Sau mỗi chuyến tốc hành
ta ngược đường bay tìm về ngọn gió biển tuổi thơ
là hai câu thơ đầu tiên
đập vào mắt tôi khi lật đọc bản trường ca Bước
gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng. Sau nửa đời người phiêu bạt, trở về
quê hương, trở về với quá khứ tuổi thơ nơi vùng đất Phú Yên đầy nắng và gió với
một lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng đã được tác giả lấy làm chủ đề chính
của trường ca Bước gió truyền kỳ. Bởi
ở Phú Yên cũng như trên suốt dải đất duyên hải miền Trung và suốt dọc chiều dài
đất nước ta, mỗi bước chân đi hôm nay đều có thể dẫm lên những vết tích lịch sử
oai hùng của một thời người Việt đi mở cõi.
Với hơn 40 trang in khổ
lớn, Bước gió truyền kỳ được Phan
Hoàng chia làm 3 phần. Phần I: Gió tiếp sức ước mơ, Phần II: Bước gió truyền kỳ, Phần III: Gió dựng thành lũy biên cương và kết
thúc bằng phần Vĩ thanh: Những cơn vượt
thoát sinh tồn vĩ đại. Như vậy có thể thấy gió trong trường ca này của Phan Hoàng đã trở thành một hình tượng
văn học xuyên suốt và làm nên linh hồn của tác phẩm.
Nhà thơ Phan Hoàng từng chia sẻ: Nguồn cảm hứng của anh khi
sáng tác trường ca Bước gió truyền kỳ
trong 15 năm bằng một thi pháp khác biệt, khi anh lấy ngọn gió làm trung tâm để
viết về hành trình mở cõi giữ nước của cha ông. Vốn sinh ra ở vùng đất Phú Yên
một thời là vùng trấn biên của đất nước đã làm nên chất liệu khởi đầu cho trường
ca của Phan Hoàng.
Ngay ở phần Mở đầu của
trường ca, Phan Hoàng đã có lời đề từ bằng hai câu thơ rất hào sảng:
Người từ ngàn năm người quên tên tuổi
Bỗng gió theo về bỗng gió bay đi
Trong cái không gian
nghệ thuật phóng khóang ấy, với Phan Hoàng nếu chỉ dừng lại ở một bài thơ là
không đủ. Vì thế anh phải tìm đến với trường ca. Và Bước gió truyền kỳ đã ra đời như thế. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã rất có
lí khi viết: "Khi thơ trữ tình muốn trình bày những suy cảm về những vận động
lớn lao, thậm chí, kỳ vĩ của đời sống bằng một hình thức lớn, khi ấy trường ca
xuất hiện. Nói gọn hơn, khi thơ trữ tình muốn chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái
kỳ vĩ thì trường ca bắt đầu lên tiếng". Với Phan Hoàng, Bước gió truyền kỳ ra đời là để kể về một
lịch sử hào hùng của các bậc tiền nhân thuở đi mở cõi từ những nghìn năm trước.
Và phải là một người rất tự hào, rất yêu quê hương xứ sở của mình mới viết được
những câu thơ như Phan Hoàng:
Tuổi thơ ta hồn nhiên bao câu hỏi
Hồn nhiên như ngọn gió hồn nhiên
Tung tăng cuốc kêu dế gáy chim ca
Cóc nhái gọi sấm gọi chớp gọi mưa
Gọi cả nỗi buồn giấc mơ lấm lem bùn đất
Giao hưởng đồng quê hòa quyện lời ru ôm lấy xóm làng
Đó là chất trữ tình đậm
đặc trong thơ Phan Hoàng thể hiện rõ nhất ở trường ca này. Chất trữ tình mạnh mẽ
đến mức lấn át ngay cả những khi tác giả muốn dùng chất liệu tự sự để thể hiện
được nhiều hơn nội dung muốn chuyển tải của tác phẩm.
Trong sáng tạo nghệ
thuật thi ca, các nhà thơ vẫn gặp trường hợp khi tự sự bất lực thì trữ tình lên
tiếng, nhưng trong Bước gió truyền kỳ chất trữ tình đã giúp
cho yếu tố tự sự vốn có của trường ca thêm bay bổng. Trong chương III của Phần
I tác giả đã dùng thể tự sự để kể về cuộc trò chuyện giữa gió và núi:
Gió hỏi:
- Núi đứng một mình núi có buồn không?
Núi tỏ ra sành địa lý:
- Dưới chân núi là Vũng Rô của Biển Đông như cô gái
đương thì kiêu sa và xa xa phía tây là đồng bằng Tuy Hòa châu thổ sông Ba lúc
màu mỡ phù sa lúc ầm ào thác lũ.
Đó chính là điều mà
trong lí luận văn học đã nói: Nhà nghệ sĩ đã lấy tự sự để trữ tình, nhưng cuối
cùng trữ tình vẫn thắng thế.
Còn những câu thơ văn
xuôi đã được tác giả rất gọt giũa sau đây thì hiện lên như một bức tranh về núi
đồi và biển cả hùng vĩ:
Con đường xuyên sơn ngoằn ngoèo đèo Cả âm vang
bước chân, vó ngựa, chiến xa vệ quốc oai hùng. Núi vui thú cây cỏ chim muông,
núi mê mải ngắm các cô thiếu nữ.
Cái cách tả cảnh
thiên nhiên hùng vĩ ấy chỉ có thể có ở đất và người của Phú Yên đầy nắng và gió.
Một trong những điểm
nhấn của Bước gió truyền kỳ mà tác giả đã dày công
vun đắp là nêu bật tấm gương của các bậc anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng
nước và giữ nước để từ đó khuyếch trương vị thế đất nước. Đó là những cái tên
đã thành huyền thoại của dân tộc như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Lê Thánh Tôn, Huyền
Trân, Nguyễn Hoàng, Lương Văn Chánh, Nguyễn Hữu Cảnh... mỗi cái tên ấy là một
bước gió vĩ đại trong sự nghiệp hàng ngàn năm ông cha ta đã không ngừng mở mang
bờ cõi. Hãy đọc to lên những câu thơ mang đậm hào khí Đông A trong Phần II của
tác phẩm để thấy được phẩm chất vừa anh hùng vừa nghệ sĩ của những bậc vĩ nhân
của lịch sử nước Việt:
Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân
Tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc
...
Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn
Lưng kiếm túi thơ
...
Bước gió Nguyễn Hoàng
Bước gió Lương Văn Chánh
Bước gió Nguyễn Hữu cảnh
...
Chính những tên tuổi
lừng danh đó đã làm nên những bước gió
mở đường để tạo nên hình hài đất nước ngày nay. Đó là những bước gió thần kỳ và
liên tục được tiếp nối hết thời đại này sang thời đại khác của lịch sử nước Việt.
Và đó cũng chính là ý nghĩa làm nên tên gọi của trường ca Bước gió truyền kỳ. Có lẽ cũng vì thế mà đã có một thời gian dài thể
loại trường ca được đồng nghĩa với sử thi, anh hùng ca mà Bước gió truyền kỳ có thể xem là một minh chứng.
Nhà thơ Phan Hoàng
Tuy nhiên, trong lịch
sử phát triển của văn học hiện đại, nghĩa của khái niệm trường ca đang ngày
càng được mở rộng và tạo nên nhiều thể loại trường ca. Xét về nội dung
và đề tài thì ngoài trường ca anh hùng (anh hùng ca) còn có trường ca giáo huấn,
trường ca châm biếm, trường ca có cốt truyện lãng mạn, trường ca mang tính kịch
- trữ tình. Với quan niệm ấy, xét trong chỉnh thể tác phẩm, Bước gió truyền kỳ là bản trường ca
mang âm hưởng chủ đạo của sử thi và anh hùng ca.
Thông thường các nhà
thơ khi đã vững vàng ngọn bút, tự thấy mình đã nạp đủ năng lượng và để khẳng định
một đỉnh cao trong sự nghiệp thường tìm đến với thể loại trường ca. Nước non ngàn dặm của Tố Hữu, Mặt
đường khát vọng của Nguyễn
Khoa Điềm, Bài ca chim chrao của Thu
Bồn, Đường tới thành phố của
Hữu Thỉnh, Những người đi tới biển và Khối
vuông rubich của Thanh Thảo, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc) của Nguyễn Trọng Tạo, Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu... là những cột mốc như thế.
Vì thế mà có thể xem mỗi bản trường ca ra đời như là một tượng đài mà các nhà
thơ đã dựng nên để tạo một đỉnh cao cho sự nghiệp sáng tác của mình. Đến lượt
mình, Phan Hoàng cũng kịp cho ra đời cột mốc cho sự nghiệp của anh qua trường
ca Bước gió truyền kỳ. Viết tác phẩm
này, Phan Hoàng đã khẳng định độ chín của anh với tư cách là một nhà thơ. Độ
chín ấy bao gồm kinh nghiệm sáng tác, vốn sống, cảm hứng sáng tạo và một bút lực
dồi dào. Cái mà mọi người vẫn gọi là trường vốn và trường sức trong nghề nghiệp.
Bởi thế mà đọc Bước gió truyền kỳ, lật
bất cứ trang nào bạn đọc cũng dễ dàng tìm thấy những câu thơ hào sảng, mênh
mang đủ sức lột tả và chuyển tải hết những điều tác giả muốn nói:
Gió ngược phương ta năm eo duyên hải
Gió xuôi chiều em chín khúc sông rồng
Đường gió minh mang tình tang đồng bằng
Rực đỏ vùng phù sa
Nóng chảy dòng xích đạo
Nói thật, tôi đã lấy làm ngạc nhiên khi thấy Phan
Hoàng đưa được những từ như “năm eo” (cách nói nôm na chỉ vùng đất các tỉnh miền
trung Trung Bộ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa),
“tình tang” vào câu thơ của mình một cách mượt mà, nhuần nhuyễn và tự nhiên như
vậy.
Sự nhuần nhuyễn và tự nhiên mà rất dụng công ấy
đã mang lại cho Bước gió truyền kỳ một
phong cách nghệ thuật đạt đến đỉnh cao trong bút pháp của tác giả. Đọc thơ Phan
Hoàng thấy lịch sử dân tộc Việt Nam trải dài suốt mấy nghìn năm là một lịch sử
đầy tự hào và tương lai vẫn sẽ như thế.
Khi lịch sử gồng mình trước trước những cơn bão lớn
Mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương
Với Bước gió truyền kỳ, Phan Hoàng đã đi từ hình tượng nghệ thuật gió để tạo dựng nên hình tượng nghệ thuật đất nước. Đó là một thành công lớn của anh trong bản trường ca này.
Link XB: https://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/buoc-gio-truyen-ky-mot-dinh-cao-tho-ca-cua-phan-hoang-3422702/?fbclid=IwAR24GTGcVjBjimBwryKV8SXzTmTkxib16OytjYy8p1txgfz368bJf_3H9DM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có nhận xét mới