Ít có tập truyện ngắn nào khiến tôi phải đọc một lèo từ đầu đến cuối như Tám phút mười chín giây(*) của cây bút nữ xứ trầm hương Chế Diễm Trâm. Mười lăm truyện ngắn được in trong tập là mười lăm câu chuyện tình được kể bằng một giọng điệu nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu lắng. Và truyện nào cũng để lại cho bạn đọc những ngẫm nghĩ về tình người, tình đời.
Tập truyện ngắn “Tám phút mười chín giây” của Chế Diễm
Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2020
Ngay từ truyện ngắn mở
đầu, Mép nước, cứ tưởng như tác giả
chỉ kể lại những kí ức tuổi thơ, một tuổi thơ không giàu có nhưng sang trọng,
êm đềm và đẹp đẽ. Nhân vật chính là một cô bé con sinh ra trong một gia đình hiếu
học, có ông bố giỏi tiếng Anh và rất nghiêm khắc với con cái. Nhà nghèo không
có của cải để lại cho con cái nhưng ông đã truyền hết vốn liếng chữ nghĩa cho
con. Đó hẳn là một tuổi thơ đẹp và không dễ có. Chuyện tưởng có thể dừng lại ở
đấy cũng đã đủ để lọn nghĩa. Thế nhưng kết thúc của Mép nước lại là một câu chuyện tình dang dở. Hai người trẻ yêu
nhau, sóng bước đêm trên bờ biển. Nàng chỉ chờ nghe chàng thốt vào tai mình ba
tiếng “Anh yêu em” là sẽ có ngay một cuộc tình dọn sẵn. Nhưng điều đó đã không
đến. Giống như hình ảnh một người hăm hở chạy ra biển chỉ thiếu nước nhảy ùm xuống
biển bơi lặn cho thỏa thích nhưng rồi người đó chỉ dừng lại ở mép nước. “Có những
giới hạn của số phận, của cuộc đời làm người ta phải từ bỏ hết, kể cả những giọt
nước mắt dào lên mặn đắng...” Cái kết đầy chất triết lí ấy của câu chuyện đã
nói lên tất cả.
Và câu chuyện mở đầu ấy
của Tám phút mười chín giây đã như một
định mệnh ám vào mười bốn câu chuyện tình còn lại. Chuyện nào cũng nói về tình
yêu, rất đẹp, rất mộng mơ nhưng để rồi chỉ dừng lại ở cái “mép nước” của nó mà
không đi đến cái gọi là hạnh phúc của hôn nhân và gia đình. Điều này khiến tôi
nhớ về một bài tình ca bolero quen thuộc: Tình
chỉ đẹp khi còn dang dở. Tôi đồ rằng đây là một chủ ý rất mạnh mẽ của tác
giả đã viết nên những câu chuyện trong Tám
phút mười chín giây.
Đó là những câu chuyện
kể mà hầu như không có cốt truyện. Nhưng mỗi tình tiết, mỗi mạch truyện đều được
tác giả cân nhắc rất kĩ lưỡng. Bởi thế mỗi truyện ngắn của Chế Diễm Trâm trong Tám phút mười chín giây hiện lên như một
cô gái có vẻ đẹp dịu dàng và quyến rũ. Cô gái đó trang điểm rất kĩ càng và khéo
léo đến mức mọi người nhìn vô cứ tưởng đó là vẻ đẹp mộc mạc tự nhiên. Trang điểm
mà như không trang điểm, ấy là sự kì tài của một cô gái đẹp.
Người ta thường cho rằng
mỗi câu chuyện tình dang dở thường để lại những xót xa và nuối tiếc. Nhưng những
câu chuyện tình kiểu “mép nước” của Chế Diễm Trâm đã để lại cho bạn đọc một dư
vị ngọt ngào và sâu lắng. Ế là một
câu chuyện như vậy. Cố gái tên Ngân có một mối tình đẹp với anh chàng tên
Phương. Mối tình sinh viên trong sáng vô ngần ấy đã dừng lại chỉ vì cha mẹ
Phương chê chàng trai quê xa và nghèo túng. Phương trở thành một cô gái ế suốt
từ thời phổ thông qua cả thời đại học. Đi làm cô lại đem lòng yêu người sếp của
mình. Nhưng người đàn ông này dù đang rất cô đơn vẫn đang có đầy đủ vợ con. Người
sếp biết Phương yêu mình và anh cũng rất yêu Phương. Nhưng nhân cách của một
người đàn ông chân chính không cho phép anh đi quá giới hạn với Phương dù cô rất
sẵn lòng. 30 tuổi, và Phương vẫn ế và chưa một lần mở lòng với bất cứ chàng
trai nào. Đó là một love story nhiều kịch tính. Bạn đọc dõi theo số phận tình
yêu của cô và cuối cùng đã thở phào vì cô không dấn sâu vào bi kịch tình yêu với
người sếp. Thà mình ế còn hơn là trở thành tiểu tam để làm tan vỡ một gia đình.
Không lấy chồng thì đã sao. Huống chi trên mạng các cô gái ế vẫn hát: Ế là một
xu thế.
Và cái love story nhiều
drama ấy vẫn đẹp.
Câu chuyện lấy đi nhiều
nước mắt độc giả trong Tám phút mười chín
giây có lẽ là Bìm bìm mãi tím. Chuyện
kể về một mối tình thời sinh viên sâu đậm của một chàng trai Sài Gòn với một
thiếu nữ Đà Lạt. Họ gặp nhau và đã cùng yêu nhau mà chưa kịp ngỏ lời. Rồi họ xa
nhau và vô cùng tương tư nhau. Chàng trai ra nước ngoài du học để lại thiếu nữ
mòn mỏi đợi chờ với những dải hoa bìm bìm tím biếc như những cái chuông nhỏ
treo giữa trời Đà Lạt. Khi chàng trai (đã có gia đình) từ nước ngoài tìm đường
về Đà Lạt để mong muốn được một lần nhìn lại bóng hình người yêu cũ thì cô gái
đã đi rất xa vì một vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng. Chàng trai khóc cho mối
tình đầy ân hận của mình và độc giả khóc cho bi kịch của một câu chuyện tình rất
đẹp.
Một lần nữa chân lí Tình chỉ đẹp khi còn dang dở lại có thêm
đất sống.
Đọc Tám phút mười chín giây độc giả sẽ nhận
thấy tác giả Chế Diễm Trâm chịu ảnh hưởng sâu sắc cách cách viết và lối dựng
truyện của dòng văn học lãng mạn miền Nam trước 1975. Đó là những truyện ngắn
tình yêu tuổi học trò và thời sinh viên thơ mộng dưới khung trời đại học với
cách viết có nhiều sáng tạo, nhất là lối viết văn dựng truyện như tranh
vẽ. Đây là một thành công nữa của Chế Diễm Trâm ở thể loại truyện ngắn, bởi trước
Tám phút mười chín giây chị đã khá thành công với
mảng viết nghiên cứu, phê bình văn học qua chuyên luận Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng (2015) và Những ô cửa nhìn ra vườn văn (2017).
Là một cây bút nữ cũng là
một giáo viên văn lâu năm và nhiều kinh nghiệm, Tám phút mười chín giây được Chế Diễm Trâm viết theo một phong cách
kể chuyện sâu lắng và đầy nữ tính. Trong kể chuyện, chị chú ý đến những tình tiết
tưởng như rất nhỏ để từ đó làm bật nổi lên một ý nghĩa lớn. Truyện ngắn cuối cùng của tập truyện, Tám phút mười chín giây là một ví dụ tiêu biểu. Từ kiến thức vô
tình về một bộ phim tài liệu khoa học phát trên ti vi: Ánh sáng mặt trời phải cần
tám phút mười chín giây để đi đến trái đất. Vậy khi mặt trời vụt tắt thì tám
phút mười chín giây sau đó trái đất sẽ ra sao? Và trong cái thời khắc rất ngắn
ngủi đó, mỗi cá nhân và toàn thể nhân loại sẽ làm gì? Chỉ với ý tưởng đó, Chế
Diễm Trâm đã dựng lên một truyện ngắn với nhiều tiếng cười lạc quan, yêu đời,
yêu người và yêu cuộc sống. Câu chuyện kết thúc của tập truyện đã làm sáng lên
một triết lí sống tích cực, một nhân sinh quan chứa đựng nhiều năng lượng sống.
Nó nói lên rằng dù cuộc đời còn nhiều nỗi buồn đau nhưng không vì thế mà con
người thôi yêu cuộc đời và thôi yêu nhau. Bởi con người ta không thể sống mà
thiếu cơm gạo nhưng cũng không chỉ sống vì cơm gạo, mà tình yêu cũng chính là một
nguồn năng lượng sống của con người. Có lẽ vì thế mà tên của truyện ngắn cuối
cùng này đã được tác giả lấy làm tên chung cho cả tập truyện.
Gấp lại trang sách cuối
cùng của Tám phút mười chín giây, bạn
đọc cũng có thể mường tượng ra con người tác giả, một cây bút nữ xứ trầm hương
dịu dàng mà mãnh liệt, mỏng manh mà tinh tế. Người phụ nữ ấy có thể suốt đời dừng
lại ở “mép nước” nhưng chị vẫn luôn khát khao được sống trọn vẹn với tình yêu.
(*) Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020
Link xuất bản:
https://vanhocsaigon.com/tam-phut-muoi-chin-giay-hay-tinh-chi-dep-khi-con-dang-do/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới