Hồi còn ở Quy Nhơn, Bình Định, hễ có nhu cầu ăn một bữa cơm thực sự
đúng nghĩa cơm Việt, nhất là những khi tiếp đãi bạn bè và khách khứa của cơ
quan từ xa tới là tôi lại đến quán ăn Quê Hương số nhà 185 đường Lê Hồng Phong. Quán nằm ở trung tâm thành phố, cách nhiệm sở của tôi chỉ hơn trăm mét.
Nằm ở mặt tiền lại có cấu trúc theo kiểu nhà hình ống nhưng quán Quê
Hương vẫn đủ thoáng mát và rộng rãi. Vào các buổi trưa, nếu dẫn khách khứa hoặc
bạn bè đến đây, tôi vẫn thường gặp đủ cánh bá quan văn võ từ các sở ban ngành của
BĐ.
Đến Quê Hương ngay khi vừa bước lên lầu, bạn sẽ gặp anh chàng quản
lí tuổi còn trẻ nhưng tác phong lễ phép, điềm đạm như một ông cụ non với trang
phục thường xuyên sơ mi trắng, gi lê đen và mái tóc xịt gom chải chuốt bóng lộn.
Tôi sẽ khó mà nói hết những món ăn hợp khẩu vị của quán Quê Hương
bởi ở đây món nào cũng ngon, cũng hợp khẩu vị, cũng đều là đặc trưng của món ăn Việt nhưng giá cả lại rất phải chăng. Vì thế mà quán luôn đông khách.
Từ món bê thui chấm tương chao đến món dồi trường chấm mắm nêm… khai
vị với vài li bia trước khi ăn; từ cơm gà luộc, gà rán, gà kho sả ớt, gà xé
phay, thịt heo luộc… đến cá lóc, cá bống, cá rô kho tộ; món nào cũng đậm đà đến
nhức nhối cả chân răng.
Một trong những đặc điểm của Quê Hương là vô đây bạn sẽ tha hồ thưởng
thức đủ các loại mắm: Mắm nêm, mắm tép, mắm tôm, mắm thu (làm bằng cá thu), mắm
nhỉ, mắm ruột (làm bằng ruột cá ngừ dùng để chấm cà)… Dù trong mâm có đông người đến đâu thì mỗi thực khách vẫn được nhà hàng dọn
riêng cho một comple mắm như nhau. Tha hồ mà chấm và tha hồ mà nêm nếm. Thiệt đúng
là kính thưa các loại mắm.
Nhưng điều mà tôi thích nhất ở Quê Hương là các món rau. Rau muống
xào tỏi, rau bí xào tỏi, bông lí cũng xào tỏi và nhớ nhất là món rau lang luộc
chấm mắm cua (cua đồng, quê tôi gọi là đam). Cái món ăn dân dã của con nhà
nghèo đồng quê thời đói khổ ai ngờ nay lại thành như đặc sản của Quê Hương. Bạn hãy gắp
một đũa rau lang xanh giòn, chấm ngập trong chén mắm cua nóng hổi và thơm nức
mùi lúa mới, đi với một chén cơm bốc khói. Không ngon mới lạ. Thậm chí khi đang
cơn đói, bạn chỉ cần chan vài muỗng mắm cua với chén cơm nóng, cũng đã thấy quá
ngon rồi. Có lần tôi tiếp mấy bạn đồng nghiệp ở Gia Lai xuống, các bạn bảo lần
sau vô đây chỉ cần kêu cơm nóng với rau lang chấm mắm cua là đủ.
Nhưng ở quán Quê Hương có một món khác còn hấp dẫn trên cả rau
lang chấm mắm cua. Ấy là món canh rau tập tàng. Thành ngữ Việt Nam có câu: Rau tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn.
Con tập tàng là những đứa trẻ sinh ra mà không xác định được bố nó là ai.
Đó là một đứa con hoang. Đứa con hoang sinh ra trong sự ghẻ lạnh của người đời
nên nó ý thức được sự thua thiệt của mình và luôn tìm cách chống chọi để vươn
lên trong cuộc sống. Vì thế mà nó khôn. Rau tập tàng là một mớ rau thập cẩm gồm
tất cả các loại rau trồng và cả rau dại. Từ bầu bí, dền, muống, mồng tơi, rau
má, rau ngót…cho đến lá ớt, lá cà chua, lá tàu bay tập hợp lại trong một nồi canh gọi là
canh rau tập tàng. Ở quán Quê Hương, canh rau tập tàng thường được nấu với thịt
nạc bằm hoặc tôm tươi lột vỏ. Ăn nguyện một chén canh rau tập tàng ngọt lừ lại
có mùi thơm thơm, hăng hắc rất khó xác định là của loại rau gì, bạn sẽ không thể
không hỏi về nghĩa của từ tập tàng và công thức nấu món canh tưởng như đơn giản
mà rất phức tạp này. Có lần vợ chồng tôi mời vợ chồng một ông bạn từ Sài Gòn ra
với món canh rau tập tàng của Quê Hương, chị vợ dân Sài Gòn rất ngạc nhiên về
độ ngon ngọt và mùi thơm đặc trưng của nó đã tìm hiểu kĩ về cách nấu. Mấy ngày sau từ Sài Gòn chị gọi
điện ra cho biết là đã đi chợ mua đủ các loại rau và nấu y chang sự hướng dẫn của
quán Quê Hương nhưng sao ăn không thấy ngon như ở Bình Định.
Thế đấy. Nếu ai cũng nấu ăn ngon như nhà hàng thì nhà hàng dẹp tiệm
hết à.
Canh rau tập tàng (Ảnh từ internet)
Canh rau tập tàng (Ảnh từ internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới