25 tháng 6, 2012

Hà Tùng Sơn - người bạn xứ Nẫu…

Viết tặng người bạn của tôi: Hà Tùng Sơn
                                                    NS Trần Mùi


Như vậy, tôi lại sắp sửa đi công tác ở Bình Định, mà nói cho cụ thể hơn, sẽ tới Thành phố Quy Nhơn và lưu lại nơi này một tuần lễ…

Một tuần lễ, nếu chỉ để du ngoạn, nghỉ ngơi thì cũng là quá đủ với một thành phố nho nhỏ, xinh xinh nằm ở khu vực miền Trung này.

Mỗi năm một lần, tôi lại đến đây, nó gần như là một cuộc sắp đặt.
“Đến hẹn lại lên”.
Mỗi lần chuẩn bị đi, cái cảm giác nôn nao, chờ đợi cứ thôi thúc, rộn rã và hồi hộp như chàng trai sắp đi gặp cô gái mà mình thương yêu nhung nhớ.
Tôi lại mơ thấy biển với những dọt sóng nhỏ luôn êm ả, thư thả vỗ vào bờ những bãi cát trắng.

Biển Quy Nhơn dài và uốn lượn hình vòng cung ôm ấp cho thành phố, phía không xa dãy núi xanh rì trập trùng như bức tường thành chở che chạy dài  rồi nối đến dải Trường Sơn hùng vĩ…
Quy Nhơn là vậy, thơ và lãng mạn làm sao?
Núi một bên, biển một bên, hài hòa cân xứng do thiên thiên ban tặng,
Gió của biển mang vị mặn nồng pha cùng gió lành từ núi dội xuống.
Yên lành, tinh khôi, trầm mặc…
Con người và thiên nhiên đan quyện như vậy, từ ngàn đời nay.

Tôi lại nhớ tới kỷ niệm về một người bạn:
Hà Tùng Sơn.
Không nhớ là bao năm rồi, nhưng có lẽ từ rất lâu tôi biết anh khi tới Đài Truyền hình Bình Định làm việc.
Gặp anh, quen anh và dễ nhớ bởi hình thức gồ ghề, người chắc nịch như người dân vùng quê anh: làng Thọ Lộc, tỉnh Quảng Bình.
Nhưng anh đã thành người xứ Nẫu của miền sông nước Quy Nhơn bởi đó là nơi anh đã có hơn 30 năm sinh sống . Mà đã là dân của sông nước thì phần lớn hay “ăn to nói lớn” đó cũng là điều dễ hiểu.
Quen nhau ắt hẳn là cái duyên, rồi hợp nhau cũng là sự chân tình…
Cho nên mỗi lần ra Bình Định, tôi phải tìm tới anh, trò chuyện “trên trời dưới biển”, “chén tạc chén thù”…

Blog Hà Tùng Sơn mới đây viết “Một nốt trầm xao xuyến” kèm theo một vài bức ảnh. Ảnh anh chụp với những người bạn thâm giao hồi anh còn đảm trách công việc Trưởng phòng Biên tập Chương trình của Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định… Nét ưu tư, trầm buồn thoang thoảng gợi nhớ “Cái thưở ngày xưa ấy” hiện rõ trên khuôn mặt nửa vui nửa buồn…và tôi ấn tượng hơn là bức ảnh chụp căn nhà - nơi gia đình anh ở trên con đường nhỏ yên ả nằm sát ngay mép núi ở Quy Nhơn.
Tôi nhớ, bởi có đôi lần ghé qua.
Anh nhớ, nhớ đau đáu nơi ấy… bởi nó gắn bó gần một đời người với bao kỷ niệm vui, buồn, trăn trở…cho dù hôm nay anh và gia đình đã yên bề định cư tại Sài Gòn.
Nhiều khi tôi nghĩ anh là người của xứ Nẫu, bởi anh rành xứ này như rành con sông giếng nước, con đò của quê hương của anh, nơi cảnh vật sông núi thật hữu tình và…vô hình chung quê anh cùng xứ Nẫu Bình Định đã ngấm vào con người anh cái chất thơ ca lãng mạn của sông của biển và của núi…
Anh đã là giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Quy Nhơn, một Nhà giáo đúng nghĩa: Có tâm, có kiến thức và tầm nhìn được sinh viên nể trọng.
Một nhà báo có bề dày kinh nghiệm nơi quê hương của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ…
Vậy làm sao mà không nhớ không thương?

Khi biết tôi sắp sửa đi Bình Định, anh Email nhắn :

“Bác đi Quy Nhơn cho em gửi theo vào đó sự thèm thuồng và nhớ về Quy Nhơn nhé”

Ôi, người bạn của tôi! Sài thành hoa lệ cùng với sự bận rộn tới chóng mặt cho dù có đầy đủ, cho dù có phồn hoa đô hội đến mấy đi chăng nữa…Hà Tùng Sơn vẫn nhớ, vẫn thương về một vùng yên ả đến se lòng…
Và Hà Tùng Sơn là vậy!


    TP. Hồ Chí Minh, 23.6.2012

                                     Nhac sĩ Trần Mùi phát biểu...


...Tại Lễ kỉ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Hà Nội, ngày 2 tháng 12 năm 2012.


22 tháng 6, 2012

Một nốt trầm xao xuyến


 
Cuộc đời mỗi con người thường có những bước ngoặt bất ngờ cũng như mỗi con đường mà ta đi thường có những khúc cua đột ngột.
Hôm nay mình nhận được khá nhiều tin nhắn, nhiều cú điện thoại của bạn bè, học trò, đồng nghiệp nhân ngày BCVN 21-6, ngày của một cái nghề đã để lại phía sau và mang lại cho mình nhiều niềm vui và may mắn không thể nào quên.

Nói đúng ra thì đã qua rồi cái thời mà những cảm xúc trào dâng khi một sự kiện đến. Ngay cả chiều 30 Tết khi mà trên mọi con đường của Thành phố đã trống vắng hẳn ra vì mọi người đã biến hết về quê ăn Tết cũng không khiến được mình xao xuyến, huống chi là ngày kỉ niệm.
Có chăng đó là dịp để nhớ lại những lối rẽ của cuộc đời.
Và cứ mỗi lần có thêm một lối rẽ đó là mình lại có thêm một chặng đường đời. Để rồi khi đã đi qua và ngoái nhìn lại, bỗng thấy như có một nốt trầm ngân rung trong lòng ta.
Đó là cái buổi sáng Quy Nhơn ngày 30-6-2010 sau khi cạn tách café với bạn bè ở quán Nâu, mình bắt tay từ biệt tất cả để lên xe vào hẳn Sài Gòn trở lại với nghề cũ. Bỏ lại sau lưng 30 năm Quy Nhơn có lẻ với 10 năm ở QNU và hơn 20 năm ở đài BTV.  
Mình thích bài hát  Một mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn phổ lời thơ của Thanh Hải với câu thơ hay nhấtMột nốt trầm xao xuyến, ta biến trong hoà ca.     
“Cuộc đời đó sống được bao nhiêu mà hững hờ” cũng chỉ vì những nốt trầm xao xuyến ấy.


Với những cộng sự đắc lực ở BTV



Liên hoan TV Hải Phòng 1-2009. Trái sang: Mai Thìn, HTS, Công Sơn, Lê Lợi



Liên hoan TV Hà Nội 1-2010, tranh thủ du ngoạn lên xứ Lạng rồi lặn cả sang Trung cộng chơi. Trái sang: chú Thắng, HTS, Công Sơn, chú Ngọc.


 
Căn nhà cũ số 30 TTT ở Quy Nhơn 

Vĩ thanh:

Có lần nhân PTV Thanh Hùng từ VTV vào Quy Nhơn công tác, mình cùng với Hoàng Mai và ekip SX chương trình đã làm cuộc phỏng vấn NSƯT Thanh Hùng. Anh này cũng là từ một CBGD ở ĐHSP Hà Nội rẽ ngoặt sang làm TV, vì thế mà kết nhau đến nay, thỉnh thoảng vẫn ới nhau qua đt. Cuộc phỏng vấn này đã được đăng trên rất nhiều tờ báo và diễn đàn trên mạng :

NSƯT Thanh Hùng: Thầy giáo... lên hình
 
NSƯT Thanh Hùng: Thầy giáo... lên hình
   Anh có thể cho biết nguyên do nào đưa đẩy anh từ chỗ là một giảng viên trường Đại học sự phạm Hà Nội đến với nghiệp dẫn chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam
   Tôi làm giảng viên khoa Hoá rồi nhập ngũ. Dịp may đến khi tôi được chọn làm diễn viên đóng vai anh phi công tên Quỳnh trong bộ phim nhựa "Vùng trời", bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quân đội Hữu Mai. Sau vai diễn mà không biết có thành công hay không ấy, tôi được rút về dẫn chương trình cho Truyền hình Quân đội Nhân dân và sau đó thì chuyển hẳn về Đài Truyền hình Việt Nam.
   Vậy, theo anh, trong công việc của một người dẫn chương trình truyền hình, những yếu tố nào quyết định sự thành công?
   "Học thầy không tày học bạn". Đó là câu thành ngữ nằm lòng mà một người thầy đã dạy tôi phải luôn nhớ. Những điều gì hay, điều gì tốt mà bạn mình làm được, người khác làm được thì mình cũng cố gắng mà học hỏi để làm được như họ. Tôi xem đấy là bí quyết của mọi thành công.
   Chặng đường dài gắn với nghề dẫn chương trình chắc là có rất nhiều kỉ niệm để đời đối với anh?
   Cuộc sống của mỗi con người thì có nhiều kỉ niệm để nhớ lắm. Với nghề dẫn chương trình, tôi có một kỉ niệm nhớ mãi. Đó là sau khi dẫn chương trình giao lưu "Tình yêu và cuộc sống", có một nữ khán giả công tác ở ngành Bưu điện nói là quê ở Bình Định, đã chép tặng tôi một bài thơ ngắn của nhà thơ Phan Cung Đức.
   Bài thơ có nhan đề "Ngoài vùng phủ sóng". Bài thơ như sau: "Khi anh cầm chiếc điện thoại trên tay/ Cầm cả những gì mong manh có được/ Gọi trước biển, biển cồn cào sóng nước/Gọi lên trời xao xác những mây/Em ở đâu trong cõi đời này/ Mà anh gọi, mà anh tìm đến thế/ Đến lúc bạc đầu nhận một lời rất khẽ/ Anh ở ngoài vùng phủ sóng của em"!
Cách đây mấy năm, một tạp chí thời trang có uy tín đã xếp anh là một người dẫn chương trình có trang phục đúng mốt, nghiêm túc và chỉn chu của Đài THVN. Vậy anh quan niệm thế nào về trang phục đẹp của một người dẫn chương trình khi xuất hiện trên màn ảnh?
   Trang phục của người dẫn chương trình sẽ nói hộ nhiều điều không có trong văn bản. Tôi có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ dẫn chương trình là mỗi khi xuất hiện trước nơi đông người, cần ăn mặc đứng dắn, đúng với ý nghĩa và tư cách là người của công chúng.
   Xu thế hiện nay của các đài Truyền hình là biên tập viên tự thể hiện tác phẩm của mình, họ đồng thời là người dẫn chương trình. Tiêu chí nào để một biên tập viên đồng thời là dẫn chương trình, thưa anh?
   Đó là một xu thế làm hài lòng khán giả vì họ tin tưởng hơn vào những điều BTV nói. Nhất là khi biên tập viên đó có một chất giọng đẹp và được bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ dẫn chương trình. Có thể xem đó là tiêu chí của một biên tập viên khi tham gia dẫn chương trình.
   - Cảm ơn anh!

 

20 tháng 6, 2012

Người không có mặt trong khuôn hình


Bài này viết đã lâu, đăng đã nhiều nơi, nhân ngày Vinabachi đăng lại như là kỉ niệm về một thời làm báo:

NGƯỜI KHÔNG CÓ MẶT TRONG KHUÔN HÌNH

Như ngọn đèn không tỏa sáng cho mình
Người phóng viên quay phim
Có thể thu tất cả vào ống kính
Trừ chính bản thân anh
Người không có mặt trong khuôn hình

    Như con ong chắt chiu làm mật ngọt
    Như nhà nông một nắng hai sương
    Như cả những mối tình thắm màu hoa tím
    Người phóng viên quay phim
    Lặn lội mọi nẻo đường
    Những phố phường nguy nga nhà cao tầng chót vót
    Những chính khách nguyên thủ lừng danh
    Hiện hình trong ống kính anh

Những hoa hậu tuổi mười tám xuân xanh
Rực rỡ hào quang ánh đèn màu sân khấu
Những em bé mồ côi đánh giày, bán báo
Những kiếp nghèo bữa cháo, bữa rau
Hiện hình trong ống kính anh

   Bao biến động hàng ngày trên thế giới mông mênh
  Bao niềm vui nhỏ nhoi chưa trọn một nụ cười
   Anh không bỏ rơi
   Trân trọng thu vào ống kính

Người quay phim truyền hình
Thu tất cả sự đời vào ống kính
Trừ chính bản thân anh
Người không có mặt trong khuôn hình

     Người quay phim truyền hình
     Gửi cả hồn mình trong mỗi thước phim

                              Bài đã đăng ở trang 522




Trong Tuyển tập Sống với nghề truyền hình nhân Kỉ niệm 40 năm Truyền hình Việt Nam, NXB Lao động, H. 2010





Trước mộ Hàn Mạc Tử ngày rời Đài PTTH Bình Định, 30 - 6 - 2010 (Ảnh: Huỳnh Hiến) 


18 tháng 6, 2012

Cảm hứng từ Đồi Ngô

Ngành giáo dục nước ta cả tháng nay sốt hầm hập với mấy cái clip thi tốt nghiệp từ Đồi Ngô (một cái tên trường rất giản dị và thân thiện). Nó như một cái tát nghe đánh bốp vào mặt bộ giáo dục vì lời tuyên bố tại cuộc họp báo kết luận về kì thi tốt nghiệp cấp 3 năm nay diễn ra rất nghiêm túc và bảo đảm qui chế chưa kịp hòa vào cho gió thổi bay đi thì Đồi Ngô xuất hiện như một minh chứng phản bội.  
Thực ra vụ này cũng chẳng có gì là lạ. Ai chẳng biết ở nước ta, các kì thi tốt nghiệp cấp 3, thi vào lớp 10 là những kì thi mà nhà nhà đi thi, người người đi thi. Chuyện tiêu cực hỗn loạn trong thi cử này đã xưa như trái đất rồi, và càng ngày càng phổ cập hơn. Ai cũng biết chỉ mỗi…bộ giáo dục là không biết.   
Ngay mình đây, khi đã hành nghề dạy học lại là dạy ở ĐHSP hẳn hoi mà cũng không thoát ra khỏi cái qũi đạo đó. Bởi không làm thế cũng không xong.
Nhớ hồi học cao học, đang mùa làm luận văn bận úi xùi thì nhận được điện từ quê ra là về nhà ngay có việc gấp. Mình xin nghỉ mấy ngày rồi về ngay mà không nghĩ ra là việc gì, hồi đó không có thông tin liên lạc hiện đại với mạng méo và di động cầm tay như bây giờ.
Buổi tối vừa đặt chân vô nhà thì biết ngay nguyên do là ngày mai con em gái mình thi vào cấp 3. Kì này mà ông anh dạy văn đại học không về lo cho môn văn lớp 9 của cô em thì gay to. Nghe đâu tỉ lệ tuyển vào chỉ là 70%, nhỡ nó rớt vô số 30% thì chết. Thấy ông anh về cả nhà thở phào nhẹ nhõm, mấy nhà trong xóm có con đi thi biết tin cũng đặt hết hi vọng môn văn của con em họ vào mình.
Buổi sáng nó đi thi thì mình cũng đi thi.  Trống đánh giờ làm bài được đâu 15 phút thì trong tay mình đã có đề thi do một anh chàng lạ hoắc nào đó mang đến. Tài thế.
Mình ngồi bên ngoài bức tường của trường, lấy ra một tờ giấy rồi viết bài làm. Viết đến đâu thì có một người đứng sau lưng đọc to lên cho hàng chục người ngồi chung quanh chép như chép chính tả (hồi đó chưa có máy photo). Hoạt động cứ thế diễn ra rất công khai và thoải mái, rất nhộn nhịp và đều tay. Bên kia tường là hội đồng thi, là công an bảo vệ, họ vừa làm nhiệm vụ vừa nghe luôn bài làm văn của mình. Cứ được một khúc thì chuyển cho ai đó mang vô phòng thi, không phải chỉ một phòng mà là cho nhiều phòng luôn.
Trong không khí nhộn nhịp và gấp gáp như thế, mình vẫn nghe vẳng bên tai tiếng ai đó nói với nhau: yên tâm đi, anh này là thầy dạy văn đại học, ngon là cái chắc. Lần đầu tiên mình thấy mình có giá và…hãnh diện thế.
Buổi chiều thi môn toán thì mình đã hết sở trường, chỉ đi theo cho có phong trào. Chỗ mình ngồi làm văn hồi sáng giờ là một tay khác nghe đâu cũng là dân cao học, nhưng học ngành toán ở ĐHSP Hà Nội thế chỗ đang chăm chú giải bài. Hắn cũng đang làm luận văn thì bị triệu hồi về vì cũng có con em gái thi vô lớp 10. Và như mình, hắn cũng thành tài sản chung của cả đám người có con em đi thi.     
Năm đó điểm văn và toán của con em gái mình, và của nhiều học trò tại hội đồng thi ấy đều dư đậu vào lớp 10.
Thật là nghiêm túc và chất lượng.
Chuyện Đồi Ngô có chi đâu mà ầm ĩ.
P/S: Chuyện ni đã thuộc về thời quá khứ cách nay mấy chục năm rồi. Con em gái hồi nớ giờ đã có con học đại học năm 2
   

14 tháng 6, 2012

Khám bệnh và Euro


Hai tháng rồi sáng nay mình mới lại xách y bạ vô Thống Nhất khám bệnh. Chả là mình có cái bịnh nghi rối loạn triều đình, lộn, tiền đình và gai cột sống. Sáng nay đau âm ỉ cả hai nhưng mỗi lần đi chỉ chọn một để khám và xin thuốc. Dĩ nhiên là chọn vụ rối lọan để khám chữa trước vì bệnh này hay làm mình xây xẩm mặt mày, cứ như là máu không thông được lên não, như là cái bình xăng không chảy được xuống máy gây tắc xăng tắt máy xe khỏi chạy. Vụ cột sống thì còn dài dài và không nguy hiểm, không gây chết máy.
Quái, sao hôm nay đông thế nhỉ. Các cụ ngồi kín hết ghế. Mình đến lúc 7 giờ mà bấm lấy số đã là 1194. Hay là hôm nay tốt ngày.
Nói các cụ là vì Thống Nhất là bv chủ yếu của chế độ trung cao, toàn hưu  trí già cả tóc bạc với cuốn sổ y bạ màu vàng.  Vàng là trung cao, hồng cánh sen là  bình thường, chỉ nhìn màu cái bìa y bạ là biết. Các cụ đến đây là đã đi gần trọn con đường sống cả rồi  nên nhìn rất chi là ung dung tĩnh tại. Mỗi ông 1 tờ báo trên tay chăm chú đọc không tỏ vẻ gì sốt ruột; Với cán bộ hưu trí thời gian là thứ của cải vô tận nên thì giờ chỉ là cái đinh (không phải là vàng bạc). Vậy nên chỉ ở Thống Nhất mới thường thấy cảnh mà các bệnh viện khác không thể có là khi nghe Bs xướng tên mời chú  Nguyễn Văn A thì phải vài phút sau mới thấy có một chú thong thả đứng dậy, gấp tờ báo vô túi túc tắc từng bước  một bước vô phòng khám. Bs hỏi bác đau gì ạ (bs ở bv này thường là rất lễ phép và lịch sự với bệnh nhân) thì cũng không vội trả lời mà kể chuyện tối qua sao rêm mình khó ngủ quá, rồi mới nói đến bệnh tình.  Bs quen rồi, làm vẻ chăm chú nghe sau đó chẩn bệnh kê thuốc rồi chu đáo dặn dò: đừng nằm võng (dù rất thích), đừng kê gối cao (dù hay nằm đọc sách với gối cao)v.v. Ông bệnh nhân nghe chán rồi bỏ nhỏ: cháu cho thuốc chú về uống như lần trước, đừng bắt chú đi siêu âm, X quang gì nhé.
Đại loại là như thế.
Chưa thấy Bs ở Bv nào hiền lành và hay bị bệnh nhân lái như ở Thống Nhất.
Thật là trên cả tuyệt vời. Ai dám bảo thầy thuốc xứ ta lương y như dì ghẻ.
Vậy mà sáng nay có khác.Không thấy mấy ông cầm báo đọc dù trên tay đều có tờ báo, nhiều ông ngồi mà cái đầu cứ gật gà gật gù như đang nói chuyện với ông bên cạnh, thỉnh thoảng lại có hai ông gật ngược chiều nhau chạm đầu nhau cái cạch. Khi cái loa phòng khám xướng tên mấy lần mới có ông đứng dậy bước vô. Bước chân vốn dĩ đã rất chậm rãi nay càng chậm rãi hơn. Lại có vẻ như khó điều khiển cơ thể.
Có hai bà ngồi riêng một đầu ghế đang say sưa tám với nhau nhìn thấy thế chặc lưỡi: Ê rô đó mà. Lão nhà tôi cũng thế, tối qua hẹn sáng nay cùng đi khám mà gọi ới ời đâu có dậy, tay xua xua bà đi đi. Cứ tình hình này có khi không “đi” vì bệnh tật mà lại “đi” vì bóng bánh. Mà cái bọn ê rô ấy có đội Việt Nam mình đâu nhỉ. Cớ gì lại ham thế.   
Tuổi già mà đua đòi với bọn trẻ con thức xem bóng đá thâu đêm, làm sao mà không rêm mình, không đau đầu chóng mặt. Vì thế mà mới có mấy ngày Euro đã đua nhau đi Thống Nhất là vậy. Sáng nay không đông mới lạ.
Mình không thuộc đám ham bóng bánh lại vô tình chọn sáng nay mà đi Thống Nhất, coi như là nạn nhân của Euro vậy.
Đến khám bệnh sáng nay mình phát hiện ra  một bước phát triển vượt bậc của BV Thống Nhất. Đó là bệnh nhân khi nhận thuốc được cấp thêm một tờ đơn thuốc đánh máy vi tính rất rõ ràng trong có ghi tên các loại thuốc và hướng dẫn cách uống. Chẳng bù cho trước đây đi khám bệnh về với cả một túi thuốc mà giương hết mục kỉnh lên dò trong y bạ với tất cả vốn học vấn của mình vẫn không thể đánh vần ra các tên thuốc và chỉ dẫn uống mà Bs khám đã viết như gà bới. Đến mức bức xúc qúa mình đã phải viết lên blog này bài "Cái gì đây". Như vậy có thể nói mới có 2 năm trôi qua mà Bv Thống Nhất đã tiến được một bước dài trong lịch sử.
Cứ đà này chả mấy chốc nước ta sẽ tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc trên con đường quá độ lên cnxh để có thể theo kịp các nước tư bản chủ nghĩa đang dãy chết, ít nhất là ở cái đơn thuốc.


                   
                Đơn thuốc 2 năm trước...


          ...Và sáng nay






10 tháng 6, 2012

Làm khó

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc thăm viếng báo Nhân dân, một tờ báo ngày nào cũng có trên mặt bàn nhưng không thấy ai cầm đọc trong lúc tờ TN, TT có khi mình chưa kịp đọc đã có người thó mất,  vào ngày 09/06/2012:  “mong muốn báo Nhân Dân đổi mới có nguyên tắc nhưng phải khắc phục tính khô khan”.
Và:
“Tuyên truyền về chính trị một cách có nghệ thuật bằng những cảm xúc thật sự để nội dung đó đi vào lòng người một cách tự nhiên...nhưng không chạy theo thị hiếu tầm thường trái với tôn chỉ mục đích, chức năng và nhiệm vụ của báo Đảng”.
Trời ạ, TBT ra lịnh thế là làm khó báo đảng quá.

Chẳng khác gì bắt một người phụ nữ vừa phải đẻ con để có điều kiện làm tròn thiên chức làm mẹ nhưng lại vừa phải giữ được trinh tiết.
Cũng na ná như vụ phải xây dựng được một nền kinh tế thị trường (của cntb) nhưng lại phải có cái đuôi theo định hướng xhcn.
Một ngày báo chí cm nữa lại sắp tới rồi.
Mình có thằng bạn làm cán bộ cấp vụ ở tờ Nd, hôm nào sẽ kể tâm trạng rất không nhân dân của nó.

P/S: Hình như tờ ND chỉ còn một độc giả duy nhất là ba mình. Ba mình là lão thành CM gần 70 năm tuổi đảng có tiêu chuẩn của ban bí thư là mỗi ngày  được cấp một tờ ND. Ở quê không có gì để đọc nên mỗi lần về thăm để ý thấy cụ đọc rất chăm chú, không bỏ sót cột nào

7 tháng 6, 2012

Dạo đàn bên sông

Văn Công Mỹ sinh năm 1956, dân Tây Sơn Bình Định, là nơi dấy nghiệp của anh em nhà Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, nếu anh em nhà Nguyễn Huệ từ quê gốc Nghệ An vào Tây Sơn dấy nghiệp thì Văn Công Mỹ lại từ Tây Sơn vào Sài Gòn dấy nghiệp.
Anh cùng bà xã Trần Thanh là chủ nhà hàng Sông Trăng nổi tiếng bên bờ sông Sài Gòn mà dân Sài Gòn sành ẩm thực và sành điệu  không ai là không biết. (Ngoài ra còn phải kể thêm các chi nhánh của chuỗi nhà hàng này ở Sài Gòn như Cháo vịt Sài Gòn 40 Trần Cao Vân, Quận 3; Nhà hàng Sông Trăng 2 ở số 2 Hàn Thuyên Quận Thủ Đức...). Đó là chưa nhắc đến ngôi biệt thự độc đáo cũng bên bờ sông Sài Gòn của gia đình anh được xây bằng 28 cái container 20peet không cần móng, không cần gạch, không cần cả xi măng cốt thép gây bất ngờ và thú vị cho mọi người. 
Với tất cả những điều đó, Văn Công Mỹ thực sự là người đàn ông thành đạt và có nhiều may mắn trong giới kinh doanh ẩm thực ở Sài Gòn. Đến bây giờ thì có thể khẳng định, số phận và cuộc đời đã nở nụ cười tươi với Văn Công Mỹ và gia đình anh. 
Nhưng nói thế vẫn chưa đủ về Văn Công Mỹ bởi dù quen biết với anh đã lâu nhưng mãi dịp mùa Noel và cuối năm 2011 này, tôi mới biết thêm anh còn là một người đam mê văn chương, nhất là sáng tác thơ ca. Ít ai biết rằng vào những lúc rảnh rỗi nhất sau một ngày tính toán với những con số lời lỗ, những ý tưởng kinh doanh mới; anh lại dành cái khoảng lặng cuối cùng của một ngày cho nàng thơ  với những câu thơ đầy chất suy tưởng về cuộc đời, về con người.
Và mới đây, anh đã tập hợp được 72 bài thơ tâm đắc để in thành tập Dạo đàn bên sông, do Nxb Trẻ ấn hành.

 
 Có thể xem Dạo đàn bên sông  sự ra mắt chính thức của Văn Công Mỹ trong làng thơ của những cây bút mới ở Sài Gòn. Anh là một nhà thơ trẻ dù không còn… trẻ bởi anh đã bỏ lại sau lưng cái tuổi 55 của thời ngũ thập tri thiên mệnh rồi.
Ngồi bên sông liếc nước trôi
Thả năm lăm tuổi xuống đời lênh đênh
    (Hy vọng cuối)
Tôi đã đọc thơ Văn Công Mỹ và nghiệm ra rằng có lẽ do sinh ra từ bên một dòng dòng (sông Kôn), lập nghiệp và định cư cũng bên một dòng sông (sông Sài Gòn) nên thơ Mỹ thường có hình ảnh của dòng sông với cái nhìn từ bên một dòng sông.
Ngồibên sông ngó nước trôi
 Tôi năm lăm tuổi thấy đời nghiêng theo
 Từ ban mai đến xế chiều
 Nối đêm nguyệt tận gió đìu hiu bay. 
 Hoặc:
 Ô hay bữa nọ trong quán nhỏ
 Có kẻ trầm tư hát một mình...
Và tôi thích anh từ những câu thơ thâm trầm như thế.
  

Nhà bạn



Trưa cuối tuần Vp có đám tiệc chia tay một người sang định cư hẳn ở Úc, mọi người kéo nhau đi riêng mình ngại không đi, đang tính kiếm quán vỉa hè ăn cho qua bữa thì chợt nhớ đến chuyện phambachieu vừa tậu được chỗ ở mới với lời mời nhiệt tình hôm Tết khi nào rảnh thì sang nhà tao chơi cho biết. Cơ hội đây rồi. Đi thôi.
Trước hết là nhấc điện thoại hỏi xem Chiểu có nhà không sau đó hỏi đường. Tiếng Chiểu oang oang trong máy: Qua cầu Thủ Thiêm mày quẹo trái cứ đi theo tấm bảng chỉ đường đến chợ Bình Khánh, quẹo trái lần nữa rồi qua một cái cầu là đến. Đây là lần đầu tiên đi qua cầu Thủ Thiêm. Trước mình đã đi quận 2 mấy lần nhưng thường là đi phà Thủ Thiêm hoặc chạy lên cầu Sài Gòn rồi rẽ phải theo đường Trần Não mà đi. Nay thì vô Ngô Tất Tố rồi qua cầu. Cũng tiện.   
Nghe bạn chỉ đường thì có vẻ phức tạp nhưng khi đi thì lại đơn giản bởi liên tiếp có những tấm biển chỉ đường đến chợ Bình Khánh, cứ đến chỗ ngã ba ngã tư mình dừng lại hoang mang thì lại thấy tấm biển có mũi tên chỉ về cái chợ đó. Cái chợ ở quận 2 này sao nổi tiếng thế nhỉ, cứ như thể là dinh Độc Lập ấy. 
Qua chợ rồi rẽ trái qua cầu thì đụng ngay một khu chung cư cao cỡ hai chục tầng mới toanh, ngửng nhìn lên thì đã thấy ngay bóng Chiểu đứng trên góc lầu 3 vẫy tay gọi ới ời, hình ảnh cứ như là trong câu thơ Tố Hữu: Bác đứng trên cao vẫy gọi mình.
Ra khỏi thang máy đã thấy hắn ôm chầm và chìa hàm râu lởm chởm ra hun như mấy cha lãnh đạo mình ôm hun mấy tay lãnh đạo Trung cộng. Khác là Chiểu hun thiệt còn mấy cha nội kia hun để lấy le với nhau và quay Tv.
Căn hộ của Chiểu có cái view thật đẹp. Nhìn dọc theo hành lang thì thấy thấp thoáng mờ mờ trong sương mù những tòa nhà chọc trời lô nhô bên phía quận 1, nhìn ngang ra ban công thì thấy ngay những rặng dừa nước với những kênh rạch tự nhiên như đang ở giữa miệt vườn miền Tây, nhìn kĩ thì thấy có người đang lò mò bắt cá. Còn ánh sáng và khí trời thì thừa mứa cả ra. Gió  mênh mông thổi và ánh sáng thì tưng bừng như ở ngoài trời.
Riêng cái vụ hơi khí xa trung tâm thì Chiểu nói là vẫn nhớ theo cái bài của ông Raxun Gamzatov trong cuốn Daghextan của tôi: Làm cái nhà và sống ở trên núi cao để xem ai mới là người bạn thật lòng đến với mình.   
Căn hộ 52m2 với hai mẹ con Chiểu ở vậy là quá ổn. Mẹ bạn nay đã 82 tuổi, bằng tuổi mạ mình ở quê, cụ vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Có lẽ Chiểu là thằng con trai có hiếu nhất vì trong đám bạn cùng lứa chỉ mỗi hắn là thằng đang toàn tâm toàn ý chăm nuôi mẹ già, không bìu ríu vợ con, công danh sự nghiệp hay công ăn việc làm gì . Cứ như là Từ Thứ trong truyện Tam quốc rất tài ba lỗi lạc nhưng có hiếu với mẹ già đến nỗi đi đâu cũng cõng mẹ đi theo để phụng dưỡng. Căn phòng đẹp nhất căn hộ là chỗ ngủ của mẹ già, còn Chiểu đặt nệm ngủ ở một góc phía sau bếp, ngoài hành lang là một cái võng xếp đung đưa mà chỉ mới trông thấy đã muốn đặt lưng nằm.   
Chiểu xếp ra hành lang vắng người 1 cái bàn. Hai thằng ngồi uống bia 33 với cá hồi hấp, tôm nõn hấp, khoai tây chiên mềm, cà chua bi và dưa chuột bổ dọc ăn sống nghe rau ráu. Rồi nói đủ thứ chuyện từ trên trời đến dưới bể.
Ăn no uống gần say thì mình nằm trên tấm nệm của Chiểu mà ngủ, gió trời thổi vô mát hơn cả quạt hầu. Tính mình thế. Cứ ăn no là mắt díp lại liền, đúng là tuổi ăn tuổi ngủ. Trong giấc ngủ đang kéo đến rất nhanh, vẫn kịp nghe tiếng chén đĩa lanh canh dọn rửa từ tay Chiểu.
Mở mắt ra thì đã hơn bốn rưỡi chiều. Nhìn qua cửa kiếng thấy trời quận 2 âm u sương mù. Ngồi uống café và nghe mẹ bạn nói chuyện một lúc rồi xin phép cụ ra về. Ra cửa còn nghe tiếng Cụ dặn với theo: khi nào rảnh cháu lại sang chơi nữa nhé.
Một buổi chiều cuối tuần thiệt thảnh thơi và ý nghĩa.
Trên đường về tranh thủ đi theo đường chui hầm Thủ Thiêm cho biết để sang quận 1. Đây cũng là lần đầu tiên mình đi qua hầm vượt sông Sài Gòn. Có đi mới thấy hết cái vô lí của nó. Một cái hầm chui như thế này bằng tiền làm 3 cái cầu vượt sông Sg. Làm cầu hiển nhiên là đẹp hơn, ít tốn kém hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, an toàn hơn nhiều; lại không phải tiêu tốn một nguồn điện phục vụ khổng lồ và một lượng nhân công đông đảo để duy trì sự hoạt động của hầm. Thiệt đúng là nghèo mà chơi sang, ai góp ý hay mấy cũng không nghe; nói như Lenin là bệnh kiêu ngạo cộng sản.

5 tháng 6, 2012

Đưa nói dối vào đề thi - Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý gì nhỉ


 Năm nay, đề thi tốt nghiệp cấp 3 môn Ngữ văn yêu cầu thí sinh viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về chủ đề: "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”.
Ở một xã hội mà sự tồn tại dựa vào những điều dối trá thì hành động trên của  Bộ Gd đã chỉ vào đúng cái tử huyệt rồi. Có điều là cái huyệt này nó lớn quá, chiếm cả bề mặt diện tích cơ thể. Vậy thì làm sao mà chữa.
Ngay như mình đây đã không ít lúc đứng trước ngã ba của sự dối trá và sự thật. Cuối cùng thì đã chọn sự …dối trá. Không phải chỉ là vì bát cơm manh áo ở đời mà còn cả vì thói thường xứ ta nó vẫn thế.
Nhớ cái thời còn làm báo, có năm bệnh rầy nâu phá tan tành mùa lúa của nông dân. Báo chí đưa tin rầm rộ nhằm phản ánh thông tin và tìm cách cứu chữa. Giữa lúc đó thì có chỉ đạo của ban TG từ Hn hỏa tốc gửi vào: Báo chí không đưa thêm thông tin về bệnh rầy nâu và mất mùa lúa nữa để không gây hoang mang dư luận và tạo tâm lí tiêu cực trong xã hội.
Hết biết.
Đi dạy cả năm đến lúc chấm thi thì chủ nhiệm bộ môn rỉ tai cho điểm nới tay lên chút để Sv nó lạc quan mà theo học. Làm riết quá nó bỏ học thì tan khoa. Khi đó thì không mày đố thầy dạy ai.
Bó tay.
Tháng trước lên lớp cho năm 2 của VHU, ra đề kiểm tra lấy điểm tích lũy 30%, theo dạng là một bài tập nhỏ làm ở nhà. Đến hạn cả lớp nộp bài hết rồi nhưng có một Sv không nộp. Mãi cả tuần sau có một anh chàng lạ hoắc lạ huơ gõ cửa Vp nói là em nộp bài thi cho cô bạn. Mình hỏi thế cô ấy đâu mà không tự đến phải nhờ anh. Nó bảo bạn em bận đi làm thầy ạ.
Đã can tội nộp bài trễ hạn lại còn thế nữa. Bực lắm nhưng mình vẫn nhận và ... cho qua.
Chả biết đâu là sự thật của chất lượng dạy và học trong thời buổi này nữa nhưng rõ ràng mình cũng đã nhiều lần tiếp tay cho sự dối trá.
Là đ/v, cuối năm nào mình cũng phải độ một bản tự kiểm điểm đv để nộp cho chi bộ quản lí đưa vào hồ sơ đ/v. Đây là một văn bản mặc định đã mấy chục năm nay được rút ra từ dữ liệu máy tính y chang nhau, chỉ thay mỗi cái năm còn ngày tháng vẫn giữ nguyên.  Đại khái lập trường tư tưởng vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của đảng,  trung thành với chủ nghĩa mác-lê và tư tưởng ông Cụ… Và cũng tuyệt đối tin tưởng luôn cả với cnxh, dĩ nhiên... Trong lúc đó thì mình đọc học thuyết về tính tương đối của ông Anhxtanh, một học thuyết rất khoa học mà cả thế giới loài người đều công nhận nói rằng: trên đời này không có cái gì là tuyệt đối, tất cả chỉ là tương đối mà thôi. Theo đó đúng ra thì phải viết: Tôi tin tưởng tương đối vào các thứ trên… Mà ngay cả tương đối thôi cũng đã chắc gì có nhỉ.
Nói dối nhiều qúa đến mức xem là bình thường luôn. Nhỡ có ai đó nói thật lại thấy là kì lạ.
Vậy mà lại bắt học trò luận về dối trá để tốt nghiệp THPT. Vậy là bắt con em mình phải làm cái việc nói dối của nói dối, hai lần nói dối.
Thật là hài hước.

  
  

4 tháng 6, 2012

Tội cho rau



Mà nói cụ thể hơn là rau lá cải. Lá cải thì tội tình gì mà xỉ vả nó. Chính các nhà báo trồng ra nó rồi lại chính các nhà báo hạ nhục nó.
Hai tờ Sài Gòn giải phóng với Phụ nữ Tp một bên và bên kia là Pháp luật và Đời sống, thêm Giáo dục chấm nét… là những tờ đều thuộc cánh lề phải đang kết án nhau về tội lá cải. Nói đúng ra tất cả đều là lá cải hoặc chí ít cũng đang trên đường lá cải hóa. Vậy mà cùng sa sả mắng chửi nhau mới lạ.
Đó là tất cả bộ mặt của báo chí CM Vina ngày nay. Nói đúng ra thì vẫn còn một bộ phận không lớn những tờ báo kiên quyết không lá cải. Đó là những tờ báo khổ to không ai đọc không ai mua có cái đuôi nhân dân như ND, qđnd, cand. Mấy tờ này không cần lá cải vì đã có các chi bộ và hội hè đoàn thể hệ thống chính trị bắt buộc đặt mua hàng ngày bằng nguồn ngân sách nhà nước.  
Vậy mới nói bây giờ mà có bộ phận báo chí nào đó không lá cải mà vẫn nhiều người đọc thì chỉ có thể là cánh lề trái trên mạng internet như ba sam, dân làm báo, Tin tức hàng ngày online, và các trang blog của Nguyễn Xuân Diện, quê choa, phạm viết đào …
Vậy mới có chuyện lên báo lề phải đê đọc chuyện cướp giết hiếp với tiền tình tù tội; lên báo lề trái để đọc chuyện nghiêm trang quốc gia đại sự.
Thực trạng lạ lùng trái khoáy này đang làm nhiều kẻ điên tiết lên tiếng đòi nhà nước phải bỏ tù người này người nọ. Thậm chí kết án các cơ quan quản lí báo chí như bộ 4T, ban Tg, sở 4T của các Tp lớn.. là vô trách nhiệm, đã cấp phép tùm lum cho các tờ lá cải ra đời và thả mặc nó tha hồ mà lá cải.
Nói thế cũng oan cho bộ 4T và mấy cơ quan trên. Đúng ra phải chỉ trích những cá nhân cụ thể của nó đã ăn lương nhà nước mà không làm gì có lợi cho nhà nước, cho nhân dân. Tuy nhiên điều cốt lõi là phải chỉ trích cái bộ máy, cái chế độ Xh đã sản sinh ra những cá  nhân đó. Nếu mà không làm tròn trách nhiệm thì phải phế bỏ nó đi.
Rau cải thì tội tình chi.