30 tháng 7, 2012

Phở Dậu - đệ nhất phở Sài Gòn

Có lẽ trên đời này ai cũng thích được ăn ngon nhưng để trở thành người sành ăn thì không phải ai cũng có thể. Bởi ăn uống cũng là một sự lịch lãm trong cuộc sống. Một món ăn ngon không hẳn phải là món mắc tiền. Có khi những món rất mắc tiền ăn ngon đã đành mà gặp món rẻ tiền nhưng hợp khẩu vị càng ngon hơn vì vừa khoái khẩu lại vừa đỡ tốn tiền.

Chẳng hạn khi nói đến món phở dân sành ăn thường tấm tắc nghĩ về Hà Nội. Đó mới là cội nguồn của món ăn quốc hồn quốc túy này.
Vậy mà ở Sài Gòn cũng có những tiệm phở lung linh không kém gì đất kinh kỳ.

Tô nhỏ với chén nước tiết


Tô bình thường
Nhớ có lần trên một chuyến đi từ Hồng Kông về Sài Gòn bằng tàu bay của Unitid Airlines. Đội bay toàn là dân Mĩ nhưng lại lọt vô một anh người châu Á nhìn bộ dạng không xác định ra là dân nước nào. Mấy vị khách người Sài Gòn ngồi cùng dãy ghế với tôi vô công rồi nghề mới bày trò đố nhau anh chàng người Á đó nước nào. Ai thua thì hẹn cả bọn  sáng ngày mai gặp nhau ở quán phở Lệ nào đó. Đến lúc anh tiếp viên đi qua mọi người hỏi thì anh ta nói bằng giọng Sài Gòn: Nếu sáng mai mọi người có đi chung độ phở Lệ thì cho anh ta tham gia với.
Chẳng biết mấy người trong cuộc cá độ kia có giữ được lời hứa giữa lưng chừng trời ấy không nhưng nghe vậy thì tôi biết thêm một thương hiệu nổi danh của phở Sài Gòn. Sau này tìm hiểu mới biết phở Lệ nằm ở góc Nguyễn Trãi thuộc Quận 5 gần bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Phở quán này nổi tiếng nhờ có nước lèo ngon, thịt bò mềm, bò viên cũng ngon nữa.

Mới đây tôi được nghệ sĩ violon Trần Mùi chiêu đãi một chầu phở ở một cái quán trong khu cư xá 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Đó là phở Dậu. Một quán phở ngon khét tiếng Sài Gòn mà dân sành phở không ai là không biết.
Phở Dậu có từ trước giải phóng. Theo nghệ sĩ Trần Mùi thì quán này ngon tới mức cựu Trung tướng Nguyễn Cao Kì khi còn làm tư lệnh không quân của chế độ Việt  Nam Cộng Hòa cũ, mỗi lần đi kinh lí đâu xa khỏi Sài Gòn nếu bỗng dưng mà nổi cơn thèm phở thì ông ta phóc lên trực thăng tự mình lái về Sài Gòn, ăn một tô phở Dậu rồi lại trở về nơi công cán.
Quán ở sâu trong sân khu chung cư. Không cần biển hiệu mà khách ăn nườm nượp. Anh nào ăn khỏe thì kêu tô lớn, ăn yếu thì kêu tô nhỏ. Hương vị đất Bắc tràn trề nghi ngút bốc lên từ tô phở. Nếu ai biết thêm bí quyết của quán thì kêu thêm chén nước tiết (có người kêu là nước cốt) ngọt lừ nữa thì cái ngon không thể  kể ra hết bằng lời được. Ai ăn mới biết. Ăn hết tô phở húp xong chén nước tiết giống như vừa tiêm vô người liều thuốc tăng lực vậy. Chợt thấy những quán phở 24 sang trọng rải rác khắp Tp chỉ là cái đinh ... gỉ.
Thôi không kể nữa, càng kể càng thèm thêm.
 Đó là đệ nhất phở Sài Gòn đấy.

28 tháng 7, 2012

Điều may mắn

Trong cuộc gặp mới đây với mấy ông bạn ở Tây về - Tây đây là Tây Nguyên ấy chứ mình không vinh hạnh  có được ông bạn nào đang sống ở bên Tây thứ thiệt chẳng hạn như Mỹ Pháp Úc Ca na đa Nhật chi đó để chứng tỏ là có ảnh hưởng rộng như các loại nhà khác- Nhưng mà có bạn ở Tây Nguyên cũng vinh hạnh chán, Tây nào chả là Tây.
Định nói gì quên mất rồi nhỉ, à trong cuộc gặp mà thực ra là nhậu thịt dê với rượu nếp bắc ở ngã tư Gò Dầu đó, có ông bạn nổi hứng phát biểu triết lí cuộc đời rất có vẻ chân lí rằng: mỗi con người như bọn mình đây đều có một số phận. Vì thế mà bắt đầu thời còn học đại học với nhau thì giống nhau nhưng càng sống càng xa nhau ra.  Kẻ giàu người ngèo, kẻ khỏe người yếu, kẻ làm sếp người làm lính, thậm chí kẻ sống người chết…Nhưng bên cạnh số phận còn phải kể cả điều không thể thiếu là sự may mắn nữa.
Quá đúng.
Mình chịu nhất sự may mắn. Không biết sự may mắn của mọi người thì thế nào nhưng với mình, điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời cho đến ngày nay là đã không trở thành… liệt sĩ. Nhất là trong ngày TBLS 27-7 hôm nay.
 Cứ vào ngày này, khi đọc báo xem TV đề tài 27-7, mình lại ngùi ngùi nhớ về những bạn bè đồng đội đã ngã xuống trong những năm đánh Mĩ. Chính mắt mình đã chứng kiến những những người bạn và đồng đội ngã xuống và tắt thở trước mắt mình; thậm chí có khi cả đêm dài trong rừng rậm mình nằm ngủ bên cạnh gói tăng ni lon liệm xác đồng đội chờ đưa về hậu cứ chôn cất.  
Cùng lớp văn K12 trường Vinh cùng nhập ngũ rồi vào Nam một lần với mình có Đỗ Xuân Ngôn quê Thanh Hóa. Nhưng ngày hết chiến tranh mình và nhiều bạn bè khác trở lại tay bắt mặt mừng ở sân trường thì Ngôn đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường. Mặc dù là liệt sĩ thứ thiệt nhưng trong danh sách 60 cán bộ sinh viên là liệt sĩ chống Mĩ của trường ĐHV, từ trong phòng truyền thống đến trong các kỉ yếu đều không có tên Ngôn.  Mãi gần đây sau dịp kỉ niệm 50 năm thành lâp trường ĐHV và Khoa Văn, Nguyễn Trung Ngọc, bạn học cùng lớp và cùng nhập ngũ một đợt với mình và Ngôn hiện dạy ở ĐH Vinh thấy xót xa cho Ngôn quá đã tìm mọi cách lặn lội nhiều nơi để đưa tên Ngôn vào bảng vàng lịch sử của Trường. Việc đó Ngọc điện vào cho biết đã xong. Cảm ơn Ngọc.
Với mình, mỗi lần lật xem các cuốn kỉ yếu nhân kỉ niệm 30, 40, 50 năm thành lập  ĐH Vinh, bao giờ mình cũng bồi hồi dừng lại đọc đến thuộc tên những liệt sĩ là thầy giáo và Sv của trường, nhất là của khoa văn.
Trong đó mình chú ý nhất liệt sĩ mang tên Lê Khắc Duy dù mình không biết mặt anh. Duy người Đồng Hới, học cấp 3 Đồng Hới, là đồng hương, đồng môn cấp 3 đến đại học, cũng là đồng khoa với mình, lại còn là anh ruột của một người bạn thân thiết cùng học lớp văn 12A với mình hiện dạy học ở Hà Nội.  Duy học khóa 10 trước mình và Như 2 khóa, đến năm thứ 3 thì nhập ngũ. Anh vào Nam chiến đấu và trở thành liệt sĩ. Khi mình vào học khoa Văn vẫn nghe các thầy nhắc mãi về sự hi sinh của liệt sĩ Lê Khắc Duy.
Một cái tên khác trong danh sách cũng gây sự chú ý với mình là liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát. Đây là cô giáo dạy thể dục của trường. Vào những năm đầu mới thành lập tổ Gv thể dục ít người được ghép sinh hoạt chung với cán bộ giảng dạy khoa văn nên có lúc cô Lê Thị Bạch Cát còn được tính vào danh sách liệt sĩ của Khoa Văn. Ngày nay, nếu bạn gõ tên Lê Thị Bạch Cát vào thanh tìm kiếm của google sẽ cho 763.000 kết quả trong vòng 0,22 giây.
Trích: “ SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
   TÓM TẮT THÀNH TÍCH CỦA LIỆT SỸ, NHÀ GIÁO 
NỮ BIỆT ĐỘNG THÀNH: LÊ THỊ BẠCH CÁT


- Họ và tên: Lê Thị Bạch Cát
- Bí danh: Sáu Xuân
- Quê quán: Nghi Thuỷ - Nghi Lộc - Nghệ An
- Năm sinh: 1940
- Ngày mất: 5 - 5 - 1968
- Chức vụ đã kinh qua: Quận uỷ viên, Bí thư Quận Đoàn 2 (nay là Quận1)
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng
- Khen thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhất.
- Anh hùng LLVTND

Thỉnh thoảng xuống quận 11 theo hướng vòng xoay Lê Đại Hành đi về hướng bệnh viện Chợ Rẫy, mình lại có dịp thấy hoặc được đi trên con đường mang tên Lê Thị Bạch Cát, người Gv duy nhất của đại học Vinh được đặt tên cho một đường phố ở Sài Gòn đã chiến đấu và ngã xuống ở tuổi 28 trong trận đánh vào cơ quan cảnh sát địch một ngày đầu tháng 5 - 1968 ở khu vực gần bến Bạch Đằng Quận 1.  Sau ngày hết chiến tranh, cô đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND 
Ở Cửa Lò Nghệ An còn có một ngôi trường mang tên cô, Trường THCS Lê Thị Bạch Cát
Những cái tên như
Đỗ Xuân Ngôn, Lê Khắc Duy, Lê Thị Bạch Cát… đã  thành tên đất nước.

Nhớ về bạn bè, đồng đội đã hi sinh, mình chỉ thấy trải qua những năm tháng chiến tranh nhờ may mắn mà không thành liệt sĩ để sống sót trở về;  nên ngày nay dù làm việc gì cũng thấy tốt, sống ở đâu cũng thấy sướng, ăn món gì cũng thấy ngon là vậy.
Ảnh chụp từ danh sách 60 liệt sĩ là CBGD, Sv của Trường ĐH Vinh in trong đặc san số kỉ niệm 40 năm ĐH Vinh (1959-1999):


 Từ trên xuống số TT 10: Lê Khắc Duy - Sv năm thứ 3



Khoa Thể dục, số TT 5: Lê Thị Bạch Cát - Anh hùng LLVTND





25 tháng 7, 2012

Tập huấn

....................
Sáng nay hắn vừa chạy xe dọc đường Nam Kì chật chội như nêm cối vừa chửi, lộn, vừa nghĩ: sao không tập huấn ở đâu lại tập huấn ngay tại Sài Gòn.
Xem thêm ở đây:


..................................................................................................................

23 tháng 7, 2012

Nguyễn Duy Xuân từ blog thành sách


Sáng chủ nhật hôm qua, mới hơn 6 giờ đang giấc ngủ say, chủ nhật không có việc gì mình thường ngủ nướng đến 8-9 giờ mới dậy để nạp năng lượng bù cho cả một tuần quăng quật như cái đuôi heo, thì cái điện thoại để trên bàn réo lên ầm ĩ. Tiếng Nguyễn Duy Xuân vang lên trong máy: bác dậy chưa, em vừa đi Côn Đảo về đang ở nhà bên Gò Vấp. Nghe tiếng thằng bạn học cùng lớp thời đại học nhưng nhỏ hơn mình mấy tuổi vì hắn là học trò phổ thông vô còn mình từ lính trở về, hiện dạy ở CĐSP Ban Mê Thuột xa xôi, chủ trang blog nổi tiếng nguyenduyxuan.net mình tỉnh ngủ hẳn:
     -  Vậy ghé nhà tớ café ăn sáng!
          -   Dạ, bác chờ em chút.
“Chút” nghĩa là chừng cả tiếng sau với thêm chục cú điện thoại hỏi đường nữa thì Xuân xuất hiện trước cửa nhà mình, kẹp ở baga xe là cái bản đồ Sài Gòn nhàu nhĩ.
Vào nhà, Xuân kể là hai vợ chồng hắn vừa đi du lịch Côn Đảo về, một chuyến du lịch nhưng không phải để thưởng ngoạn mà mang đậm chất lịch sử và tâm linh. Chiều nay lên lại BMT. Giọng kể đầy xúc động chứng tỏ chuyến đi rất quan trọng với Xuân. Mà chả gì Xuân, mình đây cũng đang mơ một chuyến đi Côn Đảo đã lâu mà vẫn chưa thực hiện được.
Rồi Xuân rút ra cuốn Phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học mà Xuân là tác giả biên soạn kí tặng mình. Chà, tay này lại có sách in cơ đấy. 
Lại nói về chuyện in sách, ngày nay việc ai đó có cuốn sách vừa in và kí tặng bạn bè là quá đỗi bình thường. Có khi chỉ bỏ ra dăm ba triệu là đã có tập thơ mong mỏng in chễm chệ tên mình trên bìa sách, oai ngang với Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên hay Tố Hữu thời bao cấp. Có ông in xong chỉ mong gặp người quen để kí biếu như một màn tự sướng. Có ông tìm cách ép bạn bè người quen bỏ tiền ra mua để thu hồi vốn và kiếm lời như một phi vụ kinh doanh. Tại phòng làm việc của mình, mỗi khi thấy bỗng dưng có một ông ăn mặc bụi bặm xách theo cái cặp căng phồng gõ cửa xin vô rồi giả lả chào hỏi thì y như rằng nếu không phải là ông bán đũa bán tăm cho hội người mù thì cũng là ông đi bán sách. Đuổi như đuổi tà cũng không chịu đi nếu không bỏ tiền mua cho một cuốn.
 Mấy ông này là loại vừa mua danh ba vạn vừa bán danh ba đồng.
Nhưng với NDX thì khác. Thấy mình lật xem qua cuốn sách mỏng chỉ 160 trang, Xuân kể về sự ra đời ngoài ý muốn của nó:
Lần ấy em đang đi dạy từ xa ở huyện thì có cú điện thoại lạ hỏi thưa có phải là thầy NDX chủ trang nguyenduyxuan.net không ạ. Xuân thưa phải mà bụng chột dạ bởi thời nay mấy anh ham chơi blog rất hay bị đám an ninh văn hóa soi mói phiền lụy.
Người gọi tự giới thiệu là biên tập viên của nxb ĐHSP ở Hà Nội. Do đọc trênnguyenduyxuan.net thấy có nhiều bài viết và tư liệu liên quan đến chuyên môn do Xuân viết và đưa lên blog với mục đích cho sv có thêm tài liệu học tập và ôn thi với chất lượng rất tốt nên đề nghị thầy nếu được thì cho tập hợp, chỉnh lí lại để in thành sách. NXB ĐHSP sẽ mua bản quyền và chịu trách nhiệm in ấn phát hành. Nhuận bút sẽ được tính trả cho tác giả theo quy định của nhà nước.
Theo Xuân nói thì trần đời đi dạy hơn ba chục năm nay chưa bao giờ hắn nghĩ sẽ có lúc in một cuốn sách mang tên mình. Vậy mà tự dưng từ trên trời rơi xuống một lời đề nghị ngọt ngào như vậy ngu gì không OK. Nội dung có sẵn trên blog rồi, chỉ bỏ chút ít công tập hợp chỉnh lí nữa là xong.   
Cũng như bao người khác, Xuân lập blog là để thỏa chí đam mê mạng méo, đâu có nghĩ sẽ có lúc nó mang lại niềm vui của sự vinh quang và cả tiền bạc nữa như ngày nay.
Sau đó không lâu thì cuốn sách mang tên Phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học đã được in rất trang nghiêm, giản dị và NXB ngoài việc trả cho tác giả Nguyễn Duy Xuân 15 triệu đồng nhuận bút còn gửi từ Hà Nội về một ít sách biếu dành cho tác giả.
Vậy thì đây rõ ràng là một cuốn sách qúy, một cuốn sách công cụ dành cho  các giáo viên dạy tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5). Chả thế mà vừa in ra, nó đã được phát hành rộng rãi khắp cả nước trên hệ thống thư viện trường học và các trường tiểu học của 64 tỉnh thành.
Mình không nói ra với Xuân nhưng định bụng sẽ dành thời gian đọc cẩn thận và viết bài giới thiệu cho cuốn sách đầu đời của NDX. Tay này đúng là tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Nhớ hồi đi học hắn cứ khật khà khật khù, nói năng rề rà như một ông cụ non nhưng lại có hoa tay, viết đẹp, vẽ vời được, làm thơ cũng được phết. Bởi thế mà hắn được giao nhiệm vụ phụ trách cuốn đặc san lớp văn 16D của mình. Ra trường hắn bị bắn một phát lên tận Đăk Lăk. Tưởng đời thế là mờ mịt giữa đất Fun rô thời đó ai dè trong gian khó hắn lại nở hoa. Lớp cao đẳng văn hắn dạy có một em Sv thôn nữ Quảng Bình đẹp thon thả dáng mặn mà, da trắng tóc dài mắt bồ câu lúng liếng là điểm sáng thẩm mĩ để đám Sv và các thầy giáo trẻ chưa vợ ra mặt tấn công đủ kiểu. Xuân cũng rất mê em này và quyết chí tấn công theo kiểu của hắn. Cứ cách vài ngày hắn lại lặng lẽ dúi tặng cô học trò một bài thơ tình đắm đuối trong lúc đám kia người tặng hoa, kẻ tặng quà, có tên lại rối rít tít mù đưa rước. Cuối cùng Xuân là người thắng cuộc. Ngày hắn làm đám cưới đưa nàng về... khu tập thể cũng là ngày đám tình địch kia chết lặng cả con người. Nay thì cô nàng Sv thôn nữ kia đã thành bà nội còn hắn thì dĩ nhiên là thành ông nội rồi. Cũng như bây giờ, cái cuốn sách kia đột ngột xuất hiện giữa sự ngỡ ngàng của bao người. 
Chúc mừng Xuân mình nói đây có lẽ là cuốn sách để đời của chú mày đấy nhỉ. Hắn thủng thẳng chưa đâu bác. Sau khi in và phát hành xong cuốn này, anh biên tập viên của nxb ĐHSP lại điện vào đề nghị em biên soạn thêm cuốn nữa, vẫn là những tư liệu chủ yếu từ blog. Và em làm gần xong rồi. Sẽ có thêm cuốn thứ hai nữa, khi nào có sách mới em lại sẽ gửi tặng bác.  

Vậy thì phải đi làm chầu thịt dê để chúc mừng chú mày thôi. Từ blog thành sách quí, có ai ngờ và mấy ai được như vậy, ngoài tay Quê choa Nguyễn Quang Lập. Nay thêm tay Nguyễn Duy Xuân.



                                       Sách...

  

... và người Nguyễn Duy Xuân:

                                                   Ảnh: nguyenduyxuan.net



18 tháng 7, 2012

Rộng và hẹp

Nói đúng ra là rộng và chuẩn.
Sáng nay lên Vp lật tờ Tuổi trẻ thấy có bài viết nói về tình trạng chấm tuyển sinh năm nay.
Mình vừa kết thúc vụ chấm cho 2 trường về nên rất chú ý xem  viết cái gì. Hóa ra  viết rất đúng:  Đang diễn ra tình trạng chấm tuyển sinh các trường ngoài công lập thì nới rộng điểm hơn so với thực chất bài làm của thí sinh; trong lúc ở các trường công lập thì chấm chuẩn hơn.  
Phải thừa nhận là tay phóng viên báo TT viết bài này rất trúng. Cứ như là  đi theo mình mấy ngày qua vậy. 
Chả là cả ngày thứ 7 mới rồi mình và sếp, một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, được xe đưa rước tận tình chu đáo để đi lo việc chấm cho một trường dân lập.  Trường này năm nay có gần 1.000 bài thi văn của cả 2 khối C và D. Ông sếp trường nói thẳng là các thầy chấm nới tay cho chút vì các em đã thi nguyện vọng 1 vào đây là rất đáng quí. Rớt em nào là mất em đó. Tội cho thí sinh và tội cả cho... trường
 Tóm lại là chấm làm sao cho học trò  đậu chứ không phải là chấm cho rớt. Kết quả là trong số hàng trăm bài qua tay mình có đến mấy điểm 7 điểm 8 văn. Ở trường công thì không thể.
Kết quả thì như thông tin từ ĐH dân lập HP là trường đầu tiên trên cả nước có kết quả chấm ts năm nay đã công bố, có 1 thủ khoa với 26 điểm. Nghĩa là trung bình 3 môn thi = 8,5 điểm. Mình nghe là hiểu ra vấn đề ngay. Nếu thủ khoa này mà thi vào ĐH KT-L là nơi mình vừa kết thúc việc chấm thì số điểm này phải xem lại. 6 - 7 điểm ở trường công có khi lại bằng 8 điểm ở trường DL. Cũng một mức điểm đầu vào ấy mà thực chất cách nhau cả trời vực.
Không thế mới lạ. Mình mà làm HT trường DL thì cũng phải vậy thôi. Ai chả mong cho có chất lượng nhưng trước khi nói đến chất lượng phải lo cho có cơm ăn để sống đã.
Tiếp đó từ chủ nhật đi chấm cho trường KT-L thì tình hình khác hẳn. Nghiêm túc và vô cũng chuẩn mực. Đáng 4 cho 4, đáng 5 cho 5. Không có vụ đáng 6 cho lên 7, thậm chí là 7,25. Chỉ riêng khối D của KT-L năm nay có gần 3.500 bài môn văn. Vậy mà số điểm 8 cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điểm 9 như con của Mai Thìn năm ngoái cũng thi vô trường này thì năm nay không có.


Trong thi Ts vào ĐH, có khi bài làm chênh nhau chỉ 0,25 điểm là đã làm thay đổi số phận của một con người rồi.
Nói cây đời mãi mãi xanh tươi là vậy.

16 tháng 7, 2012

Đến hẹn lại lên…Linh Trung



Là nơi đóng đô của ĐH Kinh tế - Luật để chấm văn khối D.
Năm  nay chấm ts sớm hơn năm ngoái cả tuần.
Lại gặp gần đủ mặt hội bạn chấm thuê với tổ trưởng là Ts Nguyễn Khắc Hóa. Một năm trôi qua mà thấy mọi người vẫn… già như ngày xưa.
Nói hội chấm thuê là đúng bởi ở Sg có hai đội quân làm thuê.
Một là những người quanh năm hết dạy cho trường này lại đi dạy cho trường khác. Hội này gọi cho sang thì là thỉnh giảng. Mà thực ra là đội quân dạy thuê. Đi đâu cũng đụng nhau. Có lần mình lên trường Tây Nguyên dạy lại ở bên  cạnh phòng của một ông ở trường Kinh tế. Ông này thường đi chung xe với mình mỗi lần đi dạy cho trường Bình Dương. Cả hai đều ớ ra vì cùng thấy quen quen.
Một hội nữa là đi chấm thi Ts thuê. Mình ham vui nên tham gia cả hai hội. Có lẽ sang năm chỉ tham gia một hội thôi.
Năm nay đề văn khối C và D đều thoáng đãng như nhau, đều là dạng đề mở. Các cháu học trò vừa đi qua lớp 12 tha hồ tung tẩy múa bút và viết hươu viết vượn. Các thầy theo đó chấm bài cũng mệt muốn chết.
Nhất là câu luận về thần tượng với sự hâm mộ và sự mê muội. Thôi thì đủ kiểu luận bàn và lí giải từ trên trời đến dưới bể.
Đọc bài của học trò viết về những chuỵên người lớn như thế mình thấy chúng nó thật hồn nhiên và đáng yêu.


Tuy nhiên đề văn khối D năm nay cũng gây rắc rối cho học trò và giám khảo. Câu 3A yêu cầu học trò nêu "Cảm nhận về ý nghĩa của kết thúc truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và truyện ngắn Vợ nhặtcủa Kim Lân".
Thực chất đây là một phép làm của khoa văn học so sánh. Nhưng đề bài lại không có chữ nào yêu cầu về so sánh của 2 cái kết truyện đã nêu.  Vậy là có đứa làm xong cái kết của Chí Phèo rồi chuyển sang làm cái kết của Vợ nhặt. Rất vụng nhưng người chấm cũng phải chấp nhận. Đa số thì viết kết hợp giữa hai cái kết rồi có so sánh.
Đây là cái vụng của người ra đề. Một đề bài không rõ ràng. 

Còn một buổi sáng mai nữa mới xong.
Có mấy tấm hình 



  
      Một tòa nhà rất hiện đại của trường KT-L với cái cổng trường rất giản dị

  Phía sau là bãi đất trống - qũi đất dự trữ của trường này còn rất lớn





Làng Đại học Quốc gia Tp.HCM vẫn đang mọc lên trong sương mù buổi sớm Linh Trung




11 tháng 7, 2012

Bài văn kinh hoàng


 



Vô Danh
-
"Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác."
Bài văn của một nữ học sinh trung học phổ thông với đề bài phân tích truyện Thánh Gióng vừa được phát tán trên mạng, được xem như “bài văn lạ” mới, gây xôn xao cộng đồng. Nguyên văn bài viết như sau (xin đăng nguyên văn, kể cả một số từ tạm gọi là “lỗi từ vựng” của thế hệ 9X):


“Truyền thuyết kể lại thật ấn tượng khi Thánh Gióng ba tuổi chưa biết nói cười nhưng khi giặc Ân đến thì thoắt cái vươn vai để trở thành người lớn trong phút chốc, ngay sau đó thì đã dùng gậy sắt, cưỡi ngựa sắt uýnh tan giặc. Wow, thậm chí ông còn dùng cả bụi tre làm vũ khí! Xong xuôi thì thay vì ở lại để nhận huân chương Anh hùng, ông lại vội vã bay ngay lên trời, để lại một loạt fan và người hâm mộ ngơ ngác. Chắc là ông tuy thành người lớn nhưng tuổi vẫn trẻ con nên dễ ngượng trước đám đông, hoặc có thể ông ấy khiêm tốn và không mắc bệnh thành tích như người lớn bây giờ! Em hâm mộ ông, à… anh ấy lắm (mà sao trẻ thế họ lại cứ bắt gọi là ông nhỉ?)! Nếu anh ấy mà không bay mất chắc ối người hâm mộ sẽ chết mê chết mệt. Ôi, anh Gióng thật manly, thật cool – thần tượng của em!

Nhưng em không chỉ hâm mộ mà còn thương anh ấy lắm, mới ba tuổi ranh, chưa biết gì mà đã buộc phải thành người lớn, phải làm chuyện người lớn trong khi chưa kịp hưởng tuổi thơ, tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ, tuổi ômai như tụi em…Thật buồn, thật ghét chiến tranh đã cướp đi mất tuổi thơ của anh ấy!

Em thì ngược lại, em có tuổi thơ và thời con trẻ đầy đủ đến phát chán.Thực sự thì em chỉ mong cái tuổi thơ này kết thúc nhanh nhanh và thành người lớn cùng thần tượng của em sớm nhất có thể vì quá tuổi thơ của chúng em quá nhiều lý do để bực bội.

Này nhé: Tuổi thơ lúc nào cũng phải đi học, điểm kém thì bị chửi mắng, thậm chí dính chưởng của phụ huynh, muốn học giỏi thì lại phải quay cóp khi đi thi, em thì lại vụng nên quay toàn bị lộ. Lớp em tụi nó quay siêu lắm, có đứa còn được nhà trang bị điện thoại xịn để nhắn đầu bài, đứa thì móc với giám thị quăng phao cho. Em không biết dùng phao, chết đuối phải roài, hic hic…

Tuổi thơ lúc nào cũng bắt đi sở thú. Đi riết chán ốm vì chẳng có gì để xem. Có mấy con thú ốm nhom cứ đứng vậy hoài. Mà nghe nói một con voi mới tự nhiên lăn đùng ra chết, người ta bảo nó bị bệnh hiểm nghèo, em nghĩ là nó đói thôi. Ba em dạo này làm ăn chứng khoán hay đất đai gì đó mà về quặu nhà hoài, kêu làm ăn thế này thì có mà chết đói cả lũ! Đấy, người còn chết đói nữa là voi… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.

Tuổi thơ chán chết vì muốn đi chơi chẳng biết đi đâu và đi bằng gì. Xe công cộng thì vừa bẩn vừa hôi, lại chen chúc và luôn chậm giờ, chẳng nhẽ lúc nào cũng bắt gia đình cho quá giang. Em thích đi chơi ngoài thiên nhiên lắm mà không có chỗ nào đi, lại dơ và nguy hiểm nên mẹ không cho. Mà sao cứ đi xa là người lớn lại sợ trẻ con làm chuyện bậy bạ nhỉ? Sao họ cứ suy bụng ta ra bụng người thế? Đi gần thì có mỗi chỗ duy nhất là siêu thị. Dạo này kinh tế khó khăn nên chẳng ai mua gì, cứ đi vào chơi cho mát. Chỗ khu game thì lúc nào cũng phải xếp hàng, tiếng động ẩm ĩ nhức hết cả đầu, haizzz… Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.

Tuổi thơ thật chán vì không có gì để xem. Ca nhạc thì nhảm, lại chẳng có bài vui cho lứa tuổi tụi em. Cứ suốt ngày yêu nhau, bỏ nhau nhảm pà cố! Mà trong mấy cuộc thi Talent trên Ti vi thì tụi trẻ con cũng toàn bắt chước người lớn mới được giải cao đấy thôi, ai mà coi trọng con nít! Phim Việt thì vừa chán vừa toàn chuyện người lớn, mấy cái phim Mỹ hành động thì hay, vậy mà cái hay nhất chuẩn bị chiếu thì lại bị cấm mất vì nghe nói quá bạo lực. Mấy đứa bạn nhà giàu nó còn được bay qua Thái, qua Sin xem chứ em thì potay. Mà lạ thật, trẻ con bên ấy giàu hơn nhưng lại thích bạo lực hơn ở nhà mình nhỉ? Ôi, ước gì em được như Phù Đổng, ước gì em nhanh làm người lớn.

Tuổi thơ thì lúc nào cũng bắt đọc sách. Em cũng thích đọc lắm, nhất là mấy cuốn Manga vẽ tranh đẹp cực! Đọc lời và chữ nhiều đang chán, đọc truyện tranh đang thích thì mẹ lại cấm vì bảo trong đó toàn cảnh phản cảm của con nít làm chuyện người lớn…huhu. Nếu mà thế gọi là làm chuyện người lớn thì em cũng thích làm người lớn. Thích thế nhưng mà rất khó, mấy đứa con trai cùng lớp thỉnh thoảng cứ hay rủ đi chơi xa, vào nhà nghỉ làm chuyện người lớn. Thích đấy nhưng mà quá nguy hiểm, nhỏ L. lớp kế bên đi chơi riết rồi tự nhiên có em bé đó, kỳ lắm. Nhưng ở nhà cũng ghê thấy mồ à, mấy cha hàng xóm mắc dịch và biến thái cứ hay gạ qua nhà làm chuyện người lớn rồi cho tiền, cho kẹo… Sao làm trẻ con khổ thế!? Nên em chỉ muốn nhanh làm người lớn.

Mà làm người lớn cũng dễ ợt chứ có gì đâu. Em nghe nói nhỏ kia chưa đến 18 đã khai man để có bạn trai sớm. Mà vừa mấy bữa trước thấy nó còn ốm nhom trên ti vi, nghe dì Năm nói nó giải phẫu thẩm mĩ vòng 1 siêu khủng, nâng mũi dọc dừa, mất mấy ngàn đô lận, thế rồi thành hotgirl, được người ta rủ đi chơi mà trả tới hai chục ngàn đô lận. Cho nên chắc em sẽ phấn đấu thành hotgirl trước, rồi sau đó sẽ đăng ký vô mấy cuộc thi Miss sìtyn để kiếm vận may. Làm người lớn vừa có giá, vừa tự do chẳng ai quản lý. Mẹ cấm đoán em chắc chỉ vì thiếu tiền, chứ em mà kiếm được mấy cha đại gia thì sẽ bao cả nhà ăn chơi nhòe luôn.

Đấy, sao cứ phải thời chiến mới trở thành người lớn lẹ được? Mà nói rồi mới nhớ và tiếc thần tượng của em. Giá anh Gióng mà không bay về trời thì ở lại thành đại gia là chắc. Đẹp trai, tiền thưởng nhiều như thế thì thiếu gì hotgirl xin chết?

Vậy xét cho cùng thì đâu ai cần tuổi thơ nhỉ? Em chỉ muốn làm một việc gì có ý nghĩa, em muốn học tập Thánh Gióng nhanh để trở thành người lớn, em chỉ muốn có nhiều tiền, nhưng làm thế nào nhỉ? Haizzzz…”.

Nhận xét của giáo viên: “Bài không những lạc đề mà tư tưởng có vấn đề! Đề nghị gia đình chú ý giáo dục! 0 điểm”.

6 tháng 7, 2012

Chuyện vu vơ

Nhớ hồi mới ra trường mình được bổ về dạy ở QNU, cùng lúc cô em gái ở Đức về cho ông anh mấy cái áo sơ mi. Lần đầu tiên trong đời mình có những cái sơ mi ra dáng như thế. Vải đẹp, may chuẩn. Nhưng than ôi, khi mặc vào thì nó rộng thùng thình nếu không bỏ vô quần thì vạt  áo sẽ chùng quá gối vì đó là loại dành cho thanh niên châu Âu cao cỡ 1.8m trở lên trong lúc mình thuộc loại những anh chàng chân ngắn.
Mặc dù vậy vẫn rất thích mặc vì khi mặc thấy nó rất thoải mái, cử động dễ dàng. Nhất là khi lên lớp dù có vươn tay hết cỡ để viết phấn trắng lên bảng đen vẫn không thấy vướng víu gì. Nhớ lời đức Khổng Tử: Mặc mà cứ như là không mặc, ấy mới gọi là mặc vậy. Hơn nữa đó là những cái áo không đụng hàng. Cả khoa văn hồi đó không có ai mặc những cái sơ mi như mình. Áo của họ thường may chẽn theo hông, eo iếc đâu ra đó. Áo của mình mặc đóng thùng gió vẫn lùa vô tư. Khi đó mình 25 tuổi. Chưa biết yêu iếc là gì. Không vô tư mới lạ. Mà nói chẻ hoa ra hồi đó mới ra trường mình nghèo bất tận. Có muốn mua áo khác mặc cho giống mọi người cũng không sẵn tiền.
Chỉ có một điều làm mình không thấy an lòng lắm là mỗi khi bước vô lớp kính cẩn nghiêng mình cúi chào học trò thì lại thấy hình như có điều chi đó không bình thường. Mấy cô Sv mắt thì nhìn chằm chằm vô cái áo của mình, miệng lại thì thà thì thầm với nhau điều gì có lẽ bí ẩn lắm. Nghĩ bụng sẽ có lúc mạnh dạn hỏi họ xem hình thể trang phục của mình có chuyện gì bất ổn không. Chứ nghề dạy học luôn phải đứng trước hàng trăm con người trẻ trung mà cứ thế này thì…chết.
Khi đã quen quen, có lần giờ ra chơi mình không xuống phòng đợi giảng  viên nghỉ ngơi như thường lệ mà đứng lại ban kông tán chuyện cùng một nhóm sinh viên. Như thể vô tình mình hỏi nguyên nhân do đâu thỉnh thoảng tôi thấy các anh chị hay nhìn tôi và thì thầm to nhỏ rồi lại bụm miệng cười với nhau. Có gì các anh chị nói với tôi một tiếng để tôi biết mà điều chỉnh.
Chân tình là vậy nhưng bọn con trai thì bỗng đưa mắt nhìn trời cao xa xăm như không nghe mình hỏi gì, bọn con gái thì chúi vô nhau cười rúc rích đánh trống lảng. Quyết không mở lòng với ông thầy trẻ.
Suốt năm học, đó vẫn là điều bí ẩn khiến mình mãi băn khoăn.

                                                      QNU -1988
Mãi cả chục năm sau, khi mình đã có vợ thì điều bí ẩn mới được lộ diện. Lần ấy bà vợ mình từ Qui Nhơn đi coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở huyện An Nhơn hay Phù Cát chi đó về kể lại, có gặp mấy cô giáo cấp 3 trường huyện vốn là học trò cũ của mình cùng đi coi thi bắt chuyện làm quen. Khi biết cô này là vợ của thầy HTS dạy khoa văn QNU, liền kể chuyên hồi Sv bọn em học với thầy Sơn  thế này thế nọ. Trong đó chúng nó kể vụ thầy Sơn có những cái áo sơ mi không giống ai, mỗi lần thầy lên lớp chúng em lại hướng về cái áo sơ mi của thầy và đố nhau: đố mày cái túi áo của thầy là túi trên hay túi dưới. Rồi chúng cãi nhau: Túi trên thì không phải vì nó ở vị trí gần thắt lưng như một túi áo pijama; túi dưới cũng vô lí vì đã là áo sơ mi thì làm gì có túi dưới. Cũng nhờ vụ đố nhau ấy mà chúng em thấy giờ giảng của thầy HTS vui hẳn lên.
Thế có chết tui không. Bởi có một thời mình cứ nghĩ là mình giảng bài hấp dẫn lắm nên thấy sinh viên chăm chú nghe và bàn luận rất...sôi nổi.
Chưa hết.
Mới chập chững lên lớp được một năm thì mình quay lại trường cũ học cao học. Vẫn vô tư diện những cái sơ mi Đức không đụng hàng ấy. Các lớp cao học hồi đó là loại hình đào tạo mới, rất ít người học, hiếm hơn lá mùa thu nên biết nhau hết.
Một hôm có việc đi qua phòng kí túc xá mấy bà mấy chị cao học khoa sinh, có chị Thiên Hương tuổi cỡ U35 ra vẫy mình và gọi: anh Sơn vô đây cho tụi này hỏi nhờ chút. Lạ. Hay là có cô nàng nào để ý đến mình rồi đây (lúc đó vẫn là trai chưa vợ nhé). Chị Thiên Hương là Gv của trường Đà Lạt ra học, dân Huế, vợ một đại tá quân đội, ăn mặc đỏm dáng và đi đứng điệu đà đến chảy nước như một bà quí tộc. Mình thì thấy bình thường nhưng thằng bạn cùng lớp với mình là Chử Anh Đào thì ghét lắm. Hắn bảo là trông mụ này ngứa cả con mắt. Hắn không gọi chị này bằng cái tên mĩ miều là Thiên Hương mà gọi là mụ Lợi, tên một nhân vật nữ đáng ghét trong một cuốn tiểu thuyết Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh phổ biến hồi đó. Đến giờ nhớ lại, mình vẫn phục thằng Đào ở cái tài đặt biệt danh cho mấy nàng cao học hồi đó. Thậm chí có nàng đã bị hắn đặt cho là con tôm luộc.
Quay lại với vụ chị Thiên Hương gọi mình vào. Khấp khởi mừng nhưng chân vẫn đầy thận trọng bước vào và không tự tin lắm trong một phòng nữ đang túm tụm 4-5 mẹ.
Lạ là không thấy các mẹ cao học sinh này hỏi gì mình. Chỉ chăm chú nhìn vô cái áo mình đang mặc rồi nói: Được rồi đó,  cảm ơn anh Sơn he.
Thế này có mà bằng đánh đố nhau. Mình thấy chưng hửng đã quay gót ra về nhưng tức quá liền quay lại hỏi cho ra nhẽ. Vụ vừa rồi nghĩa là gì vậy.  Mấy bà mà không nói là tui không có về đâu á.
Chị Thiên Hương lúc đó mới nói là tụi này muốn ngắm lại cái kiểu cổ áo của anh Sơn chút thôi.
Ra thế. Chả có vụ cô nàng nào  để ý mình ở đây cả.
Chả là mấy mẹ đó đang có cuộc tranh luận là nếu  may  sơ mi thì kiểu cổ nào là được nhất. Tên thì kiểu nhọn hoăn hoắt, tên thì kiểu lá sen. Có tên thích kiểu trung tính, bình thường không tù không nhọn. Đang tranh luận thì thấy mình đi qua nên mấy mẹ ấy gọi vô để làm mẫu dẫn chứng. Hóa ra cái sơ mi Đức mình mặc hôm đó có cái cổ kiểu rất mốt vừa ra lò và đang thịnh hành ở Vn.

2 tháng 7, 2012

Thành phố ngày trở lại



Hôm nay ngày 1-7 vừa tròn hai năm mình vô lại Sg định cư. Đăng lại bài viết này như là kỉ niệm:

Tính đến hôm nay nữa là vừa đủ ba bảy hai mốt ngày mình trở lại hẳn SG. Cách đây 35 năm kể từ  30 – 4, sau những ngày làm quân quản rồi rời Tp để trở lại trường ĐH, số lần mình  quay lại Tp trong những chuyến công tác phải tính đến hàng trăm bởi hầu như ko có tháng nào mà mình ko có một chuyến SG. Việc chung việc riêng đều có đủ.
Nhưng vụ trở lại lần này là để ở hẳn. Mình vẫn băn khoăn ko biết nên dùng từ  trở lại hay trở về.
35 năm kể từ khi ta vừa đi qua tuổi 20 nay trở lại tóc đã pha sương tiêu nhường chỗ cho muối. Có muộn quá ko nhỉ. Người ta thường nói dù muộn vẫn hơn không. Hay nói cách khác là để vươn tới trong cuộc đời này thì ko có chỗ cho từ muộn.
Sau những lang bạt kì hồ ta lại quay về chốn cũ. Chốn cũ của nghề nghiệp nơi giảng đường ĐH và chốn cũ của nơi sinh sống.
Tp rộng mênh mông đến mức đầu đường phía này mưa như trút mà ở đầu phía kia đường thì nắng ráo như không. Tp rộng mênh mông mà ở đâu cũng chật chội với những người là người. Người như nêm cối ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của Tp.
Vậy mà ai cũng có một chốn để dung thân ai cũng có một công ăn việc làm. Và hơn thế ai cũng có một sự nghiệp miễn là người đó có nghị lực và biết chịu khó chắt chiu để sống.
Thế mới biết Tp bao dung làm sao.
Sáng sáng ta hơi vội vàng dong xe đi chiều chiều lại thong thả dong xe về giữa cơ man người và xe ken vào nhau dày đặc mà thấy yêu vô cùng khung cảnh nhộn nhịp và hối hả cũng vô cùng của cuộc sống. Có lẽ ko ở đâu mà cư dân lại hăm hở sống hăm hở làm việc như ở Tp này.
Thế mới biết Tp và con người Tp năng động đến mức nào.  Chỉ có những con người thực sự yêu đời yêu cuộc sống thì mới có phong cach sống năng động như thế.
Dù không đến mức như trong thơ Chế Lan Viên Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn nhưng ta yêu đến vô cùng sự hối hả và năng động sống của cư dân Tp. Sống mà lờ đờ nước hến thì chán chết.
Cứ sống hết mình, làm việc hết mình ta sẽ gặp chính con người mình và ước nguyện của chính mình.