Chọn đúng dịp cuối năm tôi xin nghỉ việc một ngày để đi khám sức khỏe
tổng quát định kì. Ở bệnh viện Thống Nhất có quy định 6 tháng người bệnh được đi khám
tổng quát một lần nhưng tôi thì cứ 12 tháng mới đi. Một là vì tôi lười khám.
Hai nữa là trước đó công đoàn trường cũng đã tổ chức cho GV, CB, NV được khám rồi.
Vậy là một năm tôi có hai lần khám tổng quát ở hai bệnh viện khác nhau. Một ở nơi
tôi đăng kí bảo hiểm y tế là BV Thống Nhất và một nữa ở nơi trường hợp đồng
thuê khám.
Theo kinh nghiệm, tôi không ăn sáng và dậy đi sớm. Tiếng là bệnh
viện dành cho đối tượng trung cao nhưng ở Thống Nhất lúc nào cũng đông nghịt
người bệnh. Đa số là ông già bà lão về hưu đã lâu ngày, đi chậm và nói khẽ (vì
loại này muốn đi nhanh nói to cũng không còn sức chứ không phải họ văn minh lịch
sự gì).
Khám tổng quát nghĩa là phải đi qua hàng chục phòng khám chuyên
khoa với hàng chục vị BS khác nhau. Tôi ghét nhất ở phòng khám siêu âm. Một cô
y tá trẻ bảo tôi nằm dài lên giường cởi thắt lưng ra. Tôi đang lóng ngóng vì ngại
thì cô y tá đã kéo tụt hẳn quần tôi xuống quá mông, rồi xoa lên một lớp dầu mỡ
gì đó lạnh ngắt để một bà BS khác dò máy siêu âm màu.
Vừa nhìn trên màn hình đến đâu bà BS vừa phán đến đấy: Gan nhiễm mỡ
nha, máu cũng nhiễm mỡ nha… Rồi bà yêu cầu tôi nên bỏ hẳn bia rượu, bớt ăn thịt và tăng thêm rau trong bữa cơm… Khi tôi đã ngồi dậy rồi, bà BS tỏ vẻ ân cần hỏi
chứ anh còn thấy thường bị đau hay nhức mỏi chỗ nào nữa không. Tôi nói là hay bị
đau lưng, nhất là đau mỏi ở vùng thắt lưng. BS khuyên tôi nên sang khoa chẩn
đoán hình ảnh chụp MRI để kiểm tra vùng cột sống cho chính xác. Tôi bảo vậy để
tôi sang đó chụp luôn cho khỏi mất thì giờ. Bà BS nói ngay: không được. Người bệnh
ngoại trú mỗi lần chụp MRI phải bỏ tiền túi ra trả 2,5 triệu. Nếu muốn miễn phí theo chế độ điều trị bảo hiểm thì tôi phải lập thủ tục nhập viện để thành một bệnh nhân nội trú. Khi đó bệnh nhân sẽ được miễn toàn bộ viện phí kể cả chụp MRI. Tôi
hỏi nếu nhập viện luôn bây giờ thì có được chụp ngay không. BS bảo hôm nay nhập
thì nhanh nhất sáng mai mới chụp được. Có phim với kết quả rồi xuất viện ngay, mất mát gì đâu mà sợ. Tôi nhẩm tính vậy là mất hai ngày nhưng biết được chi tiết tình trạng cột sống
và vùng thắt lưng thì cũng tốt. Bấm máy thông báo cho bà xã. Bả nghe rồi bảo
vậy nhập viện luôn đi. Mấy khi được chụp MRI miễn phí.
Vậy là bà BS phòng khám siêu âm viết phiếu nhập viện cho tôi vào
khoa nội thần kinh ngay.
Tôi với hai bàn tay không tung tăng như một kẻ đi dạo phố làm thủ tục nhập viện để thành một bệnh nhân nội
trú. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi làm bệnh nhân nội trú của một bệnh viện bởi đời tôi từ trước đến nay chưa đau ốm gì đến mức phải nhập viện cả.
Phòng bệnh với nhà WC khép kín trên lầu 3 có hai giường nệm khá sạch sẽ và thoáng. Làm gì có chuyện hai, ba người bệnh nằm chung một giường đâu nhỉ. Ở giường đối diện là một bác hưu trí già gần 80 tuổi hom hem, đầu gối chân và cả cột sống đau nhức nhối đi lại khó khăn với một bà vợ già cũng gần bằng ông vào chăm nuôi đang bắc ghế ngồi đọc báo ngoài ban công. Họ nội trú ở đây đã hơn chục ngày. Tôi đang đứng lóng ngóng cạnh cái giường thì một cô y tá điều dưỡng vào đưa cho một bộ quần áo bệnh nhân có lẽ trước đây là màu thiên thanh nhưng giờ thì nó bợt bạt không ra cái màu gì. Hình như gần với màu xám tro. Thêm tấm ga trải giường với một cái chăn mỏng và cái gối. Trải ga xong đâu đó tôi leo lên nằm xoải chân thoải mái vô cùng. Nằm viện nội trú thế này cũng sướng.
Phòng bệnh với nhà WC khép kín trên lầu 3 có hai giường nệm khá sạch sẽ và thoáng. Làm gì có chuyện hai, ba người bệnh nằm chung một giường đâu nhỉ. Ở giường đối diện là một bác hưu trí già gần 80 tuổi hom hem, đầu gối chân và cả cột sống đau nhức nhối đi lại khó khăn với một bà vợ già cũng gần bằng ông vào chăm nuôi đang bắc ghế ngồi đọc báo ngoài ban công. Họ nội trú ở đây đã hơn chục ngày. Tôi đang đứng lóng ngóng cạnh cái giường thì một cô y tá điều dưỡng vào đưa cho một bộ quần áo bệnh nhân có lẽ trước đây là màu thiên thanh nhưng giờ thì nó bợt bạt không ra cái màu gì. Hình như gần với màu xám tro. Thêm tấm ga trải giường với một cái chăn mỏng và cái gối. Trải ga xong đâu đó tôi leo lên nằm xoải chân thoải mái vô cùng. Nằm viện nội trú thế này cũng sướng.
Đang lim dim nhìn cái quạt trần quay thì một y tá khác vào nắm tay
đo huyết áp làm bệnh án. Rồi một anh BS còn trẻ có bảng tên là Hiền vào thăm
khám. Tôi nhân tiện trình bày luôn là thực ra tôi không bị đau ốm gì cả. Chẳng
qua phải nội trú vô đây để được chụp MRI theo tư vấn của BS phòng khám. Anh BS
gật đầu: Cháu hiểu rồi. Nhiều người vào đây với mục đích như chú lắm. Rồi anh
ta cấp cho tôi một nắm thuốc bảo phải uống làm hai lần trong ngày cho hết rồi viết
phiếu chỉ định cho tôi 9h sáng mai lên khoa chẩn đoán hình ảnh chụp MRI. Tôi nghĩ
vậy là chậm lắm thì chiều mai mình xuất viện được rồi. Nhập hôm trước hôm
sau xuất, chưa đến hai ngày nằm viện. Có lẽ tôi đạt kỉ lục về bệnh nhân nội trú điều
trị nhanh nhất nước trong năm cũng nên.
Anh BS đi rồi, bà vợ của ông bệnh nhân ở giường đối diện đặt tờ
báo xuống nói: Vậy mà thấy chú vào nhanh nhẹn hăng hái trải ga giường tôi tưởng là chú đi chăm nuôi người nhà chớ. Ai dè
chú lại là người bệnh.
Hừm. Tôi mà là người bệnh thì cả thành phố này còn ai khỏe nữa.
Hừm. Tôi mà là người bệnh thì cả thành phố này còn ai khỏe nữa.
Trưa đó tôi xuống cantin bệnh viện ăn hết một đĩa cơm cá nục kho, ăn thêm một tô hủ tiếu với một đĩa to rau xà lách nữa mới no. Lên lại phòng bệnh, ngủ một
giấc đến 3h chiều tôi kín đáo trút bỏ lại bộ quần áo nhàu nhĩ không biết là sạch
hay bẩn của bệnh viện rồi nhẹ nhàng lách vô thang máy trốn về nhà ăn cơm chiều,
tắm rửa và ngủ ở nhà cho nó sướng. Ngu gì nằm giường bệnh trong lúc
mình có đau ốm bệnh tật gì đâu. Sáng mai lại nhâp viện sớm. Có hề hấn gì.
Sáng hôm sau tôi có mặt ở bệnh viện lúc 7h. Vừa thấy tôi anh BS Hiền
đã cảnh cáo: Tối qua chú trốn viện là sai quy định nha. Lãnh đạo mà biết là phê
bình cả chú và cháu đấy. Rồi anh ta cúi xuống nói nhỏ vô tai tôi: chú có trốn
thì cũng phải đợi sau 8h tối, khi BS trực đi kiểm tra, thăm khám bệnh nhân xong
đã nhé. Ai đời bệnh nhân nội trú mà bỏ trốn hiên ngang như chú chứ.
Hì. Anh BS trẻ này tốt thật. Vậy mà người ta với báo chí cứ thêu dệt
cả hàng ngàn câu chuyện về sự xấu xa của đội ngũ thầy thuốc, của ngành y, của
những con người từ lâu đã được mệnh danh là lương
y như dì ghẻ. Trong lúc tôi vào bệnh viện này thấy toàn người tốt. Không lẽ
bệnh viện Thống Nhất là một ốc đảo của ngành y nước ta.
Đúng 9h tôi cầm phiếu của BS Hiền lên phòng chụp MRI. Lần đầu tiên
tôi được chui cả đầu và người vào một cái máy gọi là MRI. Bên trong cái máy MRI
đó tối tăm như địa ngục và rú rít lên những tiếng kêu ma quái ghê rợn. Cứ như là
mình đang tham gia vào một trò chơi cảm giác mạnh. Sau này chết nằm trong quan tài chắc cũng giống thế này quá.
Chiều tôi lên phòng BS trực của khoa hỏi xin phim và xem kết quả chụp thế nào. BS Hiền bảo chưa được chú. Sáng mai
đầu giờ các BS của khoa sẽ tập trung đọc hết phim chụp hôm trước của bệnh nhân
và thống nhất đưa ra kết luận cuối cùng. Tôi nói vậy làm sao chiều nay chú ra viện được.
BS bảo cho dù có kết luận là không sao rồi thì chú cũng chưa thể ra viện được bởi
theo quy định của BV bệnh nhân khi đã vào nội trú ít nhân phải 3 ngày sau mới
xuất viện được.
Thế có chết tôi không. Lại phải thêm một ngày chờ đợi nữa trong cái
không gian chẳng có gì thú vị này.
Tối đó đúng 8h, đợi cho BS và y tá điều dưỡng trực ca đêm đi thăm
khám, đo huyết áp và phát thuốc uống xong, tôi lại lẹ làng thay đồ rồi ra nhà xe lấy xe phóng về
nhà.
Vậy mà cũng phải đợi đến 15h chiều hôm sau tôi mới được cầm cái phong
bì to đựng phim chụp MRI với cái kết luận ghi rõ bằng hai chữ viết tắt BT của
BS trưởng khoa (BT là bình thường không phải bó tay) cùng một nắm giấy tờ các
loại lên phòng viện phí đóng dấu vào hóa đơn thanh toán. Tổng chi phí cho 3 ngày
nằm viện với chụp MRI hết hơn 4 triệu đồng. Quái, những thứ gì mà đội giá lên
cao thế nhỉ. Trong lúc ăn uống thì mình phải tự túc hết rồi. May mà chế độ bảo
hiểm của tôi được miễn viện phí 100%, không phải cùng chi trả xu nào.
Bắt tay chào tôi, BS Hiền cười tinh quái: Nói thiệt với chú, những
người đã đến tuổi U60 như chú mà không đau với nhức mỏi cột sống thì mới lạ. Nếu
chú tìm ra một người như thế cháu sẽ trả áo Bs lại cho bệnh viện về làm nông
dân trồng lúa với ông bà già cháu ở quê ngay.
Đó có lẽ là một điều chắc chắn. Tôi nghe và nghĩ vậy.
Phóng xe ra đến ngã tư Bảy Hiền tôi thấy phố phường hôm
nay sao đẹp và đáng yêu thế. Ai nói là sức khỏe quý như vàng. Phải nói là sức
khỏe quý gấp hàng vạn lần vàng ấy chứ.
Kệ. Mất ba ngày lằng nhằng trong Thống Nhất nhưng xác định được
cái cột sống với vùng thắt lưng hay nhức mỏi không bị gì cũng tốt.
Hôm sau lên trường, gặp ông thầy trưởng khoa tâm lí, vô tình ổng hỏi
tôi dạo này sức khỏe thế nào. Tôi kể lại câu chuyện 3 ngày làm bệnh nhân nội
trú với vụ chụp MRI cho ông PGS già nghe. Ông vỗ tay đánh đét: Chết rồi, vậy là
chú mi bị thằng Thống Nhất nó lợi dụng cho sập bẫy rồi. Tôi há hốc mồm: Thầy
nói sao chứ em có thấy nó sập bẫy với lợi dụng gì em đâu. Ông trưởng khoa Tâm
lí cười to: Chú lại ngây thơ nữa rồi. Bà
vợ tôi là BS chuyện gì mà tôi không biết. Số là cuối năm rồi mà cái khoa nội thần
kinh nó chưa đạt đủ số lượng bệnh nhân điều trị nội trú trong năm theo kế hoạch
đã đề ra từ đầu năm nên nó bấm với mấy vị BS phòng khám là kéo cho nó mấy bệnh
nhân nhập vô nội trú, chỉ cần mỗi vị nhập 3 ngày là ok. Đấy, chú mi là nằm
trong số đó.
Ối trời ơi. Lại có cả cái gọi là hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chết
tiệt đó trên đời này nữa sao.
Chuyện đã hai năm bây giờ mới kể.
Bói ra ma quét nhà ra rác ông bạn già ơi!
Trả lờiXóađúng thế. con người mình cũng như cái xe cũ, tháo ra thế nào cũng có bộ phận gì đó bị hư hỏng.
Xóazời ơi, có cả hoàn thành chỉ tiêu nhập viện nữa hả zời......
Trả lờiXóaquá nhiều chuyện lạ kì với cái mục tiêu ,kế hoạch bác Sơn héng :)
vậy mới nói
Xóa