15 tháng 6, 2015

Tôi làm sách, anh làm sách, nó làm sách...

                                                                                              Chử Anh Đào

 Đành phải tập theo cụ Nguyễn Công Hoan với cái tựa đề trên, theo một truyện ngắn nổi tiếng mà Cụ đã giễu cười cái nhố nhăng về báo chí thời thực dân phong kiến vì với nội dung bài viết này, cái tên nó ắt phải thế.
 Sách là một sản phẩm văn hóa đặc biệt của nhân loại. Hồi nhỏ bố tôi dạy thấy tờ giấy có chữ thì phải nhặt lên. Dù thiếu thốn, dù cần kíp cũng không được lấy sách báo làm giấy lau tay, bọc gói, kê ngồi hay nhóm lửa...Vì thế là có tội. Từ khi biết đọc, khi mẹ cho tiền mua sách tới giờ, vẫn nguyên vẹn trong tôi một thói quen: mua sách về, rửa tay cho sạch rồi mới mở sách ra, hai tay trân trọng, từ từ nâng lên mũi hít vào từ từ để thưởng thức hương thơm của tinh khôi mùi giấy mới. Tôi tự hỏi tác giả làm ra những cuốn sách là ai? Và tự trả lời họ là những bậc thần thánh!
Nhưng sách bây giờ thì đã khác.
Ở đây tôi không đề cập tới những loại sách thuộc phong cách khoa học, chính luận; những loại sách phong thủy, tử vi bói toán... rẻ tiền mà chỉ nói tới những cuốn sách thuộc dòng phong cách nghệ thuật với những đặc điểm ngôn ngữ nổi bật là tính hình tượng, tính biểu cảm và đa nghĩa của nó.Tôi cũng không hàm hồ vơ đũa cả nắm mà chỉ phản ánh hiện tượng với mong muốn mọi thứ sẽ dần tốt đẹp hơn. Sách của các tác giả chuyên nghiệp cũng sẽ xin phép không bàn luận.
Có thể nói mà không sợ quá đáng rằng: bây giờ là thời loạn sách, vàng thau lẫn lộn kinh tế thị trường. Câu hỏi cần phải trả lời là vì sao mà loạn?
Loạn là vì do những người đẻ ra nó!
Họ là ai?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi vẫn nằm lòng lời dạy của Khổng Tử rằng trong đời sống, cần lấy sự tôn trọng và thành thật để đối xử với những người khác. Lại cũng nhớ đến những câu thơ nhân ái của Eptusenko : "Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu"
Vì thế, những người viết...Họ là những người đang sống quanh ta. Trước hết là các đại gia, các nhà quản lí. Khi mọi thứ đã viên mãn, họ vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đấy.Trằn trọc, thao thức tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, gà gáy mãi mà vẫn chẳng sáng. À, phải rồi! Đích thị là cái món thơ văn. Và họ háo hức vào cuộc với một niềm tin tất thắng. Thơ văn, chuyện nhỏ. Hai đế quốc to mà ta còn thắng nữa là...Thế là viết, là in. Giấy tốt, bìa cứng, ảnh chân dung to như ảnh lãnh tụ với các chú thích "hiện đang là, nguyên là..." tràn đầy bìa 4. Tên tác giả bìa 1 sừng sững như núi Hàm Rồng chực đổ xuống đè bẹp tên đứa con nhỏ nhoi, tiên thiên bất túc. Thứ đến là những người đã tới tuổi nhỉ ngơi, đang yên đang lành vui vầy cùng con cháu. Chợt một buổi sáng đẹp trời kia, bên bạn bè thân hữu "khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" thì Nàng thơ nhập thần, văn chương phát tiết. Công việc sáng tác, nhiều nhiêu khê và phiền lụy lắm. Trà rượu ngon đã đành.Hoa thơm trái ngọt một nhẽ. Còn phải có bàn có ghế, giấy bút, phương tiện... Nhiệt độ ngoài trời không quá nóng hoặc quá lạnh, Chỗ ngồi sáng tạo phải không có ruồi. Rồi nhờ người biên tập, xuất bản miệng...Con cháu cấm đứa nào dám ho he, người già đang "hoàn đồng" mà lại.Chỉ thấy thương thương, tội tội. Chỉ chép chép miệng tự an ủi: thà cụ mần thơ còn lương thiện và lành hơn ối lần suốt ngày săm soi viết đơn kiện cáo, mất tình làng nghĩa xóm và được vạ má sưng. Rồi là lớp ngựa non háu đá, dê cỏn buồn sừng, ngang nhiên vi phạm lời dạy của tiền bối: văn chương, kị nhất là thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. In được vài bài đã tưởng thành núi Thái. Nhiệm vụ đầu tiên là coi thường những người khác. Văn nhân tương khinh mà lại. Rồi, đã là nghệ sĩ thì phải khác người, từ quần áo tóc tai mũ mãng tới lề lối sinh hoạt rượu chè gái gú bất cần đời. Hứng lên thì trời cũng chẳng là cái đinh rỉ gì. Hãi quá!
Viết văn thơ với họ,có rất nhiều mục đích cao đẹp. Đơn giản là tiêu thời gian nhàn rỗi, tránh được nhàn cư vi bất thiện; là một hình thức thể dục tinh thần để chống chứng hay quên và lão hóa; để "cùng trời đất muôn đời bất hủ" như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, để "có danh gì với núi sông" như Nguyễn Công Trứ...E rằng mục đích cuối cùng là to nhất.
Nội dung thơ văn của họ là thể hiện lòng biết ơn đời đời với Bác Hồ vĩ đại, Đảng quang vinh, là tình yêu vô bờ bến với quê hương xứ sở, là bản tụng ca về tình yêu, tình nghĩa cha mẹ, thầy trò, anh em bè bạn...Với những nội dung như vậy, đố nhà xuất bản nào không cấp giấy phép.
Họ thông thạo tất cả các thể loại văn học. Nhưng yêu thích nhất là "hồi kí" và "thơ". Chuyện người khác còn thuộc vanh vách huống chi chuyện mình. Trong các hồi kí, nguy cơ thành nhân vật trung tâm của lịch sử, không có ông thì đếch có tự do độc lập hôm nay là điều dĩ nhiên. Còn về thơ. Nước Đại Việt là cường quốc thơ ca. Ra ngõ gặp nhà thơ. Vậy thì ta là nhà thơ. Lục bát "ta, mình" là dễ nhất, miễn là đừng đụng tới vần "ồn" nhạy cảm. Thậm chí Đường luật, tự do, phá cách kiểu "trèo lên cây khế cao cao/ Nhìn xuống dưới đất sợ bỏ mẹ" cũng không sao. Ông là nhà thơ chứ đâu phải thợ chữ, mà có thời gian trau chuốt. Thơ hay cốt ở ý tưởng, ở tính đảng, tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc(!)
Chính do quan niệm máy móc cơ giới như trên mà cái gọi là giá trị nghệ thuật ở đây hầu như vắng bóng. Vừa rồi, cầm trên tay một tuyển tập. Hãy khoan bàn về nghệ thuật mà bắt đầu bằng hình thức thôi. Các tác giả chỉ là một nhóm nhỏ tự phát mà ghi ngoài bìa 1, chỗ thường là họ tên người viết là "Tuyển tập thơ văn Tây Nguyên". Cuốn sách ấy, ngay " lời ngỏ" đã sai không dưới 6 lỗi chính tả: địa danh, "hơi hướm", "nức nẻ", " tầm tả", " viên mản"... Không dưới hai lần, khi được nhờ đọc bản thảo, tôi đã nói với hai người bạn vong niên: "Nhà thơ gì mà sai chính tả nhiều quá". Và họ tím mặt giận tôi. Thấy mất ăn mất ngủ, đầu óc để đâu đâu, tôi nói với một người khác: "Hay là đóng hai chục ngàn một tháng thay cho nộp thơ Hội người cao tuổi?". Ông mắt lăng mày vược xua tay rối rít: Ấy chết, không được đâu. Các cụ mắng chết!
"Đứa con" đã ra đời. Công việc đầu tiên của ông C. là đặt sách trên một cái đĩa phủ nhiễu đỏ, thành kính thắp hương dâng lên các bậc sinh thành trên bàn thờ như là một hành động báo hiếu chân thành và sâu sắc nhất. Tiếp đến là buổi ra mắt sách tại nhà riêng hoành tráng như lễ và đông như hội. Khách nam ngực sát ngực. Khách nữ vú sát vú. Họ ăn nhậu và chúc mừng. Có người thật thà thì bảo: Đã được ăn uống thỏa thích, tiếc gì câu khen. Kẻ thâm hơn thì rỉ tai người bên cạnh: Kệ, khen cho nó chết! Cuối tiệc thì chủ nhà đã thực sự ngồi trên chín tầng mây xanh vòi vọi, dõng dạc gọi bụt bằng anh mà phán với thực khách: Ông đéo sợ Tố Hữu (!) Ông này còn định đem sách kí tặng khách trong ngày đám cưới con ở cửa hôn trường. May quá. Một phần trăm tỉnh táo nơi ông nhờ sự can ngăn của các con và hai họ mà màn hài kịch đã không diễn ra.
Một người nổi tiếng đã nói, đại ý: nhà văn viết sách bao giờ cũng hướng tới người đọc.Nếu không có người đọc thì tiếng nói của anh ta chỉ là tiếng thì thào thảm hại trên sa mạc. Một cuốn sách in ra là bắt đầu khai sinh cuộc đời mới mà từ đây sự khen chê, yêu thích hay ruồng bỏ không còn phụ thuộc vào người sinh ra nó nữa mà phụ thuộc vào công chúng. Dù là sản phẩm tinh thần đặc biệt, hàng hóa đặc biệt nhưng sách cũng sẽ được đánh giá theo các tiêu chuẩn thật/ giả; sạch/ bẩn; đứng đắn/ nhảm nhí... Sách in ra thì phải phát hành. Có nhiều động cơ: báo công, thể hiện lòng quí mến nhau, khẳng định bản thân, thu hồi vốn...; nhiều hình thức: ép, gạ, năn nỉ, kèm theo giấy giới thiệu của tỉnh...Nhiều trường hợp khổ cho cả người bán lẫn người mua, "rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn". Ở các công sở, ngoài cái nạn chổi, tăm, cặp ba dây... của hội người mù là nạn sách. Nhiều cơ quan đề biển: "Ở đây không mua sách". Ngoài lề một tí. Tác giả bài viết này cũng đã có lần ăn quả đắng sau nhiều lần từ chối thành công các cuộc gạ khác với lí do: Sách, nhà trồng được; cơ quan mua sách theo hệ thống phát hành của ngành, nếu trái luồng sẽ bị xuất toán. Nhưng lần ấy, qua điện thoại, đầu dây bên kia nói rằng chúng tôi sáp phát hành cuốn gia phả có họ Chử của ông. Nếu đồng ý, bưu điện sẽ chuyển tận tay và vui lòng đưa tiền cho bưu tá. Tủi thân, vinh dự, tự hào vì gần nửa thế kỉ xa quê mà bạn bè vẫn nhầm lẫn mình là đồng bào dân tộc hoặc người Việt gốc Hoa mà không biết là hậu duệ của tứ bất tử Việt, tôi đồng ý. Tuần sau người ta mang đến cuốn "Hương pháp dựng bộ gia phả dành cho người đương đại và thế hệ mai sau" của nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin. Sách bìa cứng, khổ 30 x 40, nội dung tùy tiện và nhảm nhí vô cùng. Họ Chử biệt vô âm tín. Cay đắng và trộm nghĩ: Già còn dại. Không biết còn bao nhiêu người là nạn nhân của cái trò này nữa?
Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng này thì lại được một tác giả nhờ người mang tặng một cuốn thơ của ông in ở nhà xuất bản Văn học. Sách có tên :"Phấn thừa hương cũ, Lối xưa xe ngựa, Ngàn năm thương nhớ, Lữ hành về xa ngái..." Đại loại thế, vì không nỡ gọi thẳng tên nó ra./.
                                                                   PK. 14/6/14
                                                                        C.A.Đ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới