21 tháng 6, 2015

Lấy, không lấy


Đề tài này tôi kị viết nhưng hôm nay thì phải viết. Lại viết đúng ngày báo chí 21 tháng 6 nên phải viết thật. Bao nhiêu tờ báo to (to chứ không phải lớn) vì không viết thật nên dù ngốn tiền nhà nước như nước nhưng chẳng có ma nào đọc. Trong lúc đó dân tình, kể cả tôi ngày nào cũng như ngày nào cứ chong hết mắt lên mấy trang báo lề trái, kể cả mấy trang blog tưởng như đồ chơi vớ vẩn.
Viết và nói theo sự thật, đó là một yêu cầu đầy sự xa xỉ trong chế độ mà ta đang sống. Có lần một ông bạn thân có thằng con mới nhảy vô nghề báo. Ông ấy dặn con, rồi kể lại cho tôi biết: Con hãy cố gắng làm một nhà báo chân chính nhé. Tôi nghe cười khì: Khi và chỉ khi nào thằng con ông sang Mĩ thì mới có thể làm được một nhà báo chân chính. Đó là một giấc mơ mang tầm nước Mĩ của một ông bố tốt nhưng bất lực. 
Với tất cả sự lạc quan vào cuộc sống, tôi có thể nói rằng: ở xứ ta không có khái niệm chân chính theo đúng nghĩa trên tất cả các lĩnh vực, chứ không riêng gì với nghề báo.
Lại lan man rồi. Xin trở lại với câu chuyện lấy hay không lấy.
Ông bạn thân vừa là đồng nghiệp vừa là đồng đội cũ của tôi vợ bị ung thư mất đã hơn 3 năm nay. Chơi với nhau đã mấy chục năm tôi thấy ông là một người nghiêm túc, hiền lành, không biết nói đùa là gì. Hai đứa con một trai một gái. Đứa con gái lấy chồng theo chồng, đứa con trai thì có cũng như không vì nó đi làm công ty  rồi theo bạn bè suốt ngày, chỉ về nhà sau 22h. Ở cái thành phố lớn nhất nước này đám thanh niên thường vậy.
Cứ thế, ông bạn gần như là một người sống độc thân khi tuổi tác đã quá ngưỡng U60. Sáng dậy ông ăn vội gói mì rồi lên trường dạy năm, ba tiết gì đó. Trưa về ghé dọc đường làm hộp cơm. Chiều tối về đa số là ghé quán nhậu với bạn bè. Khi thì bạn bè gọi ông, khi thì ông chủ động gọi bạn bè. Ông làm thế là để tránh về nhà trước 9 giờ tối. Bởi khoảng thời gian từ sau bữa cơm chiều đến trước khi đi ngủ  là trống trải nhất, đáng sợ nhất với người độc thân nên ông tìm cách tránh.
Chủ nhật mới rồi ông gọi tôi sang nhà. Sau vài li bia ông tâm sự:  Từ khi vợ mất, mình sống thế này cũng buồn lắm. Lúc đầu tưởng sẽ quen nhưng càng sống càng thấy con người ta khó mà quen được với sự cô đơn. Nghèo khó có thể quen, nhưng cô đơn khó mà quen. Biết hoàn cảnh mình, bạn bè trong trường giới thiệu cho một cô giáo cũng đã gần 50 đang cảnh độc thân. Mình và cô giáo đó cũng đồng cảm với nhau, đã đi lại gần gũi với nhau nhiều lần. Cổ cũng sẵn sàng về với mình góp gạo thổi cơm chung. Nhưng mình ngại lắm. Ngại con cái không muốn có thêm mẹ kế rồi nội bộ cha con phức tạp ra. Ngại nữa là lâu lâu gặp nhau thì hay ho, ngọt ngào thế nhưng biết đâu về ở với nhau rồi lại đâm già cả trái tính trái nết. Yêu đương biết đâu lại thành thù hận.
Vì thế mà mình cứ dùng dằng không quyết. Vì thế mà mình tham khảo ý kiến ông.
Tôi hỏi: vấn đề là ông cần cái gì. Nếu là cần cái khoản đàn ông đàn bà thì thỉnh thoảng gặp ông cũng giải quyết xong rồi. Còn nếu cần một người để khi tối lửa tắt đèn, khi trái gió trở trời có nhau thì hãy tính cho kĩ. Cả đời ông đã sống vì con cái. Nay chúng nó trưởng thành hết rồi thì ông cũng nên vì ông một lần xem sao.
Bạn bảo: nói thì dễ vậy chứ làm khó lắm ông ạ. Trên đời này không có gì thú vị bằng mối quan hệ giữa con người với con người; nhưng cũng không có gì phức tạp bằng mối quan hệ giữa con người với con người. Có người mình cứ tưởng sẽ là bạn thân mãi mãi mà đến một lúc nào đó bỗng cứ xa nhau ra mà không biết vì lí do gì. Mối quan hệ giữa đàn ông với đàn bà lại càng phức tạp. Nó không chỉ là vấn đề tính dục mà còn lằng nhằng bao nhiêu thứ khác mà ngay cả người trong cuộc cũng không hiểu nổi vì sao nó lại như thế.
Hây zà… Vụ này tôi bó tay. Lấy hay không lấy chứ đâu phải là tồn tại hay không tồn tại mà có thể phát biểu ngay được. Giữa tồn tại hay không tồn tại thì chắc chắn sẽ chọn sự tồn tại. Nhưng lấy hay không lấy thì không thể chọn luôn và ngay như thế được.
Hai thằng tôi cứ thế ngồi lặng lẽ nhấm nháp với nhau cho hết buổi mà không đưa ra được kết luận gì.
Lấy hay không lấy. Đó cũng là một vấn đề vô cùng trọng đại của ông bạn tôi.
  



2 nhận xét:

  1. Cứ đọc nhiều thơ tình vào rồi tự khắc biết lấy hay không lấy. Vấn đề là có thích thơ hay không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc thơ tình nhiều có khi nó không những không lấy mà còn đi yêu thêm vài em nữa có khi còn phức tạp hơn.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới