23 tháng 7, 2012

Nguyễn Duy Xuân từ blog thành sách


Sáng chủ nhật hôm qua, mới hơn 6 giờ đang giấc ngủ say, chủ nhật không có việc gì mình thường ngủ nướng đến 8-9 giờ mới dậy để nạp năng lượng bù cho cả một tuần quăng quật như cái đuôi heo, thì cái điện thoại để trên bàn réo lên ầm ĩ. Tiếng Nguyễn Duy Xuân vang lên trong máy: bác dậy chưa, em vừa đi Côn Đảo về đang ở nhà bên Gò Vấp. Nghe tiếng thằng bạn học cùng lớp thời đại học nhưng nhỏ hơn mình mấy tuổi vì hắn là học trò phổ thông vô còn mình từ lính trở về, hiện dạy ở CĐSP Ban Mê Thuột xa xôi, chủ trang blog nổi tiếng nguyenduyxuan.net mình tỉnh ngủ hẳn:
     -  Vậy ghé nhà tớ café ăn sáng!
          -   Dạ, bác chờ em chút.
“Chút” nghĩa là chừng cả tiếng sau với thêm chục cú điện thoại hỏi đường nữa thì Xuân xuất hiện trước cửa nhà mình, kẹp ở baga xe là cái bản đồ Sài Gòn nhàu nhĩ.
Vào nhà, Xuân kể là hai vợ chồng hắn vừa đi du lịch Côn Đảo về, một chuyến du lịch nhưng không phải để thưởng ngoạn mà mang đậm chất lịch sử và tâm linh. Chiều nay lên lại BMT. Giọng kể đầy xúc động chứng tỏ chuyến đi rất quan trọng với Xuân. Mà chả gì Xuân, mình đây cũng đang mơ một chuyến đi Côn Đảo đã lâu mà vẫn chưa thực hiện được.
Rồi Xuân rút ra cuốn Phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học mà Xuân là tác giả biên soạn kí tặng mình. Chà, tay này lại có sách in cơ đấy. 
Lại nói về chuyện in sách, ngày nay việc ai đó có cuốn sách vừa in và kí tặng bạn bè là quá đỗi bình thường. Có khi chỉ bỏ ra dăm ba triệu là đã có tập thơ mong mỏng in chễm chệ tên mình trên bìa sách, oai ngang với Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên hay Tố Hữu thời bao cấp. Có ông in xong chỉ mong gặp người quen để kí biếu như một màn tự sướng. Có ông tìm cách ép bạn bè người quen bỏ tiền ra mua để thu hồi vốn và kiếm lời như một phi vụ kinh doanh. Tại phòng làm việc của mình, mỗi khi thấy bỗng dưng có một ông ăn mặc bụi bặm xách theo cái cặp căng phồng gõ cửa xin vô rồi giả lả chào hỏi thì y như rằng nếu không phải là ông bán đũa bán tăm cho hội người mù thì cũng là ông đi bán sách. Đuổi như đuổi tà cũng không chịu đi nếu không bỏ tiền mua cho một cuốn.
 Mấy ông này là loại vừa mua danh ba vạn vừa bán danh ba đồng.
Nhưng với NDX thì khác. Thấy mình lật xem qua cuốn sách mỏng chỉ 160 trang, Xuân kể về sự ra đời ngoài ý muốn của nó:
Lần ấy em đang đi dạy từ xa ở huyện thì có cú điện thoại lạ hỏi thưa có phải là thầy NDX chủ trang nguyenduyxuan.net không ạ. Xuân thưa phải mà bụng chột dạ bởi thời nay mấy anh ham chơi blog rất hay bị đám an ninh văn hóa soi mói phiền lụy.
Người gọi tự giới thiệu là biên tập viên của nxb ĐHSP ở Hà Nội. Do đọc trênnguyenduyxuan.net thấy có nhiều bài viết và tư liệu liên quan đến chuyên môn do Xuân viết và đưa lên blog với mục đích cho sv có thêm tài liệu học tập và ôn thi với chất lượng rất tốt nên đề nghị thầy nếu được thì cho tập hợp, chỉnh lí lại để in thành sách. NXB ĐHSP sẽ mua bản quyền và chịu trách nhiệm in ấn phát hành. Nhuận bút sẽ được tính trả cho tác giả theo quy định của nhà nước.
Theo Xuân nói thì trần đời đi dạy hơn ba chục năm nay chưa bao giờ hắn nghĩ sẽ có lúc in một cuốn sách mang tên mình. Vậy mà tự dưng từ trên trời rơi xuống một lời đề nghị ngọt ngào như vậy ngu gì không OK. Nội dung có sẵn trên blog rồi, chỉ bỏ chút ít công tập hợp chỉnh lí nữa là xong.   
Cũng như bao người khác, Xuân lập blog là để thỏa chí đam mê mạng méo, đâu có nghĩ sẽ có lúc nó mang lại niềm vui của sự vinh quang và cả tiền bạc nữa như ngày nay.
Sau đó không lâu thì cuốn sách mang tên Phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học đã được in rất trang nghiêm, giản dị và NXB ngoài việc trả cho tác giả Nguyễn Duy Xuân 15 triệu đồng nhuận bút còn gửi từ Hà Nội về một ít sách biếu dành cho tác giả.
Vậy thì đây rõ ràng là một cuốn sách qúy, một cuốn sách công cụ dành cho  các giáo viên dạy tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5). Chả thế mà vừa in ra, nó đã được phát hành rộng rãi khắp cả nước trên hệ thống thư viện trường học và các trường tiểu học của 64 tỉnh thành.
Mình không nói ra với Xuân nhưng định bụng sẽ dành thời gian đọc cẩn thận và viết bài giới thiệu cho cuốn sách đầu đời của NDX. Tay này đúng là tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Nhớ hồi đi học hắn cứ khật khà khật khù, nói năng rề rà như một ông cụ non nhưng lại có hoa tay, viết đẹp, vẽ vời được, làm thơ cũng được phết. Bởi thế mà hắn được giao nhiệm vụ phụ trách cuốn đặc san lớp văn 16D của mình. Ra trường hắn bị bắn một phát lên tận Đăk Lăk. Tưởng đời thế là mờ mịt giữa đất Fun rô thời đó ai dè trong gian khó hắn lại nở hoa. Lớp cao đẳng văn hắn dạy có một em Sv thôn nữ Quảng Bình đẹp thon thả dáng mặn mà, da trắng tóc dài mắt bồ câu lúng liếng là điểm sáng thẩm mĩ để đám Sv và các thầy giáo trẻ chưa vợ ra mặt tấn công đủ kiểu. Xuân cũng rất mê em này và quyết chí tấn công theo kiểu của hắn. Cứ cách vài ngày hắn lại lặng lẽ dúi tặng cô học trò một bài thơ tình đắm đuối trong lúc đám kia người tặng hoa, kẻ tặng quà, có tên lại rối rít tít mù đưa rước. Cuối cùng Xuân là người thắng cuộc. Ngày hắn làm đám cưới đưa nàng về... khu tập thể cũng là ngày đám tình địch kia chết lặng cả con người. Nay thì cô nàng Sv thôn nữ kia đã thành bà nội còn hắn thì dĩ nhiên là thành ông nội rồi. Cũng như bây giờ, cái cuốn sách kia đột ngột xuất hiện giữa sự ngỡ ngàng của bao người. 
Chúc mừng Xuân mình nói đây có lẽ là cuốn sách để đời của chú mày đấy nhỉ. Hắn thủng thẳng chưa đâu bác. Sau khi in và phát hành xong cuốn này, anh biên tập viên của nxb ĐHSP lại điện vào đề nghị em biên soạn thêm cuốn nữa, vẫn là những tư liệu chủ yếu từ blog. Và em làm gần xong rồi. Sẽ có thêm cuốn thứ hai nữa, khi nào có sách mới em lại sẽ gửi tặng bác.  

Vậy thì phải đi làm chầu thịt dê để chúc mừng chú mày thôi. Từ blog thành sách quí, có ai ngờ và mấy ai được như vậy, ngoài tay Quê choa Nguyễn Quang Lập. Nay thêm tay Nguyễn Duy Xuân.



                                       Sách...

  

... và người Nguyễn Duy Xuân:

                                                   Ảnh: nguyenduyxuan.net



2 nhận xét:

  1. thầy ơi! thầy giỏi quá! con ngưỡng mộ thầy quá!

    Trả lờiXóa
  2. Đã đọc và suy ngẫm.
    Đây cũng là một hiện thượng đáng khen(Cả ông xuất bản lẫn ông chơi blog).
    Ơn trời cho ngành giáo dục nước nhà có nhiều thày Nguyễn Như Xuân và nhiều biên tập viên (nói trên) của NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
    Cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa

Bạn có nhận xét mới