29 tháng 11, 2020

Tô phở thời sinh viên (Bài đăng trên báo Nghệ An, 28-11-2020)

Đó là cái thời những năm sau chiến tranh chống Mĩ, tôi đang là sinh viên theo học ở trường Đại học Sư phạm Vinh. Khỏi phải nói về vô vàn những sự khó khăn, thiếu thốn và đói khổ khi đó. Áo quần không cần đẹp chỉ cần lành lặn, ăn không cầu ngon chỉ cần no.

Thế nhưng giữa cơn tăm tối triền miên của cái thời bao cấp ấy, những ngày tháng sinh viên của tôi vẫn thỉnh thoảng lóe lên một đốm sáng.

Từ trường tôi đi về phía phà Bến Thủy (bây giờ là cầu Bến Thủy) khỏang một cây số có một quán phở ngon nổi tiếng: Phở bà Bốn. Một quán phở ngon nhưng quy mô nhỏ thôi và không nhiều khách ăn dù mỗi bát chỉ có giá ba hào bạc (hào: cái đơn vị tiền tệ mà ngày nay lứa tuổi từ 9X trở về sau hầu như không biết, mười xu thành một hào, mười hào thành một đồng). Đơn giản thôi vì ngày đó không phải ai cũng dám hoang phí bỏ ra ba hào bạc để ăn một tô phở. Bạn cứ hình dung ở cửa hàng ăn uống quốc doanh Bến Thủy bên kia đường đối diện phở bà Bốn, một bát cháo bò hoặc một cái bành mì to có giá chỉ một hào là đủ biết ba hào nó giá trị như thế nào.

Như ở lớp tôi thường chỉ những sinh viên là cán bộ, giáo viên cấp hai đi học hoặc bộ đội xuất ngũ được hưởng lương và phụ cấp kha khá thì mới có thể âm thầm mỗi tuần thưởng thức phở bà Bốn một lần. Tôi là một trong số đó, là bộ đội xuất ngũ nên một tháng có 36 đồng phụ cấp, sống vung vinh hơn chút xíu so với các bạn sinh viên trơn chỉ có 18 đồng học bổng một tháng.

Sáng chủ nhật, tôi và vài bạn bè rủ nhau tung tăng đến phở bà Bốn. ở quán này, chủ và khách thường không phải nói gì với nhau vì bà Bốn chỉ bán một loại duy nhất là phở chín. Khách vào quán tự tìm chỗ ngồi, nhân viên quán bưng bê cho khách chính là ông chồng của bà chủ quán.

Tô phở bà Bốn ngày ấy không to, không nhiều thịt nhưng biết chúng tôi là sinh viên đang tuổi ăn, bà thương tình nên thường cho thêm bánh phở nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ăn no của tuổi trẻ. Tô phở bà Bốn có nước phở trong, rắc ít hành lá thái vụn, hoàn toàn theo phong cách phở Bắc, nghĩa là không có rau giá hay tương các loại như bây giờ.

Ấy vậy mà những năm tháng đó được ăn một tô phở như thế là cả một sự xa xỉ.

Chúng tôi vừa hít hà hương thơm rất dậy mùi của tô phở vừa nắn nót vắt thêm múi chanh, cho thêm vài lát ớt chín đỏ, trộn cho đều lên rồi thận trọng húp những muỗng nước phở đầu tiên. Đó thực sự không phải là một phong cách lịch lãm trong thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc mà chẳng qua chỉ là một kiểu ăn dè của con nhà nghèo. Ăn nhanh quá hết uổng. Sức trai tuổi hai mươi như tôi ngày đó ăn xong tô phở bà Bốn chưa thể cảm thấy sự no nê mà thú thiệt, cả cái miệng và cái bụng vẫn còn rất thèm thuồng. Nếu có tiền, tôi có thể ăn bay một lúc ba tô phở như thế.

Nhưng đó chỉ là mơ ước.


Thầy Hiệu trưởng của trường tôi ngày đó, GS Phạm Qúy Tư, cũng là một khách ăn quen thuộc của phở bà Bốn (sau này thầy chuyển ra Hà Nội làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội).

Mỗi tuần GS Tư cũng đến đó ăn phở một lần vào sáng chủ nhật. Chỉ khác là thầy đi bằng cái xe đạp Liên Xô thầy mang ở Nga về còn chúng tôi đi bộ. Là giáo sư vật lý và rất hài hước, có lần thầy nói với chúng tôi ăn phở bà Bốn không chỉ thuần túy là ăn mà đó là một quá trình nạp thêm năng lượng, và mỗi tô phở bà Bốn có sức mạnh như một hạt nơtron trong bom nguyên tử.

Riêng tôi thì thấy mỗi lần ăn phở bà Bốn về, đầu óc tỉnh táo minh mẫn hẳn ra và học rất vào. Học đến đâu nhớ đến đấy. Có lẽ nhờ thỉnh thoảng ăn phở bà Bốn mà tôi học hành và tốt nghiệp đại học một cách rất trôi chảy.

Sau này ra trường đi làm, sống ở nhiều thành phố lớn, cuộc sống khá hơn, tôi đã được ăn phở ở những quán nổi tiếng, thơm ngon và hoành tráng hơn nhiều so với tô phở giản dị của bà Bốn nhưng chưa có tô phở ở đâu khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ và có nhiều cảm xúc như khi ăn phở bà Bốn phường Bến Thủy TP Vinh của những năm tháng sinh viên.

 Tô phở ngon ngày nay dù rất thơm ngon vẫn không quên được tô phở bà Bốn thời sinh viên nghèo đói

 Đó là cái thời những năm sau chiến tranh chống Mĩ, tôi đang là sinh viên theo học ở trường Đại học Sư phạm Vinh. Khỏi phải nói về vô vàn những sự khó khăn, thiếu thốn và đói khổ khi đó. Áo quần không cần đẹp chỉ cần lành lặn, ăn không cầu ngon chỉ cần no.

Thế nhưng giữa cơn tăm tối triền miên của cái thời bao cấp ấy, những ngày tháng sinh viên của tôi vẫn thỉnh thoảng lóe lên một đốm sáng.

Từ trường tôi đi về phía phà Bến Thủy (bây giờ là cầu Bến Thủy) khỏang một cây số có một quán phở ngon nổi tiếng: Phở bà Bốn. Một quán phở ngon nhưng quy mô nhỏ thôi và không nhiều khách ăn dù mỗi bát chỉ có giá ba hào bạc (hào: cái đơn vị tiền tệ mà ngày nay lứa tuổi từ 9X trở về sau hầu như không biết, mười xu thành một hào, mười hào thành một đồng). Đơn giản thôi vì ngày đó không phải ai cũng dám hoang phí bỏ ra ba hào bạc để ăn một tô phở. Bạn cứ hình dung ở cửa hàng ăn uống quốc doanh Bến Thủy bên kia đường đối diện phở bà Bốn, một bát cháo bò hoặc một cái bành mì to có giá chỉ một hào là đủ biết ba hào nó giá trị như thế nào.

Như ở lớp tôi thường chỉ những sinh viên là cán bộ, giáo viên cấp hai đi học hoặc bộ đội xuất ngũ được hưởng lương và phụ cấp kha khá thì mới có thể âm thầm mỗi tuần thưởng thức phở bà Bốn một lần. Tôi là một trong số đó, là bộ đội xuất ngũ nên một tháng có 36 đồng phụ cấp, sống vung vinh hơn chút xíu so với các bạn sinh viên trơn chỉ có 18 đồng học bổng một tháng.

Sáng chủ nhật, tôi và vài bạn bè rủ nhau tung tăng đến phở bà Bốn. ở quán này, chủ và khách thường không phải nói gì với nhau vì bà Bốn chỉ bán một loại duy nhất là phở chín (còn gọi là phở nạm). Khách vào quán tự tìm chỗ ngồi, nhân viên quán bưng bê cho khách chính là ông chồng của bà chủ quán.

Tô phở bà Bốn ngày ấy không to, không nhiều thịt nhưng biết chúng tôi là sinh viên đang tuổi ăn, bà thương tình nên thường cho thêm bánh phở nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu ăn no của tuổi trẻ. Tô phở bà Bốn có nước phở trong, rắc ít hành lá thái vụn, hoàn toàn theo phong cách phở Bắc, nghĩa là không có rau giá hay tương các loại như bây giờ.

Ấy vậy mà những năm tháng đó được ăn một tô phở như thế là cả một sự xa xỉ.

Chúng tôi vừa hít hà hương thơm rất dậy mùi của tô phở vừa nắn nót vắt thêm múi chanh, cho thêm vài lát ớt chín đỏ, trộn cho đều lên rồi thận trọng húp những muỗng nước phở đầu tiên. Đó thực sự không phải là một phong cách lịch lãm trong thưởng thức món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc mà chẳng qua chỉ là một kiểu ăn dè của con nhà nghèo. Ăn nhanh quá hết uổng. Sức trai tuổi hai mươi như tôi ngày đó ăn xong tô phở bà Bốn chưa thể cảm thấy sự no nê mà thú thiệt, cả cái miệng và cái bụng vẫn còn rất thèm thuồng. Nếu có tiền, tôi có thể ăn bay một lúc ba tô phở như thế.

Nhưng đó chỉ là mơ ước.

Thầy Hiệu trưởng của trường tôi ngày đó, GS Phạm Qúy Tư, cũng là một khách ăn quen thuộc của phở bà Bốn (sau này thầy chuyển ra Hà Nội làm Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội).

Mỗi tuần GS Tư cũng đến đó ăn phở một lần vào sáng chủ nhật. Chỉ khác là thầy đi bằng cái xe đạp Liên Xô thầy mang ở Nga về còn chúng tôi đi bộ. Là giáo sư vật lý và rất hài hước, có lần thầy nói với chúng tôi ăn phở bà Bốn không chỉ thuần túy là ăn mà đó là một quá trình nạp thêm năng lượng, và mỗi tô phở bà Bốn có sức mạnh như một hạt nơtron trong bom nguyên tử.

Riêng tôi thì thấy mỗi lần ăn phở bà Bốn về, đầu óc tỉnh táo minh mẫn hẳn ra và học rất vào. Học đến đâu nhớ đến đấy. Có lẽ nhờ thỉnh thoảng ăn phở bà Bốn mà tôi học hành và tốt nghiệp đại học một cách rất trôi chảy.

Sau này ra trường đi làm, sống ở nhiều thành phố lớn, cuộc sống khá hơn, tôi đã được ăn phở ở những quán nổi tiếng, thơm ngon và hoành tráng hơn nhiều so với tô phở giản dị của bà Bốn nhưng chưa có tô phở ở đâu khiến tôi ấn tượng mạnh mẽ và có nhiều cảm xúc như khi ăn phở bà Bốn phường Bến Thủy TP Vinh của những năm tháng sinh viên.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có nhận xét mới