
                   - Bụng rộng như núi
                   - Gà ngủ, chồn không ngủ
                   - Chiêng treo bếp lửa ( tình thế nguy ngập)
                   - Vang như chiêng Lào ( chiêng tốt, quí)
                   - Im như tượng mồ
                   - Buồn như khu nhà mồ đã bỏ
                   - Rối như bó sợi gai trước gió
                   - Héo như tàu thuốc lá ngoài nắng
                   - Tua khố như tàu thuốc lá héo ( rách nát)
                   - Muốn làm con nai ăn sẵn lộc đồi tranh
                   - Rượu sếp vành tai lại( rượu mạnh)
                   - Ngọt như bắp sữa ngậm cờ
                   - Một con mắt đau, con kia nhấp nháy
                   - Như thanh gỗ mục không lát nổi sàn ngoài
                   - Như rựa chém xuống đá
                   - Như sấm gọi núi đá
                   - Như con dúi chuyên đi đào lỗ
                   - Như con chuột thối chí trong hang
                   - Như bị tát nước ớt vào mặt, bị đổ nước cà vào mũi
                   - Như gốc cây đã mục, đã khô
                   - Rỗng như cái gùi thủng
                   - Vỗ tay cần nhiều ngón
                   - Nhiều như con vắt trên rừng
                   - Buồn như con vượn ốm lạc đàn
                   - Buồn như con nai con sập bẫy
                   - Như vừa uống xong một chum rượu
                   - Con mang giật mình vì phân nó ( rơi trúng gót chân- hèn nhát)
                   - Rễ người dài
                   - Được thỏ đừng quên chó
                   - Hổ ra khỏi rừng gặp chó cũng phải chào
                   …  …
          Trong giao tiếp và sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, người ta rất cần vận dụng  tục ngữ, thành ngữ. Vận dụng nhuần nhuyễn sẽ làm cho nội dung thông báo thêm hàm súc, sức thuyết phục và giá trị thẩm mĩ.
                                                                   C.A.Đ

  (*) “Tơ lơi Duai Jrai”; Dự án UNICEF; Sở GD&ĐT Gia Lai; Plei Ku, 8-2013 (Bản thảo đã nghiệm thu).




2 nhận xét:

  1. Có rất nhiều câu tương đương với ca da tục ngữ Việt bạn nhỉ? Nhưng dù sao thì nó cũng rất riêng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Văn học dân gian của các dân tộc đều có những nét tương đồng về cả nội dung lẫn hình thức bạn ạ..

      Xóa

Bạn có nhận xét mới