1 tháng 6, 2015

Những đứa trẻ trong "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá"

Ý kiến giáo viên

                                                                               Chử Anh Đào

 Chương trình Ngữ- Văn bậc Trung học cơ sở có 13 tác phẩm dịch từ chữ Hán của các tác giả trong và ngoài nước. "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" của nhà thơ kiệt xuất đời Đường Đỗ Phủ (712-770) sách Ngữ- Văn lớp 7 (trang 131-135) là một trong số đó.                              
Giá trị nhân đạo lớn lao là điều không thể phủ nhận trong tác phẩm này. Nhà thơ đang trong hoàn cảnh nhà tranh bị gió thu thổi tốc mái, nhà dột, rét mướt, già yếu, không ngủ được nhưng vẫn nghĩ đến và ước ao điều tốt đẹp sẽ đến với những người nghèo khác: "Ước được nhà rộng muôn ngàn gian/  Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan...Riêng lều ta nát, chịu chết cũng được" (Khương Hữu Dụng dịch). Đúng là vằng vặc một tấm lòng tiên ưu hậu lạc của kẻ sĩ chân Nho. Nhưng theo tôi thì có thể chọn những bài khác trong di sản tác phẩm đồ sộ của Đỗ Phủ mà không nên đưa bài này vào chương trình để dạy cho học sinh THCS vì những lí do sau đây:
 1. Thực tế đã chứng minh: Không phải tất cả các câu, các tác phẩm của một nghệ sĩ lớn đều đúng, đều hay. Nhà thơ lớn vẫn có những câu thơ "thật thà" kiểu: "Đoàn là gì nhỉ em ơi/ Là không quen biết lại ngồi với nhau". Hoặc: "Giên Phôn Đa/ Lột trần chị ra/ Chúng thấy gì?/Một trái tim dũng cảm"...
 2. Bài thơ quá dài, 23 câu thơ dài ngắn khác nhau, ít vần điệu, khó cảm thụ, khó thuộc. Tác phẩm như một câu chuyện được kể lại bằng văn vần, giá trị nghệ thuật hạn chế (Trong khi các bài thơ khác: Nam quốc sơn hà, Tĩnh dạ tứ, Tụng giá hoàn kinh sư, Hồi hương ngẫu thư... đa số chỉ 4 câu, cô đọng, súc tích, giàu tính biểu cảm)
 3. Đối tượng trữ tình trong bài là những đứa trẻ, tuổi sàn sàn với các em học sinh lớp 7, lớp 8 của chúng ta. Những đứa trẻ trong bài thơ hiện ra với những tính cách không đẹp một tí nào. Trước hết là lũ trẻ xóm Nam vô lễ, coi thường người già, nhẫn tâm, ngang nhiên ăn cướp: "khinh ta già yếu/ Trước mắt ta dám làm đám kẻ cướp/ Công nhiên ôm tranh chạy vào bụi trúc", khiến ông già là tác giả "Rát cổ bỏng họng gào chẳng ăn thua gì/  Đành quay về chống gậy đứng thở dài." Tối đến, mưa vẫn rả rích không ngớt. Tác giả lên giường với "cái chăn vải đã cũ, lạnh như đồng" và thằng con trai: "kiêu nhi, ác ngọa, đạp lí liệt". Dịch nghĩa: "Đứa con kiêu ngạo, nằm ngang ngược, đạp rách hết chăn". Nếu xuất hiện những đưa trẻ gom tranh giúp ông hoặc đứa con ôm lấy người cha ân cần hỏi han: cha có lạnh lắm không thì tính giáo dục của tác phẩm sẽ cao hơn rất nhiều.
  Giả sử có tình huống trong giờ học, nếu một học sinh nào đó hỏi giáo viên: "Thưa cô, sao những đứa trẻ trong bài thơ lại hư hỏng như vậy?" thì người dạy sẽ rất khó trả lời.

                                                          PK 1/6/15

                                                               A.Đ

                                      Nhà thơ Đỗ Phủ;  712-770 (Ảnh từ internet)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới