30 tháng 9, 2014

Quảng cáo thô tục



Một đôi vợ chồng già cỡ U60 uống sữa đậu nành Fami phát ra tiếng kêu nghe sột… sột. Một cô diễn viên xinh đẹp tên Minh Hằng và rất nhiều những nam nữ diễn viên, ca sĩ khác miệng ăn mì gói nhồm nhoàm như bị bỏ đói 3 năm nay mới được ăn lại, họ nuốt những sợi mì như đang nuốt những con đỉa dài loằng ngoằng nhìn phát gớm, ăn xong còn chút cặn bưng tô lên húp nghe cái rột. Một cặp nam thanh nữ tú khác thì giành nhau một chai nước ngọt, rồi tìm cách lừa nhau để đổi lấy cái chai nước mà mình thích. Một anh chàng điển trai khác đang uống cà phê tự nhiên nổi sung lên chui tọt vào một phòng xông hơi nữ rồi thản nhiên ngồi uống cà phê ừng ực giữa sự thèm thuồng của 3 cô gái xinh đẹp. Thậm chí để quảng cáo cho công hiệu giặt tẩy của bột giặt Omo, người ta còn cho những đứa trẻ đeo những đôi giày mới điềm nhiên chà cả bùn lên giày của bạn mình một cách không thương tiếc theo kiểu của một đứa trẻ thiếu giáo dục trong lúc bà mẹ vừa cười vừa xúi giục con mình bằng một chất giọng lơ lớ không biết là của vùng miền nào: “Tha hồ chơi đi con!”…  vân vân và vân vân. 


Đó là những hình ảnh đang xuất hiện dày đặc trên màn ảnh truyền hình nước ta hiện nay. Nó phản ánh một cách đầy đủ và thô thiển về sự tuyên truyền và phổ biến cho một lối sống phản văn minh, phản giáo dục. Nó đi ngược lại với sự răn dạy, giáo dục hàng ngày của nhà trường, xã hội và các bậc phụ huynh đối với học trò và con em mình.
Phép văn minh lịch sự tối thiểu từ xa xưa đã hướng dẫn cho mỗi chúng ta muốn trở thành con người lịch sự trong một xã hội văn minh thì khi ăn uống phải biết nhường nhịn nhau, phải biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, khi ăn đừng để cơ mặt phải lên gân vì nhai nuốt nhồm nhoàm, nhất là không để phát ra tiếng kêu khi ăn uống; khi ăn phải phải ngậm miệng lại để người khác nhìn vào không thấy mình đang nhai nuốt thức ăn, tránh làm bắn thức ăn ra ngoài… Bài học này từ khi còn nhỏ học cấp 2 đi sơ tán ra Thanh Hóa gọi là đi K8, tôi đã được một gia đình nông dân rất nghèo ở xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân nuôi nấng, dạy dỗ cho. Còn nhớ bữa ăn đầu tiên trong gia đình đó,  khi tôi gắp và cho nguyên một quả cà pháo muối giòn vào miệng, sau một tiếng bụp vang lên trong miệng tôi như pháo nổ (có lẽ vì thế mà người ta gọi loại cà này là cà pháo) thì một tia nước với hạt cà muối văng ra thành một dải cầu vồng bắn thẳng sang mặt ông cụ chủ nhà ngồi đối diện. Cả nhà cười vang vui vẻ còn tôi thì xấu hổ chỉ thiếu nước muốn độn thổ. Ông cụ nhủ nhà vừa lấy vạt áo lau mặt vừa cười hiền lành mà dạy bảo tôi rằng: khi ăn con hãy ngậm miệng lại và nhai từ tốn thôi. Bài học đó tôi đã nhớ đời. Gia đình nông dân nghèo ở Thanh Hóa ấy không chỉ thương yêu tôi, một đứa trẻ do chiến tranh phải sơ tán, sống xa quê hương, xa cha mẹ hàng mấy trăm cây số, mà còn chăm sóc dạy dỗ tôi biết ăn ở theo phép lịch sự tối thiểu của một con người. Đó là chuyện xảy từ thời gian khổ vì chiến tranh và nghèo khó của những năm1966 – 1967 thế kỉ trước.  
Ấy vậy mà ngày nay, trong cái xã hội tưởng như vật chất đã thừa mứa với nền văn minh của kĩ thuật số, của thế giới phẳng thì các nhà sản xuất phim quảng cáo và các đài truyền hình chỉ vì muốn gây ấn tượng cho sản phẩm của mình lại vô tình, thậm chí là cố tình phổ biến cho con người, trong đó chủ yếu là cho con em chúng ta đang sống ở thế kỉ 21 một lối sống từ cách ăn đến cách chơi một cách thô tục và phản giáo dục như vậy.
Khán giả xem truyền hình ngày nay đến phần quảng cáo của nhà đài đã phải khó chịu vô cùng khi buộc phải xem những khuôn hình được phát liên tục và đầy sự phản cảm. Nhà sản xuất phim quảng cáo cho sản phẩm thì bất chấp miễn là bán được nhiều sản phẩm, thu được nhiều lợi nhuận. Nhưng họ có biết đâu rằng cái mà họ muốn gây ấn tượng với người xem cho sản phẩm của mình ấy đã mang lại tác dụng ngược. Họ không biết rằng người xem sẽ vì ghét cái phim quảng cáo kia mà ghét luôn cả sản phẩm của họ. Mà khi đã ghét thì làm gì còn có chuyện mua sản phẩm quảng cáo thô tục ấy để dùng nữa.
Nhân đây tôi muốn kể lại một câu chuyện. Vào năm 2005, tôi làm việc ở một đài truyền hình. Khi ấy hãng bia Heineken đã cho phát sóng rầm rộ một chiến dịch quảng cáo trên các đài truyền hình khắp cả nước sản phẩm bia chai của nhãn hàng này. Phim quảng cáo của Heineken bắt đầu bằng cảnh một chàng trai trẻ cao ráo, đẹp trai thong thả đi tới một kệ hàng cao mà cô gái không thể với tới rồi nhẹ nhàng nhấc món hàng xuống với cái nhìn hướng vào cô gái. Cô gái ngước nhìn chàng trai với ánh mắt vui mừng và lộ vẻ biết ơn. Đến phân cảnh này thì người xem ai cũng nghĩ là chàng trai sẽ lấy giúp cô gái món hàng mà cô đang cần, một hành động thông thường trong cuộc sống hàng ngày của những con người lịch sự và có văn hóa.Nhưng không, chàng trai có vẻ ngoài lịch sự ấy đã ôm chặt món hàng vào ngực và đi thẳng với ánh mắt kiêu hãnh trong sự thất vọng, ngạc nhiên của cô gái và lẫn của người xem truyền hình. Dòng chữ hiện lên “Chỉ có thể là Heineken...”. Với quảng cáo lố bịch ấy, bia Heineken dù có ngon mấy cũng đã mất điểm trong mắt người tiêu dùng.  
Tôi xem và thấy ghét lắm liền viết một bài báo với nhan đề Đấng nam nhi là vậy sao?! Gửi đăng trên báo Tuổi trẻ (http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=76939&ChannelID=3). Bài báo vừa phát hành thì ngay trong buổi sáng hôm đó, hãng bia Heineken đã ngay lập tức phát thông báo đến các đài truyền hình trong cả nước (hiển nhiên có đài của tôi) yêu cầu ngưng phát sóng ngay cái  phim quảng cáo phản cảm ấy. Đó là sự phục thiện của những người lãnh đạo hãng bia Heineken. Một sự phục thiện mau chóng và cần thiết của những người quản lí có đầu óc. 
Còn với các đài truyền hình, ai cũng biết nguồn sống của nhà đài chủ yếu dựa vào tiền thu từ quảng cáo. Nhưng đôi lúc, thậm chí là nhiều lúc, các đài truyền hình lại cố tình quên mất rằng quảng cáo cũng là một phần của nội dung các chương trình phát sóng. Mà đã là nội dung của một tờ báo (đài cũng là báo) thì phải bảo đảm được sự trung thực và tính thẩm mĩ cần thiết của nó. Không lẽ vì để có tiền mà dễ dãi đưa lên sóng những thước phim quảng cáo với hình ảnh thô tục, phổ biến cho một lối sống vô lịch sự, phản giáo dục như thế.



28 tháng 9, 2014

Bầu bí tương thân


Tự tay tôi gieo hạt, vun trồng:



Đang chụp thì thấy trong ống kính có cái máy bay hạ độ cao để xuống Tân Sơn Nhất:



Nó mang logo hoa đào của hãng China Airlines (Đài Loan):


     
Gần bên hông nhà tôi đang mọc lên một khu chung cư cao tầng, chúng nó gọi là chung cư An Gia Garden, máy móc ì xèo suốt ngày đêm. Cả hai thằng (máy bay và chung cư) đều là tác nhân gây ô nhiễm tiếng ồn cho phường Tân Sơn Nhì của tôi:




26 tháng 9, 2014

Báo biếu


Đồng Hới tuổi thơ tôi


Tôi đi xa không nhớ tháng nhớ năm

Từ thuở tóc xanh nay đà nhuốm bạc

Thấy em dắt cháu đi trên cầu Nhật Lệ

Biết rằng tuổi xanh đã bay xa



Có điều gì chợt nhói trong tim

Như cánh chim lưng trời thấy mỏi

Ngắm chùm hoa bên tượng đài Mẹ Suốt

Gió hàng dừa thổi mát hồn ta



Đồng Hới ơi xin níu chút tuổi thơ
Thành phố rộng những con đường mới mở

Nhớ ngày chạy lon ton bên hàng dừa Nhật Lệ

Nhìn bình minh vẫy gọi những con tàu



Những ảo vọng viễn vông đã để lại phía sau

Gối mỏi chân chồn ta lại về chốn cũ

Con đường xưa đưa ta vào định mệnh

Đoạn cuối cuộc đời rồi lại đi xa



Cứ ngỡ hạnh phúc ở phía chân trời

Nên mắt cũng nhìn xa xăm diệu vợi

Bao trí não nghĩ những điều mông muội

Nào đâu biết hạnh phúc ở rất gần, hạnh phúc ở quanh ta



Những vườn hồng Thành phố vẫn ngát hương…



Ngày họp lớp cấp 3, tháng 7-2014


24 tháng 9, 2014

Làm thi 2



CẮM CHỐT

                                           Truyện ngắn của Lê Quang Phương
1                      

Tôi là giáo viên dạy ở trường Trung học Phổ thông Xuân Thắm.
 Sau một quyết định của Giám đốc sở Giáo dục Thanh Thiên, tôi trở thành thanh tra cắm chốt.
 Tên gọi đầy đủ của chức danh này là: Thanh tra viên cắm chốt tại hội đồng thi tốt nghiệp Trung học phổ thông… khóa ngày…tháng…. Năm…
 Gọi tắt là : Thanh tra cắm chốt.
 Thanh tra là gì thì rõ rồi.
 Thi là gì? Chẳng cần phải nói ra, ai chẳng một lần đi thi.
 Cắm chốt? Chà!
 Tôi là cựu binh, hạ sĩ tiểu đội trưởng thời chiến nên rùng mình bởi hai từ “CẮM CHỐT”.
 Ám ảnh!
 Chắc là ác liệt đây. Hồi sáu tám bảy hai cứ nhận được lệnh đi cắm chốt là hiểu ngay có đi không về, may mắn sống được thì cũng thương tật đầy mình.
 Với tướng mạo bề ngoài của tôi mà làm thanh tra thì oách rồi. Cao 1m80, nặng 80kg, râu đôi ngày không cạo thì thành râu Trương Phi.
 Tướng này mà dọa thí sinh và giám thị nữ thì phải biết.
  
  2

Tôi, Hà Tùng Thông, tuân lệnh đi cắm chốt!
 Nơi tôi cắm và chốt là Hội đồng thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Xuân Tươi I.
 Chu Đặng Toàn, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Xuân Hồng được sở quyết định làm chủ tịch hội đồng.
 Chủ tịch bằng tuổi tôi. Có để râu ria nhưng không oách bằng tôi (là tôi thấy thế). Chủ tịch có cái nét là lạ, vừa nghiêm nghiêm lại vừa hiền hiền cùng ánh mắt sắc sảo và những nếp nhăn lợi khẩu qua khóe miệng.
 Hiệu trưởng Lê Minh Chức trường sở tại làm phó chủ tịch hội đồng. Ông này cứ như cái bóng, lúc nhỏ lúc to, mặt đau khổ như mất sổ gạo thời bao cấp, nhưng nhìn kỹ lại thấy trung thành như một tín đồ tồi tội.
 Thông tôi không biết nên có cảm tình với ông này hay là không đây.
 Thạc sĩ Lý Phương Phương, giảng viên bộ môn Tâm lý Giáo dục đại học Bici là thanh tra ủy quyền của bộ, cùng cắm chốt tại hội đồng. Lý Phương Phương đang làm cái tiến sĩ  “Giáo dục cho cần lao”
 Ngày xưa mà được cắm chốt chung với một nàng xinh – thơm như thế này nhỉ.
 Trung tá công an  Tống Vũ Hịch là chỉ huy trưởng thống lãnh đội quân bảo vệ kỳ thi.
 Các đoàn thanh tra khác, không cắm chốt là : Huyện ủy- UBND huyện Xuân Tươi – Sở Giáo dục – Tuyên giáo tỉnh -  UBND tỉnh – Thanh tra của Sở Công an tỉnh Thanh Thiên – Thanh tra của sở giáo dục các tỉnh đi chéo giúp nhau -  Thanh tra bộ - Thanh tra thực hiện chức năng giám sát của hội đồng nhân dân các cấp. Các đoàn nhà báo: Giáo dục cho ngày mai- Báo khai trí – Báo tỉnh, báo trung ương … Họ ngồi trên xe có an ninh bảo vệ. Sẵn sàng vào bất kì hội đồng thi nào để thanh tra rồi ra quyết định. Rồi lên xe đi. Rồi đùng đùng quay lại (không có bóp còi) lên thẳng phòng thi. Họ là thanh tra lưu động. Thí sinh và giám thị kinh hải nhất. Họ đến lúc nào thì thí sinh chết đứ đừ ngay phút ấy. Họ dừng lại ở hội đồng nào càng lâu thì hội đồng đó có tỷ lệ đậu tốt nghiệp càng giảm.
 Phụ huynh thì phải lo nhiều phong bao. Hiển nhiên rồi.

3

 Bữa cơm rượu tối, đủ các yếu nhân trong hội đồng thi.                                                            
 Cái tinh túy của rượu làm người ta trải lòng đôi phần với nhau.
 Chủ tịch nói với phó chủ tịch:
-         Ta lại đọc hịch bá cáo việc thi đi anh.
Chủ tịch (CT) đọc:
                   - Thay mặt giáo dục
                   Ta nay truyền rằng  
 Phó chủ tịch (PCT) đọc:                  
                    - Việc thi cử cốt ở yên dân
                     Phó chủ tịch phải lo tiền gạo
 CT đọc:
                   - Một mặt ta chốt chặn từ xa
                     Khu vực thi phải là cấm đạo     
 (CT nhìn trung tá Tống Vũ Hịch)
                    Huy động toàn lực chính quy du kích
 (Ý chỉ công an huyện +  Bộ đội huyện + Công an xã  + Bộ đội địa phương cấp xã)
 PCT đọc :
                   Để ngăn dân                                
                              chứ không phải là ngăn địch
 CT nhìn Lý Phương Phương:
                  - Bảo cho mà biết                          
                                    Kỷ cương phép  nước chớ có xem thường
                    Cái cần câu cơm …
PCT nhìn trung tá:
                              -  Cái dùi cui chỉ đem hù dọa
                                Chớ mất tình người
                                Đừng cứng nhắc không thờ ơ
                                chuốc vạ  
 CT đọc :                      
                             - Kỷ luật gác thi tựa núi Thái sơn 
                                           quyền rơm vạ đá

 Các li được nâng lên chạm nhau vang tiếng cạch
 Ai nấy đều cạn phần rượu của mình. Riêng Thạc sĩ họ Lý thì ngỡ ngàng không biết có nên uống hay không.
4

 Trung tá Tống Vũ Hịch đang báo cáo phương án bảo vệ kì thi.
 - Thưa lãnh đạo hội đồng. Đây là bốn điểm chốt chặn từ xa. Trung tá dùng dùi cui thúc mạnh bốn cái vào sơ đồ. Mỗi điểm bốn đồng chí. Một công an huyện làm chốt trưởng. Một công an xã. Một bộ đội chủ lực huyện và một bộ đội địa phương là quân phối thuộc.
  Chu cha đồng chí trung tá”. Mới nghe tôi đã thầm kêu. “Đồng chí làm tôi nhớ chiến tranh quá. Cứ y chang như là ngày tôi nghe thiếu tá tiểu đoàn trưởng trinh sát quân khu, giao nhiệm vụ cho tiểu đội tôi chốt chặn đối phương ấy”.
 - Đây là sở chỉ huy. Trung tá lại thúc dùi cui vào điểm có cắm cờ trên sơ đồ - Tôi là chỉ huy trưởng có mặt hai bốn… các buổi thi. (Ý trung tá định nói hai bốn trên hai tư nhưng nhớ các buổi chiều còn đi cầu lông bia hơi) – Đây là phòng y tế. Có một bác sĩ và hai y tá túc trực. Ba giường và một tủ thuốc. Học sinh bị ngất khi làm bài, ốm đau hoặc đánh nhau đều phải đưa vào đây cấp cứu. Đây là phòng bảo vệ - lại một cú thúc dùi cui – dùng để nhốt tội phạm phá hoại kì thi hoặc chống người thi hành công vụ. Như vậy đã có trận tuyến rõ ràng. Có hai phe. Ta hai chấm (:) Những người làm thi cộng (+) bảo vệ kì thi. Ta nằm trong khu vực thi cấm vào. Đây là khu cấm địa 16m50. Ta đeo phù hiệu xanh hoặc đỏ. Phe kia hai chấm (:) Nhân dân đem con đi thi cộng (+) thí sinh cộng (+) đội quân bạn bè cộng (+) Người yêu của thí sinh. Thí sinh có thẻ được vào phòng thi. Còn lại các đối tượng kia, kể cả người yêu cũng không phận sự cấm vào. Chỉ ở ngoài khu vực mười sáu mét năm mốt.
  “Chu cha! Trung tá Tống Vũ Hịch. Trung tá có phong cách giống đại tá tư lệnh trưởng sư đoàn thời ấy quá.” Sự thán phục làm tôi quên đi không phản biện trung tá đo từ đâu tới đâu để có mười sáu mét ?
 “QUÁ YÊN TÂM”, tôi bút ký vào hồ sơ thanh tra thi ba chữ như vậy, tại mục phương án bảo vệ. 
 Vừa nhìn sang xem Lý Phương Phương ghi gì vào sổ thì bắt gặp ngay lập tức người đẹp làm mặt lạnh. Tủi thân và xấu hổ bởi chợt nhớ ra hồ sơ thanh tra là “MẬT”

5

 Hai buổi thi của ngày thi thứ nhất.
 Lý Phương Phương diện váy công sở siêu chuẩn, ngực đeo thẻ thanh tra, một tay cắp ô, một tay cầm tập quy chế lượn đảo các phòng thi
 Nàng nhắc giám thị này, lưu ý giám thị kia, uốn nắn thí sinh, trông chừng bảo vệ
 Đã có biên bản thí sinh phạm qui được lập. Có nước mắt rơi và nhanh chóng lệ bi thương lan tới bạn bè và người yêu của thí sinh.
 Nhiều ánh mắt hằn học chiếu thẳng, có cả cái nhìn hờn căm dại dột từ trong phòng thi hắt qua cửa sổ vào mặt Lý Phương Phương.
 Giám thị dõi theo người đẹp bằng cái nhìn thương hại và cả cái biểu môi khinh bỉ.
 Lý Phương Phương, thanh tra ủy quyền của bộ không để ý đến cái trò nhìn nhăng nhít ấy.
 Tối. Bữa cơm rượu. Vẫn đủ mặt những nhân vật quan trọng.
 Đã vài lần cụng ly rồi mà rượu vẫn chẳng vơi. Không khí trầm. Buồn và gương gạo. Để phá tan bầu không khí này, tôi nói với chủ tịch Chu Đặng Toàn:
 - Cạn hết ly này ta lại đọc hịch chủ tịch nhé.
 Chủ tịch đọc. Gọng không được hào sảng như lần trước.
                        -  Trong buổi thi
                                           phải tùy vào thế cuộc
                          Chớ dương dương cứng nhắc
                          Mà trước hại dân lành
                                          sau chuốc vạ vào thân
 - Mình chỉ nhớ thế. Chủ tịch Chu Đặng Toàn nói. Ông đang lo cho kỳ thi. E ngại về sự an toàn của giám thị và thương học trò không làm được bài. Ông chăm chú nhìn Lý Phương Phương. Cái nhìn hàm chứa sự tội nghiệp và bao dung của ông dành cho cô thanh tra ủy quyền. Thanh tra họ Lý chỉ khẽ thu mình lại, rồi vẫn điềm nhiên nhỏ nhẹ dùng bữa.
 Xong bữa, nhã nhặn chào mọi người, Lý Phương Phương về khách sạn để nhật ký vào sổ thanh tra. Chủ tịch nói với phó chủ tịch Lê Minh Chức:
 - Cô này tâm đức mỏng. Tướng này làm việc lớn gây họa cho người và chuốc vạ vào thân. Anh nói với trung tá Hịch có phương án bảo vệ cô ta. Và  ngay bây giờ.
 Chủ tịch sáng suốt và cương quyết. Một ngày kết thúc bằng bữa cơm ảm đạm đã qua.
                                                                 
   6

  Ngày thi thứ hai.
 Sáng thi toán. Làm bài kiểu viết ra giấy.  Gọi là tự luận.
 7 giờ 30 bắt đầu tính giờ làm bài.
 Gió Lào đã phả hơi nóng xuống sân mái ngói.
 Trong phòng thí sinh nín thở không một tiếng động.
 Lý Phương Phương vẫn một tay cắp ô một tay cầm tập quy chế đảo qua đảo lại khắp các phòng thi.
 8 giờ 00.
 Bên ngoài im ắng. Bốn chốt chặn từ xa vẫn còn giữ vững.
 8 giờ 15.
 Đã nghe có tiếng ầm ào thoảng xa thoảng gần.
 Không một tiếng ho. Lá bàng rơi lạch sạch. Giống như một trận đánh. Giống như trước giờ nổ súng, hai bên đều nín thở. Đó là tôi cảm như vậy vì đã có mấy lần xung trận.
 Đề vẫn chưa ra khỏi khu vực thi.
 8 giờ 30.
 Gió Lào đã thè lưỡi nóng liếm lên thềm và tường các phòng thi.
 Lý Phương Phương đã xòe ô che nắng, đi đi và lại lại trước nhiều con mắt nhìn ngó. Người đẹp chân dài tỏ ra không ngại ngần với các kiểu nhìn và cũng chẳng  ớn chi cái nóng miền trung.
 Vài thí sinh nữ đã bị ngất. Bác sĩ và phòng y tế đã vào cuộc.
 8 giờ 45.
 Tiếng ầm ào bỗng bùng tóe lên.
 Hàng ngàn người đã phá vỡ các chốt chặn, tiến vào vây quanh khu vực thi.
 Hàng ngàn cái miệng cùng nói theo ý của hàng ngàn cái đầu.
 Trong các phòng thi, thí sinh cũng đồng loạt dô lên hòa vào tiếng ầm ầm ào ào bên ngoài.
 Tôi cũng thốt lên ái chà chà…
 Giống như ngày tôi nghe, rồi tôi chạy, ra đón đồng bào từ phía địch phá rào chạy ra với quân giải phóng.
 Bằng kinh nghiệm tôi biết thế là đã vỡ thi. Đề thi đã bị lộ. Hàng trăm bài giải đã được photo nhân bản. Từ hội đồng nào ? Do ai ? Không thể xác định được và cũng không thể ngăn chặn được.
 Tấm biển đề “KHU VỰC THI CẤM VÀO” đã bị xô đổ.
 Cả một đại đội thanh thiếu niên với đủ loại màu tóc và các kiểu ăn mặc đã vượt tường áp sát cửa sổ phòng thi. Cách vượt tường và áp sát mục tiêu giống như cách đánh chiếm thành phố thời ấy.
 Mặc công an nổi còi vung dùi thị uy.
 Mặc giám thị hành lang giang tay ngăn cản.
 Bài giải được tung vào.
 Mặc thanh tra Lý Phương Phương ra oai nhắc nhở.
 Bài giải vẫn được tung vào.
 Có cả bài hệ bổ túc ném cho thí sinh hệ phổ thông và ngược lại.
 Đội quân ném bài tự nguyện, ném bài cho anh chị em, cho con bé hàng xóm, ném vì tình bạn, vì tình yêu, vì nợ nần, vì ân nghĩa, ném vì thấy vui vui hiếu kì mà ném.
 Có cả ông ngoại bà nội đi ném bài “vì bố mẹ nó đi làm ăn ở Bình Dương, không mượn ai đi ném được”. Công an không dám xô đẩy, sợ ăn vạ.        
 Tường cao, hào sâu, rào chắc, mảnh chai nhọn, giây thép gai, tiếng còi, dùi cui, còng số tám đã trở nên vô dụng. 
 Đội quân ném bài tấn công lên các phòng thi tầng trên bằng nhiều cách.
 Mông đít mấy chú nhóc đã được dùi cui thúc vào. Còng số tám đã được đem ra.
 Phòng bảo vệ đã nhốt được vài ba tội phạm. Những thanh thiếu niên xông vào khu cấm địa đang bị còng bởi tội danh ghi trong biên bản (chưa ký): Chống người thi hành công vụ + Phá rối trật tự công cộng
 “Tha hồ chép. Rồi sẽ tha hồ chấm và sẽ đậu 99,9%”. Tôi lẩm bẩm như vậy và mặt nghệt ra vì biết đã không giữ được chốt. 
 Trung tá Vũ Tống Hịch với vẽ mặt nghiêm trọng như đang chỉ huy chiến dịch
   - Ác liệt nhưng không được nổ súng. Trung tá bảo vậy.
 Mười lăm phút trôi qua. Trường thi đã trở lại yên tỉnh.
 Không gian như giữa hai trận đánh.
 -Trận ném bài vừa rồi là mới xong phần lý thuyết. Sắp đến phần bài tập rồi đây. Tôi nói với trung tá như vậy
 Những lưỡi lửa khô nóng của mùa hạ đã liếm bỏng rát vào da thị. Người ta chỉ để ý đến cái nóng của việc thi cử chứ không quan tâm tới cái nóng của đất trời.
 Mặt Lý Phương Phương đỏ lựng, mồ hôi bết dính mấy sợi tóc mai. Nàng lấy tay chém gió, dáng điệu hùng dũng nhắc nhở gì đó cho Tống Vũ Hịch và Chu Đặng Toàn.
 9 giờ 00.
 Giật mình.
 Còi ré lên
 Tiếng hô bắt bắt… thét lên.
 Tiếng nhảy vượt tường uỵch uỵch…
 Tiếng chân chạy huỳnh huỵch …
 Tiếng va đập của gạch đá ném vào tường bốp bốp…
 Trong phòng thi loạt soạt nhốn nháo.
 Trận ném bài lần thứ hai đã bắt đầu. Dũng mãnh hơn lần một.
  Một sự đổ vỡ đang sảy ra.
 Ngoài hành lang, giám thị nữ sợ hãi vì đá ném gạch bay. Họ nhờ tôi lấy cho vài cái mũ bảo hiểm xe máy. Chị em đội mũ bảo hiểm gác thi như lính tăng thiết giáp ra trận. (Có cô còn đùa được bảo: “để còn sống mà nuôi con”). Giám thị nam thì nép người vào chỗ an toàn, quan sát và mỉm cười ý nhị.
 Giám thị trong phòng thi thì rung đùi cười mỉm. Chuyện lộn xộn trong thi cử là chuyện thường gặp đã mấy chục năm nay. Họ chả dại gì mà gây khó dễ cho thí sinh. “Em chả dám chuốc vạ vào thân”. Kỳ thi trước có giám thị bị đập cho gãy răng sứt lưỡi vì lập biên bản thí sinh con nhà tiền chức. Tội nghiệp, răng giả làm được nhưng lưỡi mẽ làm sao mà gắn. Nói không rõ tiếng, lên lớp bị học sinh chế nhạo vì thế mà bỏ nghề. Có giám thị vui vẻ chỉ thu những bài bổ túc ném nhầm vào phổ thông.
 Mặt Lý Phương Phương đã tái xanh. Nàng sợ. Nhưng trách nhiệm và lòng kiêu hãnh cấp trên (hay tính ương ngạnh cố chấp của đàn bà) không cho nàng biểu hiện rằng sợ. Nàng vẫn xông xáo. Một loạt đá bay gạch liệng lấy nàng làm đích đến. May không cục nào đốp trúng đầu nàng. Cái ô đẹp đã bị rách. Trung táTống Vũ  Hịch vội hô lệnh cho chiến sĩ của mình:“Bảo vệ bộ”- Thực ra phải là thanh tra ủy quyền của bộ mới đúng.
 Lực lượng chính quy và quân địa phương phối hợp đã phản công. Trật tự phòng thi lại tái hồi. Thí sinh đã được viện trợ đủ nguồn tri thức. Tha hồ chép.
 Khi phản công tôi đã lượn một vòng quanh tường rào trường thi. Nhân dân đã thấy tôi. Vì vậy mà tôi đã nghe được tiếng đe nẹt từ ngoài tường rào vọng vào.  
 - Cắm chốt Hà Tùng Thông, chúng tao sẽ treo mày lên ngọn cây thông.
 Nào tôi có khắt khe gì cho cam, có lập biên bản ai đâu.
 Hay là tại bộ râu và tướng mạo của tôi. Tôi rất ít lên phòng thi mà.
 Tiếng đe dọa lại làm tôi nhớ tới thời giữ chốt trong chiến trường. Phía trước, đằng sau, bên phải, bên trái, trên trời và cả dưới đất đều có địch. Còn bây giờ tôi đang cắm chốt. Địch đâu ta đâu ? 

7
 Tôi tựa vào gốc bàng, như lúc ôm súng tựa vào vách chiến hào. Lòng nhủ lòng mình cắm chốt, mình thanh tra kia mà. Tôi tiên lượng các trận đánh tiếp theo. Phải bảo vệ kỳ thi, bảo vệ học sinh, bảo vệ giám thị và tất yếu phải bảo vệ Lý Phương Phương. Và thân mình cũng phải liệu liệu.
 Nguy thật chứ đâu phải đùa. Quyền rơm vạ đá. Tôi cất thẻ thanh tra vào túi.
 Bằng kinh nghiệm dạy học nêu vấn đề, tôi hiểu tình huống có vấn đề đã sảy ra. Giờ học được xếp loại giỏi là học sinh phải tự giải quyết được vấn đề. Thanh tra cắm chốt giỏi là phải giữ được chốt an toàn mà vẫn sống trở về.

 Không sợ hãi, tôi ra khỏi cổng, tiến tới giáp mặt với nhân dân rồi đứng lẫn vào nhân dân đang vây quanh khu vực thi.
 Nhân dân ở đây phần lớn là những người nông dân đi ném bài thi cho con em mình. Họ hiền khô. Chả có chi là nguy hiểm cả.
 Tôi lấy làm buồn cười. Chả hiểu mình cắm chốt kiểu gì mà địch ta lẫn lộn tùng phèng như vậy.
 Tâm hồn vui cười cho tôi cái nhìn lạc quan. Trong trường thi, kìa thanh tra ủy quyền của bộ đang xòe ô xanh đỏ đi diệu đàng uyển chuyển như Thu Huyền hát chèo Đào Lý Một Cành, hai vai gánh nặng nhập trình đường xa. Kìa trung tá Tống Vũ Hịch, tay cầm dùi cui như hề gậy: Ta ra đây có phải xưng danh không nhỉ ? Kìa, Chu Đặng Toàn đang ngồi bên cạnh cái trống trường. Dáng ngồi đẹp quá, như quan viên nghe ca trù đến đoạn phiêu chuẩn bị thưởng trống tùng chát cho đào nương.  
 Thú vị quá tôi cười thành tiếng. Mọi người xung quanh quay đầu nhìn tôi. Bất giác nhiều người cùng cười theo. Có lẽ tôi cười hơi bị ngây ngô. Da tôi đen, răng tôi trắng lại thêm cái bộ râu Trương Phi ba ngày không cạo; tướng mạo to lớn lầm lẫm thế mà lại cười hiền khô, vô tư như chả có chi thì cũng đáng buồn cười thật. 
  Chả có ai treo tôi lên ngọn cây thông cả.
 - Thi với cử. Tôi buột mồm ra để thu cái cười ngố lại.
 - Thi với cử. Có người đế theo.
 - Tội nghiệp bọn con nít! Tôi nói.
 - Tội nghiệp! Tiếng đế.
 - Trượt cả nút. Tôi nói
 - Trừ …ợt… Tiếng đế bỏ lững, tỏ ý nghi ngờ. 
 - Tốn tiền tốn của. Tôi nói.
 - Tốn… (Nghi ngờ)
 - Uổng phí mười hai năm ăn học. Tôi nói.
 - Uổng… ông nói sao. Tiếng đế trở thành lời hỏi, giọng gắt gỏng.
 - Thanh tra bộ nó đã kiến nghị đình chỉ thi rồi chứ sao.
 - Thôi chết chết mất. Làm sao ông râu biết ? Nhiều người nói và hỏi.
 - Ông râu nào ?
 - Là anh đấy.
  Hóa ra tên tôi là Râu chứ không phải là Thông.
 Rất tự nhiên, những người nông dân gọi tôi bằng cái tên mới.
 - Sao anh biết?
 Họ vặn hỏi, lại gọi bằng anh. Rõ ràng tôi đang dần được họ chấp nhận.
 - Tôi biết vì tôi là thanh tra của tỉnh.
 Tôi xấu hổ và ân hận vì nói phét là của tỉnh. Tôi chìa thẻ thanh tra cho mọi người thấy. Có ánh mắt khinh bỉ, có ánh mắt trâng tráo nhìn vào thẻ, có ánh mặt sắc lạnh nhìn thẳng vào tôi như ngầm bảo sẵn sàng cho ăn đòn hội đồng nếu như đụng vào con em họ. Cái hiền lành nông dân phút chốc bay đi. Cái dữ dằn ập đến. Đã có thanh tra và nhiều giám thị bị nếm đòn của nhân dân rồi. Không nói nên không biết. Vì tủi nhục mà…
 Tôi đứng thẳng, lấy lại tư thế lính chiến hiên ngang. Biết mình chính nghĩa nên sợ gì mà sợ. Mặt tôi nghiêm. Mắt tôi nhìn thẳng vào những người nông dân bằng cái nhìn thân thiện. Ánh mắt của đám đông nghèo ăn, nghèo mặc, nghèo chữ và đang bị đánh cắp lòng tin này long lên sòng sọc đón nhìn ánh mắt của tôi, và chờ đợi. Chỉ cần một tiếng hô là tôi được ăn đấm tức thì. Ăn đấm cho gãy răng vỡ mặt. Và chắc chắn bộ râu của tôi cũng bị vặt. Nếu tôi nói tôi là giáo viên thì tôi chỉ bị khinh khi nhưng lại được che chở. Một ý nghĩ chói sáng trong óc tôi, rằng đây mới là nơi cắm chốt. Cái ý nghĩ tử tế ấy theo ánh mắt tôi đến với mọi người. Phút chốc không khí nghi kị căng thẳng tan biến.
 - Thôi chết… chết mất… chết chết… làm sao đây anh? Tiếng một người phụ nữ.
 - Gọi bọn ném bài ra ngay đi chứ sao nữa.
 Thông tin mà tôi đưa ra đã mang lại hậu quả tức thì.
Một phút sau nhân dân đã đem lại không khí trong sạch yên ả cho trường thi.
 Lý Phương Phương tự hào bởi sự chỉ đạo tài ba của nàng.
 Nàng nói: “Nếu lộn xộn thêm năm phút nữa sẽ lập biên bản toàn thể hội đồng và kiến nghị đình chỉ thi”.
 Thanh tra họ Lý sẽ làm thật. Và tôi cũng lấy làm tự hào khi đoán được ý nàng mà thông tin cho nhân dân điều chỉnh kỳ thi.
 Tống Vũ Hịch bất ngờ không hiểu vì sao. Trung tá đứng nghiêm, tay phải cầm dùi cui chỉ lên trời.

 Buổi chiều thi hóa.
 Làm bài kiểu tô chì vào ô trống. Gọi là thi trắc nghiệm.
 Các chốt chặn từ xa đã được lập lại.
 Tôi ra thanh tra các chốt.
 Gió nóng liếm vào mặt.
 Nhân dân đem con đi thi hầu như không biết nắng nóng là gì. Vừa nhận ra tôi họ đã hồ hởi gọi:
 - Ông Râu Thông, ông Thông Râu ơi!
 - Mời ông Râu qua đây chơi. Làm cốc bia hơi!
 Ngày thường thì nhất định tôi sẽ vui vẻ nhận lời để thưởng cho cái bụng bia của tôi dăm ba vại, lại được nghe tán tụng về bộ râu nữa.
 Tôi chắp hai tay giơ lên cao, miệng cười miệng nói.
 - Cảm ơn! Cảm ơn! Râu tôi không biết uống bia. Chúc cho con em ta đậu trăm phần trăm để có … có cái bằng. Nhưng đừng làm bậy như khi sáng nữa nhé!

 Trở lại khu vực thi, đứng bên cạnh trung tá Tống Vũ Hịch, tôi cũng làm ra vẽ quan sát trận địa.
 Lý Phương Phương đang dương ô đi về các phòng thi phía tây. Từ tường rào phía đông, những “chiến sĩ” nhỏ tuổi lanh lẹn nhảy xuống, vụt chạy vào nép dưới chân cửa sổ các phòng thi. Êm ru, không có tiếng huỳnh huỵch.
 Thanh tra họ Lý đi về phía đông thì các chú bé loắt choắt lại xuất hiện ở phía tây.
 Phương Phương đi tới đâu thì việc thi nghiêm túc tới đấy.
 Tống Vũ Hịch nói với tôi:
 - Thầy cắm chốt này. Thầy thấy những đứa bé ném bài kia giống ai không? Không cần tôi trả lời. Trung tá e hèm… Lượm, Lượm đấy, rồi đọc tiếp: “Chú bé loắt choắt/ Cái sắc xinh xinh/ …Bỏ bài (thi) vào bao/ Vụt lao trận địa/ Đạn (gạch đá) bay vèo vèo/ “Bài” đề thượng khẩn/ Sợ chi hiểm nghèo…” Này ngày xưa mình thuộc Tố Hữu nhiều lắm nhé. Nhìn kìa lại có mấy chú nhóc nhảy từ trên tường rào xuống.”
 - Như Gavroche ngoài chiến lũy vậy. Chủ tịch Chu Đăng Toàn góp lời nhận xét. “Ta là chim nhỏ/ Lỗi tại Voltair / Tính ta vui sướng / Tại bác Voltair / Ta ngã xuống đất / Lỗi tại Voltair / Mũi ta vục nước / Tại bác Rousseua…”
 - Trận đánh cả hai bên đều thắng! Thưa trung tá. Tôi nói đùa với Tống Vũ Hịch. Ngày hôm nay trận đánh cả hai bên không thua
  
8
 Ngày mai, ngày thi cuối cùng sẽ diễn biến như thế nào? Tôi không thể chắc gì trước được. Nếu thí sinh và nhân dân không tức giận thì vui cả làng. Điều này còn phụ thuộc vào thanh tra họ Lý và trung tá họ Tống. Phụ thuộc vào cái giỏi giang của phó chủ tịch Lê Minh Chức, và vai trò “quan viên" của chủ tịch Chu Đặng Toàn. Còn tôi, dứt khoát phải cạo bộ râu cho sạch. Bớt được cái rườm rà cho nhẹ người.
 Ngày mai tôi sẽ nói với Tống Vũ Hịch:
 - Thưa trung tá không cần phải chỉ dùi cui lên trời nữa. Tôi sẽ cắm chốt bên ngoài “chiến lũy”. Nơi ấy có hàng ngàn người dân đem con đi thi.
 Không biết họ có nhận ra tôi để mời bia hơi (tôi sẽ uống), hoặc treo tôi lên ngọn cây thông không nhỉ? 
  LQP
 20/11/2012


­