23 tháng 7, 2015

Thơ Nguyễn Xuân Sùng

HTS: Nguyễn Xuân Sùng là bạn tôi cùng đi lính thời chống Mĩ về. Chúng tôi học cùng lớp đại học ở khoa Văn ĐHSP Vinh những năm sau chiến tranh. Sùng hay làm thơ và thơ Sùng thuộc loại hay. Nhớ hồi còn học chung lớp 16D, tôi đã phát ghen với Sùng khi mỗi bài thơ hắn vừa viết xong đều được bọn con gái trong lớp chuyền tay nhau túm tụm đọc thỉnh thoảng còn cười rú lên thích thú. Với bọn con gái lớp tôi hồi đó, thơ Sùng hay hơn thơ Tố Hữu. Đến mức đứa nào cũng thuộc ít nhất một vài bài thơ của Sùng.
Nay thì Nguyễn Xuân Sùng đã là một ông giáo về hưu và có chân trong Hội VHNT Quảng Bình, là một hội viên tích cực vì thơ và cả văn Sùng vẫn ra đều trên các báo và tạp chí.
Nhờ cái vụ hội viên của hội văn nghệ cấp tỉnh này mà Sùng cũng vi vu đây đó ra phết. Năm ngoái Sùng đi trại viết Đà Lạt đến cả chục ngày. Năm nay thì như Sùng gọi vô cho tôi hôm qua, mới đi trại viết Đại Lải về, cũng cả chục ngày ăn chơi du hí. Những chuyến đi không mất tiền túi lại còn được trọng vọng vì là đi để lấy cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Và sản phẩm là những áng thơ văn như châu phun ngọc nhả.
Chiều nay tôi đang làm việc ở trường thì email của Sùng đến với một chùm thơ và một truyện ngắn. Thơ văn Nguyễn Xuân Sùng chủ yếu vẫn mang đậm âm hưởng thời hậu chiến của một cựu chiến binh đau đáu với thời cuộc. Tôi đọc và thấy mừng vì bạn mình vẫn còn tích cực nhập thế trong lúc cả xã hội với nhiều thế hệ đang vô cùng chán chường vì nhân tình thế thái.
Trân trọng giới thiệu Nguyễn Xuân Sùng cùng các bạn.

CÂY XANH  Ở TRUÔNG BỒN

Chúng mình
chẳng thể cách chia
vẫn chung lán
chung con đường
năm ấy
vẫn giữa truông
hun hút gió lào
nắng cháy
ngày đêm
xẻ đá
san đường

Nơi chúng mình nằm
tơi tả đạn bom
đen thẫm hạt muồng
mảnh găm hương ổi
khóm me
xanh
giữa ngày
bom dội
trái sim còm
sót lại
cuối bờ truông

Các em tôi
thấm lòng chị vô cùng
trồng những ổi
muồng, sim
bên bồ đề
sanh, si
sum suê xanh bóng
cây vạn tuế
trang nghiêm,
đồng vọng
niềm vui…
hiền dịu,
thảo thơm,
                  Hoa trái bốn mùa
                              Đại Lải, 6/ 2015


SAO KHÔNG LÀ ĐẠI LÃI ? 

Có nhầm không
sao lại là đại lải
ta kiếm tìm …

thời gian ngưng ,                    
phòng văn ngộp thở…
bật tung cánh cửa
ngơ ngác
bút nghiên

Gió ùa vào
hương thơm ùa vào
ngất ngây nắng sớm
vi vút mặt hồ
nghiêng
bóng
thông xanh
hoa dẻ
vàng
líu ríu bước chân
có nhầm không
 lạc vào xứ lạ
          ta thấy mình
          giàu quá…
                
Đại Lải nào cho anh?
Đại Lải em
Thi tứ bật lên

Bài thơ Đại  Lải.

               Đại Lải, 6/6/2015 



BÀI THƠ KHÓ ĐẶT TÊN.

Nghìn cây số
háo hức
thăm
chiến trường xưa
về đơn vị cũ

Đường lạ
nhà lạ
người lạ
lạ
lạ
lạ
rất lạ…


Ào ào, ào
Ào, ào, ao...
Trời sập xuống,
Mưa
Cơn mưa
Mưa ngập lối
Mắt ướt nhoà
Ba lô
Nhấp nhô suối
Đèo
Đường trơn
Bom dội
Dép tụt quai
Nghiêng ngã tiếng cười
Mưa cao nguyên
Ấm lòng tôi.
Cơn Mưa Đồng Đội

                                   Pleiku 2014
                                  Đại Lải 2015 




TRƯA ĐỒNG LỘC

Chiếc AD6
trơ khấc một mình*
lặng im
giữa Ngã Ba Đồng Lộc

Bom
đủ cở
nhỏ to
kết thành bè
chứng nhân tội ác

Những hố bom hoẳm sâu
giương mắt  
tròn
không thể tin
bốn mươi năm
chưa lấp đầy nỗi đau

Cô thanh niên xung phong 
ngày đêm phá đá mở đường
 thông xe ra tiền tuyến
vẫn kiên gan
Mặc
 bom dội trên đầu

Cây trên núi Trọ Voi kết thành rừng
vượt lên trong đạn bom,
bạn bè cùng đất cằn sỏi đá
rì rầm kể chuyện
Tháng Năm...
------------------------------------------------
(*) AD6 là loại máy bay ném bom của Mỹ                     
                                                    Ngã ba Đồng Lộc tháng 3
                                                    Đại Lải tháng 6, 2015   


          
  
              GIỮA TRƯA VƯỜN THÚY
                                   
                             (Bao giờ cây súng rời vai
                           Nung vôi, chở đá tượng đài xây nên     
                                                       Vương Trọng)
Ngày Trọng về, xơ xác hàng cây
Nấm mộ sè sè ngọn cỏ
Đất nước còn chiến chinh
Cụ đằm nỗi đau nhân thế
Hẳn không trách chúng mình chưa xây tượng trồng hoa.

Bao năm rồi
Trọng đã trở lại chưa
Vườn Thúy giữa trưa lắng tiếng chim gù vang xa đồng nội
Dung dị giữa quê nhà
thân thương quá đổi
Cây Nóng, cây Xoài mang gió tự ngàn xưa*
Con tìm về ví dăm,đò đưa
Câu ghẹo, câu xoan…Nguyễn** bỏ quên trong khúc hát
“Cô gái Trường Lưu” ở xa ta chưa được gặp
Hẹn một ngày cùng Nguyễn vào thăm.

Chỗ Nguyễn nằm thành nơi gặp gỡ tri âm
Bè bạn bốn phương nhắc
cuộc đời bể dâu của Nguyễn
Đọc câu Kiều, bao dạt dào cảm mến
Thương kiếp người tài hoa
            Chuông đá ngân trong sâu thẳm lòng ta
            Vọng lời của Nguyễn
            Có điều chi
            Mà trên cây
            Oanh ríu ra trò chuyện
            Bên án thư
           Chiếc quạt tre
            Phe phẩy,
           Nguyễn cười
                                                                Xuân Mai, 6 /2015

(*) Là loại cây được trồng khi làng làm nhà để đón thi nhân về



ĐỌC NHẬT KÝ CHIẾN SỸ
                  
                       (Tặng Hoàng Đình Bường)                       
Lật giở từng trang nhật ký
Còn vương bụi đỏ chiến hào
Nòng súng vặn mình
máu ứa
Từng trang,
Từng trang,
 Nhức nhói
quặn đau

Đêm
Tiếng cuốc
 băm
vào ruột đất
Tiếng cuốc
bổ
vào buồng tim
Từng nhát,
 từng nhát
 khô khốc
Huyệt
đào cho mình
thâu đêm

Ôm súng ngồi chờ giặc tới
Ấm lưng mảnh đất chiến hào
Nhớ về quê xa
Hỡi mẹ
Chờ con khắc khoải,
Lòng  đau      

Con biết
giá từng tất đất
Trả bằng tuổi trẻ
máu xương
Đất của ông cha
Quyết giữ
Chúng con không nghĩ gì hơn 

40 năm
Trang nhật ký chiến trường
Trị Thiên
không nguôi nỗi nhớ
Đồng đội về trong giấc ngủ
Nghiêng nghiêng
 trăng dọi chiến hào
                                     Quảng Bình 4/ 2015
                                    Đại Lải   6/ 2015 



                                               
CHÙM HOA KHẾ

Quả cầu lửa
Trôi
miền Trung chìm
trong thiên tai thảm hoạ
cây cỏ
còi cằn, khô úa
Lạ không,
hoa khế vườn ngoài

Lá quắt lại
cành cong, gồng mình
Nín
từng hơi thở
Vỏ sần sùi
Đợi
Ngày tím ngắt
Chùm hoa

Đời được gì
Ở tôi
Có ai đợi chờ
hoa khế

mong giữa ngày đồng khô
                                     nứt nẻ
                                    món tép đồng
                                    và
                                    vải quả khế chua
                                                       NXS

                                                     27/6/2015


Bông nàng nàng

                         
                 
Truyện của Nguyễn Xuân Sùng
                                                                        Tặng anh Hoàng Minh Sơn
           
              Đà Lạt se lạnh. Mấy anh em chúng tôi như ngất ngây giữa cao nguyên mờ sương mà nhìn, mà ngắm vườn hoa với muôn hồng nghìn tía. Ảnh, đứng góc nào cũng đáng chụp; hoa, khóm nào cũng không muốn bỏ qua. Chương trình của Nhà sáng tác bố trí cho anh em chúng tôi đi thăm vườn hoa thành phố trong một buổi, vậy mà đã hơn mười hai giờ đoàn vẫn chưa tập họp được để trở về. Đến được vườn hoa, ai cũng nghĩ mình đã hoàn thành được một mục tiêu quan trọng. Dẫu không được dự Festival hoa Đà Lạt, nhưng giờ đây, chúng tôi đã cảm nhận rõ sự hội tụ tất cả những gì tinh tuý nhất về hoa của thành phố ngàn hoa mơ mộng này. Nào Hồng (những mười loại hồng), đào phai,thược dược, đến những loại hoa quê mình hiếm thây : Cẩm tú cầu, Đinh tử hương, mi mô za... đặc biệt các loại lan kiêu sa, quý phái...
Vậy mà, Hoàng nói khẽ bên tôi:
               - Tớ vẫn chưa tìm ra được loài hoa cho riêng mình.                 Không hiểu căn nguyên sâu xa của anh, tôi chẻ một câu mà lẽ ra chưa nên nói:
             - Anh có vấn đề về thẩm mỹ rồi đấy. Hoa đẹp nhường kia mà không chọn được cho mình một đoá sao?
               Ăn cơm trưa xong, anh lại kéo tôi thơ thẩn dọc tuyến đường Nguyễn Du ra phía khu vườn ươm. Trước đó Đỗ Thành Đồng cũng đã bắt tôi đi để tìm cho được bông dã quỳ, dẫu biết mình đến muộn. Có gì đó trong Đồng hụt hẫng tiếc nuối, những vạt cúc quỳ mướt xanh, không còn dấu hiệu của mùa hoa. Dã quỳ biết có người đến tìm nên cố tình lánh mặt hay hoa lỡ hẹn?  Đồng nói trong tiếc nuối : Thôi thì cũng đã đến được xứ sở của "nàng" không hiểu "hoa tiếc gì mà ta tiếc ngẩn ngơ". Sợ lặp lại nét tâm trạng trên, tôi nói để trấn an Hoàng:
               - Mục tiêu hôm nay của mình là đi bộ , nghe.
               - Ừ, cũng được.
               Nói thì nói vậy, nhưng mắt anh cứ thao láo, ngó nghiêng, tìm kiếm.  
               - Cứ nói đi, biết đâu tôi lại tìm được cho anh?
               - Hoa này không phải là biểu tượng gì đâu, nhưng nó laị gắn bó với vợ chồng mình. Mình muốn tìm xem cái nơi được coi là vương quốc của các loại hoa thì hoa này nó sống thế nào. Nếu không thấy, có thể mình về lại Quảng Bình bới một khóm mang vào biếu vườn hoa cũng nên. Loài hoa gắn với kỉ niệm cuộc đời mình đã gần năm mươi năm rồi còn gì, khi mình tạm biệt các em học sinh thân yêu, tạm biệt bảng đen, phấn trắng để vào bộ đội. Hoàng kể:
               - Ngày ấy, khi biết mình là dân giáo viên dạy văn, tổ chức đã bố trí mình vào bộ phận tuyên huấn ( làm công tác chính trị trong quân đội), Xuân biết không, chuyến công tác đầu tiên ấy không ngờ lại là chuyến đi đầy cảm xúc, nên duyên. Khoác lên người bộ quân phục màu xanh lá cây, chiếc ba lô và khẩu súng ngắn K54, mình hăm hở lên đường, ngược chiều với trùng trùng đoàn quân ra mặt trận để đến quân khu nhận "đội chiếu bóng lưu động" về phục vụ cho chiến sỹ. Cuốc bộ suốt một ngày đường, đến bến đò Minh Lệ cũng vừa xẩm tối. Đằng nào cũng phải nghỉ lại, mình tranh thủ ghé thăm bố mẹ, vào đến nhà cũng là lúc lên đèn. Dạo này máy bay Mỹ bắn phá ngày càng ác liệt, bến đò của trạm trung chuyển đóng ngay  trong xã, vì vậy làng trở thành mục tiêu trọng điểm. Đã thành thói quen, nghe tiếng máy bay vụt qua, mẹ nhanh tay ấn mình xuống căn hầm chữ A bên cạnh. Mấy loạt bom trút xuống bến đò làm đất đá rào rào, căn hầm chao đảo. Kẻng báo động vang lên liên hồi, mình bật dậy, chỉ kịp nói với mẹ là "cháy nhà, con đi cái đã". Không chạy theo giao thông hào như mọi khi, mình băng qua làng đến ngay khu vực chúng ném bom Na pan. Lửa cháy rần rật, người người hối hả, tất bật lao vào kéo những vật dụng quan trọng, bộ phận khác dập lửa cứu nhà. Chưa kịp xách nước, thì thấy mấy chị vai mang chéo súng trường, trên tay bế một người phụ nữ, chẳng cần biết mình là ai, họ hét lên:
               - Anh bộ đội, đưa con này về trạm xá cấp cứu, mau.
 Như một lẽ tự nhiên, mình bế người phụ nữ chạy nhanh một mạch về trạm xá xã. Không hiểu sao, lúc ấy không còn cảm giác trọng lượng, cô gái trong tiếng thở nặng nhọc, tóc tai, áo quần cháy từng mảng, khét lẹt. Qua ánh đèn phòng không tù mù, mình biết cô gái bị thương vào phần mềm. Bàn giao cô dân quân cho trạm xá, để trở lại hiện trường mà chưa kịp rõ mặt, biết tên. Gần xong công việc, mình lại phải lên đường ngay.
               Mấy tháng sau, có dịp tạt qua nhà, muốn ghé thăm sức khoẻ ông bà một chút, nhưng mỗi lần về, thế nào mình cũng được nghe cái "bài ca không quên ấy", đến phát sợ.
               Thế lúc ấy anh bao nhiêu rồi,
               Thì 30 chứ mấy, thế mà ông bà cứ cuống lên. Lần này cũng vậy. Vừa bước chân vào nhà, cởi ba lô xuống, chưa kịp uống nước, mẹ mình đã mở máy ''dân vận'' liền. Mẹ tưởng mình đã biết cô ấy nên nói trỏng: "nó bị thương nhẹ, chỉ điều trị vài bữa là lại đi trực chiến, yêu hắn được đó,cưới rồi con muốn đi đâu thì đi, nhà hắn cách mình một khoảng chứ mấy"
               - Mẹ nói đến ai ấy hả mẹ?
Mẹ mắng yêu tôi:
               -Tổ cha mi, thì con Diện chứ ai vô đó nữa, cái đứa mà con bồng nó vô trạm xá ấy!
               - Thế à mẹ, biết vậy đã, lần này con ghé tý thôi, bữa sau nha mẹ.
               - Mồ tổ mi, mần mau đi cho mạ nhờ.
Mình vâng dạ cho mẹ yên lòng rồi lại vác ba lô ra đi. Nói thì nói vậy thôi chứ mình cũng đã bí mật tìm hiểu sơ qua về cô ấy. Nói chung được như chị Kiểm là ổn rồi. Về phía cô ta thì khi em gái mình nói chuyện, bà nói liền:
               - Ai lạ chi eng Hoàng nựa mà nói.
Như được định hình trong đầu bà, không bỏ lỡ cơ hội, hễ có ai vào đơn vị y như là có thư hoặc nhắn vài lời không ngoài mục tiêu ấy. Đến thủ trưởng tiểu đoàn cũng biết, và hình như mấy ông cũng đồng tình với ông bà nhà mình.
               Lần này, mình lại được giao nhiệm vụ phụ trách đội văn nghệ, chuẩn bị tiết mục dự thi cấp trung đoàn. Anh Nghĩa, chính trị viên tiểu đoàn nói thêm:
               -Lần này, đội cậu nếu giật được giải Quân khu thì thưởng thêm năm ngày phép về cưới vợ.
Mình hiểu đây vừa là mệnh lệnh vừa là lời động viên, thú thực trong lòng mình vừa mừng vừa lo, mà chủ yếu là lo. Lo vì không biết có hoàn thành nhiệm vụ như kỳ vọng của thủ trưởng hay không, nhưng cũng mừng vì được các thủ trưởng tin tưởng giao nhiệm vụ, nếu được như ý thì còn thêm được năm ngày phép thăm nhà, còn chuyện cưới vợ thì cứ đợi đấy, đang là dự án tiềm năng, chưa cưới thì cũng chẳng sao... Thủ trưởng tiểu đoàn có khác, một mũi tên trúng hai mục đích. Thấy mình lơ đãng, ông nhắc:
               - Có nghe rõ không đấy, Hoàng,
Theo thói quen điều lệnh, mình đứng bật dậy: Thưa thủ trưởng: Rõ, tôi xin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
               - Tốt, Ban chỉ huy tiểu đoàn kỳ vọng ở các đồng chí, nhất là công tác tổ chức của Hoàng. Nói rồi ông bắt tay thân mật, kèm  một cái nháy mắt rất nhiều ý nghĩa.
               Tuần đầu, ngày tập các khoa mục chiến thuật, tối tập văn nghệ. Đội định xây dựng năm tiết mục, trong đó có ba tiết mục tham dự Hội diễn trung đoàn và Quân khu, nếu được. Vì thế chúng tôi đã xây dựng chương trình đúng theo yêu cầu của ban tổ chức gồm: một đơn ca, một tốp ca, một  hợp ca. trong đó hợp ca là tiết mục tự biên của đội, đây cũng là tiết mục chốt của chúng tôi. Hồi đi dạy, mình cũng đã từng soạn lời cho nhiều tổ khúc dân ca, nên giờ đây việc đầu tiên mình lo nhất là phải nắm chắc tình hình đơn vị, các phong trào thi đua, những chiến công, gương người tốt, việc tốt và điều quan trọng là  trau chuốt một chút và tìm cách viết lời không bị khiên cưỡng. Vậy thôi.
               - Rồi kết quả ra sao anh?
               - Chú cứ vội, trước khi lên đường tham gia hội diễn, chúng tôi đã biểu diễn báo cáo tại đơn vị. Các tiết mục đều được vỗ tay tán thưởng, yêu cầu trình bày lại nhiều lần. Thủ trưởng đơn vị rất tin tưởng kết quả của chúng tôi. Một chuyên hành quân ra Quân khu vô cùng đáng nhớ, Thủ trưởng căn dặn rất kỹ với anh chị em diễn viên: điều đầu tiên là phải an toàn, an toàn tuyệt đối về người và trang bị, còn khi dự thi phải cống hiến hết khả năng của mình, còn giải chỉ là yếu tố tiếp theo. Chúng tôi vui vẻ, tin tưởng, không chịu một áp lực nào trong quá trình tham gia.
               Hội diễn kết thúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Ban chỉ huy tiểu đoàn giao, mình được nghỉ năm ngày phép. Kèm với quyết định khen thưởng của tiểu đoàn là quà của anh em trong đơn vị chuẩn bị cho mình về cưới vợ. Một ba lô kẹo chè, thuốc lá. Hồi ấy có được vài gói thuốc lá Trường Sơn là oách lắm rồi. Thật ngại, mình  nói với anh Trọng đại đội trưởng:
           - Chưa có chi cả, nên lần này không biết có hoàn thành nhiệm vụ không đây? Nếu nhỡ mà tôi trở vô tay không thì các anh cũng đừng trách tui nha. Anh Trọng vỗ vào vai mình:
               - Thứ nhất cho bọn mình gửi lời chúc sức khoẻ tới hai cụ, chúc mừng hai cụ từ nay có dâu mới. Thứ hai, với cậu, phải phát huy tinh thần người lính, đã đánh là thắng, thắng giòn giã. Nào cố gắng lên, không được vào tay không đâu đấy.
        Rời nhà Ban chỉ huy đơn vị, mình miên man trong niềm vui chiến thắng. Điệu sáo mồm bài " Cô gái vót chồng" cứ vi vút không nguôi trên miệng. Vui, mình vui lắm. Năm ngày phép, việc đầu tiên mình dự định sẽ lợp lại mái nhà cho cha mẹ, hôm bom dội xuống làng đã làm dột nát hết cả, rồi thăm thú bạn bè, ngày lên đường mình chưa kịp chào họ một tiếng...còn việc cưới vợ...mình chưa được tự tin lắm.
               Vừa đặt ba lô xuống giường, mẹ tôi nói ngay:
               - Con bây giờ mới về, nhưng cả làng biết tin từ hai hôm trước rồi. Tốt, rứa là tốt hung rồi, năm ngày cũng được. thong thả chán. Rồi bà " thông qua kế hoạch" ngay: Chiều mai, hai đứa gặp nhau,tối mai, bàn chuyện cưới hỏi, cha anh nói, ngày mốt, ngày dậu là ngày tốt, đăng ký. Rứa là hết ba ngày, còn ngày thứ tư, cưới. Ổn, rứa là ổn. Được không? Bà có để cho cha con tôi nói gì đâu. 
Nghe chuyện, có lẽ tôi lại sốt ruột hơn anh, nên chõ vào liền:
               - Chuyện có diễn ra như kịch bản không anh, sợ quá ít thời gian anh nhỉ?
               - Đấy là điều mình băn khoăn nhất, Hoàng tiếp lời tôi. Mình chỉ ngại một việc nhưng việc này lại hết sức cơ bản, đó là sẽ nói như thế nào đây để cô ấy thông cảm và đồng ý theo kế hoạch mà mẹ đã phác thảo. Diện là em gái Kiểm, kém tôi mười tuổi. hồi trước tôi vẫn thường qua nhà chơi, chỉ nói chuyện với Kiểm mà không mấy khi để ý đến nàng. Dẫu sao như thế cũng là biết, nhưng bây giờ gặp thì nói sao đây? Nhớ lời anh Trọng dặn hôm ra về " phải phát huy tinh thần người lính, đã đánh là thắng, thắng giòn giã" mình trở nên tự tin hơn. Đang nghĩ về những tình huống khi gặp lại Diện thì mẹ lại tặc lưỡi, động viên:
               - Con gái như rứa là hiếm con ạ, cứ gặp đi, được thì tốt. Nếu không thì...
               Tôi hỏi dồn bà: Là sao mẹ
               - Thì nó là đứa hiền dịu, siêng năng, tháo vát, ai cũng mến,lấy được nó cho mẹ thì mày muốn đi đâu thì đi. Rồi mẹ kêu Tâm ( Tâm cùng lứa với Diện, em họ tôi) tìm cách bố trí cho chúng tôi gặp mặt.
Được thông báo là đến nhà  hợp tác để nghe trên về phổ biến kế hoạch công tác, Diện vội bỏ bó mạ xuống, đi liền. Đến nơi, chẳng thấy ai ngoài một ông bộ đội, Diện gọi vào:
               - Chú bộ đội ơi, tôi quay người, chủ động trong cuộc gặp nên tôi len tiếng rất tự nhiên:
               - Diện à, khoẻ chưa?
Mình nói trống không, không gọi mà cũng chẳng xưng. Một thoáng bối rối, Diện biết mình bị lừa, nhưng do trước đó được Tâm đánh tiếng nên cô ấy mau lấy lại vẻ tự nhiên, đối đáp cũng không vừa:
               - Chào anh bộ đội, anh mới " trên về" à, em khoẻ rồi.
Chỉ cần nghe Diện xưng em, tôi nói luôn
               - Anh về hôm qua, hai bác bên nhà có khoẻ không, vết thương hôm trước ra sao rồi, tóc cháy nhiều không?
 Biết mình chính là cái anh bộ đội đã ôm nàng chạy thục mạng đến trạm xá cấp cứu hôm trước, ửng hồng đôi má, nàng thẻ thọt:
               - Anh hỏi thế em làm sao trả lời được. Rồi nàng hỏi chuyện công tác, chuyện đơn vị, kể công việc trung đôi dân quân của nàng...những câu chuyện gần như mình đã biết cả, vậy mà giờ qua miệng nàng, qua  cách kể hết sức hồn nhiên của nàng,  mình có cảm giác như sống động hơn, đẹp hơn, đáng yêu hơn. Lạ thế cơ đấy. Thấy diễn biến có chiều hướng thuận lợi, chứ không đến nỗi như kịch bản, mình thấy Diện thật thân quen, gần gũi và mến yêu vô cùng.
               Trời cũng không còn sớm nữa, mình hẹn nàng:
    Bây giờ anh có việc cần phải làm ( thực ra việc quan trọng nhất của mình lúc này là tiếp cận, thuyết phục nàng mà thôi. Giản thời gian ra một tý là để nghiên cứu thêm giáo án.), tối anh em mình ra đây nói chuyện, được không em?
               Diện hỏi một câu, có lẽ chỉ là để hỏi :
               - Rứa có tiện không anh?
Không một chút chần chừ, mình nói luôn:
               - Sao lại không, trăng sáng nói chuyện càng vui . Thế nhé, bảy giờ tối anh đợi em ở đây, nha.
               - Dạ
                   Đợi nàng đi khuất, tôi mới lửng thửng bước ra. không ngờ cuộc gặp lại diễn ra thuận lợi như mong muốn. Tôi chuẩn bị cho cuộc gặp tối nay, quyết định trong đêm nay.
                  Trên đường về, tôi nghĩ tối nay nên nói với nàng điều gì, có nên văn vẻ không, hay cứ giản dị, tự nhiên...có tặng hoa cho nàng, mà lấy hoa gì để tặng nàng bây giờ. Suy nghĩ trong giây lát, tôi chậc lưỡi: mình người làng, quen biết nhau đã lâu, việc gì mà phải lựa chọn cách nói cho lắm, cứ thành tâm mà đối đãi với nhau e hay hơn cả. Bất chợt khóm hoa nàng nàng, những cánh hoa đủ màu kết lại như sắc cầu vồng quệt vào tay tôi. Phải rồi, nó đây, những đoá hoa như màu ngũ sắc mà đằm thắm, bình dị, thân quen. Đây là hoa ta sẽ tặng nàng vào  tối nay.           
            Qua quýt bát cơm, mình ra chỗ hẹn. Đi qua búi hoa nàng nàng mình không quên hái một chùm hoa, nhỏ thôi nhưng rất xinh, đặc biệt mùi thơm dịu ngọt, thanh tao rất quê kiểng mà đáng yêu. đem cất vào một chỗ rồi ra đợi nàng. Có lẽ cũng cùng tâm trạng như mình nên vừa quay ra, đã thấy nàng trước mặt.
            - Anh đợi em lâu chưa?
            - Em à, Mới chút thôi
Lần này hai đứa tự nhiên hơn, mới gặp nhưng trong lòng mình có cảm giác như gần gũi thân quen tự bao giờ. Một sự hiểu biết và cảm thông trong những câu chuyện kể, trong nghĩ suy. Đã đến hồi quan trọng, không còn thời gian nữa, mình đánh bạo hỏi:
- Diện này,
- gì vậy anh
Em có dám đi chung đường với bộ đội không?
- Thì mình đang đi đó mà anh.
 Biết nàng đang dễu mình.
            - Ý anh là có dám xây dựng gia đình với bộ đội không kia
            - Anh, có gì mà lại không dám, những người lính đã tự nguyện hiến dâng cả tuổi thanh xuân, sức lực, máu xương mình cho Tổ  quốc, thì tại sao phụ nữ chúng em lại không dám cơ chứ.Chỉ sợ không ai ngó ngàng đến những cô gái quê mùa này thôi. Mà đâu phải xây dựng gia đình cho mình các anh ấy đâu.
Tự nhiên nàng văn vẻ đến lạ. Đèn xanh bật rồi, tôi mừng quá, chớp cơ hội, đánh liều dấn ga:
            - Chúng mình lấy nhau nha em, Diện.
Nàng im lặng...
            - Nha, em
 Vẫn  im lặng..
            - Ầy, anh trật rồi, tôi lên tiếng
            - Trật chi
            - Mới nói chuyện, lẽ ra anh...hun o ấy một cái thử có được không đã, chưa chi đã hỏi rứa, hèn chi im lặng.
Hoàng cười,
            - Nghe nói chú giỏi lắm cơ mà, viết được mấy chương cho giáo trình tình yêu, ai dè đoạn ni cũng kém nhỉ. Không phải đâu, đó là chiến thuật của các nàng đấy.
            - Thì anh nói đi,
Các nàng khiêm tốn về nhì thôi. " nhất ì, nhì làm thinh" mà.
Tôi ngớ người về cái tinh ý của anh, Hoàng nói luôn:
            - Khi mình nói, "Được rồi, không sao, nhất ì, nhì làm thinh" thì nàng đấm vào ngực mình
            - Anh trêu em nì, anh trêu em nì, mỗi lần nói, hai tay nàng lại đấm vào ngực mình. Tiện thể,được đà, mình liều kéo nàng vào. Mới thế, thấy người nàng run bắn lên, cả hai đều thấy tiếng tim đập rộn rã. Nắm lấy tay nàng đặt lên ngực mình:
            - Từ nay trái tim này thuộc về em, bà chúa của lòng anh. Diện để yên bàn tay nhỏ nhắn mềm mại trên bộ ngực thổn thức của người lính. Đầu nàng ngã vào ngực mình, yên lặng. Một khoảng trời mênh mang, gió từ bến sông thổi vào như vuốt ve mái tóc ngát thơm hoa bưởi của nàng. Vầng trăng vằng vặc soi rõ ánh mắt ngời sáng trong trẻo thân yêu đến lạ. Nhớ đến việc tặng chùm hoa nàng nàng cho Diện, nhưng rồi mình không dám khuấy động phút giây thiêng liêng, hệ trọng ấy. Đêm đó,  tịnh không có một tiếng máy bay nào, có lẽ tất cả như dồn cho mình không gian hạnh phúc.
            Nàng nói nhẹ bên tai:
            - Em mà ỳ ri, anh có cười em không đấy*?
Tôi đang ngỡ ngàng hạnh phúc, bỗng bừng tỉnh khi nghe câu hỏi không dễ chút nào.
            - Sao em lại nói thế, người lính trận đâu có lắm thời gian để tâm sự được nhiều, hơn nữa khi " tia chớp của ái tình đã vụt qua, khi trái tim họ đã thuộc về nhau thì thời gian còn có nghĩa lý gì, thay mặt những người lính, anh cám ơn em không kịp nữa là". Tôi tự hài lòng với câu trả lời của mình, và thực sự, đó là cái lý.
            Rồi như cái lẽ tự nhiên, mình lại nêu cái  "kế hoạch" mẹ mình nêu hôm nọ. Nàng chỉ sợ thời gian gấp gáp, tổ chức không được chu đáo thôi. Chúng tôi hạnh phúc sánh vai nhau dưới con đường lấp lánh hoa trăng.
            Đêm ấy, tôi không ngủ được, mẹ tôi thì mừng khôn tả, chừng như ông bà chắc biết trận này hai đứa con mình chắc thắng, nên khi tôi về, móm mém miếng trầu cay, mặt tươi rói, mẹ đã sắp xếp mọi việc xong xuôi.
            Rồi lễ thành hôn diễn ra trong niềm vui của cả hai họ, của cả làng. Bọn trẻ nhỏ thì đến vì hiếu kỳ, coi anh bộ đội với o Diên. Một đám cưới được tổ chức theo đời sống mới thật giản dị và đầy ý nghĩa. Hôn lễ được cử hành ngay sân nhà, mấy bạn thanh niên trong chi đoàn của Diện kịp cắt đôi bồ câu sánh đôi nhau bay trong hanh phúc, cùng câu khẩu hiệu của một thời "Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ". Thành, bạn thân của mình, là một cán bộ Đoàn lão luyện, kịp trao vào tay mình bó hoa, anh dặn: tặng Diên đi. Bó hoa nàng nàng được cuốn trong một đài hoa bằng tờ báo cũ. Tự nhiên tôi thấy lịch sự và sang trọng chán. Đến bên nàng, bằng cả hai tay tôi trao cho nàng và nói: "Anh tặng em những bông hoa đồng nội, vươn lên trong nắng gió, đạn bom, vẫn rực rỡ như bảy sắc cầu vông, mà thảo thơm , bình dị. Mong cho hạnh phúc chúng ta mãi mãi mãi vững bền". Tôi nghe ai đó xì xào " Sĩ quan chính trị có khác".Các bạn thanh niên vỗ tay tán thưởng, mấy chị lấy hai tay ngoéo vào nhau rồi hô to, chụp ảnh nà, cười lên, chụp nha.  Nàng hồng lên đôi má, e thẹn hạnh phúc.
Đêm tân hôn của chúng tôi trong tiếng ràn rạt của máy bay, ỳ ầm bom dội. Sớm hôm sau, nàng tiễn mình ra tận bến đò để trở về đơn vị, bịn rịn, yêu thương, nàng ép sát vào ngực mình, nhỏ nhắn và e lệ.
                                                             *
                                                            * *
            Hơn năm tuần sau, đang lúc khẩn trương huấn luyện các khoa mục chiến đấu trong đội hình phân đội,chuẩn bị cho chiến trường Nam Lào mình nhận được thư Diện, đây là bức thư thứ hai của vợ, nàng viết vội chỉ mấy dòng. Bức thư ngắn mà chất đầy tình yêu thương, cuối cùng Diện báo một tin mà mình thao thức suốt đêm, không biết nên vui hay nên buồn. Diện xung phong vào chiến trường trong đội hình của lực lượng bán vũ trang, vừa mở đường vừa chiến đấu. Em còn nói thêm biết đâu vợ chồng mình lại được gặp nhau trên những nẻo đường chiến dịch, lúc đấy hạnh phúc biết bao nhiêu. Một tâm trạng vui buồn lẫn lộn, buồn, nói cho chính xác là lo, lo vì nàng mảnh mai, yếu ớt, liệu có đủ sức hành quân, băng rừng vượt thác, phá đá mở đường...Vui, thì vô kể, biết đâu như Diện nói nếu được gặp nhau nơi chiến trường đạn lửa này thì tự hào, vui biết bao nhiêu,chưa biết chừng lại là nguyên mẫu  cho chuyện tình nơi mặt trận cũng nên... mình thiếp đi trong hạnh phúc trào dâng.
            Năm 1968, chúng tôi "gặp" đơn vị "anh cả đỏ" của Mỹ nơi chiến trường Quảng Trị. Phải nói ngay rằng đây là một cuộc "tao ngộ chiến" hết sức éo le, trận đánh xẩy ra vô cùng cam go, bất lợi. Cậy sức mạnh hoả lực và khả năng cơ động của mình, quân Mỹ đã tổ chức phản công hết sức quyết liệt. Địch bị tiêu diệt khá nhiều, trái lại số chiến sỹ của ta thương vong cũng không ít. Một kinh nghiệm xương máu cho các vị chỉ huy trước những tình huống như thế này là khẩn trương làm công tác thương binh liệt sỹ và rút ngay ra khỏi tầm bom và các loại hoả lực của địch. Là người phụ trách đơn vị, tôi đi sau khống chế địch để đơn vị rút ra. Trong lúc khẩn trương, kẹt giữa cái sống và cái chết như thế mà tôi vẫn nhớ tới Diện, và rồi như một lẽ tự nhiên, tôi quay lại tháo chiếc bi đông ở thắt lưng một xác thằng Mỹ.
            Ở tuyến sau, nhận được quà của chồng gửi về, Diện vô cùng hạnh phúc, thứ nhất biết chồng khoẻ mạnh, lập chiến công cùng đồng đội, thứ hai, không những có đồ dùng mà hình ảnh anh lúc nào cũng hiện diện bên em. Biết vợ chồng cùng mặt trận, nhưng chưa bao giờ có điều kiện gặp nhau, chỉ là những lời nhắn gửi hoặc những dòng thư viết vội khi có người đi công tác qua.
             Sư đoàn được Bộ Tổng Tham mưu điều qua giúp nước bạn Lào, đơn vị tôi hành quân đến cao nguyên Bôloven. Lúc này, Diện cũng được chuyển sang mở đường Tây Trường Sơn. Gặp đơn vị TNXP quê Quảng Bình, anh em mừng lắm, mình lại càng hồi hộp. Liệu đơn vị vợ tôi có đây không, Diện ở đâu...Được lệnh nghỉ tại chỗ, tôi vội vàng đi tìm Diện, từ đầu hàng quân đến cuối tuyến, đâu cũng nhìn đâu cũng hỏi mà không thấy Diện của tôi đâu. Sốt ruột mình tìm ban chỉ huy đơn vị thì được biết Diện đang đi công tác. Diện đi đâu, sao không có ở đây,tôi băn khoăn, phấp phỏng và lo âu. Biết đâu các anh chỉ huy đơn vị giấu mình điều gì chăng? Giữa chiến trường đạn bom ác liệt này tất cả những điều tưởng chừng không thể  lại hoàn toàn là những điều có thể. Lệnh tiếp tục hành quân, lòng tôi nặng trĩu, những bước đi trở nên nhọc nhằn, trầm tư.
       Xốc lại ba lô, mình  lại bước đi trong đội hình đơn vị, gặp ai đi ngược chiều, cũng săm soi, dòm ngó. Đến một ngã tư, lối nhỏ vào bản người Lào Thưng*, mình thấy hai người mang quân phục dáng đi chúi xuống, có lẽ gùi sau lưng đè nặng, đã gặp nhiều người đi ngược chiều, hơn nữa lại có gùi sau lưng, lại nghĩ, không phải, không thể như thế, Diện của tôi đang đi công tác kia mà, mấy cậu đi sau tôi lại được dịp tếu táo râm ran...Đoàn quân lại bước đi lặng lẽ. Bỗng một trong hai người bật lên chạy tới:
            -  Hoàng, anh Hoàng phải không, anh, anh ơi, em đây, Diên đây.
       Tôi ngẩn người, dừng lại đứng như Từ Hải. Mang cả gùi, Diên vụt chạy đến. Ôm chầm lấy tôi, em khóc nức nở. Cả đoàn quân ngỡ ngàng, như dồn lại, chung vui cùng tôi, cười nói râm ran. Anh Trường đại đội trưởng đỡ gùi măng trên vai Diên xuống. Giữ ý, anh em lùi xa ra. Lúc này tôi mới nhìn kỹ em, sốt rét đã làm da em xanh mái, màu rừng, tóc em lưa thưa, môi thâm lại...em không còn tươi xinh, mềm mại của cô thôn nữ mùa xuân năm trước. Đúng là lính Trường Sơn dạn dày sương gió, em hoạt bát, nhanh nhẹn hơn tôi tưởng, không còn Diên rụt rè e thẹn của cô dân quân năm nào. Em kể nhanh cho tôi tình hình gia đình hai bên, tình hình đơn vị, sức khoẻ của em trong những ngày tôi ở mặt trận Quảng Trị. Em mừng, nếu lúc nãy không khẩn trương thì tuột mất cơ hội  hi hữu gặp anh hôm nay. Bất chợt nàng hỏi tôi một câu:
            - Anh có trách em không, khi em được trong diện ưu tiên miễn ra mặt trận vì có chồng ngoài tiền tuyến.
            Biết nói gì được nữa, tôi động viên vợ, thế là quý lắm rồi, biết được điều kiện công tác, sức khoẻ như thế là anh yên tâm rồi, em có ra chiến trường vợ chồng mình mới được gặp nhau, Này, có phải đúng như lời ước năm xưa không. Tôi cố nói cho vợ tôi vui, yên lòng. Không thể dừng lại được lâu, trước khi chia tay tôi mở ba lô lấy cho em chiếc bọc võng bằng dù pháo sáng được nhuộm lá rừng để chống muỗi và giữ ấm giữa đại ngàn, và đặc biệt lọ phòng 3, một loại thuốc chống sốt rét ác tính hiệu nghiệm nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ. Tôi mở túi cóc ba lô Diên để nhét võng và thuốc vào, thì Diên giằng lấy:
            -Để em, tý nữa lại quên. Diên lục ba lô lấy ra một cái túi ni lông
giữa cuốn sổ là bông hoa.  Trời ơi, bông nàng nàng mà tôi đã trao nàng trong ngày cưới. Tôi run lên khi em vừa tách  bông hoa ra, bông hoa được ép khô trong cuốn sổ carne hôm tôi trao em làm kỉ niệm.
            - Đây anh giữ cái này, em chỉ ép được hai cành, đợi ngày này lâu lắm rồi, em nghĩ thế nào cũng trao được cho anh nơi chiến trường. Tôi đón bông nàng nàng nàng từ tay em rồi cho vào túi ngực:
            - Anh để đây, nơi trái tim anh
Tôi hiểu bông nàng nàng quan trọng với em và tôi như thế nào. ( Tôi cũng nói thêm, đến nay trong tủ kính nhà tôi, giữa những kỉ vật chiến tranh, có hai thứ mà tôi cho là có ý nghĩa nhất, có thể là độc nhất vô nhị, đó là cặp hoa nàng nàng và chiếc bi đông Mỹ)
            Từ xa, mấy cậu lính trẻ hét lên, hôn tạm biệt chị Diên đi anh Hoàng, hôn đi. Tôi đâm ra bạo dạn và liều lĩnh.
            - Có gì mà không được, vừa nói, tôi vừa kéo Diện vào lòng
            - Anh đi nha, em nhớ giữ gìn sức khoẻ, nếu có điều kiện viết thư về báo tin cho gia đình biết vợ chồng mình gặp nhau ở đây nha. Chắc ông bà mừng lắm đó.
            - Dạ, em sẽ viết thư về. Diên cúi đầu vào ngực tôi yên lặng. Hôn tạm biệt đi anh Hoàng, chúng nó lại hét lên. Tôi nâng đầu nàng lên thơm vào trán và mái tóc nàng. Chắc đã lâu không được gội đầu bằng bồ kết, tóc nàng có mùi chua dìu dịu của một loại trái cây rừng.
            Tạm biệt Diên và người bạn đường của em, lòng tôi thanh thản, nhẹ nhàng, nhất là đã giải toả một ám ảnh, một nỗi lo, cất đi được một hòn đá đè nặng lên ngực.
            Gấp rút triển khai kế hoạch tác chiến, không khi nào rảnh để tranh thủ trở lại thăm em, mà có đi chăng nữa, liệu đơn vị em có còn đó hay không, người như con chim nay đây mai đó, là người mở đường em luôn có mặt nơi chưa ai đặt chân tới, đến khi hoàn thành em lại đến nơi khác, chim trời cá nước biết đâu mà tìm.
            Hơn tháng từ ngày vợ chồng gặp nhau, tôi nhận được một phong thư từ quân bưu; Ngoài bì đề Sơn Minh Diện, cậu quân bưu nói với tôi, thư ai lại có họ của người khơme vùng An giang, giống họ Campuchia anh nhỉ. Tôi biết thừa của ai khi nhìn nét chữ, nhưng vẫn nói với cậu đưa thư. Có lẽ thư vùng đó thật.
Bức thư viết trên giấy học trò. nét chữ mềm mại, nhưng còn run run. bao nhiêu thương nhớ, mong chờ và cả nỗi lo cho người ra trận. Em lo lắng cho tôi, động viên tôi yên tâm chiến đấu, niềm vui và hạnh phúc của cả vợ chồng đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc chiến vinh quang và vô cùng ác liệt này.
            Như một sự vô tình quên lãng,em tái bút:
            - À anh, bữa vợ chồng mình gặp nhau hôm ấy, là từ trạm phẫu tiền phương về đó, em bị một mảnh bom sát thương vào tay. Như anh biết đấy, bây giờ hoàn toàn bình phục, em đã ra mặt đường cùng chị em. Bị mấy lần rồi, nhưng em đã có quý nhân phù trợ. Biết quý nhân đó là ai không? Là Anh đấy, anh luôn che chở cho em. Em quá may, phải không anh.
        Việc lớn như thế mà em lại ra vẻ như không, lòng tôi trào dâng một tình thương khôn tả. Tôi nhớ em, Diện của tôi. Bất giác, tôi sờ lên túi áo trái ngực mình. Bông nàng nàng.
                                                                                                 NXS
                                                                                                Hè 2015