2 tháng 5, 2015

Ở nhà Lê Quang Phương


Rời làng Vân Lộ, chúng tôi trở lại nhà Lê Quang Phương ở Tây Hồ sát bên thị trấn Thọ Xuân. Tôi cứ tiếc là đã có sẵn cái tên Tây Hồ sao không gọi luôn là phủ Tây Hồ cho oai. Quê Phương có cái tên đẹp thế.
Xe chúng tôi chạy trên một con đường nhựa rất đẹp hai bên là cánh đồng lúa Thọ Xuân đang thì con gái. Nơi làng quê tưởng như rất thanh bình này vào năm 1987 từng nổi sóng với bài kí sự trên báo Văn Nghệ của nhà văn Phùng Gia Lộc Cái đêm hôm ấy… đêm gì?  Đất nước ta nó thế. Cái gì cũng phải trả giá đắt, kể cả những cái được xem là tất yếu như làm ăn để mà sống cũng không yên cho…
Chỉ 6 km đã vào ngõ nhà Lê Quang Phương, một căn nhà hai tầng rộng rãi, khang trang. Phía trước là một cái sân lát gạch rộng thênh thang. Sau nhà còn có cả chuồng gà công nghiệp và hồ nuôi rùa cao sản. Nhà sinh vật học có khác.
Cùng lúc tôi và Nguyễn Trung Ngọc chợt thấy Lê Đăng Sơn từ Tp. Thanh Hóa đi xe buýt 30 cây số lên lù lù xuất hiện trong bộ dạng của quần ka ki và áo vét tông. Ngọc vội ra hiệu cho Lê Sơn dừng lại để bấm một tấm ảnh có ý nghĩa lịch sử của một con người từng góp phần làm nên lịch sử của ngày 30-4 Sài Gòn 40 năm trước. Thời đi lính, Lê Quang Phương và Nguyễn Trung Ngọc cùng với Đỗ Xuân Ngôn (đã hi sinh trong chiến dịch Hồ Chí Minh ở Xuân Lộc) ở với nhau cùng một tiểu đội, hơn thế còn cùng một tổ tam tam; tôi với Lê Đăng Sơn cùng một tiểu đội hồi ở C20 Sư đoàn 341. Sau 40 năm gặp lại nhau ở chốn này, trong căn nhà ấm cúng của bạn bè đồng đội. Chuyện tưởng dễ mà không dễ bởi khoảng cách về địa lí, khó khăn về thời gian, eo hẹp về tiền bạc... 
Ngồi chưa ấm chỗ thì Bích Diệp, bà xã của Lê Quang Phương, cũng là một cô giáo dạy văn cấp 3, cùng tốt nghiệp từ khoa văn ĐHSP Vinh, đã kịp dọn ra chiếu một mâm rất thịnh soạn. Tất cả xoa chân cùng ngồi xuống nâng li rôm rả cho một cuộc trùng phùng hơn cả mơ ước. Như tôi sau gần nửa thế kỉ đi qua kể từ năm 1969 rời Thọ Xuân về lại QB, đã phải đi hàng ngàn cây số với bao nhiêu chặng đường mới được ngồi với bạn bè trong không khí thắm tình đồng đội như thế này. Không vui, không cảm động sao được.
Ngồi ở nhà Phương, chuyện ăn nhậu cũng sôi nổi nhưng sôi nổi hơn nữa là chuyện văn chương, thơ phú và viết lách. Phương học khoa sinh cùng lớp với Nguyễn Quang Ngọc (hiện ở Sài Gòn) nhưng hình như mấy gã cựu sv khoa sinh thường tiềm ẩn máu văn chương có khi còn hơn cả dân văn chương chúng tôi. Nếu Quang Ngọc bỏ nghề dạy học với bảng đen phấn trắng nhảy sang báo Nông Nghiệp VN làm một cây bút phóng sự lâu năm và có tiếng tăm thì Phương lại có tay viết văn. Đã có lần tôi kể câu chuyện hồi tháng 5-1975, Sài Gòn mới giải phóng được mấy bữa tôi đã thấy có truyện ngắn Chia cơm của Phương chỉnh chện đăng trên trang nhất tờ Văn Nghệ Giải phóng, khi đó tôi đang làm quân quản ở phường Hiền Vương quận 3 đã phải lác cả mắt và phục lăn thằng bạn học khoa sinh.
Bây giờ về hưu rồi, máu văn chương viết lách của Phương càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Phương đặc biệt thích thơ Đường. Trong nhà Phương còn cho sao chụp và phóng to những bài thơ Đường nguyên bản nổi tiếng như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu treo trang trọng trên tường; trong laptop Phương cho lưu và cài đặt chương trình tiếng thơ về thơ Đường cổ như Tương tiến tửu của Lý Bạch… Phương mở to cho mọi người cùng thưởng thức. Điều đó khiến cho trong đoàn có hai giảng viên Văn học Trung Quốc dạy ở Khoa Văn trường đại học hẳn hoi là tôi và Phan Nga vô cùng kính nể. Mình là dân chuyên nghiệp mà có vẻ như đang thua xa tay chơi nghiệp dư Lê Quang Phương rồi. Sự say mê đó của Phương cũng nên xem là một điều hiếm hoi và kì lạ. Nói điều này bởi trong bữa tiệc ấm cúng đó, trừ Phương học khoa sinh, còn lại vợ chồng Ngọc - Nga, vợ Phương là Diệp, Lê Đăng Sơn và tôi đều tốt nghiệp khoa văn ra, nhưng đã bị Phương lấn át về thơ Đường nói riêng và về văn chương nói chung. Như tôi chỉ kịp chờ Phương đọc câu đầu trong Hoàng Hạc lâu Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ để kịp chen ngang vô câu tiếp theo Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu… 
Thiệt là đáng khâm phục và thú vị.
Tuy nhiên cũng vì chuyện này mà nghe nói Phương sau khi tiễn chúng tôi về tận Tp. Thanh Hóa vui chơi với nhau cả một ngày trời trở lại nhà, Bích Diệp vợ Phương đã có ý kiến chỉ đạo ông chồng mê văn chương của mình: Lần sau nếu có ngồi với mấy bạn học văn dạy văn thì tắt bớt đài đi. Thế mới biết các cụ ta nói cấm có sai: Cha mẹ ta có công sinh ra ta, vợ ta có công nuôi dạy ta, vậy nên ta phải vâng lời vợ ta. Ngay như tôi thời còn làm trưởng phòng biên tập của đài truyền hình mà nhiều lúc viết lách bài vở, nói năng với bạn bè còn thường xuyên bị mụ vợ (giáo viên dạy hóa) biên tập lại nữa là… Chuyện này cũng xem như là một điều may với các ông chồng suốt đời ngây thơ khờ dại chúng tôi vậy.  
Cuộc gặp gỡ ở nhà Lê Quang Phương đã làm nên một ngày vui với tôi và bạn bè trong chuyến trở lại Thanh Hóa này. Nhớ lắm.  


Bỗng đâu có Lê Đăng Sơn lù lù xuất hiện ở cổng nhà Lê Quang Phương, dáng dấp cứ như Từ Hải

                    Hai gã cùng tiểu đội cùng học một lớp cùng tên Sơn

Trái sang: Nguyễn Trung Ngọc, HTS, Lê Quang Phương, Lê Đăng Sơn (Ảnh: Phan Nga)

    Trước cửa nhà Lê Quang phương. Trái sang: Ngọc, Phương, Sơn và Sơn

Một fan của thơ Đường, ảnh chụp trên tường nhà Lê Quang Phương  

Tiếp theo: Vĩ thanh một hành trình





4 nhận xét:

  1. Bỗng đâu... Lê Sơn vẫn là thằng ăn ảnh nhất!

    Trả lờiXóa
  2. Mình còn được vợ dạy rằng " Ông như trẻ con, được bạn tặng cho cái áo lon ton mặc liền, mấy ngày sau mới giặt..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính điều đó làm người tặng sướng. Tặng áo mà được bạn thích đem mặc ngay mới sướng.

      Xóa

Bạn có nhận xét mới