Có một dịp vào đúng tiết thanh minh, tôi có chuyến tham
quan Hong Kong gần một tuần. Lần đầu tiên được đặt chân đến xứ sở với những địa
danh đã trở nên quá quen thuộc nhờ vào những bài học lịch sử, những cuốn sách
và những bộ phim truyền hình Hong Kong nhiều tập, lòng tôi thật náo nức
nhưng những hình ảnh hiện lên trước mắt thì vô cùng lạ lẫm.
Sự tuyệt vời của một nền hạ tầng cơ sở
Chỉ có thể đúc kết bằng một câu là hoàn hảo và hoàn mĩ một cách
lí tưởng. Tất cả các đường phố đều được che chắn bằng hàng rào sắt, phía sau
hàng rào là lối dành cho người đi bộ. Và vì thế mà ở Hồng Kông khái niệm nhà
mặt phố trở nên chẳng có ý nghĩa gì khi phía trước nhà luôn sừng sững một cái
hàng rào ngăn cách với đường phố, dù là nhà có ô tô cũng không thể đỗ lại trước
cửa nhà mình được chứ đừng nói là mua sắm.
Ấn tượng nhất với du khách đến Hồng Kông là hệ thống xe điện
ngầm ở dưới mặt đất và cả dưới mặt biển. Tuy nhiên ở Hồng Kông mà nói xe điện
ngầm là đã bị thừa ra chữ “ngầm”, vì đã là xe điện thì hiển nhiên là phải
ở ngầm dưới đất và ngầm dưới biển rồi. Cả một hệ thống xe điện nhìn
qua thì có vẻ chằng chịt, rối rắm nhưng thực ra là được qui hoạch rất khoa
học, rất hiện đại lại rất thuận tiện cho người sử dụng. Chỉ với khoảng
năm, mười phút nghe hướng dẫn, bỏ ra tối thiểu năm đô la Hồng Kông
(một đôla HK tương đương hai ngàn đồng Việt Nam), khách lạ đã có thể ung
dung bước lên xe điện với vận tốc hàng trăm km/h để du ngoạn khắp ngang dọc đất
nước được xem là hiện đại vào hàng bậc nhất thế giới này.
Lê Đức Chính, một chuyên gia về máy tính mà số lần đến Hồng Kông
của anh còn nhiều lần hơn cả đi chợ Bến Thành, đi với tôi từ TP Hồ Chí Minh
sang, đã nói rất hóm hỉnh rằng, đến Hồng Kông mà chưa biết sử dụng xe điện để
đi lại thì coi như chưa biết Hồng Kông là cái gì, vì xe điện với Hồng Kông là
biểu tượng của một xã hội giao thông văn minh và hiện đại; hơn thế, nó còn là
một trong những niềm kiêu hãnh của người Hồng Kông. Tuy nhiên, muốn sử dụng
được xe điện HK, bạn phải biết ít nhất một trong hai thứ tiếng là Anh văn hoặc
Trung văn đủ để đọc được các bảng chỉ dẫn ga đi ga đến, tuyến đi tuyến
đến. Đó là chưa nói tới hệ thống cầu vượt chằng chịt đến hai, ba tầng và nhờ
thế mà vận tốc ô tô chạy trong tất cả các tuyến phố được ở mức 100 km/h
trở lên. Có lần từ nơi ở là Newton Hotel thuộc bên này đảo KowLoon (ta quen gọi
là Cửu Long), tôi đi xe điện xuyên biển sang khu trung tâm hành chính Tsim Sha
TSui, nơi có nhà văn hóa nổi tiếng của HK, để được đặt chân thong thả trên Đại
lộ Vinh quang.
Xong việc, chúng tôi đã liều mình đi taxi về nhà cho biết, (gọi
là liều mình đi cho biết vì nghe bạn giới thiệu là tất cả taxi ở HK đều
chạy bằng ga để bảo vệ môi trường, và vì thế mà gọi là taxi xanh mặc dù tất cả
đều được sơn một màu đỏ sẫm như nhau và giá thì không rẻ chút nào). Vừa ngồi vào
xe, có người đã phải nhắm cả mắt lại vì anh tài xế cho xe lao vun vút giữa một
chiều dòng xe cộ đông đúc với tốc độ 120 km/h. Và mặc dù trên mọi nẻo đường đều
ken dày bằng đủ kiểu ô tô đắt tiền của thế giới nhưng người ở Hong Kong không
biết đến khái niệm tắc đường nghĩa là gì. Cứ mỗi lần dạo gót giữa
dòng người đi bộ đông đúc trên đại lộ Thái Tử, tôi lại thầm nghĩ: Hồng Kông quả
là nơi thích hợp với những người thuộc típ hiện đại và ưa cảm giác mạnh, còn
loại như tôi thì chỉ nên ở vườn là hợp hơn cả.
Nơi đặc biệt quan tâm đến người tàn tật
Ở trong nước tôi luôn nghe bên tai những lời kêu gọi hãy quan
tâm đến người tàn tật, người khuyết tật nhưng đi tìm những ví dụ để chứng minh
cho sự quan tâm ấy thì thật là khó thấy. Còn ở Hồng Kông, biểu tượng cho
sự quan tâm ấy – hình ảnh chiếc xe lăn – đập vào mắt bạn bất cứ ở nơi đâu, bất
cứ ở lúc nào. Ở ga hàng không, ga xe điện, siêu thị, nhà hàng, rạp hát… nghĩa
là bất cứ ở một nơi công cộng nào, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp lối đi dành
cho người tàn tật.
Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên khi
thấy gần như trong mỗi thang máy ở Hồng Kông đều có hai bảng điều khiển. Một
bảng cao ngang tầm tay của người bình thường đứng, và một bảng ở dưới thấp
ngang với tầm tay của người tàn tật đang ngồi trong xe lăn. Ngay khách sạn
Newton nơi tôi ở, dù ở cửa thang máy đã luôn túc trực một nhân viên phục vụ
khách, nhưng phía trong của mỗi thang máy đều vẫn có đủ cả hai bảng điều khiển
như vậy. Điều đó làm ấm lòng người tàn tật vì họ thấy mình được quan tâm và tôn
trọng; mặt khác cũng là một sự nhắc nhở vô giá (mà không cần phải hô khẩu hiệu)
với tất cả mọi người về một sự ứng xử nhân văn nhất với người tàn tật. Phải
chăng tôi đã thấy được ở nơi đây hình mẫu của một xã hội văn minh và công bằng?
Câu hỏi ấy cứ vang mãi trong tôi với những ngày du ngoạn ở Hồng
Kông.
Một lối sống đa dạng và đầy ắp cá tính
Có lẽ với mức thu nhập và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam
chúng ta thì Hong Kong là một nơi quá đắt đỏ. Buổi tối cuối xuân, trời lạnh.
Bảng thông báo nhiệt độ ở phòng lễ tân ghi 14 độ. Chúng tôi bước vào một
quán ăn có vẻ bình dân nhất ở khu mua sắm sầm uất Mong Kok, kêu mỗi người một
tô há cảo. Sáu mươi đô HK một tô. Vậy là đi đứt một trăm hai mươi ngàn đồng
Việt Nam. Nghĩ đến ở nhà với số tiền ấy có thể làm được hàng chục tô phở bò
nóng hổi và thơm ngát kèm theo li cà phê đá mát lạnh mà thấy tô há cảo HK giảm
ngon đi mấy phần.
Chưa hết, có tối đi chơi phố, chợt thấy nhấp nháy tấm biển hiệu
đề “Pho Sai Gon”. Chao ôi, giữa cái xứ Hong Kong hoa lệ này mà có một quán phở
mang tên Sài Gòn thân thương! Lòng yêu quê hương chợt trỗi dậy, cả bọn kiên
quyết đặt chân vào. Hóa ra trong cái quán gọi là phở ấy không có ai là người
Việt Nam. Chỉ có một ông chủ HK béo ỵ bưng đặt trước mặt chúng tôi mỗi người
một tô phở, không, phải nói là chậu phở mới đúng vì cái tô ở đây nó to như một
cái chậu nhỏ. Và khi ăn thì không thấy có chút hương vị gì của phở Sài Gòn. Có
lẽ phải đặt tên cho nó là phở tả pí lù thì thích hợp hơn. Trong cái chậu phở ấy
thấy cái gì cũng có mà không thấy giống cái gì cả. Ăn xong, nhìn lên bảng giá
thấy ghi một trăm đô HK một tô, lại ngậm ngùi rút ví để có thêm một cuộc từ
biệt với những đồng tiền ngoại quốc ít ỏi.
Hỏi ông chủ cớ sao lại đặt tên quán là Phở Sài Gòn, ông giải
thích là quán này trước đây của một người Việt Nam từ Hải Phòng vượt biên sang
từ năm 1980. Người đó mở ra quán ăn này đặt tên là “Pho Sai Gon”, ông chỉ là
người làm thuê cho ông chủ Việt Nam đó. Năm 2000, ông người Việt đi định cư ở
một nước khác, sang lại quán cho ông. Vậy là ông trở thành chủ quán và vẫn giữ
cái thương hiệu không liên quan gì đến mình ấy. Còn với chúng tôi thì lòng yêu
quê hương lại có thêm một lần gửi gắm không đúng chỗ nữa rồi.
Tuy nhiên ở Hồng Kông không phải cái gì cũng đắt và chỗ nào cũng
đắt. Đó là những quày hàng, cửa hiệu chuyên bán hàng hạ giá, đại hạ giá; thậm
chí có lần tôi đã lạc vào cả một dãy phố chuyên bán hàng hạ giá. Một đôi bít
tất bày trong tủ kính đề giá 12 đô. Nhưng cũng đôi bít tất y chang khi để trong
một cái thùng to đặt cẩu thả ở sát cửa ra vào chỉ đề giá 2 đô. Và tất cả những
cái gì đã để vào trong cái thùng to hổ lốn ấy cũng đồng loạt có giá 2 đô. Hoành
tráng và thuận tiện hơn nữa là còn có những cửa hiệu một giá. Đó là những cửa
hiệu mà phía ngoài treo một tấm biển to đề các con số 50 đô, 80 đô… Nghĩa là
tất cả những mặt hàng gì được bày bán trong cửa hiệu ấy đều nhất loạt có một
mức giá hoặc 50 đô hoặc 80 đô. Tùy ý khách hàng tha hồ mà lựa chọn. Tôi nhận
thấy có rất nhiều người dân HK và du khách nước ngoài cùng hăng hái chọn mua
hàng trong những cửa hiệu như thế.
Khi đi trên đường phố Hồng Kông, nếu để ý, bạn sẽ thấy ăn mặc
của mọi người rất đa dạng, có thể nói là không ai giống ai. Nhưng dù mặc kiểu
gì thì ở người Hồng Kông vẫn toát lên sự sang trọng và giàu có của một xã hội
có mức thu nhập GDP tính theo đầu người hàng năm ở mức suýt soát hai mươi lăm
ngàn USD. Tuyệt nhiên không thấy có sự nhếch nhác ở ngoài đường. Trong đoàn tôi
có anh bạn là phóng viên quay phim tên Vũ. Vũ là Việt kiều ở Mĩ với
cái tên nửa Việt nửa Mĩ là Joe Hoang Vu từng làm công dân Mĩ nhiều năm. Vậy mà
cứ mỗi lần đi bộ trên phố, Vũ đều chăm chú nhìn xuống chân của những dòng người
đang hối hả đi lại và anh rút ra một nhận xét: Ở cái đất Hong Kong này nhìn
xuống chân mọi người thấy không có đôi giày nào giống đôi giày nào cả. Thật là
cá tính và đa dạng làm sao.
Một sức sống mãnh liệt
Hồng Kông là nơi chỉ có biển và núi ngự trị. Đến Hồng Kông, nếu
bạn thấy có những ngôi nhà nằm cheo leo bên sườn núi, lưng dựa vào vách núi,
mặt trông ra biển theo thế ỷ dốc, hoặc ngự hẳn trên đỉnh núi thì dứt khoát đó
là nhà của những đại gia, của những ông chủ bự của HK đấy. Khác với nhiều nơi,
ở Hong Kong, càng ở trên núi cao thì càng là nhà giàu, chỉ có tầng lớp tiểu
thương nghèo buôn bán lặt vặt mới phải chịu cảnh ở nhà mặt phố để suốt
ngày hứng đủ thứ tiếng ồn và bụi bặm của xe cộ. Chúng
tôi đã được đến tham quan ngôi biệt thự của diễn viên võ thuật
nổi tiếng HK Thành Long, cũng nằm vững chãi trên một sườn núi như thế với tuyền
một màu trắng.
Có một đặc điểm rất dễ nhận thấy ở HK là dù ở đâu, trên núi cao,
dọc đường phố, trong công viên hoặc cả những nơi hoang vắng nhất, du khách sẽ
thấy mọc ở khắp nơi những cây to như cây xoài, cây nhãn. Loại cây này chỉ thấy
có hoa mà hầu như không có lá. Hoa nở tím hồng (nhìn qua giống như hoa bằng
lăng ở nước ta) và nở suốt bốn mùa trong năm làm cho những khu rừng, những sườn
núi Hồng Kông luôn nhuốm một màu hồng lãng mạn. Đó là hoa tử kinh. Hoa tử kinh
không cần phải trồng, không cần phải chăm bón và có thể sống tốt tươi cả trên
núi đá. Mỗi khi hoa nở tàn, gió thổi hạt bay đến đâu thì hoa tử kinh mọc lên
đến đấy.
Vì có sức sống mãnh liệt như vậy nên hoa tử kinh đã
trở thành biểu tượng của Hồng Kông. Nếu ở nhiều nước, trên lá quốc kì thường có
ngôi sao năm cánh hoặc chí ít cũng có hình mặt trời, mặt trăng gì đấy, thì trên
lá cờ của Hồng Kông nằm hãnh diện ở chính giữa là hình ảnh của bông hoa tử
kinh. Hoa tử kinh đã trở thành quốc hoa của Hồng Kông. Và người Hồng Kông tự
hào xem mình cũng giống như bông hoa tử kinh khi họ đã xây dựng nên một
Hồng Kông giàu có vào bậc nhất thế giới từ trên một vùng đất khô cằn chỉ có núi
và núi được bao bọc bởi bốn bề là biển.
Hồng Kông là nơi không có tài nguyên gì, đến nước lã và quả ớt
cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Ấy vậy mà Hồng Kông đã và đang trở thành
điểm đến của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Chẳng thế mà ngay từ khi vừa
đặt chân xuống sân bay quốc tế Hồng Kông, một sân bay nằm chỉnh chện trên một
hòn đảo giữa biển khơi, chúng tôi đã thấy đập vào mắt mình tấm pano to
như một bức tường ở ngay cổng ga đến với dòng chữ vàng in trên nền đỏ: Discover Hong Kong (Khám phá Hồng Kông).
Chụp ảnh với tượng đài nghệ sĩ ở đại lộ Danh vọng nằm trên bờ vịnh Victoria. Tháng ba ở Hong Kong trời lạnh 14 độ, sang đến nơi tôi phải mua ngay cái áo khoác.