30 tháng 6, 2020

Luật nhân quả, đừng để thấy mới tin


MUÔN KIẾP NHÂN SINH hay là: Luật nhân quả, đừng để thấy mới tin
Tôi vốn không tin vào một giáo lí nào. Sống ở đời thấy cái gì hợp lí với mình thì tôi làm, dù có thể điều đó không hợp lí với nhiều người khác.
Nhưng trong giáo lí nhà Phật hay nói về luật nhân quả, điều đó thì tôi tin. Không phải là tôi tin Phật giáo mà là tôi tin vào một điều mà mình cho là hợp lí. Trên thực tế phật giáo ở VN ngày nay đang ngày càng tào lao hóa nếu không nói là đang lưu manh hóa.
Nhưng nhân quả là do con người tự tạo nên. Điều này cũng giống như ta trồng một cái cây. Ta chăm bón thương yêu thì cây sẽ tươi tốt, ngược lại cây sẽ cằn cỗi và chết. Trồng cây hãy nâng niu ngay từ khi nó mới thuộc về ta. Cây tươi tốt hay hiu hắt rồi chết đi đều do một tay ta. Đó gọi là nhân – quả.
Mới đây khi được đọc cuốn Muôn kiếp nhân sinh của Nguyên Phong, một GS Việt kiều Mĩ với tên thường được biết đến trong giới đại học là GS. John Vu. Ông cũng chính là tác giả cuốn sách bất hủ Hành trình về phương Đông ra đời từ 45 năm trước (1974).

Muôn kiếp nhân sinh đã được xuất bản và tái bản ở hàng chục nước trên thế giới. Ở VN đã được tái bản lần 2 vào tháng 3/2020 bởi NXB Tổng hợp TP HCM.
Ngày hôm qua tôi đã thức đọc từng trang của Muôn kiếp nhân sinh và vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, liên hệ với những trang đời của mình và quanh mình.
Ngày mùng 5 âm lịch mới đi qua, tôi thấy ai cũng mua về một chùm lá xương rồng treo trước cửa nhà để xua đuổi tà ma và mong may mắn về cho mình.
Tôi chả tin vào điều tào lao ấy nên chưa bao giờ làm.
Tay hàng xóm trước nhà tôi là một người cực kì mê tín. Cửa nhà hắn treo đầy cây xương rồng. Hắn cúng bái vô cùng nghiêm túc, sùng tín phật giáo đến mức quang năm bàn thờ phật luôn sáng đèn; nhà hắn còn treo đủ thứ gương bát quái trước cửa nhà dọi chiếu hết sang nhà hàng xóm đối diện... nhưng hắn sống thì rất phiền toái. Mấy chậu cây để trên ban công hắn tưới nước chảy tùm lum xuống người đi đường, đứng trên ban công hắn khạc nhổ xuống đường như nhổ vô thùng rác, nuôi chó cho phóng uế bừa bãi trước nhà hàng xóm; hút thuốc phun khói mù mịt và ho sù sụ, hát karaoke mở âm lượng hết cỡ... Tôi nhìn cách sống của tay hàng xóm và nghĩ hắn sống như đang tự sát.
Nhưng hắn lại có một điều rất tốt. Mấy lần con gái tôi ra khỏi nhà quên khóa cửa, cổng ngõ mở toang. Từ ngoài cổng nhìn vô phòng khách thấy không một bóng người. Thế là anh ta bắc cái ghế ngồi canh sang nhà tôi chờ cho đến khi thấy bóng người trong nhà thì kêu to ra đóng cổng lại. Không có anh hàng xóm tốt bụng có khi nhà tôi đã bị trộm khoắng mấy lần.
Điều tốt đó khiến tôi bỏ qua hết những điều xấu của ông hàng xóm.
Thế rồi bỗng một ngày tháng tư năm ngoái, tôi thức dậy lúc gần sáng thấy bên nhà anh hàng xóm đèn đuốc sáng choang. Giữa nhà là cỗ quan tài đỏ chói. Anh ta ngã bệnh từ chiều, vô BV được một lúc thì chết. Vợ con chở về làm đám.
Tôi bất ngờ đến sửng sốt và giật cả mình. Anh ta mới 56 tuổi. Tôi không thấy ghét nữa mà bỗng thấy thương anh ta vắn số.
Cách sống theo lối tự sát của anh ta đã mang lại hậu quả đen tối một cách nhãn tiền.
Nói Luật nhân quả, đừng để thấy mới tin là vậy.

@ Có một cuốn sách ảnh rất đẹp vừa mới xuất bản của nhà nhiếp ảnh Minh Đạo. Đó cũng là một cuốn sách quý. Tác giả đem tặng cho một người bạn của tôi, người bạn đó thấy ảnh trong sách quá đẹp nên tặng lại tôi. 


Tôi nhận rồi bỏ luôn vô túi, về đến nhà lật ra xem thì ngay trang đầu thấy tác giả ghi là tặng cho một ông nào đó tên là Vương Đình Huệ, UVBCT, BT thành ủy HN. Vậy thì chắc là ông Huệ bí thư HN sẽ nhận được một cuốn mà lời đề tặng sẽ là cho một cái tên khác. Một sự nhầm lẫm không có gì tai hại và thấy cũng dễ thương. Đáng lẽ ra cuốn sách ảnh này đang nằm trên bàn làm việc ông Huệ thì giờ đây nó đang nằm trên bàn làm việc của tôi. Sự đời có những cái ngẫu nhiên tưởng như đến vô lí thế mà vẫn cứ có lí.


24 tháng 6, 2020

Chuyện không đâu mà ầm ĩ


Trường ĐH Y Dược TP.HCM công bố mức học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2020 sẽ tăng gấp 5 lần, theo đó mức học phí sẽ ở mức từ 30 đến 70 triệu đồng tùy theo ngành học. Trong đó ngành có học phí cao nhất 70 triệu đồng/năm là răng hàm mặt.
Điều này khiến công luận náo loạn. Cả 2 bộ GD và Y tế đều tỏ ra bất ngờ và yêu cầu ĐH YD HCM giải trình. Nhưng có vẻ như ván đã đóng thuyền.
Với một trường ĐH như YD HCM mà SV học xong ra trường có việc làm ngay với thu nhập cao thì tôi nghĩ mức học phí đó là xứng đáng. Tôi có thằng cháu con ông chú họ học Răng hàm mặt trường này mới tốt nghiệp năm ngoái. Học xong được BV một quận lớn nhất nhì Tp HCM nhận vô làm việc ngay; rồi cháu còn tham gia làm ngoài giờ ở một phòng răng ở quận 3. Thu nhập dư sống.
Vậy cớ gì lại kêu học phí cao.
Năm trước tôi làm ở ĐHHS. Học phí trường này thuộc hàng top của các trường ĐH ở SG, dao động từ 50 đến 60 triệu/năm. 80% SV trường này là dân TP HCM. Thấy chả ai kêu. Ai có điều kiện thì cho con vào đây học. Đó là 1 trường ĐH 5 sao tính từ cơ sở vật chất đến chất lượng đào tạo, tính luôn cả tuyên ngôn của Nhà trường: Tôn trọng sự khác biệt. Trong một môi trường XH và hoàn cảnh GD ĐT xơ cứng và giáo điều như VN hiện nay, học ở HS là 1 thiên đường.
Vậy học phí 1 năm 60tr là xứng đáng. Huống gì là ĐH YD TpHCM. 70 tr/năm tôi nghĩ cũng quá là bình thường. Chỉ cần nghe nói học ĐH này đã đủ biết là HS giỏi rồi. Điểm đầu vào cao chót vót không giỏi mới là chuyện lạ.
Ở nước ta hiện nay, có nhiều ĐH kể cả nhiều ĐH công lập chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT là vào, không cần biết điểm thi cao hay thấp, vì trúng tuyển nhờ xét học bạ 2 năm học 11 và 12. Đó là những trường ĐH gọi là đi học cho có bằng ĐH với người ta, chứ chất lượng thì thuộc loại học xong vẫn thông minh như... ngày xưa. Nghĩa là càng học càng ngu thêm. Loại trường ĐH như thế vô thiên lủng ở SG và nhiều tỉnh thành trong cả nước. SV các trường này tốt nghiệp xong chen nhau đi bưng bê cafe và chạy xe ôm công nghệ. Tôi đã làm việc ở vài trường ĐH như thế. Mà học phí cũng vài chục triệu 1 năm chứ đâu có bèo bọt gì.

Cháu ngoại tôi (áo đen) học vẽ.
Nói đâu xa. Ngay cháu ngoại tôi bé như cái kẹo, mới 20 tháng tuổi đi nhà trẻ cũng đã 7,5 triệu/tháng. Tính ra còn cao hơn cả ngành học cao nhất của ĐH YD. Chưa đâu, bà bạn của vợ tôi bên Q7 có đứa cháu ngoại 2 tuổi mà học phí 12,5 tr/tháng. Tính ra 150tr/năm. Hơn gấp đôi học răng hàm mặt của ĐHYD.
Học phí ĐH cũng như ăn phở. Ở SG tô phở 20k cũng có mà tô 80 ngàn cũng có luôn, tôi đã từng được bạn mời ăn tô phở 100k. Tiền nào của nấy thôi. Ai có đến đâu dùng đến đó.
Chuyện có gì đâu mà ầm ĩ.



22 tháng 6, 2020

Chuyện cuối ngày 21/6


• Thực ra tôi chuyển từ nghề dạy học sang làm báo chỉ vì thời đó (1988) thu nhập bên đài TV cao hơn, chứ trong sâu thẳm tôi thích nghề dạy học hơn.
Bằng chứng là hàng ngày đi làm ở đài tôi mặc gì cũng được, không chú trọng hình thức, nhiều khi trông úi xùi nữa là khác. Nhưng hôm nào có lịch dạy cho khoa văn thì hôm đó tôi chọn bộ đồ xịn xò nhất để lên lớp. Không phải là tôi trọng bên trường khinh bên đài mà chỉ đơn giản là mỗi khi lên lớp là suốt cả buổi 5 tiết đứng trên bục giảng trước hàng trăm con mắt của SV, mình phải tạo ra một sự chuẩn mực từ ngoại hình cho đến tác phong, chất lượng bài giảng. Cố gắng để không phạm phải một sơ suất nào.
Trong lúc làm việc ở đài TH, một mình 1 phòng, đút chân gầm bàn, các đồng nghiệp đều là những người đã trưởng thành. Nên mọi điều từ bên ngoài đến bên trong đều vô tư thoải mái hơn. Nói năng với đồng nghiệp có nhỡ mồm tí chút cũng không sao, nói lại mấy hồi. Chứ đứng trên lớp giảng bài mà lỡ ra bị nhỡ mồm thì quá mệt. Đám SV sẽ nhớ đời về thầy như một điểm trừ tai hại.
Nhớ có hôm đang làm việc ở đài thì tổ trưởng tổ bộ môn VHNN gọi: tiết cuối sáng nay anh vào khoa hướng dẫn cho SV thi hết học phần được không. OK, có gì mà không được. Mình dạy, mình ra đề, rồi lại mình chấm. Cả một tiến trình lịch sử văn học mênh mông từ Kinh Thi cổ đại đến thơ và từ của Mao Trạch Đông hiện đại thế mình không giới hạn cho gọn lại thì để chúng nó bơi ngập luôn à. Tính tôi lại thương và cả nể với học trò.
Vậy là làm việc được nửa buổi chạy về nhà chọn bộ áo quần đàng hoàng nhất để vô trường giới hạn ôn tập cho SV dù tiết ôn tập đó chỉ có 45 phút.
Rõ ràng là tôi yêu nghể dạy học hơn dù nghề làm báo hình 22 năm mang lại cho tôi nhiều niềm vui về cả vật chất lẫn tinh thần hơn so với nghề dạy học. Tuy nhiên nghề làm báo mang lại những ấn tượng và dấu ấn mạnh mẽ hơn cho cuộc đời bình lặng của tôi. Có lẽ đến một lúc nào đó tôi cũng sẽ viết về những trang đời làm báo. Nhưng hôm nay thì chưa.
• Thì ra làm việc qua mạng nó sướng hơn rất nhiều so với khi phải làm việc ở văn phòng, nhiệm sở.
Làm qua mạng chỉ liên lạc với sếp qua email, zalo. Hai bên cả tháng chả thấy mặt nhau. Vì thế mà ít chán nhau hơn. Chứ làm việc ở vp, hàng ngày nhìn thấy nhau dù xinh tươi hấp dẫn đến mấy cũng đến lúc phát chán.
Chưa nói làm việc qua mạng lại bỗng dưng rất văn minh với nhau. Thông tin một điều gì qua email, zalo cho nhau cũng kết thúc bằng một lời cảm ơn rất lịch sự. Công việc chưa đạt yêu cầu cũng trao đổi nhẹ nhàng. Chứ không như tôi, có hôm đã từng văng vào mặt một con bé mới ra trường mặt non choèn choẹt: Hôm nay cô để quên não ở nhà à. Làm nó phải chạy vô nhà WC khóc cả tiếng.
Cái hay của làm qua mạng nữa là công việc tiến triển nhanh hơn. Ở VP có khi ngồi cả buổi không xong một bài viết nhưng ngồi ở nhà, một mình một tầng lầu, có khi nửa đêm thức dậy ngồi viết, bài vở cứ xong veo véo.
Nếu ai hỏi tôi trên thế giới loài người này cái gì hay nhất, tôi trả lời ngay trong vòng chưa đầy nửa nốt nhạc: Ấy là mạng internet toàn cầu.


• Hóa ra cái món cafe bột dùng pha sẵn mà lâu nay tôi khinh thường không mấy khi để mắt tới cũng có loại uống rất được. Tôi xưa nay chỉ tôn sùng cafe đen đá, ít đường.
Nhưng mới rồi đi BigC thấy có hộp cafe bột ngoài bì đề Nescafe Cappuccino vị dừa thấy là lạ. Cafe mà có vị dừa chắc ngon. Mua ngay một hộp uống thử thấy tuyệt vời. Không ngọt lắm, khi chế nước sôi vô trên mặt xuất hiện một lớp xốp mềm như kem, uống nghe beo béo, thơm thơm vị cốt dừa. Sáng làm một li thấy thật sảng khoái. Bạn nào chưa uống Nescafe Cappuccino vị dừa thì nên thử một lần cho biết. Giá cả cũng phải chăng, tính ra 1 li thơm thơm, ngon ngon, beo béo ấy chỉ có 6k đồng.
Hôm nào sẽ ghé BigC làm thêm vài hộp nữa.


À mà sao không thấy ai làm cafe trứng pha sẵn nhỉ. Trên đời này thích nhất là được uống cafe trứng. Ở phố đi bộ Bùi Viện trên Q1 có một quán cafe trứng Góc phố Hà Nội uống rất được. Hồi làm ở ĐHHS tuần nào tôi cũng có 1 lần la cà ở quán cafe Bùi Viện này.


18 tháng 6, 2020

IUV phát hành Cẩm nang tuyển sinh 2020


Nhằm đáp nhu cầu của đông đảo phụ huynh và thí sinh trong việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Vinh năm 2020, được sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị và Ban Giám hiệu Nhà trường, vào những ngày đầu tháng 6 năm 2020, Trung tâm Truyền thông và Phát triển thương hiệu IUV đã tiến hành biên soạn và kịp thời xuất bản cuốn Cẩm nang tuyển sinh 2020. 
Sách được phát hành từ ngày 23/6, đúng vào dịp Trường Đại học Công nghiệp Vinh tổ chức bầu ra Hội đồng trường, một trong những bước tiến về công tác tổ chức, quản lí Nhà trường, trong đó công tác tuyển sinh được đặc biệt coi trọng.
Cẩm nang tuyển sinh 2020 của IUV có độ dày 20 trang, với phương châm “Hợp tác – Chuẩn mực – Thực tiễn – Nhân văn”, nội dung Cẩm nang được mở đầu bằng “10 lí do chọn học tại Đại học Công nghiệp Vinh”. Đây chính là những ưu thế nổi bật của Nhà trường với tư cách là một cơ sở đào tạo đại học có uy tín. Từ thế mạnh của cơ sở vật chất đến các thế mạnh khác như hoạt động đào tạo, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, liên kết mở rộng đào tạo với các trường đại học trong nước và quan hệ quốc tế, đối ngoại, chăm lo quyền lợi người học... đã được sách đề cập một cách đầy đủ và có hệ thống.  
Cuốn Cẩm nang cũng đã chú ý cung cấp những thông tin cần thiết trong hoạt động tuyển sinh đại học của IUV năm 2020 như: Đối tượng tuyển sinh, Phương thức tuyển sinh, Cách tính điểm và các phương thức xét tuyển, Học phí, Cách nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển, Quy trình tuyển sinh cũng như các thông tin tư vấn tuyển sinh...
 Cẩm nang còn đem đến cho phụ huynh và thí sinh những điều cần ghi nhớ như: Lịch công tác tuyển sinh; mã trường, mã các ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh các ngành học và các thông tin quan trọng liên quan khác.
Cuốn Cẩm nang sẽ giúp thí sinh có đầy đủ thông tin tổng hợp để so sánh, lựa chọn ngành học phù hợp với nguyện vọng, điều kiện và khả năng học tập của mình cũng như chủ động trong việc đăng kí, nộp hồ sơ xét tuyển.
Sự ra đời sách Cẩm nang tuyển sinh 2020 của Trường Đại học Công nghiệp Vinh đã thực sự mang đến nhiều thuận tiện cho phụ huynh và thí sinh trong việc tra cứu, tìm kiếm thông tin tuyển sinh đại học của trường một cách kịp thời, công khai với tất cả những yếu tố cần và đủ; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Nhà trường trong công tác tuyển sinh năm 2020.


8 tháng 6, 2020

Hai số phận


Sáng chủ nhật có một văn bản dài hơi phải biên soạn nhưng do vừa nhận từ Tiki cuốn tiểu thuyết Hai số phận, định lướt qua vài trang rồi sẽ quay lại với công việc nhưng ai ngờ tôi bị cuốn luôn gần cả trăm trang.
Hai số phận là một cuốn tiểu thuyết được sáng tác vào năm 1979 bởi nhà văn người Anh Jeffrey Archer. Tựa đề Kane and Abel dựa theo câu chuyện của anh em: Cain và Abel trong Kinh Thánh Cựu Ước.
Hai số phận không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết, đây có thể xem là "thánh kinh" cho những người đọc và suy ngẫm, những ai không dễ dãi, không chấp nhận lối mòn.
Hai số phận là cả một tài năng tác giả về lối kể chuyện độc đáo và hấp dẫn. “Nếu có giải thưởng Nobel về khả năng kể chuyện, giải thưởng đó chắc chắn sẽ thuộc về Archer.” - Daily Telegraph.


Đây là câu chuyện về hai người đàn ông đi tìm vinh quang và làm nên sự nghiệp. William Kane là con một triệu phú nổi tiếng trên đất Mỹ, lớn lên trong nhung lụa của thế giới thượng lưu. Wladek Koskiewicz là đứa trẻ không rõ lai lịch xuất thân, được gia đình người bẫy thú nhặt về nuôi. Một người được ấn định để trở thành chủ ngân hàng khi lớn lên, người kia nhập cư vào Mỹ cùng đoàn người nghèo khổ.
Trải qua hơn sáu mươi năm với biết bao biến động, hai con người giàu hoài bão miệt mài xây dựng vận mệnh của mình. Cuốn sách dày 700 trang này nói về nỗi khát khao cháy bỏng, những nghĩa cử, những mối thâm thù, từng bước đường phiêu lưu, hiện thực thế giới và những góc khuất... mê hoặc người đọc bằng ngôn từ cô đọng. Cuốn sách hay từ chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Tác giả Jeffrey Archer là nhà văn người Anh và cũng là một chính trị gia. Ông từng là một thành viên trẻ tuổi nhất của Quốc hội và Phó Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh. Từ chiêm nghiệm của cuộc đời mình, Archer đã viết nên tiểu thuyết Hai số phận làm say đắm bạn đọc khắp thế giới.

5 tháng 6, 2020

Sài Gòn lắm Bà


Nhà tôi ở vùng Bà Quẹo, một địa danh nổi tiếng từ thời xa lắc xa lơ của Sài Gòn. Nói đến Bà Quẹo người SG ai cũng biết tiếng và quen thuộc với địa danh này. Nhưng cũng không ít người vẫn thường đặt câu hỏi: tại sao lại gọi là Bà Quẹo. Như tôi dù sống trong vùng đất Bà Quẹo mà vẫn bí rì rì khi nghe bạn bè hỏi Bà Quẹo nghĩa là gì. Đó là tên của một bà tên Quẹo hay là do nó thuộc phường 13, 14 quận Tân Bình (từ khi tách quận thì một phần phuờng 14 Q. Tân Bình đã thành phường Tân Sơn Nhì Q. Tân Phú) có con đường Trường Chinh dài dằng dặc rồi có những ngã ba để khi đến các phường trên phải quẹo vô Âu Cơ, quẹo vô Tân Sơn Nhì thành ngã ba Bà Quẹo nên gọi là Bà Quẹo.
Vùng Bà Quẹo chạy dài từ ngã 3 Trường Chinh - Âu Cơ về đến ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý. Ngay ngã tư này có bưu điện mang tên Bà Quẹo luôn chật chội và đông khách..
Vì thế mà từ ngày vô SG tôi đã cất công tìm hiểu về Bà Quẹo. Mà không chỉ có một Bà Quẹo, tôi thấy ở SG la liệt những địa danh bắt đầu bằng chữ Bà. Như Bà Hom, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu … xa hơn tận phía Vũng Tàu còn có thêm Bà Rịa nữa.
Có thể nói ở Sài Gòn có rất nhiều chợ mang tên các Bà.
Hóa ra câu trả lời cũng đơn giản. Tất cả 6 bà trên đều là những bà vợ của ông Lãnh Binh Thăng (tên thật là Nguyễn Ngọc Thăng 1798-1866) là một viên tướng yêu nước từng chỉ huy quân đội chống lại quân Pháp thời nhà Nguyễn. Ông là người từng giữ chức vụ thống lãnh các lục lượng quân đội triều đình vùng Sài Gòn - Gia Định xưa. Vì thế mà gọi là Ông Lãnh.
Là võ tướng nhưng Lãnh Binh Thăng rất có đầu óc kinh tế. Ông là người đã có công xây cây cầu bắc từ quận 1 sang quận 4 được gọi là cầu Ông Lãnh. Nhờ cây cầu mang tên ông mà dân quận Tư thấy mình cũng như dân quận Nhất do từ quận Tư qua quận Nhất chỉ mất mươi phút là đã đặt chân đến chợ Bến Thành.

Lãnh Binh Thăng (1798-1866). Hình tư liệu trên internet

Dân SG rất ngưỡng mộ ông Lãnh và chính quyền các thời đại cũng vậy, suy tôn ông làm một danh nhân yêu nước. Do vậy mà ở quận 1 có hẳn một phường mang tên ônggọi là phường Ông Lãnh, ở quận 11 có một con đường lớn mang tên ông là đường Lãnh Binh Thăng.
Thông thường những viên tướng giỏi cũng đồng thời là những người đàn ông đào hoa và đa tình. Lãnh Binh Thăng cũng vậy. Ông đi đến đâu là có những người đẹp vây quanh đến đấy. Vì thế mà ông Lãnh có những 6 bà vợ chính thức: bà Quẹo, bà Hom, bà Hạt, bà Điểm, bà Chiểu, bà Rịa.
Sẽ có người thắc mắc: một nách 6 bà vợ với 6 đàn con thì ông Lãnh Binh làm sao mà nuôi nổi. Tuy nhiên với ông Lãnh thì không khó. Theo giải pháp kinh tế tự cung tự cấp mà các cụ ngày xưa thường áp dụng, ông Lãnh đã mua đất xây 6 cái chợ to, giao cho mỗi bà cai quản một nơi và lấy luôn tên các bà làm tên chợ. Rồi từ đó tên chợ thành tên địa danh.


Chợ Bà Quẹo nay là chợ Võ Thành Trang nằm trên đường Trường Chinh thuộc P. 14 Q. Tân Bình. Chợ Bà Hom gần đường Bà Hom thuộc quận Bình Tân. Chợ Bà Hạt gần Trường Đại học Kĩ thuật, phường 9 quận 10. Chợ Bà Điểm thuộc xã Bà Điểm huyện Hóc Môn nơi có 18 thôn vườn trầu nổi tiếng. Chợ Bà Chiểu nằm trên đường Phan Đăng Lưu thuộc phường 1 quận Bình Thạnh. Cuối cùng xa nhất là chợ Bà Rịa hiển nhiên là thuộc thị xã Bà Rịa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà ai đã một lần đi nghỉ mát Long Hải không thể không ghé qua mua cá khô với nước mắm mang về SG làm quà.
Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì có thể Ông Lãnh còn có thêm nhiều bà khác nữa mà ta chưa thể thống kê hết.
Nếu vậy thì ông tướng này có những 6 bà vợ với 6 ngôi chợ rải rác khắp Sài Gòn. Và đó là sự lí giải chính xác cho các tên chợ và địa danh bắt đầu bằng chữ Bà ở Sài Gòn và các vùng lân cận.
Lũ hậu thế hèn mọn như kẻ viết bài này không ngả nón kính nể ông lãnh Binh Thăng mới lạ.