23 tháng 9, 2012

Lâu lâu ra biển





Nhờ có đối tác làm ăn mới là một đại gia nên cuối tuần lại được đi nghỉ dưỡng. Trưa thứ sáu 20/9, làm xong công việc buổi sáng cả đoàn lên xe nhằm Vũng Tàu thẳng tiến. Đi giờ đó được cái là qua xa lộ Hà Nội không bị kẹt xe nên chỉ 3 tiếng sau đã đặt chân đến Long Hai Beach Resort, nơi được mệnh danh là thiên đường xanh nghỉ dưỡng.
Mà đúng là xanh thật. Trên một diện tích 5.000 m2 mà nhà đầu tư xây dựng một khu resort với chỉ 110 phòng ở kín hết cũng chỉ được 220 người còn lại là cây cối mênh mông, lại một phía là núi non, một phía là biển cả, không xanh mới lạ. 
Những căn nhà trệt chỉ có hai gian với với hai phòng ngủ là đà dưới cây cối sum suê chỉ nhìn đã mát con mắt. Nhìn qua cứ như là một ngôi làng của những người nghèo, những con đường ngoằn ngoèo, nhà này cách nhà kia cả một khoảnh vườn với bờ tường cách điệu. Trước mặt là những cây dừa trĩu quả, bên nhà là rặng tre ngà, sau nhà có cả buồng  tắm lộ thiên với chum và gáo.

Ra biển nghỉ dưỡng nên ba ngày chỉ với một điệp khúc: Tắm, ăn, ngủ rồi lại tắm ăn ngủ. Ông anh Thắng ở cùng nhà với mình bảo nó làm cứ như là nuôi heo công nghiệp. Thế này thì mỗi ngày cũng lên được mấy lạng hơi.

Là khu nghỉ 4 sao nên ăn uống là chuyện khỏi phải bàn. Bữa đầu thì hăng hái lắm nhưng rồi đến những bữa sau thì cứ như thể một dao động tắt dần. Ăn không ăn được, rồi chơi cũng không chơi nổi. Mình còn đỡ chứ như ông anh Thắng thì ăn uống không mấy màng, cũng không ham hố biển bót tắm tót gì, chỉ nằm nhà bật Tv xem bóng đá rồi cứ lim dim mơ màng ngủ. Đúng là đi nghỉ. 

Thực trạng đó khiến mình nhớ lại lời thằng bạn thân là Ngọc dạy ở VU.

Thằng này học văn ra nhưng lại suốt đời dạy Mác với Lê và tư tưởng ông Kụ. Lí thuyết suông thì hắn thuộc như cháo chảy nhưng tư tưởng thì lại chỉ muốn có cơ hội để đi ngược lại những giáo điều hắn vẫn hằng ngày trút vào tai đám Sv. Đúng là một tấn bi hài kịch, chẳng qua cũng chỉ vì bát cơm manh áo ở đời nên phải thế. Dù là bi kịch về tinh thần nhưng về vật chất kinh tế thì hắn lại khá. Cái mô hình phản động của bọn gọi là mĩ ngụy ngày trước giải phóng còn tàn dư rơi rớt lại với Nhà lầu xe hơi vợ đẹp con khôn hắn đều có đủ. Thỉnh thoảng tám với nhau qua điện thoại, hắn không quên triết lí vụn: Cái lứa bọn mình đúng là bi kịch. Thời trai trẻ sức dài vai rộng trong đầu chỉ muốn ăn với chơi thì không có mà ăn; nay có tí chút của ăn của để gọi là thì lại rơi vào tình  trạng ăn không ăn được, chơi cũng không xong, không bi kịch thì là gì.
Nói chuyện này lại nhớ những truyện ngắn của Nam Cao. Ông nhà văn đại tài sống ở tuổi U30 mà viết ra toàn những câu chuỵên già tổ chảng. Có hai truyện ngắn của ông khiến mình nhớ mãi. Một truyện viết về một bà già nghèo khổ cả đời chưa được một bữa no. Cái bụng rỗng lúc nào cũng réo ồng ộc và trong đầu chỉ nghĩ đến chuyện ăn. Sau đó thì vì đói quá mà bà lăn ra chết. Truyện này Nam Cao kết thúc bằng câu: Bà ấy thèm được ăn. Truỵên kia ngược lại, viết về một mụ địa chủ nhà giàu thừa mứa, đến bữa của ngon vật lạ bày ra đầy mâm mà chỉ liếc qua bà ta đã thấy ngán, không nuốt nổi một miếng. Truyện này kết bằng câu: Bà ấy thèm ăn được.

Sự đời nó vẫn thường oái oăm thế đấy. Biết làm sao được.
Tào lao cho vui vậy thôi chứ như mình hễ cứ được đi đó đi đây thoát ra khỏi  Tp đã là sướng lắm rồi, huống chi là đi nghỉ dưỡng. Ở Sg mà đi Vũng Tàu thì cũng na ná như dân Vinh đi Cửa Lò, dân Thanh Hóa đi Sầm Sơn, dân Hải Phòng đi Đồ Sơn, dân Qui Nhơn ra eo Nín thở... nhưng giá trị ý nghĩa và sự hao tổn thì lớn gấp nhiều lần.

Giá tháng được một lần cũng đỡ.


Nhà giàu có khác, cái gì của nó cũng có lí




Nhìn qua thấy giống làng quê mình




 Rất giống nữa là khác, cứ giản dị như nhà sàn Bác Hồ



Nhưng vô trong giường nằm nhìn ra chẳng giống chút nào




Nhất là khi trước cửa lại có cả cái tuk tuk để đi lại





dưới những con đường làng rợp tre xanh



Ra khỏi cửa là biển



Nhìn thật đã con mắt




Buổi sáng ra biển xem cá về




Nhưng với mình hồ bơi vẫn tiện hơn, nhất là sự an toàn




HTS và Pgs. Thái, Tr Khoa Kinh tế



Rốn sâu



Có cả một dàn chân dài và nhiếp ảnh gia




Phút cưa sừng làm nghé của Tr. Khoa Đông phương học, Pgs. Đặng Ngọc Lệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới