(Bài đăng trên Thời báo Văn học
Nghệ thuật số Xuân Nhâm Dần của Hội LHVHNT VN)
Người thành thị ăn Tết khác người ở nông thôn; người miền xuôi ăn Tết khác người miền núi. Và ngay tại Sài Gòn – thành phố lớn nhất và sôi động nhất nước của chúng ta, người Sài Gòn đón Tết cũng rất khác với mọi vùng quê khác.
Ở Sài
Gòn, không khí Tết thể hiện rõ nhất ở những không gian công cộng như Đường hoa
Nguyễn Huệ, Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Chợ hoa công viên Tao Đàn…, Những con đường
trang hoàng lộng lẫy để đón Tết như ở đường Lê Duẩn, đường Lê Lợi, đường Nam Kỳ
Khởi Nghĩa... Có đi trên những con đường này buổi tối vào mỗi dịp Tết, các bạn
mới thấy hết sự rực rỡ và lộng lẫy của nó. Trong sắc màu lấp lánh huyền ảo của
không gian tràn ngập ánh sáng, lòng người bỗng xúc động và thấy tươi vui hẳn
lên trước một mùa xuân đang tràn về trên mỗi góc phố thân quen. Ngày Tết, người
Sài Gòn đổ về đường hoa Nguyễn Huệ để thưởng ngoạn hoa xuân đã thực sự trở
thành một nét đẹp văn hóa truyền thống suốt hàng chục năm nay. Đến mức có người
nói Ở Sài Gòn nếu không có đường hoa thì sẽ bất thành Tết, chưa đi đường hoa
coi như chưa đón Tết.
Ngày
Tết, ở chợ bán lá dong và các vật liệu phục vụ người dân làm bánh chưng, bánh
tét trên đường Cách mạng tháng tám, chợ Phạm Văn Hai, chợ Ông Tạ... cũng tấp
nập người mua sắm để có một nồi bánh chưng do mình tự làm, tự nấu như một nét
văn hóa cổ truyền còn sót lại đâu đây ở một bộ phận gia đình có tâm hồn hoài cổ
giữa một thành phố hiện đại. Chiều và đêm 30 Tết, đi dọc đường Trường Chinh và
Cách mạng tháng Tám bạn sẽ thấy thấp thoáng những nồi bánh chưng đang đỏ lửa
bằng bếp củi hoặc bếp than. Một khung cảnh khiến những người xa quê rất dễ mủi lòng.
Đi
trên những con đường Sài Gòn ngày áp Tết, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình
ảnh những chậu hoa các loại được người dân mua từ các chợ hoa chở về trên những
chiếc xe máy, trên xe 3 bánh, xe ô tô... khiến lòng người lữ khách thêm xao xuyến.
Cũng
vì thế mà đã từ nhiều năm nay, người Sài Gòn hầu như ít khi nói đến chữ ăn Tết
mà chủ yếu là nói về chuyện chơi Tết. Ngược lại với một bộ phận ít ỏi đón Tết
theo kiểu truyền thống, đa số người Sài Gòn đón Tết khá đơn giản. Chiều làm
việc cuối cùng để nghỉ Tết, trên đường về nhà, nhiều người tạt vào siêu thị và
chỉ vài tiếng đồng hồ, việc mua sắm cho Tết
đã hoàn tất. Họ cũng không muốn mua sắm nhiều vì dễ bị dôi dư sau
Tết.
Việc
trang trí Tết trong gia đình của người Sài Gòn cũng rất giản dị. Có khi chỉ một
bình hoa, một chậu mai, chậu cúc nhỏ đặt ở góc nhà. Thế là đã đủ cho 3 ngày
Tết.
Ngày
Tết ở Sài Gòn những đường phố trở nên vắng người xe đi lại, nhất là vào sáng
mùng một Tết vắng vẻ khác thường bởi trước Tết một tuần, thành phố đã giảm mất hơn
2 triệu người lên đường về quê ăn Tết.
Ngày Tết ở Sài Gòn người ta cũng ít đi lại thăm hỏi chúc Tết nhau mà sử
dụng các phương tiện công nghệ như gọi điện thoại, nhắn tin, hoặc sử dụng mạng
xã hội Facebook, Zalo… thậm chí là cả phương thức live stream trên facebook để
chúc Tết nhau theo kiểu của thời đại công nghiệp 4.0.
Bên
cạnh những người bám trụ lại thành phố, tham gia đón Tết ở những không gian
công cộng thì những năm gần đây, một bộ phận người Sài Gòn đã tranh thủ những
ngày nghỉ Tết để đi du lịch đến những vùng đất nổi tiếng trong và ngoài nước.
Những khu nghỉ dưỡng như Đà Lạt, Vũng Tàu, Mũi Né… được nhiều gia đình lựa chọn
cho kì nghỉ Tết.
Rõ
ràng là ngày nay Tết ở Sài Gòn, người Sài Gòn không còn là để “ăn” nữa như ta
vẫn nói xưa nay là “ăn Tết” mà đã trở thành dịp để vui chơi, nghỉ ngơi sau một
năm miệt mài làm việc kiếm sống. Vì thế mà đón Tết ở Sài Gòn nên nói là chơi
Tết hoặc nghỉ Tết. Chơi và Nghỉ là hoạt động chủ yếu của người dân SG ngày nay
trong mỗi dịp Tết, nhất là hiện nay khi mà thời gian nghỉ Tết đang có xu hướng
kéo dài đến hàng tuần, thậm chí là hàng chục ngày.
Khi
nói đến sự vượt trội của cách sống hiện đại cũng là khi ta nói đến sự mất dần
và quên lãng của yếu tố truyền thống. Nếu ở miền quê, ngày Tết là dịp để sum
họp thì ở SG, Tết có thể là sự ra đi, đi du lịch, đi nghỉ dưỡng đó đây, thậm
chí là cả đi trốn Tết để tránh sự mệt mỏi. Trẻ em ở TP Sài Gòn khi học đến câu
đối nổi tiếng trong sách giáo khoa: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ; Cây nêu tràng
pháo bánh chưng xanh” chắc chắn sẽ khó mà hình dung ra được những hình ảnh
nhiều màu sắc và ấm cúng được thể hiện trong câu đối xưa.
Đúng
là cái gì cũng có tính 2 mặt của nó. Cứ một cái được lại kèm theo một cái mất.
Vấn đề là cái được đang ngày càng trở thành một xu thế vì nó rất phù hợp với
phong cách sống hiện đại của người Sài Gòn. Trong lúc cái mất đi chỉ còn là sự
tiếc nuối trong dĩ vãng.
cái tết rất vui
Trả lờiXóa